Mang thai là một hành trình thiêng liêng và vất vả của mỗi người phụ nữ. Để trang bị cũng như có được một quá trình mang thai thật tốt, nhiều chị em cũng đang còn mơ hồ về vấn đề này. Hiểu được những khó khăn đó, bài viết dưới đây của Nhà thuốc online ITP Pharma sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về hành trình mang thai và những công việc phải chuẩn bị nhé.
1, Cần chuẩn bị những gì trước khi mang thai?
Việc chuẩn bị trong hành trình mang thai của chị em thường rất khó khăn và rắc rối. Ngoại trừ những trường hợp chị em bị mang thai ngoài ý muốn thì sẽ không có thời gian để chuẩn bị trước mang thai. Còn đối với những người đang có kế hoạch mang thai thì thường có rất nhiều nỗi lo. Sẽ có những câu hỏi như làm sao để nâng cao thể trạng của bản thân thật tốt, nên điều chỉnh chế độ ăn uống như thế nào, có nên dùng các loại thuốc men không, tập thể dục như thế nào, quá trình sinh nở và trách nhiệm làm cha mẹ khi có con,… Có lẽ đây chính là lý do mà nhiều cặp vợ chồng rất băn khoăn trước khi quyết định muốn có con. Dưới đây là một lưu ý cũng như những lời nhắc nhở cho các chị em trước khi mang thai:
1.1. Kiểm tra sức khỏe
Để chuẩn bị sức khỏe cũng như đảm bảo đủ khả năng mang thai, việc đầu tiên cần làm chính là đi khám tiền sản. Khi các bạn đi khám tiền sản, các bác sĩ sẽ khai thác và tìm hiểu một cách kỹ càng và toàn diện về tiền sử bệnh của cả hai vợ chồng bạn cũng như tiền sử của gia đình hai bên, những loại thuốc mà bạn đã hoặc đang sử dụng…
Bên cạnh đó, bạn cũng nên dừng sử dụng một số loại thuốc có tác dụng làm ảnh hưởng đến việc thụ thai sau này. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tư vấn cho các bạn nên ăn những gì trước khi mang thai, nên tập thể dục như thế nào để nâng cao sức khỏe và những thói quen xấu nào nên được loại bỏ (ví dụ như chế độ sinh hoạt chưa hợp lý, các thói quen xấu như hút thuốc lá, uống bia rượu,…). Đồng thời, bạn sẽ được tư vấn về việc thực hiện việc tiêm ngừa vắc xin trước và trong quá trình mang thai ra sao.
Nếu đang mắc phải một số bệnh lý như bị bệnh tiểu đường, hen phế quản hay tăng huyết áp,… thì các bác sĩ cũng sẽ hội chẩn hoặc chuyển các bạn khám thêm ở các chuyên khoa khác để chẩn đoán xác định cũng như điều trị ổn định những bệnh này trước khi mang thai. Việc điều trị ổn định các bệnh toàn thân kèm theo có vai trò rất quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới thai kỳ của các bạn. Khi mang thai các bệnh này nếu không được kiểm soát tốt sẽ nặng lên và ảnh hưởng trực tiếp tới cả mẹ và thai nhi.
Khám và kiểm tra các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục cũng có vai trò rất quan trọng. Cũng như các bệnh lý toàn thân, nếu chị em bị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa hay bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (sùi mào gà. Lậu, giang mai,…) thì cũng cần phải điều trị khỏi bệnh trước khi mang thai, tránh lây nhiễm cho con sau này.
Trong quá trình khám tiền sản, các bác sĩ sẽ yêu cầu cả hai vợ chồng thực hiện kiểm tra di truyền tổng quát để chắc chắn cả 2 người đều không mắc các bệnh lý nghiêm trọng về di truyền. Chẳng hạn như bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, hoặc một trong 2 người bị nhưng không có nguy cơ sinh con bị bệnh. Bởi vì một khi bạn hoặc bạn đời có rối loạn di truyền, khi sinh con thì đứa trẻ sẽ có nguy cơ di truyền các bệnh đó. Để thực hiện xét nghiệm này, người ta có thể xét nghiệm máu hoặc mẫu nước bọt của các bạn.
1.2. Tránh và loại bỏ tình trạng nhiễm trùng
Các bạn có thể ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng với một số lưu ý sau:
- Rửa tay sạch sẽ thường xuyên trước và sau khi chế biến thức ăn. Các loại thực phẩm bằng cần bảo quản bằng tủ lạnh thì nên đảm bảo nhiệt độ ngăn mát bảo quản ở khoảng từ 2 tới 4ºC và nhiệt độ ngăn đông đảm bảo khoảng –18ºC. Ở mức nhiệt độ này các loại thực phẩm sẽ được bảo quản tốt nhất.
- Không nên sử dụng trực tiếp các loại thực phẩm chưa được chế biến chín, các dạng phô mai chưa được khử trùng hay các loại thịt để nguội, đồ nguội. Các loại thực phẩm kể trên thường chứa rất nhiều loại vi khuẩn hoặc chất gây độ không tốt cho sức khỏe. Các bạn nên ăn chín, uống sôi, hâm nóng đồ ăn trước khi ăn.
- Các bạn cũng nên tránh sử dụng các loại nước ép chưa được khử trùng vì những loại nước đó cũng có thể chứa các loại vi khuẩn gây hại cho đường ruột như E.coli, Salmonella.
- Khi hoạt động hay làm việc, các bạn cũng nên mang găng tay khi tiếp xúc với đất, cát hoặc khi đổ rác để tránh bị nhiễm khuẩn.
- Các bạn cần thực hiện tiêm một số loại vắc xin như: cúm, thủy đậu, viêm gan B, sởi – quai bị- rubella… để phòng ngừa các căn bệnh này trong quá trình mang thai.
1.3. Môi trường sống lành mạnh, ít độc hại
Môi trường sống cũng có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng tới quá trình trước và khi mang thai của bạn. Nếu chẳng may bạn bị nhiễm chất phóng xạ hay các loại hóa chất độc hại tại nơi làm việc thì sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai. Ngoài ra, khi sử dụng các loại hóa chất như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tẩy, bạn cũng phải hết sức cẩn thận.
1.4. Chuẩn bị tâm lý thật thoải mái
Bạn nên chuẩn bị một trạng thái tâm lý thật tốt nếu như muốn mang thai. Điều này tưởng chừng không liên quan nhưng thực chất có ảnh hưởng khá nhiều tới việc thụ thai và mang thai của các bạn đấy nhé. Đôi khi, các bạn sẽ có cảm giác lo lắng, buồn vu vơ, căng thẳng hay thậm chí là chán nản, những lúc như vậy tốt nhất bạn nên nói chuyện và tâm sự nhiều hơn với bạn đời hoặc người thân trong gia đình để được giải tỏa. Nếu thấy tình trạng tâm lý của bản thân trở nên bất ổn hơn, bạn có thể tìm đến các bác sĩ tâm lý để chia sẻ và có hướng xử lý tốt nhất. Bạn cũng có thể tham khảo yoga và thiền, đây cũng là những phương pháp giúp bạn giảm căng thẳng rất hiệu quả.
1.5. Tạo thói quen tập thể dục nâng cao sức khỏe
Đối với các bạn đã có thói quen tập thể dục mỗi ngày thì đây là thói quen rất tốt và các bạn nên duy trì. Ngược lại với những bạn không có thói quen tập thể dục trước đó thì hãy bắt đầu ngay từ bây giờ. Việc tập thể dục mỗi ngày không chỉ giúp cho cơ thể khỏe mạnh hơn, giảm căng thẳng, stress mà còn giúp cho quá trình thụ thai diễn ra một cách dễ dàng hơn, tỷ lệ có thai cũng cao hơn.
Các bạn có thể bắt đầu tập hay làm quen với các bài tập đơn giản của các bộ môn như như yoga, aerobic hay bơi lội. Đơn giản hơn, nếu các bạn quá bận rộn thì có thể đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày cũng rất tốt. Có một số việc hằng ngày mà các bạn có thể làm để cơ thể có thể hoạt động nhiều hơn như đi thang bộ thay cho thang máy, nếu đi đoạn đường ngắn thì đi bộ thay vì đi xe,… Hiện nay cũng có nhiều lớp học hay câu lạc bộ cho các chị em để giao lưu và hoạt động, luyện tập giúp nâng cao sức khỏe và trao đổi kinh nghiệm giữa các mẹ.
1.6. Chuẩn bị nguồn tài chính ổn định để đảm bảo cho việc chăm sóc thai kỳ và nuôi con sau này
Tài chính luôn là một vấn đề quan trọng và được nhiều cặp vợ chồng quan tâm hàng đầu khi có ý định có con. Nếu các bạn đang có ý định mang thai, tốt nhất hãy lên kế hoạch chi tiết và cụ thể về tài chính và các vấn đề liên quan để ước chừng trước các khoản tiền cần chuẩn bị. Để tiết kiệm chi phí các bạn có thể khám và theo dõi thai kỳ bằng thẻ bảo hiểm y tế, tuy nhiên trước khi khám thai ở cơ sở nào đó thì bạn hãy tìm hiểu xem cơ sở đó có chấp nhận thẻ bảo hiểm của bạn hay không nhé. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình và sức khỏe của mỗi người mà các bạn hãy lựa chọn một bệnh viện sản phụ khoa phù hợp với điều kiện của mình nhé.
1.7. Chế độ ăn hợp lý cho cả vợ và chồng
Bạn không cần phải ăn quá nhiều nhưng nên bổ sung những món ăn bổ dưỡng để đảm thai kỳ diễn ra khỏe mạnh. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống lành mạnh của cả hai vợ chồng cũng sẽ góp phần nâng cao khả năng thụ thai.
- Chế độ ăn phù hợp cho phụ nữ: Nên thêm vào chế độ ăn nhiều hoa quả, các loại rau tươi và ngũ cốc nguyên hạt. Mỗi ngày, bạn có thể uống 2 ly sữa và bổ sung một hộp sữa chua. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh các loại thực phẩm chứa nhiều chất làm ngọt nhân tạo và các loại đồ uống có cồn, cà phê.
- Chế độ ăn hợp lý cho người chồng: Nên ăn các loại đồ ăn chứa nhiều kẽm và vitamin E sẽ giúp cho tinh trùng khỏe mạnh hơn, bơi nhanh hơn để đến gặp trứng, tăng khả năng thụ thai. Hãy ăn nhiều cà rốt để bổ sung thêm vitamin A và D nhé.
1.8. Tìm hiểu và tính thời gian rụng trứng để tăng khả năng thụ thai
Để có thể thụ thai, các bạn nên tìm hiểu cách tính ngày rụng trứng và những ngày dễ thụ thai nhất. Có thể thực hiện bằng cách ghi lại những ngày mình có kinh nguyệt hàng tháng, tính xem chu kỳ kinh nguyệt của mình kéo dài bao nhiêu ngày. Nếu chu kỳ kinh nguyệt đều khoảng 28- 30 ngày thì ngày rụng trứng thường diễn ra vào khoảng ngày 14- 16 của chu kỳ. Trước, trong và sau thời điểm này nếu quan hệ sẽ tăng tỷ lệ có thai.
Nếu chu kỳ kinh của bạn không đều thì dựa vào nhiệt độ trung bình của cơ thể và tình trạng chất nhầy cổ tử cung, bạn cũng có thể biết ngày rụng trứng của mình. Tình trạng ra nhiều dịch nhầy loãng âm đạo hàng tháng cũng là dấu hiệu báo hiệu trứng đang rụng.
2, Quá trình mang thai cần làm gì?
Để thuận tiện cho việc quản lý cũng như tư vấn cho các chị em được tốt nhất, người ta chia quá trình mang thai thành 3 giai đoạn chính là:
- 3 tháng đầu (tam cá nguyệt thứ nhất): Trong giai đoạn này, việc quan trọng nhất chính là phát hiện ra mình có thai và kiểm tra thai ban đầu, xác định dự kiến sinh. Thời kỳ này các mẹ thường bị nghén nhiều nhất nên việc bổ sung dinh dưỡng là rất cần thiết. Đây là lúc bắt đầu để các bà bầu bắt đầu thích nghi dần với quá trình mang thai.
- 3 tháng giữa (tam cá nguyệt thứ 2): Đây là thời điểm bà bầu bắt đầu quen với việc mang thai, tình trạng nghén đỡ hơn. Bà bầu lúc này sẽ bắt đầu tham gia các lớp học về thai giáo, tiêm vắc xin uốn ván và duy trì chế độ ăn uống, luyện tập thật tốt.
- 3 tháng cuối (tam cá nguyệt thứ 3): Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình mang thai, bà bầu vừa có những thay đổi lớn do thai phát triển rất nhanh trong cơ thể, vừa phải chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho việc sinh đẻ. Chuẩn bị đồ cho trẻ sơ sinh cũng nên được thực hiện đầy đủ trong những tháng này. Bà bầu cần được bổ sung thật nhiều năng lượng, nâng cao sức khỏe để sẵn sàng sinh con.
Mang thai là một quá trình kéo dài hơn 9 tháng với rất nhiều sự thay đổi trong cơ thể người phụ nữ. Khi mang thai, việc chăm sóc toàn diện rất quan trọng. Người phụ nữ cần được quan tâm về tất cả mọi mặt (sức khỏe, tâm lý, thai giáo,…) để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, thai nhi phát triển tốt về cả thể chất và trí não. Dưới đây là một số gợi ý để chăm sóc thai phụ trong suốt thai kỳ:
2.1. Phát hiện dấu hiệu có thai sớm
Chị em thường rất dễ dàng phát hiện hay nghi ngờ mình có thai bằng các dấu hiệu như:
- Chậm kinh: đây thường là dấu hiệu chính làm cho chị em nghĩ tới có thai và mua que để thử thai. Trong mang thai, chậm kinh chính là dấu hiệu của việc trứng đã kết hợp với tinh trùng.
- Người mệt mỏi, ốm nghén: khi bắt đầu có thai, nồng độ HCG sẽ tăng cao dần làm cho chị em gặp phải tình trạng ốm nghén. Tình trạng này sẽ nặng hơn trong những tháng thứ 2,3 của thai kỳ,
- Căng, tức ngực
- