Bài viết Nifedipine uống so với Labetalol tiêm tĩnh mạch trong điều trị tăng huyết áp cấp cứu trong thai kỳ của Bộ Môn Phụ Sản – Trường ĐH Y Dược Huế.
Rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ rất phổ biến trong lĩnh vực sản khoa và có ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của cả bà mẹ và trẻ sơ sinh. Rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong mẹ và chu sinh trên toàn thế giới. Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo nên bắt đầu điều trị hạ huyết áp kịp thời đối với rối loạn tăng huyết áp trong thai kỳ dai dẳng và nặng với các hướng dẫn quản lý lâm sàng khuyến cáo dùng hydralazine/Labetalol tiêm tĩnh mạch hoặc Nifedipine đường uống để kiểm soát huyết áp khẩn cấp cho sản phụ. Nhiều hiệp hội khác nhau khuyến cáo sử dụng Labetalol, một thuốc chẹn thụ thể adrenaline có hoạt tính kết hợp chẹn cả hai thụ thể alpha và beta, là phương pháp điều trị đầu tay cho các trường hợp tăng huyết áp nặng trong thai kỳ.
Một ưu điểm của Labetalol là đường dùng tĩnh mạch, làm loại thuốc này phù hợp để sử dụng ngay cả trong trường hợp bệnh nhân mất ý thức. Nifedipine, một chất đối kháng canxi dihydropyridine, cũng có hiệu quả trong điều trị tăng huyết áp nặng. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng Nifedipine có thể kiểm soát tình trạng tăng huyết áp nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai mà không làm giảm lưu lượng máu tử cung – nhau thai và cho đến nay không có tác dụng phụ đáng kể nào đối với mẹ hoặc thai nhi được báo cáo. Ngoài ra, việc dễ dàng sử dụng và bảo quản khiến Nifedipine đường uống trở thành một lựa chọn được sử dụng thường xuyên trong việc kiểm soát các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu trong thai kỳ. Nhiều thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng (RCT) đã so sánh hiệu quả và độ an toàn của Nifedipine đường uống và Labetalol tiêm tĩnh mạch trong trường hợp tăng huyết áp cấp cứu trong thai kỳ. Tuy nhiên, kết quả từ những nghiên cứu này đã vẫn chưa đưa ra được chiến lược quản lý thuốc tối ưu cho bệnh tăng huyết áp nặng khi mang thai.
Vào năm 2023, một phân tích tổng hợp dựa vào 12 RCT đã tiến hành nghiên cứu trên 1151 phụ nữ mang thai (573 người ở nhóm labetalol và 578 người ở nhóm nifedipine), để đánh giá hiệu quả của Nifedipine đường uống so với Labetalol tiêm tĩnh mạch về thời gian cần thiết để kiểm soát huyết áp, số lượng liều cần dùng và tần suất xảy ra các kết cục bất lợi trong các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu trong thai kỳ, với kết quả như sau:
- Thời gian cần thiết để kiểm soát huyết áp: Những bệnh nhân dùng Nifedipine đường uống đạt huyết áp mục tiêu nhanh hơn những bệnh nhân dùng Labetalol tiêm tĩnh mạch (MD 7,64, CI 95% 4,08–11,20, p < 0,0001).
- Số liều cần dùng: Phân tích tổng quan cho thấy cần sử dụng ít liều Nifedipine hơn đáng kể để đạt được huyết áp mục tiêu (MD 0,62, CI 95% 0,36–0,88, p < 0,00001).
- Sự an toàn: Không có sự khác biệt đáng kể nào giữa 2 nhóm nghiên cứu về biến chứng trên sản phụ và trẻ sơ sinh.
- Các biến chứng ở mẹ, bao gồm: sản giật (OR 1,56; 95% CI 0,73–3,34; p=0,25), đau đầu (OR 0,85; 95% CI 0,49–1,49; p=0,57), hội chứng HELLP (OR 0,27; p = 0,15), đánh trống ngực (OR 0,61; p = 0,19), đỏ bừng mặt (OR 0,77; 95% CI 0,18–3,22 ; p = 0,72) .
- Các biến chứng ở trẻ sơ sinh, bao gồm: nhập NICU (OR 1,33; 95% CI 0,84–2,10; p =0,23), điểm Apgar 5 phút < 7 (OR 1,09; 95% CI 0,76– 1,58; p =0,63), tử vong sơ sinh (OR 1,09; 95% CI 0,62–1,89; p =0,77), nhịp tim thai bất thường (OR 0,94; 95% CI, 0,47–1,88; p=0.86).
Kết luận: Phân tích tổng hợp trên cho thấy rằng Nifedipine đường uống có thể đạt được huyết áp mục tiêu nhanh hơn và cần ít liều hơn Labetalol tiêm tĩnh mạch trong việc kiểm soát các trường hợp tăng huyết áp cấp cứu trong thai kỳ.
Tài liệu tham khảo
- Lin Li, Wenxia Xie, Hao Xu & Lei Cao (2023) Oral nifedipine versus intravenous labetalol for hypertensive emergencies during pregnancy: a systematic review and meta-analysis, The Journal of Maternal-Fetal & Neonatal Medicine, 36:2, 2235057 https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/37487762/.
- Gestational hypertension and preeclampsia: ACOG practice bulletin summary, number 222. Obstet Gynecol. 2020;135(6):1492–1495. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32443077/