Việc cung cấp nguồn dinh dưỡng cho phụ nữ sau sinh luôn được nhiều gia đình chú ý. Tuy nhiên bạn đã thực sự biết rõ những thực phẩm nào là cần thiết? Bà đẻ ăn gì mát sữa để tăng cường sức đề kháng cho con? Hãy cùng nhà thuốc online ITP Pharma tìm hiểu những thông tin trên.
1, Mát sữa là gì? Làm sao để biết sữa mẹ mát?
Trên thực tế không có khái niệm khoa học về mát sữa. “Mát sữa” là cụm từ truyền miệng để chỉ những bà mẹ mới sinh con có sữa nhanh, giúp con sớm được cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
Sữa mẹ được chứng minh là nguồn dinh dưỡng phù hợp nhất dành cho trẻ sơ sinh, sữa mẹ cung cấp cho bé năng lượng và sức đề kháng cần thiết cho những tháng đầu mới chào đời. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tắc sữa, mất sữa ngày càng nhiều khiến các bà mẹ lo lắng. Vậy câu hỏi được đặt ra là sau khi đẻ bao lâu sẽ có sữa? Sau bao lâu không có sữa thì cần đến các biện pháp can thiệp giúp sữa về?
Thời gian và lưu lượng sữa mẹ được khuyến cáo là khác nhau, tùy thuộc vào cơ thể của mỗi người mẹ. Đối với các trường hợp đẻ thường, sữa non thường được bài tiết sau đẻ khoảng 2 giờ nhờ sự thay đổi rõ rệt của nội tiết tố. Tuy nhiên, nếu bạn nằm trong đối tượng được chỉ định đẻ mổ, đẻ non thì thời gian sữa về thường kéo dài hơn so với bình thường, trung bình từ 4-6 giờ sau sinh hoặc nhiều hơn. Nếu quá khoảng thời gian trên mà sữa vẫn chưa về, bạn có thể áp dụng một số biện pháp cơ học giúp hỗ trợ quá trình bài tiết. Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cho mẹ trong thời gian này cũng rất quan trọng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn một số thực phẩm giúp mát sữa và nhiều sữa sau sinh.
2, Bà đẻ nên ăn gì sau sinh để mát sữa
2.1 Các loại rau phụ nữ sau sinh nên ăn để nhiều sữa
Điều chỉnh chế độ ăn nên được phụ nữ chú ý ngay từ khi mang thai, đặc biệt là những tháng cuối thai kỳ, nhằm đem đến sự phát triển toàn diện cho thai nhi. Ngoài ra, các thực phẩm ở giai đoạn cuối thai kỳ và khi mới đẻ còn ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian và lưu lượng sữa mẹ bài tiết.
Khi nhắc đến các thực phẩm giúp hỗ trợ mát sữa, không thể không nhắc đến các loại rau xanh. Có rất nhiều loại rau được khuyên dùng trong giai đoạn này, dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp một số loại rau được khuyến cáo bổ sung cho mẹ đẻ.
Rau ngót
Rau ngót là loại rau không còn xa lạ gì với các bà mẹ trong bữa cơm gia đình, đặc biệt là đối với những phụ nữ mới sinh. Ngay từ xa xưa, rau ngót đã được sử dụng cho bà đẻ, ở Việt Nam hầu như phụ nữ nào cũng được ăn canh rau ngót sau sinh với nhiều công dụng thần kỳ được truyền miệng. Tuy nhiên thực hư về công dụng của rau ngót thì chưa được nhiều người biết đến. Theo đông y, rau ngót là một loại dược liệu có vị ngọt, tính lạnh với công dụng chính là giải nhiệt, hỗ trợ nhuận tràng và bổ máu.
Làm rõ thành phần có trong rau ngót, theo các nghiên cứu cho thấy rau ngót là loại rau thuộc nhóm các rau chứa hàm lượng dinh dưỡng cao. Lá rau ngót chứa rất nhiều khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như: Phospho, Canxi, Sắt và các vitamin khác. Ngoài ra, lá rau ngót còn được chứng minh có chứa một lượng lớn các hợp chất hóa học có khung cấu trúc Sterol, có tác dụng điều hòa nội tiết, giúp mẹ đẻ mát sữa, sữa đến nhanh và đều.
Ngoài ra rau ngót còn được khuyến cáo sử dụng bởi một công dụng đặc hiệu với phụ nữ sau sinh, giúp hỗ trợ làm sạch các dịch tiết, sản dịch. Sản dịch là hiện tượng dịch được sản sinh do niêm mạc tử cung bong trong quá trình chuyển dạ, dẫn đến tồn dư các cục máu đông cũng như các chất nhầy tử cung khác. Theo kinh nghiêm dân gian, việc sử dụng canh rau ngót trong 2-4 tuần đầu tiên sau sinh giúp sản dịch ra nhanh, nhanh chóng dọn sạch chất nhầy tử cung ra khỏi cơ thể. Vì vậy, phụ nữ sau sinh nên bổ sung rau ngót vào bữa cơm của mình để hỗ trợ sạch sản dịch, vừa mát sữa vừa hỗ trợ sức khỏe cho mẹ.
Rau má
Rau má là loại rau không dễ ăn với nhiều người bởi vị đắng nhẹ, tuy nhiên đây lại là loại rau được chỉ định dùng cho các bà mẹ sau sinh nhờ công dụng hỗ trợ mát sữa cho đối tượng này. Với vị hơi đắng, tính hàn, rau má thường được sử dụng với công dụng sát trùng, thanh nhiệt, dưỡng âm. Hơn nữa, đối với những phụ nữ sinh mổ, việc sử dụng rau má còn giúp họ nhanh chóng lành vết thương, hỗ trợ kháng khuẩn tốt.
Tuy nhiên, do vị đắng đặc trưng, thực phẩm này lại không dễ sử dụng đối với nhiều người. Ngoài việc phơi khô và đun thành nước uống, bạn cũng có sử dụng rau má để nấu canh cùng với các loại thịt xay để dễ ăn hơn mà vẫn giữ được tác dụng của nó.
Giá đỗ
Một loại thực phẩm hỗ trợ mát sữa rất gần với chị em phụ nữ sau sinh đó là giá đỗ. Giá đỗ rất giàu dinh dưỡng, với thành phần chứa nhiều nhóm vitamin B, A, PP, C và các axit amin cần thiết cho cơ thể mẹ và bé, vì vậy giá đỗ được khuyến cáo đưa vào trong bữa ăn của mẹ đẻ. Trong đó, các nhà khoa học đã chứng minh vai trò của hoạt chất phytochemicals có trong giá đỗ, hoạt chất này có ý nghĩa lớn với những phụ nữ ít sữa sau sinh nhờ cung cấp hormon Estrogen tự nhiên, điều hòa nội tiết và tăng tiết sữa. Hơn nữa, giá đỗ bổ sung nhiều vitamin cho người sử dụng, điều này giúp mẹ đẻ và trẻ sơ sinh tăng cường sức đề kháng và miễn dịch, giúp mẹ nhanh chóng lấy lại vóc dáng và tái tạo làn da sau mang thai.
Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện hiện tượng sử dụng các hóa chất tăng trưởng để giá đỗ mọc nhanh hơn, điều này có thể gây nên những tác động có hại cho người sử dụng, thậm chí là trẻ sơ sinh do thải trừ qua sữa. Vì vậy một lưu ý quan trọng khi các mẹ sử dụng giá đỗ giúp mát sữa là cần lựa chọn nguồn gốc uy tín, lựa chọn giá đỗ có rễ thân dài để hạn chế những sản phẩm sử dụng hóa chất.
2.2 Ăn trái cây sau sinh giúp mát sữa
Ngoài việc cung cấp nguồn dinh dưỡng trong bữa ăn, hãy bổ sung thêm những loại trái cây dưới đây để tăng cường sức đề kháng cho cả mẹ và bé, đồng thời hỗ trợ mát sữa cho phụ nữ sau sinh.
