Phụ nữ trong thai kỳ cần bổ sung thêm sắt và canxi để tăng cường sức khỏe cho cả mẹ và bé. Vậy uống sắt và canxi vào thời điểm nào trong ngày là hợp lý nhất, hãy cùng ITP Pharma tìm hiểu trong bài viết này.
Vai trò của sắt và calci đối với cơ thể
Sắt và calci là những thành phần quan trọng và cần thiết trong hoạt động sống của cơ thể. Bổ sung sắt và calci đầy đủ là điều kiện để có một cơ thể khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc phải nhiều bệnh lý liên quan. Vấn đề cung cấp sắt và calci đặc biệt được coi trọng ở người già, trẻ nhỏ và phụ nữ đang trong thai kỳ.
Vai trò của sắt đối với cơ thể
- Sắt là nguyên liệu trong tái tạo hồng cầu trong cơ thể (tham gia vào quá trình tổng hợp hemoglobin).
- Thúc đẩy quá trình vận chuyển oxy trong máu tới các mô và cơ quan trong cơ thể.
- Sắt kết hợp với protein tạo thành huyết sắc tố.
- Đóng góp một phần trong tạo thành cấu trúc của các enzyme chuyển hóa trong cơ thể.
- Tăng cường sự đàn hồi và săn chắc cho cơ bắp.
- Cải thiện và nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Thiếu hụt sắt với bất kỳ đối tượng nào đều gây ra những hệ quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với người già, trẻ nhỏ và phụ nữ đang trong thai kỳ. Thiếu sắt dẫn tới tình trạng suy giảm chức năng hệ hô hấp, suy giảm chức năng hệ tim mạch, gây thiếu máu cấp tính hoặc mạn tính, rối loạn nhịp tim, suy nhược cơ thể, gây hoa mắt chóng mặt. Thiếu sắt trong một thời gian dài ở mức độ nghiêm trọng có thể gây tử vong.
Vai trò của calci đối với cơ thể
- Calci là thành phần chính trong cấu tạo xương và răng. Cung cấp đầy đủ calci cho cơ thể giúp xương và răng chắc khỏe, tăng cường sức mạnh cơ xương khớp.
- Nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể.
- Tăng cường dẫn truyền thần kinh giữa các tế bào, đảm bảo sự phát triển của hệ thống thần kinh.
- Thiếu hụt calci ở thai phụ có thể khiến thai phụ bị đau lưng, đặc biệt ảnh hưởng tới sự phát triển sau này của trẻ. Tăng nguy cơ suy dinh dưỡng, còi xương bẩm sinh, chậm lớn ở trẻ.
Nhận thấy vai trò quan trọng của sắt và calci, mỗi người đều cần bổ sung lượng cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu nên sử dụng sắt và calci như thế nào và vào thời điểm nào. Bài viết của chúng tôi cung cấp thời điểm uống sắt và calci phù hợp nhất trong ngày để đạt được sự hấp thu tối ưu và đem lại hiệu quả tốt nhất.
Uống sắt và calci vào thời điểm nào trong ngày
Uống sắt vào thời điểm nào trong ngày là tốt nhất?
Theo nghiên cứu của các chuyên gia y tế, thời điểm vàng để sử dụng sắt là khi dạ dày còn rỗng, cụ thể là khoảng thời gian 30 phút trước bữa ăn hoặc sau khi ăn 2 giờ. Lượng thức ăn còn trong dạ dày làm giảm sự hấp thu của sắt.
Do vậy, khuyến khích sử dụng sắt vào trước hoặc sau bữa ăn sáng để cơ thể hấp thu được tốt nhất. Sau khi uống sắt có thể bổ sung thêm các thực phẩm, hoa quả giàu vitamin C như táo, bưởi, cam, nước chanh… do vitamin C có tác dụng làm tăng sinh khả dụng quá trình hấp thu của sắt. Chú ý không nên uống sắt trước khi đi ngủ vì dễ gây nóng trong, đặc biệt là đối với phụ nữ đang mang thai.
Uống calci vào thời gian nào trong ngày?
Giống như sắt, calci cũng được khuyến khích sử dụng khi đói, xa bữa ăn, vào khoảng thời gian 30 phút trước bữa ăn hoặc sau bữa ăn từ 1 cho đến 2 giờ. Nghiên cứu chỉ ra trong nhiều loại thức ăn có thể chứa dẫn chất của oxalat và phytat (có trong ngũ cốc), tạo phức hợp với calci và làm giảm sự hấp thu của calci vào cơ thể.
Quá trình hấp thu của calci diễn ra tốt nhất khi cơ thể được cung cấp lượng dồi dào vitamin D. Khuyến khích sử dụng calci hai giờ sau bữa ăn sáng, đây là thời điểm đã có ánh nắng mặt trời và cung cấp lượng lớn vitamin D cho cơ thể hỗ trợ quá trình hấp thu calci.
Chú ý tránh sử dụng calci vào chiều muộn/ tối do dễ gây tích tụ trong cơ thể, tăng tỷ lệ mắc sỏi tiết niệu ở người dùng. Ngoài ra, cũng có thể gây khó ngủ cho phụ nữ đang mang thai nếu sử dụng calci quá muộn.
Uống calci và sắt cùng lúc được không? Sắt và calci nên uống cách nhau bao lâu?
Sắt và Calci là hai nguyên tố quan trọng trong sự phát triển của cơ thể, đều được khuyến cáo sử dụng khi đói. Tuy nhiên, không nên uống hai khoáng chất này cùng lúc. Lượng lớn calci trong cơ thể (trên 300 mg) có thể làm giảm sự hấp thu của sắt, làm mất vai trò chính của sắt trong cơ thể. Nên sử dụng sắt và calci cách nhau tối thiểu 2 tiếng để tránh tương tác thuốc bất lợi giữa hai khoáng chất này, giúp chúng đều được hấp thu một cách tối ưu và phát huy công dụng tối đa.
Người dùng có thể sử dụng sắt trước bữa ăn sáng 30 phút và sử dụng calci sau bữa ăn sáng 2 giờ để đảm bảo khoảng cách thời điểm dùng thuốc của hai chất này mà vẫn đạt được hiệu quả tốt nhất của cả hai chất.
Một số lưu ý khi sử dụng calci và sắt
Khi sử dụng sắt và calci để bồi bổ cho cơ thể, người dùng cần chú ý một số điểm sau đây để tối ưu hóa quá trình dùng thuốc của mình:
- Sử dụng vitamin C cùng sắt giúp sắt được hấp thu tốt hơn và hạn chế được tác dụng phụ táo bón khi dùng sắt. Nên sử dụng sắt cùng các thực phẩm và hoa quả giàu vitamin C như táo, cam, chanh, bưởi.
- Sắt và calci là quan trọng và cần thiết đối với cơ thể, tuy nhiên cần bổ sung với liều lượng hợp lý. Sử dụng một lượng quá mức sắt và calci sẽ gây tích tụ trong cơ thể và gây nhiều tác dụng không mong muốn.
- Tác dụng không mong muốn khi dùng quá lượng sắt cần thiết: ức chế quá trình vận chuyển oxy trong máu, thai phụ dễ bị sinh non, thiếu cân, tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
- Tác dụng không mong muốn khi dùng quá lượng calci cần thiết: tăng nguy cơ bị sỏi thận, sỏi tiết niệu.
Lượng sắt cần thiết cho cơ thể được thống kê như sau:
- Lượng sắt cần thiết mỗi ngày cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú: 28 đến 45 mg sắt.
- Lượng sắt cần thiết mỗi ngày cho trẻ từ 14 đến 18 tuổi: 11 đến 15 mg sắt.
- Lượng sắt cần thiết mỗi ngày cho trẻ từ 4 đến 13 tuổi: 10 mg sắt.
- Lượng sắt cần thiết mỗi ngày cho trẻ từ 13 tháng tuổi đến 3 tuổi: 7 mg sắt.
- Lượng sắt cần thiết mỗi ngày cho trẻ từ 7 đến 12 tháng tuổi: 11 mg sắt.
Lượng calci cần thiết cho cơ thể:
- Lượng calci cần thiết cho đối tượng từ 10 đến 23 tuổi, phụ nữ đang trong thai kỳ: 1200mg/ngày.
- Lượng calci cần thiết cho trẻ em từ 4 đến 9 tuổi: 700 mg/ngày.
- Lượng calci cần thiết cho trẻ em từ 1 đến 3 tuổi: 500 mg/ngày.
- Lượng calci cần thiết cho trẻ em dưới 1 tuổi: 300 mg/ngày.
Các tương tác của sắt, calci với thức ăn làm giảm hấp thu của các chất. Một số thực phẩm cần tránh sử dụng chung với sắt và calci ví dụ như cà phê, trà thảo mộc, trà xanh.
Để hạn chế các tương tác thuốc- thuốc bất lợi, tránh sử dụng chung sắt và calci với các nhóm thuốc sau:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc điều trị đột quỵ, co giật
- Thuốc kháng acid dạ dày trong điều trị viêm loét dạ dày tá tràng
- Thuốc điều hòa nồng độ cholesterol
Sử dụng sắt và calci có thể gây các tác dụng phụ chướng bụng, đầy hơi, táo bón. Khắc phục tình trạng này bằng cách sử dụng nhiều nước và các loại thực phẩm giàu chất xơ. Nếu không cải thiện được thì nên gặp bác sĩ điều trị để có biện pháp xử lý kịp thời. Ưu tiên sử dụng sắt hữu cơ để hạn chế tình trạng táo bón. Ngoài ra, sắt hữu cơ cũng dễ hấp thu hơn so với sắt vô cơ.
Xem thêm: