Hướng dẫn cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt khoa học nhất

Ngày viết:
Làm thế nào để bảo quản sữa mẹ sau khi vắt đúng cách?
Làm thế nào để bảo quản sữa mẹ sau khi vắt đúng cách?
3.5/5 - (2 bình chọn)

Sau khi hết thời kỳ thai sản, hầu hết các bà mẹ sẽ phải đi làm trở lại, khi đó trẻ sẽ phải rời xa mẹ và không được uống sữa mẹ thường xuyên nữa. Do đó nhiều bà mẹ đã lựa chọn cách vắt sữa và lưu trữ sẵn trong tủ lạnh. Vậy làm thế nào để duy trì được chất lượng của sữa sau khi vắt? Bạn đọc cùng tìm hiểu những cách bảo quản sữa mẹ khoa học nhất qua bài viết này của Nhà thuốc online ITP Pharma nhé.

1, Vì sao cần bảo quản sữa mẹ?

Chúng ta đều biết sữa mẹ là một nguồn dinh dưỡng quan trọng và vô cùng cần thiết đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Vì trong sữa mẹ có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết thiếtcho trẻ như protein, kháng thể, vi chất dinh dưỡng,… giúp tăng sức đề kháng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ. Tuy nhiên khi sữa mẹ đã được vắt ra mà không được bảo quản đúng cách thì rất dễ bị biến chất và mất chất dinh ưỡng. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến dinh dưỡng cho trẻ mà còn có thể tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa của trẻ, làm cho trẻ bị tiêu chảy hay bị viêm nhiễm khuẩn đường ruột .

Đường trong sữa mẹ thường tồn tại dưới hai dạng là đường đơn và đường đôi, chúng đều là những loại đường dễ hấp thu nhưng lại cũng rất dễ bị lên men nếu không được bảo quản đúng cách. Điều này sẽ làm cho sữa mẹ nhanh chóng bị chua và ôi thiu, không sử dụng được nữa. Bên cạnh đó lượng protein trong sữa mẹ rất giàu các loại axit amin, khiến cho nhiều loại vi khuẩn dễ xâm nhập vào và phát triển khi để ở nhiệt độ thường của môi trường bên ngoài.

Do vậy nếu bảo quản sữa được lâu, thì cần lưu trữ sữa trong môi trường có nhiệt độ thấp, như việc làm lạnh hoặc làm đông sữa.

2, Các bước hướng dẫn cho mẹ để bảo quản sữa đúng cách

2.1. Chuẩn bị trước khi vắt sữa mẹ

Để cho sữa mẹ có thể giữ được sự đảm bảo sau khi được vắt ra thì việc đầu tiên chúng ta cần chú ý là để tâm đến khâu vệ sinh, khử khuẩn cho các dụng cụ và cho khu vực vú của mẹ. Muốn đảm bảo vệ sinh tốt thì các mẹ nên lưu ý một số điểm sau:

  • Mẹ cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay đảm bảo chất lượng, có chứa ít nhất 60% cồn.
  • Kiểm tra, vệ sinh dụng cụ vắt sữa, máy hút và túi đựng. Nếu có điều kiện có thể sử dụng máy tiệt trùng tại nhà; hoặc mẹ có thể tráng qua các dụng cụ với nước sôi.
  • Trước và sau mỗi lần vắt cần lau sạch các nút bấm, công tắc nguồn.
  • Sau đó mẹ bắt đầu thực hiện vắt sữa bằng tay, hoặc máy bơm tay, máy hút điện.

2.2. Sau khi vắt sữa

  • Sau khi vắt hoặc hút sữa thành công, các mẹ cần chuyển ngay sữa vào túi trữ sữa chuyên dụng hoặc dùng bình sạch có nắp kín bằng thủy tinh để đựng sữa. Lưu ý là các mẹ không nên sử dụng các chai nhựa tái chế, cốc dùng một lần để đựng sữa.
  • Cần dán nhãn và ghi rõ ngày giờ vắt sữa lên túi hoặc bình đựng để tránh cho trẻ uống phải sữa để quá lâu. từ đó các mẹ cũng có thể sắp xếp sữa theo thứ tự để cho trẻ uống.
  • Mỗi túi sữa khi bảo quản nên chứa khoảng 80 đến 120 ml sữa để có thể nhanh làm lạnh khi muốn cho trẻ uống,và rã đông sữa, tránh lãng phí khi trẻ không uống hết sữa trong một lần.
  • Cần ép hết không khí ra ngoài khỏi túi sữa trước khi vắt sữa vào để bảo quản và không nên cố đổ thêm sữa khi túi đựng đã quá đầy, do sữa là chất lỏng nên khi đông lại sẽ có xu hướng giãn nở, nếu sữa lỏng đầy quá thì khi đông lại dễ làm nứt hay rách túi đựng sữa.

2.3. Các cách bảo quản sữa mẹ

Nên cất sữa vào ngăn đông tủ lạnh hoặc tủ làm đông ngay khi vắt xong
Nên cất sữa vào ngăn đông tủ lạnh hoặc tủ làm đông ngay khi vắt xong

 

  • Sau khi vắt sữa xong, các mẹ nên cất sữa vào ngăn đông tủ lạnh hoặc tủ làm đông ngay khi có thể để sữa được làm lạnh và làm đông nhanh chóng tránh tình trạng oxy hóa ở nhiệt độ môi trường làm biến chất sữa. Khi để vào tủ lạnh các mẹ cũng cần lưu ý nên đặt túi sữa ở những vị trí lạnh nhất, không nên di chuyển vị trí túi thường xuyên, chỉ lấy túi sữa ra khi muốn sử dụng cho trẻ uống luôn.
  • Khi tủ lưu trữ sữa bị mất điện thì các mẹ có thể sắp xếp các túi sữa cùng với đá viên vào thùng cách nhiệt một thời gian chờ tới khi có điện để tránh cho sữa bị rã đông..
  • Nếu chưa thể làm lạnh và cấp đông ngay túi sữa sau khi vắt thì các mẹ có thể bảo quản sữa ở nhiệt độ phòng khoảng 26 độ C trong thời gian tối đa là 6 tiếng. Nhưng nên lưu ý rằng phải tránh để cho túi sữa tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, các nguồn nhiệt và nơi có bức xạ.
  • Ngoài ra các mẹ cũng có thể đặt các túi sữa vào ngăn mát tủ lạnh trong tối đa 48 giờ. Không nên đặt túi sữa ở nơi cánh tủ, vì khi mở ra mở vào sẽ làm mất lạnh túi sữa dễ làm ảnh hưởng tới chất lượng túi sữa.

3, Những sai lầm các mẹ thường mắc phải trong việc bảo quản sữa

Hiện nay có nhiều bà mẹ chưa thực sự hiểu đúng về cách bảo quản sữa đúng quy trình nên lượng sữa vắt sẵn ra vừa không sử dụng được vừa phải bỏ phí. Các mẹ hay gặp phải một số sai lầm khi bảo quản sữa như sau:

Sử dụng lại đồ cũ: Để tiết kiệm chi phí mà nhiều bà mẹ đã mượn hoặc mua lại máy hút sữa cũ để sử dụng và chỉ thay mới các phụ kiện như bình, dây hay phễu. Tuy nhiên khi các phân tử và chất dinh dưỡng trong sữa của người dùng trước đã xâm nhập vào màng tạo áp lực và có thể đọng lại trong bình hay máy vắt sữa cũ một thời gian dài. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho rất nhiều loại nấm mốc phát triển, khi các bạn sử dụng sẽ rất dễ làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa được bảo quản.

Để sữa ở cửa tủ lạnh: Nhiều chị em thường có suy nghĩ sai lầm là để sữa ở cửa tủ lạnh để khi cần lấy sữa sẽ tiện hơn và không bị nhầm với các loại đồ khác chứa trong tủ lạnh. Nhưng các mẹ lại không biết rằng nhiệt độ ở cửa tủ lạnh luôn ở trạng thái không ổn định, mỗi khi chúng ta mở và đóng tủ lạnh cũng sẽ làm ảnh hưởng nhiệt độ khu vực đó, từ đó khiến cho sữa rất dễ bị hỏng mà đôi khi các mẹ lại không nhận ra.

Những sai lầm các mẹ thường mắc phải trong việc bảo quản sữa
Những sai lầm các mẹ thường mắc phải trong việc bảo quản sữa

Trữ sữa quá lâu trong tủ lạnh: Dù sữa mẹ sau khi vắt sẽ được làm đông và bảo quản trong tủ chuyên dụng thì cũng sẽ có tiêu chuẩn bảo quản nhất định về thời gian. Nên khi các mẹ lưu trữ sữa cho con trong ngăn đông tủ lạnh cũng cần lưu ý vấn đề này. Việc lưu trữ sữa quá lâu sẽ làm cho các chất béo, chất khoáng, cũng như các nhóm vitamin có trong sữa mẹ bị mất tác dụng hoặc giảm tính hoạt động, rồi từ đó không còn đủ dinh dưỡng cho trẻ phát triển.

Sữa mẹ sau khi vắt xong đổ và dự trữ vào dụng cụ chứa quá đầy: Việc cố gắng đổ dồn lượng sữa sau khi vắt cho đầy túi nhằm tiết kiệm tiền sẽ không mang lại hiệu quả như các mẹ mong muốn mà đôi khi còn làm phản tác dụng nữa đấy. Sữa mẹ có bản chất là một loại chất lỏng nên khi làm đông trong tủ lạnh sẽ bị giãn nở ra tăng thể tích, nếu các mẹ đổ sữa vào túi quá đầy sẽ dễ khiến cho túi sữa bị tràn hoặc vỡ túi khi sữa đông.

Dồn sữa vừa hút và sữa đã trữ vào chung: Sữa vừa hút thường sẽ hơi ấm, vậy nên khi dồn chúng chung với những túi đang để trong tủ lạnh sẽ khiến cho sữa bị tan ra một phần, làm ảnh hưởng đến chất lượng của cả sữa mới vắt và cả sữa đã đông. Vì vậy các mẹ chỉ nên dồn sữa trong cùng một ngày với nhau và trước khi dồn chúng thì cần làm lạnh sữa mới vắt bằng cách cho vào ngăn mát tủ lạnh một thời gian rồi mới gom chung lại nhé.

4, Những lưu ý khi bảo quản sữa mẹ để sữa không bị hỏng

4.1. Thời gian bảo quản

Các mẹ lưu ý không nên bảo quản sữa mẹ trong một khoảng thời gian quá lâu. Sữa mẹ bình thường vẫn có thể để ở nhiệt độ 26 độ C trong vòng từ 4 cho đến 6 giờ. Tuy nhiên thực tế thì các mẹ cũng không nên để sữa mẹ ở bên ngoài quá 4 giờ, nếu trời nhiệt độ quá nóng thì chỉ nên để từ 1 đến 2 giờ. Nguyên nhân là do nếu để nhiệt độ thường với nhiệt độ cao thì sữa rất nhanh bị chua và khó uống, đôi khi còn nhanh bị ôi thiu.

4.2. Số lượng sữa trong một lần vắt

Tùy theo số lượng mỗi lần ăn của từng trẻ là khác nhau mà các mẹ có thể vắt lượng sữa tương ứng, trung bình mỗi túi trữ nên vắt từ 100 đến 150ml sữa là vừa đủ. Điều này sẽ giúp cho việc làm lạnh nhanh hơn và tránh làm lãng phí sữa, đảm bảo cho trẻ có thể ăn hết sữa trong một lần rã đông.

4.3. Bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh

Nếu trẻ không ăn sữa ngay khi vắt thì các mẹ nên làm lạnh sữa càng sớm càng tốt. Ngăn mát tủ lạnh có thể giữ sữa đảm bảo tư 1 đến 3 ngày. Ngăn đông thì có thể dự trữ sữa lâu hơn.

Dự trữ sữa trong ngăn đá: Tùy theo từng loại máy, nhiệt độ của ngăn đá mà thời gian bảo quản sữa sẽ có phần khác nhau. Mẹ nên lưu ý không nên để các túi sữa dự trữ ở cánh cửa ngăn đá mà nên xếp gọn gàng trong tủ theo một chiều để dễ tìm và theo dõi ngày vắt sữa trên nhãn dán. Trước khi đưa túi sữa lên ngăn đá thì tốt nhất các mẹ cần làm mát sữa trước bằng cách cho sữa vào ngăn mát 30 phút đến 1 tiếng, sau đó chuyển lên ngăn đá.

4.4. Sử dụng bình, túi trữ sữa chuyên dụng

Có thể sử dụng một số loại túi đựng chuyên dụng để dự trữ sữa, hoặc bình nhựa cứng, chất lượng tốt. Nếu điều kiện cho phép thì tốt nhất nên sử dụng bình thủy tinh, vì khi dùng bình thủy tinh sẽ tránh được tình trạng bị rò túi sữa, sữa mẹ sẽ được bảo quản tốt nhất.

Sử dụng bình, túi trữ sữa chuyên dụng
Sử dụng bình, túi trữ sữa chuyên dụng

5, Sữa mẹ khi bảo quản có thể thay đổi như thế nào?

