Thuốc Virazom là gì?
Thuốc Virazom thuộc nhóm thuốc điều trị tiêu hóa, thường được sử dụng trong trường hợp điều trị viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, hay dùng cho bệnh nhân mắc hội chứng Zollinger – Ellison.
Thuốc Virazom là sản phẩm được nghiên cứu và phát triển bởi công ty Zim Labratories Ltd của Ấn Độ. Thuốc được sản xuất trong dây chuyền công nghệ hiện đại và tiên tiến, đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP- WHO. Virazom được đăng ký bởi L.B.S. Laboratory Ltd- Thái Lan. Hiện nay thuốc đã được cấp phép lưu hành tại thị trường Việt Nam.
Số đăng ký: VN-17500-13
Thành phần chính của Virazom gồm hoạt chất Omeprazol (dạng cốm tan trong ruột) với hàm lượng 20mg.
Dạng bào chế: Viên nang cứng.
Quy cách đóng gói: Một hộp gồm 2 vỉ hoặc 10 vỉ, mỗi vỉ gồm 10 viên nang cứng.
Hạn sử dụng: 24 tháng kể từ ngày sản xuất.
Công dụng của thuốc Virazom
Thuốc Virazom có công dụng ức chế quá trình bài tiết dịch vị tại dạ dày do các nguyên nhân như tác nhân tấn công kích thích quá trình bài tiết (vi khuẩn H.pylori), dạ dày rỗng, vết loét bị tổn thương.
Thành phần của thuốc Virazom có tác dụng gì?
Thành phần chính của Virazom là Omeprazole thuộc nhóm chất ức chế bơm proton.
Cơ chế hoạt động của Omeprazole: sau khi vào cơ thể, Omeprazole khóa phức hợp enzyme Hydrogen-potassium Adenosine Triphosphatase (bơm proton) của dạ dày, hạn chế quá trình bài tiết acid dịch vị. Sử dụng Omeprazol lâu dài giúp duy trì nồng độ acid ở mức thấp, tuy nhiên khi ngưng sử dụng thuốc thì quá trình bài tiết diễn ra bình thường, nhưng không có tình trạng tăng tiết dịch vị quá mức.
Ngoài ra, Omeprazole thúc đẩy quá trình lành các vết loét ở niêm mạc dạ dày. Sau 2 tuần điều trị, mức độ thành sẹo của vết loét là 65%. Sau 4 tuần điều trị, mức độ thành sẹo của vết loét lên tới 95%.
Chỉ định
Thuốc Virazom được chỉ định sử dụng trong 1 số trường hợp:
- Đối tượng gặp tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng.
- Bệnh nhân gặp phải bệnh trào ngược dạ dày- thực quản.
- Bệnh nhân mắc hội chứng Zollinger – Ellison.
- Kết hợp trong liệu trình dùng thuốc kháng sinh để điều trị vi khuẩn H.pylori, nguyên nhân chính gây ra các bệnh viêm loét tại dạ dày.
Cách sử dụng thuốc Virazom
Liều dùng
- Tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý và tuổi tác của bệnh nhân, các bệnh lý mắc kèm mà cần hiệu chỉnh liều phù hợp cho từng bệnh nhân.
- Liều điều trị cho bệnh nhân viêm thực quản do trào ngược dạ dày thực quản: Mỗi ngày uống thuốc 1 lần, mỗi lần 1 đến 2 viên (tương đương với 20 đến 40mg Omeprazole). Sử dụng thuốc liên tục và đều đặn trong thời gian từ 4 đến 8 tuần. Liều duy trì sau 8 tuần gồm 1 viên/ ngày, dùng trong 1 lần duy nhất.
- Liều điều trị cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày tá tràng: Mỗi ngày uống thuốc 1 lần, mỗi lần 1 viên (tương đương với 20mg Omeprazole). Sử dụng thuốc liên tục và đều đặn trong thời gian từ 4 tuần (với loét tá tràng) đến 8 tuần (với loét dạ dày). Trong trường hợp tình trạng loét nghiêm trọng có thể tăng liều 2 viên/ lần/ ngày.
- Liều điều trị cho bệnh nhân mắc hội chứng Zollinger – Ellison: Thông thường, liều khuyến cáo bệnh nhân sử dụng 3 viên/ ngày. Liều sử dụng có thể hiệu chỉnh tùy thuộc vào tình trạng bệnh nhân, từ 20 đến 120 mg Omeprazole. Với mức độ nặng sử dụng 80mg Omeprazole/ ngày, chia đều thành 2 lần, mỗi lần 2 viên thuốc.
- Liều dùng khắc phục triệu chứng khó tiêu do acid: Mỗi ngày dùng 10 đến 20 mg Omeprazole, sử dụng trong thời gian tối thiểu từ 2 đến 4 tuần.
- Liều dùng cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận: Sử dụng liều thông thường, không cần hiệu chỉnh liều.
- Liều dùng cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng gan: Mỗi ngày dùng 10- 20mg Omeprazole.
- Liều dùng cho người cao tuổi: Sử dụng liều thông thường, không cần hiệu chỉnh liều.
- Liều dùng cho trẻ em: không khuyến khích sử dụng Virazom cho nhóm đối tượng này.
Cách dùng
- Thuốc Virazom được bào chế dạng viên nang, thích hợp sử dụng đường uống để đạt sinh khả dụng tối ưu. Một số điểm cần lưu ý khi dùng thuốc:
- Sử dụng thuốc nguyên viên, không nhai vỡ hay bẻ gãy trong quá trình uống.
- Uống thuốc vào trong bữa ăn, uống cùng 1 cốc nước lọc đầy. Không uống Virazom cùng sữa, cà phê, nước hoa quả, đồ uống có cồn.
- Sử dụng thuốc liên tục và đều đặn giữa các ngày để thuốc phát huy được công dụng tốt nhất.
Thuốc Virazom có dùng được cho phụ nữ có thai, đang cho con bú không?
Theo nghiên cứu hoạt chất Omeprazol có khả năng đi qua hàng rào nhau thai, bài tiết 1 phần vào sữa mẹ, gây ảnh hưởng không có lợi tới sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Chỉ sử dụng Virazom khi lợi ích mà nó đem lại vượt trội hơn so với nguy cơ. Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.
Thuốc Virazom giá bao nhiêu?
Hiện nay thuốc Virazom được bán với giá khoảng 11.000 đồng/ hộp 20 viên và 55.000 đồng/ hộp 100 viên.
Thuốc Virazom có thể mua ở đâu?
Thuốc Virazom được phân phối và bày bán rộng rãi tại nhiều hệ thống nhà thuốc. Khách hàng có nhu cầu sử dụng Virazom có thể dễ dàng tìm mua tại các quầy thuốc, nhà thuốc bệnh viện hay nhà thuốc tư nhân. Để tránh mua nhầm hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, khách hàng nên chọn mua tại các nhà thuốc lớn uy tín, đủ điều kiện kinh doanh dược.
Một số nhà thuốc uy tín tại Hà Nội và Hồ Chí Minh hiện có bán Virazom: nhà thuốc Bimufa, nhà thuốc Ngọc Anh, nhà thuốc Lưu Anh. Để được tư vấn và đặt hàng trực tiếp, khách hàng có thể gọi theo số hotline hoặc truy cập vào website của nhà thuốc.
Chống chỉ định
Chống chỉ định sử dụng Virazom cho bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc.
Tác dụng phụ của thuốc Virazom
Trong quá trình sử dụng thuốc Virazom bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như:
- Tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh: hoa mắt, chóng mặt, hay buồn ngủ, nhức đầu, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, ảo giác, lú lẫn, dễ bị kích động.
- Tác dụng không mong muốn trên hệ tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, chướng bụng.
- Tác dụng không mong muốn trên da và mô dưới da: hồng ban đa dạng, ngứa, mẩn đỏ, mề đay.
- Tác dụng không mong muốn trên hệ chuyển hóa: tăng nồng độ transaminase.
- Tác dụng không mong muốn trên chỉ số máu: suy giảm số lượng bạch cầu tiểu cầu, giảm tế bào máu, mất bạch cầu hạt.
- Tác dụng không mong muốn trên gan: viêm gan, vàng da, suy gan.
- Một số tác dụng không mong muốn khác như hay đổ mồ hôi, sốt, shock phản vệ, chứng vú to ở nam giới, đau nhức mỏi toàn thân.
