Bài viết Nghiên cứu một số yếu tố liên quan đến hoạt độ enzyme Glucose-6-phosphat Dehydrogenase trong sàng lọc sơ sinh bệnh thiếu hụt enzyme G6PD tải pdf tại đây.
Tác giả Tạ Thị Lan Anh2, Lê Minh Trác1, Hoàng Thị Ngọc Lan 1 2 Đào Thị Thu Hiền1, Lê Phạm Sỹ Cường1, Phạm Xuân Đức1, Nguyễn Thị Ngọc Ly1, Trần Danh Cường1 2, Đoàn Thị Kim Phượng1 2 – 1. Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 2. Trường Đại học Y Hà Nội.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thiếu hụt Glucose-6-phosphate Dehydrogenase (G6PD) là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa enzyme ở người, di truyền lặn liên kết với nhiễm sắc thể giới tính X. Trên thế giới, ước tính khoảng 4,9% dân số mắc bệnh thiếu hụt enzyme G6PD, tương ứng với khoảng hơn 500 triệu người [1]. Bệnh xảy ra ở mọi lục địa, mỗi năm khoảng 11 triệu trẻ sơ sinh thiếu men G6PD được sinh ra, khoảng 7% dân số thế giới bị ảnh hưởng [2, 3]. Sàng lọc sơ sinh bệnh thiếu hụt enzyme G6PD nhằm phát hiện sớm bệnh nhi có nguy cơ cao thiếu hụt enzyme G6PD là rất quan trọng để can thiệp và điều trị kịp thời, giúp phòng một số biến chứng như thiếu máu tan máu, vàng da nhân não ở trẻ sơ sinh. Theo Huỳnh Văn Quốc Vũ và Trần Ngọc Dung, tỷ lệ thiếu hụt enzyme G6PD có liên quan đến giới tính và yếu tố địa dư nhưng không liên quan đến tuổi thai, dân tộc hay cân nặng của trẻ [4]. Như vậy, hoạt độ của enzyme G6PD trong mẫu máu thấm khô chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên chúng tôi tiến hành nghiên cứu này nhằm mục tiêu: phân tích mối liên quan giữa giới tính, tuổi lấy mẫu, cân nặng khi sinh, sử dụng thuốc kháng sinh và thời điểm lấy mẫu trong năm đến hoạt độ enzyme G6PD.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Đối tượng nghiên cứu
- Tiêu chuẩn lựa chọn:
- Trẻ sơ sinh được lấy máu gót chân tham gia sàng lọc bệnh thiếu enzyme G6PD có đầy đủ dữ liệu về các yếu tố liên quan trong thời gian từ tháng 7/2020 đến tháng 8/2021. Ước tính cỡ mẫu: n = 5586 trẻ.
- Được sự đồng ý tham gia nghiên cứu của cha/ mẹ trẻ.
- Tiêu chuẩn loại trừ: trẻ sơ sinh được truyền máu.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu mô tả cắt ngang hồi cứu với phương pháp chọn mẫu thuận tiện
Các bước tiến hành
Tất cả các trường hợp trong mẫu được định lượng hoạt độ enzyme G6PD bằng kỹ thuật bán định lượng sử dụng bộ kit GSP Neonatal G6PD trên hệ thống máy GSP 2021-0010. Hoạt độ enzyme < 18 U/dL được phân loại nhóm nguy cơ thấp; > 18 U/dL: nhóm nguy cơ cao.
Các chỉ số giới tính, tuổi lấy mẫu, cân nặng lúc sinh, sử dụng kháng sinh và thời điểm lấy máu gót chân trong năm được phân nhóm và tìm mối liên quan với ngưỡng hoạt độ cao thấp của G6PD. Sử dụng các kiểm định X2 hoặc Fisher exact test với các biến định tính, kiểm định Student hoặc ANOVA test với các biến định lượng.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Giá trị trung bình của hoạt độ enzyme Glucose-6-phosphat Dehydrogenase ở trẻ nam là 54,93 ± 15,999, ở trẻ nữ là 57,37 ± 15,767 U/dL. Hoạt độ G6PD thấp nhất trong nghiên cứu là 2 U/dL, hoạt độ cao nhất là 216 U/dL.
Bảng 1. Mối tương quan giữa giới tính và nguy cơ thiếu G6PD
Giới/ Hoạt Hoạt độ G6PD | Tổng | Nguy cơ cao | Tỷ lệ % | OR (Cl 95%) | p |
Nam | 3280 | 72 | 2,2 | 14,301 | <0,01 |
Nữ | 2606 | 4 | 0,2 | (5,232-39,090) |
Tỷ lệ trẻ sơ sinh nam có hoạt độ enzyme G6PD thuộc nhóm nguy cơ cao có sự khác biệt đáng kể so với trẻ sơ sinh nữ với độ tin cậy 99% (p < 0,01). Trong đó tỷ lệ nguy cơ cao ở trẻ nam cao gấp 14,301 lần so với trẻ nữ với độ tin cậy 95%.
Bảng 2. Mối tương quan giữa cân nặng và nguy cơ thiếu G6PD
Nguy cơ
Cân nặng |
Cao | Thấp | OR (CI 95%) | P | ||
Số lượng | Tỷ lệ (%) | Số lượng | Tỷ lệ (%) | |||
< 2500 g | 24 | 2,6 | 904 | 97,4 | 2,466 | <0,01 |
> 2500 g | 52 | 1,0 | 4906 | 99,0 | (1,528 – 3,979) |
Tỷ lệ trẻ có hoạt độ G6PD ở mức nguy cơ cao tại các nhóm cân nặng < 2500 g, > 2500 g lần lượt là 2,6% và 1,0%. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hoạt độ enzyme G6PD ở nhóm nguy cơ cao và nguy cơ thấp ở các nhóm trẻ phân nhóm cân nặng khác nhau với độ tin cậy 99% (p < 0,01). Ở nhóm cân nặng < 2500 g có tỷ lệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao gấp khoảng 2,5 lần so với nhóm trẻ có cân nặng > 2500g với độ tin cậy 95%.
Hoạt độ G6PD trung bình ở các nhóm cân nặng < 2500 g và > 2500 g lần lượt là 57,23 ± 18,756 và 55,78 ± 15,349. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy 95% (p < 0,05).
Bảng 3. Mối tương quan giữa ngày tuổi lấy mẫu và nguy cơ thiếu G6PD
Ngày tuổi/Nguy cơ | Cao | Thấp | p | ||
Số lượng | Tỷ lệ | Số lượng | Tỷ lệ | ||
< 2 ngày | 10 | 13,2 | 1141 | 19,6 | > 0,05 |
2-3 ngày | 41 | 53,9 | 3226 | 55,5 | |
4-7 ngày | 20 | 26,3 | 1269 | 21,8 | |
>7 ngày | 5 | 6,6 | 174 | 3,0 | |
Tổng số | 76 | 100 | 5918 | 100 |
Tỷ lệ trẻ có hoạt độ G6PD ở ngưỡng nguy cơ cao tại các ngày tuổi khác nhau có sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với độ tin cậy 95% (p > 0,05).
Độ tuổi lấy mẫu trung bình là 2,85 ± 1,913 (ngày tuổi). Hoạt độ G6PD trung bình của các nhóm tuổi < 2 ngày, 2 – 3 ngày, 4 – 7 ngày và > 7 ngày lần lượt là 61,70 U/dL, 55,71 U/dL, 51,58 U/dL, 56,72 U/dL. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về giá trung bình của hoạt độ G6PD giữa các nhóm tuổi được sàng lọc (p < 0,01).
Bảng 4. Mối tương quan giữa thuốc kháng sinh trẻ sử dụng và nguy cơ thiếu G6PD
Sử dụng kháng sinh/ Nguy cơ | Cao | Thấp | OR (Cl 95%) | p | ||
Số lượng | Tỷ lệ % | Số lượng | Tỷ lệ % | |||
Có | 9 | 2,8 | 313 | 97,2 | 2,308 | <0,05 |
Không | 67 | 1,2 | 5465 | 98,8 | (1,161-4,586) |
Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa hoạt độ enzyme G6PD ở các nhóm trẻ có sử dụng kháng sinh với nhóm trẻ không sử dụng kháng sinh. Cụ thể, tỷ lệ trẻ trong nhóm có sử dụng kháng sinh có hoạt độ G6PD ở mức nguy cơ cao cao gấp 2.308 lần nhóm trẻ không sử dụng kháng sinh (p < 0,05).
Bảng 5. Mối tương quan giữa thời điểm lấy mẫu và nguy cơ thiếu G6PD
Mùa/ Nguy cơ | Cao | Thấp | p | ||
Số lượng | Tỷ lệ | Số lượng | Tỷ lệ | ||
Mùa lạnh | 35 | 1,2 | 2858 | 98,8 | p > 0,05 |
Mùa nóng | 41 | 1,4 | 2952 | 98,6 |
Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa tỷ lệ trẻ có hoạt độ G6PD ở nguy cơ cao tại thời điểm mùa nóng và mùa lạnh với độ tin cậy 95% (p > 0,05).
BÀN LUẬN
Thiếu hụt enzyme G6PD là một rối loạn di truyền chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu, tan máu và vàng da sơ sinh là hai biến chứng nguy hiểm nhất. Chương trình sàng lọc sơ sinh cho phép phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh, chi phí hợp lý để can thiệp điều trị kịp thời, có hiệu quả.
Những trẻ có kết quả sàng lọc sơ sinh nguy cơ cao thiếu enzem G6PD được liên hệ và làm lại xét nghiệm sàng lọc máu gót chân. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỷ lệ trẻ nam/nữ là 1,26, trong đó trẻ nam có tỷ lệ sàng lọc G6PD nguy cơ cao cao hơn so với trẻ nữ. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,01. Điều này cũng phù hợp với sự biểu hiện của bệnh. Thiếu hụt enzyme G6PD di truyền theo gen lặn trên nhiễm sắc thể giới tính X vậy nên nam giới (XY) có tần suất biểu hiện bệnh cao hơn nữ giới (XX). Thêm vào đó, xét nghiệm enzym ở trẻ nam bị bệnh có hoạt độ enzyme thấp hơn đáng kể so với trẻ nữ bị bệnh, thể hiện rõ tính chất nghiêm trọng hơn của bệnh ở nam giới [5].
Một nghiên cứu ở Ấn Độ về mối liên quan giữa tỷ lệ thiếu hụt G6PD và các yếu tố giới tính, dân tộc, tuổi thai, tuổi lấy mẫu, cân nặng khi sinh, tình trạng hôn nhân cận huyết của bố mẹ cho thấy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê [6]. Tuy nhiên, một nghiên cứu tại Việt Nam ở Bệnh viện Phụ sản thành phố Cần Thơ, cho thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tình trạng giảm hoạt độ G6PD với giới tính và nơi cư trú (p < 0,05) [4].
Trẻ thuộc 2 nhóm có cân nặng < 2500 g và > 2500 g có hoạt độ G6PD trung bình lần lượt là 57,23 ± 18,756 U/dL và 55,78 ± 15,349 U/dL. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tỷ lệ trẻ có hoạt độ enzyme G6PD ở nhóm nguy cơ cao và nguy cơ thấp ở các phân nhóm cân nặng khác nhau với p < 0,05. Ngoài ra, hoạt động của G6PD ở trẻ sinh non từ 29 đến 32 tuần tuổi thai cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng. Điều này không ảnh hưởng vào chẩn đoán thiếu men G6PD [7]. Theo hướng dẫn sàng lọc sơ sinh của Bệnh viện Nhi miền Đông Ontario, tất cả trẻ sơ sinh sinh non dưới 33 tuần, cân nặng khi sinh dưới 1500 g được khuyến cáo được thực hiện lại sàng lọc máu gót chân khi trẻ đạt 28 ngày tuổi. Những trẻ sinh non > 33 tuần, cân nặng khi sinh > 1500 g được sàng lọc như trẻ đủ tháng [8].
Dữ liệu nghiên cứu cũng cho thấy trong nhóm trẻ sơ sinh sử dụng thuốc kháng sinh, tỷ lệ nguy cơ cao mắc G6PD cao hơn đáng kể so với nhóm trẻ không sử dụng kháng sinh (p < 0,05). Theo Yang và cộng sự nghiên cứu trên 410 trẻ 7 – 90 ngày tuổi, hoạt độ G6PD tỷ lệ nghịch so với tuổi [9]. Điều này cũng tương đồng với nghiên cứu của chúng tôi, ở các trẻ được lấy mẫu < 48 h có hoạt độ G6PD (61,70 U/dL) cao hơn hẳn so với các trẻ được lấy mẫu > 48h (lần lượt là 55,71 U/dL, 51,58 U/dL, 56,72 U/dL). Tuy nhiên, yếu tố tuổi lấy mẫu cho thấy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa các nhóm tuổi lấy mẫu khác nhau. Vậy nên, việc lấy mẫu sàng lọc G6PD ở các nhóm ngày tuổi khác nhau có giá trị sàng lọc là như nhau.
Do sự thiếu hụt G6PD rất phổ biến ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi có nhiệt độ và độ ẩm tương đối cao, nên việc kiểm soát chất lượng đối với việc thu thập, vận chuyển và lưu trữ mẫu là cần thiết để duy trì độ chính xác của quá trình sàng lọc. Việc bảo quản mẫu trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm cao có thể làm tăng nguy cơ dương tính giả. Hoạt độ G6PD có thể giảm 20% sau 3 ngày được bảo quản ở nhiệt độ phòng và độ ẩm thấp(< 30%) nhưng có thể giảm đến 60% nếu bảo quản ở 35 độ C với độ ẩm cao [10]. Tuy nhiên, các mẫu được bảo quản ở 4°C trong 1 tháng hoặc ở – 20°C trong 1 năm vẫn giữ được hơn 90% hoạt tính của enzyme [11]. Nhiệt độ trung bình của các tháng mùa đông và các tháng mùa hè ở Hà Nội có sự chênh lệch khoảng 14 – 20°C. Ảnh hưởng của nhiệt độ lên hoạt độ enzyme G6PD tác động rõ nhất vào khâu vận chuyển và bảo quản mẫu. Ở nghiên cứu của chúng tôi, thời điểm lấy mẫu cũng cho thấy sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê giữa tỷ lệ trẻ có hoạt độ G6PD ở ngưỡng nguy cơ cao giữa mùa nóng và mùa lạnh. Các mẫu máu thấm khô trong nghiên cứu đều được lấy mẫu và thực hiện tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nên việc vận chuyển vào bảo quản sẽ thuận tiện hơn mẫu gửi từ các tỉnh khác.
KẾT LUẬN
Hoạt độ G6PD ở mẫu giấy thấm máu khô của trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng của các yếu tố’ như cân nặng lúc sinh, việc sử dụng thuốc kháng sinh ở trẻ, nhưng không bị ảnh hưởng bởi tuổi lấy mẫu xét nghiệm và thời điểm lấy mẫu là mùa nóng hay mùa lạnh. Tỷ lệ trẻ sơ sinh nam có kết quả sàng lọc thuộc nguy cơ cao thiếu hụt enzyme G6PD nhiều hơn trẻ sơ sinh nữ. Vì vậy, trong đánh giá nguy cơ thiếu enzyme G6PD cần chú ý phân tích đến các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt độ enzym này.