Thông thường, sữa mẹ sau khi được bảo quản trong tủ lạnh và rã đông sẽ xảy ra hiện tượng phân tán của các tinh thể và thành phần chất béo. Điều này sẽ khiến cho sữa sau khi rã đông sẽ bị đổi màu sang màu đậm hơn so với sữa tươi vừa mới vắt. Màu sữa có thể hơi vàng, ngả xanh hoặc có màu nâu nhẹ và xuất hiện hiện tượng tách các lớp sữa như tạo váng sữa.

Điều này cũng là nguyên nhân khiến cho mùi vị sữa bị thay đổi, nhiều trẻ không thích và không chịu uống. Sữa khi để trong tủ lạnh thường có mùi xà phòng và sữa sau rã đông sẽ có mùi nặng hơn sữa để ngăn mát. Nếu sữa vẫn trong thời gian bảo quản cho phép thì các mẹ không cần lo lắng mà vẫn có thể cho trẻ uống được. Tuy nhiên tùy vào sự nhạy cảm của mỗi trẻ mà có thể trẻ sẽ không chịu uống sữa bảo quản do mùi vị bị thay đổi.

6, Cách nhận biết sữa mẹ bảo quản bị hỏng

Nếu bảo quản sữa không đúng cách, hoặc thời gian bảo quản kéo dài quá lâu sẽ dễ làm cho sữa bị hỏng. Dưới đây là một số dấu hiệu để giúp các mẹ nhận biết khi sữa bị hỏng, quá hạn sử dụng:

  • Sữa có mùi hôi: Sữa mẹ khi mới vắt sẽ có mùi thơm rất hấp dẫn, dễ chịu, còn sữa đã được cấp đông thường có mùi xà phòng và hắc hơn. Vì vậy khi mở túi sữa và ngửi thấy mùi lạ, hôi và khó chịu thì chắn hẳn sữa mẹ đã bị quá hạn, các mẹ không nên cho trẻ dùng nữa.
  • Sữa bị nổi váng: Khi sữa mẹ được bảo quán có thể xuất hiện váng do quá trình phân tách của chất béo, nhưng chỉ cần lắc nhẹ là lớp váng này sẽ tan ngay không tạo lợn cợn nữa. Trong trường hợp sau khi bảo quản thấy váng sữa nổi trên bề mặt, khi có tình lắc mà váng đó vẫn không tan thì có khả năng là sữa mẹ đã bị hỏng, các mẹ nên iểm tra kỹ lại.
  • Sữa có mùi vị khác lạ: Khi các mẹ vẫn không yên tâm về chất lượng của sữa có thể dùng cách nếm thử vị sữa. Sữa bình thường sẽ có vị béo, ngậy, thơm, khi thấy có vị và mùi khác thì sữa đã bị hỏng và quá hạn.
  • Sữa đã được bảo quản quá lâu: Khi sữa đã được bảo quản quá lâu thì dù sữa không có dấu hiệu bị hư hỏng thì các mẹ cũng không nên cho bé uống nữa. Vì lúc này sữa sẽ không còn đảm bảo chất lượng và có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé.
  • Biểu hiện của bé khi uống sữa: Vị giác của trẻ rất nhạy bén với sữa mẹ nên trẻ rất dễ nhận ra sự khác lạ của sữa. Nếu trẻ có biểu hiện không chịu uống, quấy khóc khi mẹ cho ăn sữa thì có thể sữa đó đã có vấn đề, các mẹ nên kiểm tra kỹ càng lại nhé.
Cách nhận biết sữa mẹ bảo quản bị hỏng
Cách nhận biết sữa mẹ bảo quản bị hỏng

6, Bảo quản sữa không đúng cách gây nguy hiểm như thế nào đến trẻ?

Nếu các mẹ bảo quản sữa không đúng cách sẽ khiến cho sữa nhanh bị hỏng, và khi trẻ uống vào sẽ gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa, sức đề kháng của trẻ như:

  • Tiêu chảy: Nếu trẻ không may bị uống phải sữa hỏng dẫn dễ dẫn đến tiêu chảy. Với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, nếu bị tiêu chảy kéo dài rất dễ dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải.
  • Đau bụng, co thắt dạ dày: Sữa hỏng sẽ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa khiến trẻ bị đau bụng, đầy bụng, làm trẻ khó chịu và quấy khóc nhiều.
  • Trẻ nôn: Ngoài đau bụng đi ngoài thì trẻ còn có thể nôn, trớ ngay lập tức.
  • Ngộ độc thực phẩm: Trong trường hợp điều kiện môi trường không được đảm bảo, sữa bị quá hạn và bị vi khuẩn xâm nhập. Khi trẻ uống sữa này sẽ bị nôn mửa, tiêu chảy, ngộ độc…

7, Cách rã đông sữa đã được bảo quản an toàn

Để sữa mẹ vẫn giữ được chất lượng và đảm bảo an toàn sau khi được làm đông, bảo quản trong tủ lạnh, thì mẹ cần chú ý cả bước rã đông và làm ấm sữa cho bé.

Khi rã đông sữa:

  • Luôn rã túi hoặc bình sữa có ngày vắt xa nhất được ghi trên nhãn dán. Vì nếu  để lâu thì chất lượng sữa có thể bị giảm dần theo thời gian.
  • Chuyển túi sữa từ ngăn đông sang ngăn mát tủ lạnh qua đêm để ra đông từ từ. Nếu cần sử dụng ngay thì có thể đặt vào chậu nước ấm hoặc dưới vòi nước ấm.

Chú ý không ra đông hoặc làm nóng sữa mẹ bằng lò vi sóng hoặc đun cách thủy: Do nhiệt độ cao và vi sóng sẽ làm phân hủy các chất dinh dưỡng, protein, enzyme, kháng thể trong sữa mẹ. Và cách này cũng dễ gây bỏng cho bé.

Hâm nóng sữa mẹ:

  • Khi sữa trở về nhiệt độ phòng thì mẹ đã có thể cho bé uống ngay được. Tuy nhiên nếu muốn hâm nóng sữa để an toàn cho bé thì có thể sử dụng cách sau
  • Làm ấm sữa bằng cách đặt bình sữa vào chậu nước ấm hoặc cho nước ấm chảy qua bình chứa trong vài phút.
  • Trong khi làm nóng chú ý luôn giữ bình sữa kín
  • Không làm nóng bằng cách đun trên bếp hoặc dùng lò vi sóng.
  • Cần kiểm tra nhiệt độ sữa bằng cách nhỏ vài giọt lên cổ tay mẹ. Việc này giúp mẹ xác định xem sữa đã đủ ấm hay có quá nóng với trẻ không. Nhiệt độ thích hợp là nhiệt độ tương đương với nhiệt độ cơ thể.

Lưu ý sau thời gian bảo quản lạnh, sữa có thể bị phân tách lớp, vì thế nên lắc nhẹ bình sữa trước khi cho trẻ uống.

Cách rã đông sữa đã được bảo quản an toàn
Cách rã đông sữa đã được bảo quản an toàn

8, Sữa sau khi vắt có thể bảo quản trong bao lâu?

Sữa mới vắt và được bảo quản lạnh:

  • Nếu ở nhiệt độ thường khoảng 26 độ C thì sữa có thể để được trong khoảng 4 đến 6 tiếng.
  • Khi bỏ vào ngăn mát tủ lạnh thì có thể bảo quản được tối đa 48 giờ
  • Với ngăn đá của tủ lạnh thì sữa có thể bảo quản được trong 2 tuần; Với tủ lạnh 2 cửa có phun sương thời gian có thể lên đến 3 tháng
  • Sữa được bảo quản trong tủ đông chuyên dụng có thể được lưu trữ từ đến tận 12 tháng.

Tuy nhiên sữa bảo quản lâu cũng làm giảm chất lượng, vì vậy các mẹ không nên bảo quản sữa trong tủ đông quá lâu.

Sữa trữ lạnh sau khi được rã đông từ từ bằng cách để xuống ngăn mát tủ lạnh:

  • Khi sữa đã được rã đông thì mẹ nên cho bé uống hết trong một lần và không nên cấp đông lại sữa bé đã uống.
  • Nếu bé không uống hết được thì có thể để vào ngăn mát tủ lạnh trong tối đa là 24 giờ, hoặc để ngoài nhiệt độ phòng trong thời gian 4 tiếng.

Như vậy với cách giã đông này thì một túi sữa trẻ có thể dùng được cho 2 lần ăn.

Sữa trữ lạnh được rã đông nhanh bằng cách ngâm trong nước ấm: Với cách làm này thì sữa chỉ có thể để ở ngoài môi trường trong khoảng 1 đến 2 giờ; và trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 4 tiếng.

Vì vậy với cách rã đông này các mẹ chỉ nên cho bé uống hết sữa trong một lần, và bỏ đi phần sữa còn dư. Điều này sẽ giúp an toàn cho trẻ đặc biệt là khi hệ tiêu hóa còn non yếu.