Các triệu chứng trên thường hiếm xuất hiện và ở mức độ không nghiêm trọng. Các biểu hiện biến mất sau khi ngưng sử dụng thuốc mà không cần điều trị. Tuy nhiên trong trường hợp bệnh nhân nhận thấy các tác dụng phụ trầm trọng, hoặc xuất hiện các biểu hiện bất thường nào khác, thì nên thông báo sớm với bác sĩ điều trị để được khắc phục kịp thời.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Virazom
Một số điểm cần lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc Virazom:
- Thận trọng khi dùng Virazom cho bệnh nhân kém hấp thu vitamin b12.
- Loại bỏ nghi ngờ về u ác tính trước khi sử dụng thuốc. Virazom có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng và khiến việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn.
- Virazom gây hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ, không nên sử dụng cho người đang lái xe và vận hành máy móc nặng.
- Để thuốc xa khu vực có trẻ nhỏ. Trẻ uống nhầm có thể gây nên các rối loạn về tiêu hóa.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30 độ C. Không bảo quản thuốc ở nơi ẩm thấp (ví dụ như nhà tắm). Không để thuốc ở nơi có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp. Không bảo quản thuốc trong tủ lạnh.
- Bệnh nhân không sử dụng những viên thuốc đã có dấu hiệu hỏng/ hết hạn sử dụng như chảy nước, biến đổi màu sắc, mốc, biến dạng nghiêm trọng.
- Kiểm tra kĩ hạn sử dụng trước khi dùng.
Dược động học
- Quá trình hấp thu: Omeprazol chỉ hấp thu ở tá tràng và ruột non. Cần bảo vệ Omeprazole khi đi qua dạ dày để tránh bị phân hủy. Thuốc bắt đầu thể hiện tác dụng sau 1 giờ sử dụng thuốc. Nồng độ Omeprazole được xác định đạt mức cao nhất sau 2 giờ uống thuốc. Sau 3 đến 6 giờ, toàn bộ dược chất được hấp thu hoàn toàn. Sinh khả dụng sử dụng Omeprazole đường uống khoảng 35%- 60%.
- Quá trình phân bố: Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương của Omeprazole khoảng 95%.
- Quá trình chuyển hóa: Omeprazol chuyển hóa chủ yếu ở gan.
- Quá trình thải trừ: Thời gian bán thải của hoạt chất khoảng 40 phút. Thuốc thải trừ chủ yếu qua nước tiểu (80%) và qua phân (20%).
Tương tác thuốc
Trong quá trình sử dụng Virazom có thể xảy ra các tương tác thuốc bất lợi khi dùng chung với các chế phẩm thuốc khác, làm ảnh hưởng tới quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa thải trừ của thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị hoặc tăng độc tính của hoạt chất.
Qua nghiên cứu ghi nhận một số tương tác sau:
- Cần hiệu chỉnh liều Virazom phù hợp khi dùng chung với Atazanavir.
- Sử dụng đồng thời Virazom và vitamin B12 khiến giảm sinh khả dụng quá trình hấp thu.
- Chống chỉ định sử dụng Virazom cùng Clopidogrel để tránh tình trạng xuất huyết mất kiểm soát.
- Bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ điều trị về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng, vitamin, thảo dược đã và đang sử dụng để hạn chế được các tương tác thuốc- thuốc bất lợi.
Xử trí quá liều, quên liều thuốc
Quá liều: Hiện nay chưa ghi nhận trường hợp quá liều khi sử dụng Virazom. Tuy nhiên bệnh nhân không được phép tự ý điều chỉnh liều điều trị. Tăng hoặc giảm liều sai cách có thể làm giảm hiệu quả điều trị, khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Quên liều: Thông thường nếu thời điểm phát hiện quên liều từ 1 đến 2 giờ thì nên sử dụng bổ sung liều đã quên càng sớm càng tốt. Nếu thời điểm phát hiện quên liều gần với liều tiếp theo thì nên bỏ qua liều đã quên, sử dụng liều tiếp theo bình thường. Không dùng gấp đôi liều để bù cho liều đã quên. Không quên thuốc quá 2 lần trong liệu trình điều trị.