Cam, quýt…
Trái cây giàu vitamin C như quýt, bưởi, cam… Đây là những loại trái cây giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin C và canxi. Cung cấp những trái cây này có thể giúp bé tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên, phát triển và hoàn thiện hệ xương khớp nhờ các hoạt chất được bài tiết qua sữa mẹ. Tuy nhiên ít ai biết rằng, trái cây họ cam, quýt còn giúp được nghiên cứu có khả năng lợi sữa, mát sữa cho mẹ. Vì vậy việc bổ sung những loại hoa quả này ngay từ khi mang thai có thể giúp phụ nữ mang thai tránh được tình trạng mất sữa, tắc sữa một cách hiệu quả.
Một lưu ý đối với việc sử dụng các sản phẩm trái cây họ Cam mà các mẹ nên chú ý, đó là trong quá trình sử dụng cần cẩn trọng nếu thấy trẻ sơ sinh xuất hiện một số biểu hiện lạ. Ngứa, nổi mẩn, tiêu chảy, nôn mửa là một số triệu chứng có thể xảy ra do bé có cơ địa mẫn cảm với các thành phần có trong các loại trái cây này. Những trường hợp này thường hiếm gặp, thường chỉ xảy ra với những bé có cơ địa đặc biệt. Tuy nhiên để phòng ngừa những tác động xấu, hãy loại bỏ những thực phẩm này ra khỏi chế độ dinh dưỡng cho đến khi hệ tiêu hóa của bé được tốt hơn.
Chuối tiêu
Chuối tiêu là loại hoa quả không còn xa lạ với mọi người, nhắc đến chuối tiêu người ta thường nghĩ đến vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể, đặc biệt là sau khi lao động hay hoạt động thể lực. Sở dĩ như vậy là do trong chuối tiêu có chứa rất nhiều chất xơ, vitamin cần thiết và các khoáng chất. Chính vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo nên bổ sung 1-2 quả chuối mỗi ngày vào thực đơn của phụ nữ sau sinh để hạn chế tình trạng táo bón, ảnh hưởng lớn đến vết mổ sau sinh. Chuối tiêu cũng cung cấp cho cơ thể một lượng sắt cần thiết, giúp hỗ trợ bổ máu cho mẹ, nhất là trong một tháng đầu sau sinh, khi sản dịch và chất nhầy tử cung vẫn tiếp tục bong gây mất một lượng lớn máu.
2.3 Mẹ ăn thịt, cá và các thực phẩm giàu protein giúp con bụ bẫm
Theo nghiên cứu khoa học, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần 15-20% chất đạm trong khẩu phần ăn để có thể phát triển toàn diện. Nguồn chất đạm này được cung cấp chủ yếu qua sữa mẹ. Vì vậy, các bà mẹ cần bổ sung các chất đạm ngay từ chế độ dinh dưỡng của mình để con có đủ dinh dưỡng cần thiết.
Chất đạm có thể được lựa chọn từ nguồn gốc động vật như: Thịt lợn, thịt bò, cá… hay nguồn gốc từ thực vật như: đậu nành, sữa hạt… Việc bổ sung các thực phẩm này là cần thiết đối với phụ nữ sau sinh, giúp các mẹ lợi sữa, mát sữa, tăng cường chất lượng sữa cho trẻ. Ngoài cung cấp chất đạm, các thực phẩm nói trên còn cung cấp một lượng lớn khoáng chất sắt – giúp mẹ nhanh hồi phục sức khỏe, bổ sung máu sau khi sinh. Còn đối với trẻ sơ sinh, chúng thường được dự trữ một lượng sắt có sẵn đủ cho 4-6 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên lượng sắt này chỉ đủ khi phụ nữ trong giai đoạn mang thai cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho cả mẹ và bé, vì vậy việc cung cấp các thực phẩm giàu đạm và sắt nên được chú ý ngay từ giai đoạn thai kỳ.
Hôm nay, nhà thuốc online ITP Pharma mách bạn công thức làm món chân giò hầm đu đủ giúp mẹ mát sữa có thể làm ngay tại nhà:
- Bước 1: Chuẩn bị và sơ chế nguyên liệu bao gồm: chân giò rửa sạch, đu đủ nạo vỏ, thái củ, hành khô, rau thơm rửa và thái nhỏ.
- Bước 2: Ướp 500g chân giò với 1 thìa bột canh, 2 thìa nước mắm,1 thìa bột nêm, hạt tiêu và hành băm vừa đủ. Trộn đều thịt với gia vị và để trong 15 phút cho ngấm.
- Bước 3: Thả chế phẩm với 1 lượng nước vừa ăn, hầm với lửa vừa phải cho đến khi chân giò mềm thì thả đu đủ vào hầm cùng (Chú ý chỉ thả đu đủ khi thịt đã mềm).
- Bước 4: Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị người ăn, cho rau thơm rồi thưởng thức.
Với cách làm đơn giản trên, bạn đã có một bát canh chân giò hầm đu đủ bổ dưỡng, giúp bổ máu, mát sữa cho phụ nữ sau sinh, giúp cung cấp lượng đạm cần thiết cho cơ thể.
2.4 Bà đẻ uống nhiều nước để mát sữa
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới, mỗi người mỗi ngày cần cung cấp từ 1,5-2L nước để đảm bảo duy trì tuần hoàn cho cơ thể. Còn đối với phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú, họ cần uống nhiều nước hơn người bình thường, trung bình khoảng 3L mỗi ngày. Sở dĩ như vậy là do thành phần chính của sữa mẹ là nước, vì vậy việc cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể cũng là cách để cung cấp đủ lượng sữa cho bé.
Ngoài nước lọc, bạn cũng có thể cung cấp nước cho cơ thể thông qua các loại nước ép trái cây như: nước cam, nước dưa hấu, nước chanh… vừa bổ sung lượng nước cần thiết, vừa bổ sung các vitamin giúp tăng cường sức đề kháng cho cả mẹ lẫn bé.
Một loại nước mà các mẹ đẻ có thể tham khảo uống trong giai đoạn này đó là nước dừa, đây là thực phẩm có tính hàn giúp thanh nhiệt, mát sữa cho mẹ. Nước dừa còn chứa rất nhiều vitamin cần thiết cho cơ thể, giúp mẹ nhanh chóng lấy lại được sức khỏe và vóc dáng, giúp bé tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên trong những tháng đầu đời. Tuy nhiên, loại nước này chỉ nên sử dụng sau đẻ khoảng 1 tháng do nước dừa có tính hàn, việc sử dụng khi mới đẻ có thể gây lạnh người, tiêu chảy hoặc một số tác dụng phụ không mong muốn khác.
2.5 Mẹ ăn gạo lứt giúp trẻ sơ sinh dễ tiêu hóa
Sữa mẹ luôn được biết đến là nguồn cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ. Ngoài ra, ở những tháng đầu của tuổi đời, bé chưa có hệ miễn dịch đầy đủ để chống lại các vi khuẩn thì vai trò của sữa mẹ lại càng được đề cao. Sữa mẹ bổ sung cho bé các men tiêu hóa cần thiết để dễ dàng tiêu hóa và hấp thu các chất, sữa mẹ còn chứa rất nhiều kháng thể tự nhiên – những yếu tố này giúp bé tăng cường toàn diện sức đề kháng.
Trong khoảng thời gian cho con bú, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng các bà mẹ nên sử dụng gạo lứt thay cho gạo thường. Gạo lứt đã được nhiều bà mẹ biết đến với tác dụng giảm cân thần kỳ nhờ các hoạt chất có cơ chế tăng thải trừ chất béo và cholesterol trong cơ thể, từ đó nhanh chóng lấy lại vóc dáng thon gọn cho người ăn. Tuy nhiên ít người biết rằng, sử dụng gạo lứt thay thế còn mang lại ích lợi lớn cho nguồn sữa, giúp cung cấp cho cả mẹ và bé các khoáng chất cần thiết như: Canxi, Kali, Magie và vitamin K. Đây là các hoạt chất thiết yếu cho bé do trong giai đoạn đầu, khi nguồn khoáng chất dự trữ trong thời kỳ thai kỳ đang cạn dần và sữa mẹ là nguồn cung cấp duy nhất cho trẻ.
Cách sử dụng gạo lứt rất đơn giản và dễ sử dụng, bạn có thể sử dụng thay thế gạo thường trở thành nguồn cung cấp tinh bột chính trong bữa ăn. Vì vậy, khuyến cáo nên sử dụng gạo lứt ngay từ trong thời kỳ thai kỳ để mẹ dễ tiêu hóa và có nguồn sữa “mát”. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung các hoạt chất có trong gạo lứt bằng phương pháp sử dụng gạo lứt rang. Đây là một loại thực phẩm khá phổ biến với chị em phụ nữ, với mỗi 2 thìa bột gạo lứt cho 1 cốc nước ấm bạn có thể sử dụng ngay chế phẩm. Vì vậy, hãy sử dụng gạo lứt thường xuyên nhằm giúp mẹ đẻ mát sữa, trẻ dễ tiêu hóa và tăng cường hệ miễn dịch đường ruột cho trẻ.
3, Review của bà mẹ khi dùng các thực phẩm để mát sữa
Chị T.T.Tân, 24 tuổi, Thành phố Hải Phòng chia sẻ:
“Đây là lần đầu làm mẹ, nên mình cũng bỡ ngỡ lắm. Ngay từ những tháng cuối thai kỳ, mình đã lên mạng tìm hiểu về các thực phẩm tốt, đảm bảo nguồn dinh dưỡng sau sinh cho mình và bé. Trong đó, mình khá chú trọng đến những thực phẩm giúp mát sữa, sữa nhanh về và mình đã lựa chọn sử dụng rau má. Ngay từ những ngày cuối thai kỳ, mình đã được mẹ chồng nấu cho ăn canh rau má nấu thịt. Thật lòng thì canh cũng hơi đắng và khó ăn, tuy nhiên mình vẫn kiên trì sử dụng. Kết quả khiến mình khá bất ngờ, sau đẻ thường 2 giờ, sữa mình về ngay. Lượng sữa khá ổn định và ra đều, mình cảm thấy rất vui. Vì vậy mình khuyên các bạn hãy thử sử dụng để thấy rõ hiệu quả nhé.”
Chị L.T.Thảo, 35 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ:
“Mình đã có 1 bé gái 8 tuổi, đây là lần thứ hai mình sinh con. Lần trước, sau sinh mình gặp phải vấn đề rất lớn, mình bị tắc sữa trong 2 ngày đầu sau sinh, mình đã sử dụng rất nhiều biện pháp cơ học như: xoa bóp, máy hút… nhưng đều không hiệu quả. Vì vậy lần sinh con này, mình khá lo lắng và đã tìm hiểu rất nhiều biện pháp giúp mát sữa, giảm tắc nghẽn sữa. Trong đó mình có đọc được bài báo về việc bổ sung giá đỗ trong chế độ ăn để được cung cấp thêm estrogen, giúp điều hòa nội tiết một cách tự nhiên. Rất bất ngờ, sau 1 tháng sử dụng trước sinh, mình thấy rõ hiệu quả, sữa về nhanh và đều, bé khỏe mạnh.”
4, Một số lưu ý trong quá trình sử dụng thực phẩm để mát sữa
Chế độ dinh dưỡng của mẹ đẻ sau sinh rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn sữa cung cấp đến trẻ. Vì vậy phụ nữ sau sinh cần chú ý những thực phẩm không nên sử dụng hoặc hạn chế liều lượng trong giai đoạn này, để tránh ảnh hưởng đến sữa mẹ:
– Đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh: Đối với thế hệ mới, nhiều mẹ trẻ có thói quen ăn đồ ăn nhanh như: gà rán, nem chua… những thực phẩm này có ảnh hưởng lớn đến đến sức khỏe của mẹ cũng như nguồn sữa mẹ cung cấp cho trẻ. Theo nghiên cứu được công bố bởi tạp chí dinh dưỡng Chuyên khoa tại Châu Âu, đối tượng khảo sát là những phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú. Kết quả cho thấy trẻ sơ sinh sẽ tăng khả năng béo phì gấp đôi nếu mẹ tiêu thụ hơn 4,5 gram chất béo chuyển hóa mỗi ngày bởi sự bài tiết qua sữa mẹ. Vì vậy không nên sử dụng các sản phẩm chiên rán trong giai đoạn này để tránh ảnh hưởng gián tiếp đến bé.
– Đồ uống có chất kích thích như: rượu, bia, caffeine, nước có ga… Những thức uống có cồn đã được yêu cầu ngưng sử dụng ngay từ khi mang thai. Tuy nhiên hiện nay, nhiều người xuất hiện tình trạng stress hay trầm cảm sau sinh dẫn đến tìm kiếm các chất có cồn để giải tỏa. Chính việc này dẫn đến sự giảm sự tiết sữa hay phản xạ tiết sữa tự nhiên của mẹ. Còn đối với cafein và các chất có ga, nghiên cứu cho thấy 1% hàm lượng hoạt chất sẽ được truyền qua cho bé theo đường sữa mẹ, điều này có thể dẫn đến những phản ứng quá mẫn tới trẻ.
– Các thực phẩm có mùi hoặc nhiều gia vị: Những thực phẩm nặng mùi gây tác động mạnh lên hương vị sữa. Vì vậy với những phụ nữ sau sinh, việc ngưng sử dụng các thực phẩm này là điều cần thiết để tránh trẻ bỏ bú, lười ăn, quấy khóc về đêm.
– Các loại thực phẩm gây giảm tiết sữa hoặc mất sữa dễ gặp phải như: bạc hà, lá lốt, mùi tây: Có thể nhiều bà mẹ không chú ý, những có rất nhiều thực phẩm quanh ta ngoài công dụng quen thuộc, chúng còn được sử dụng trong Đông y từ lâu đời với tác dụng ngưng tiết sữa cho mẹ. Vì vậy hãy chú ý những sản phẩm nói trên để tránh những tác động không mong muốn đến nguồn sữa cho trẻ.
– Cẩn trọng khi sử dụng rau ngót: Công dụng mát sữa của rau ngót là không thể phụ nhận, tuy nhiên đây là loại rau có thể chứa hàm lượng kim loại nặng. Vì vậy, đối với phụ nữ trong thời kỳ cho con bú, bạn không nên sử dụng rau ngót để ăn sống, hãy nấu chín chúng trước khi ăn để hạn chế các kim loại nặng nếu có.
– Chú ý với tính hàn của rau má: Rau má được sử dụng nhiều với tác dụng thanh nhiệt, mát sữa. Tuy nhiên với tính hàn mạnh có thể gây ảnh hưởng đến phổi và đường tiêu hóa của bé cho nên cần cẩn trọng đến hàm lượng sử dụng mỗi ngày. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, mẹ đẻ sau sinh chỉ nên chế biến không quá 40g mỗi ngày và không quá một tháng liên tục.
Ngoài chế độ dinh dưỡng, việc mát sữa của phụ nữ sau sinh còn phụ thuộc khá nhiều vào tâm trạng, tinh thần và sức khỏe của người mẹ.
- Về sức khỏe, sau sinh phụ nữ thường rất yếu, mất máu nhiều do sản dịch liên tục tiết. Vì vậy, hãy đảm bảo những quy định kiêng cữ đối với đối tượng này, để người mẹ có được sức khỏe, sức đề kháng tốt nhất.
- Về tinh thần, ngày nay, hiện tượng trầm cảm sau sinh ngày càng phổ biến mang đến nỗi lo cho nhiều gia đình. Nguyên nhân chủ yếu là sự thay đổi về vai trò của người mẹ, sự thiếu ngủ trầm trọng và nhiều nguyên nhân khác. Cách giải quyết tốt nhất vẫn luôn là sự quan tâm, chăm sóc, ân cần của người chồng và các thành viên khác trong gia đình. Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, đó là chuẩn bị cho họ những thực phẩm dinh dưỡng giúp mát sữa cũng như tăng cường sức đề kháng cho cả mẹ và bé.
Trên đây là những thông tin về những thực phẩm hỗ trợ mát sữa được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo sử dụng cho mẹ đẻ. Nhà thuốc online ITP Pharma hy vọng đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin mới!
Xem thêm:
Bà bầu dọa sinh non nên ăn gì, kiêng gì? Một số lưu ý trong chế độ ăn
Chuẩn bị cho hành trình mang thai, quá trình mang thai như thế nào?