9, Một số câu hỏi thường gặp

9.1. Có thể thêm sữa mẹ mới vắt vào sữa đã trữ đông không?

Bạn có thể trộn sữa mới vắt cùng với sữa đã được làm lạnh hoặc sữa đã rã đông. Tuy nhiên trước khi trộn cần phải đảm bảo hai loại sữa được trộn có nhiệt độ tương đương nhau. Việc này sẽ giúp sữa dễ hòa trộn và không làm vón cục hay mất chất dinh dưỡng. Vì vậy trước khi trộn các mẹ nên để sữa mới vắt vào trong tủ lạnh khoảng 1 tiếng để làm mát.

9.2. Nên đựng sữa mẹ sau khi vắt ở đâu?

Dùng chai lọ bằng thủy tinh được xem là lựa chọn tốt nhất. Vì thành phần của sữa mẹ sẽ được bảo quản tốt nhất trong lọ thủy tinh. Nhưng nhược điểm của chai lọ thủy tinh là giá thành đắt và dễ vỡ hoặc nứt, làm tốn diện tích tủ.

Lựa chọn thứ hai là bình nhựa cứng. Các mẹ nên lựa chọn bình nhựa đảm bảo được bán tại các cửa hàng bán đồ cho bé, không nên chọn chai lọ có nhiều màu sắc vì có thể chứa thuốc nhuộm màu.

Túi trữ sữa: Ưu điểm của túi trữ sữa là đỡ tốn diện tích, giá thành rẻ hơn, và hay được nhiều người sử dụng. Tuy nhiên khi sử dụng túi trữ sữa rất dễ bị rò và khi đặt túi trong nước ấm để rã đông thì sẽ làm giảm giá trị dinh dưỡng của sữa. Vì vậy khi lựa chọn mua túi các bà mẹ cần cân nhắc kỹ chất liệu, độ an toàn của túi.

Có thể đựng sữa mẹ sau khi vắt trong các túi chuyên dụng để giảm diện tích cất trữ
Có thể đựng sữa mẹ sau khi vắt trong các túi chuyên dụng để giảm diện tích cất trữ

9.3. Bảo quản sữa mẹ khi không có tủ lạnh như thế nào?

Nếu trong điều kiện chưa thể để sữa mới vắt vào trong tủ lạnh ngay được thì mẹ có thể chọn để túi sữa ở nơi có không khí thoáng mát, có điều hòa. Nơi nào có nhiệt độ càng mát thì thời gian bảo quản sữa càng lâu. Nhiệt độ dưới 26 độ C thì thời gian bảo quản từ 4 đến 6 tiếng; nhiệt độ trên 26 độ C thì thời gian bảo quản từ 1 đến 2 tiếng.

Hoặc có thể đặt túi sữa cùng đá viên vào trong hộp xốp giữ nhiệt. Điều này sẽ giúp kéo dài thời gian bảo quản sữa lâu hơn.

9.4. Túi trữ sữa có sử dụng lại được không?

So với các dụng cụ đựng như chai thủy tinh hoặc chai nhựa thì túi chứa sữa có nhiều ưu điểm như: giá thành rẻ, đa dạng mẫu mã, nguyên liệu là nhựa nguyên sinh không có BPA an toàn và lành tính, đã được khử trùng và hạn chế vi khuẩn… Vì thế các bà mẹ thường ưu tiên lựa chọn túi trữ sữa làm túi đựng.

Điều cần lưu ý là túi trữ sữa chỉ được sử dụng một lần cho việc bảo quản sữa. Vì sau lần đầu sử dụng túi đã không còn được khử trùng, vô khuẩn như ban đầu.

Tuy nhiên với những đặc điểm cấu tạo tiện lợi của túi đựng thì mẹ có thể tận dụng túi trữ sữa để đựng đồ lặt vặt, hoặc thức ăn cho cá… bất cứ việc gì bạn có thể nghĩ ra để tránh lãng phí túi.

Trên đây là một số thông tin về cách bảo quản sữa khoa học cho các mẹ bỉm tham khảo. Hy vọng bài viết này sẽ mang đến cho bạn những điều hữu ích, giúp bạn dễ dàng hơn trong việc chăm sóc em bé của mình. Xin cảm ơn!

Xem thêm:

5 Vitamin tổng hợp cho phụ nữ sau sinh tốt nhất [BÁC SĨ KHUYÊN DÙNG]

[Bật mí] Cách cai sữa mẹ bằng lá đâu đúng cách mang lại hiệu quả

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn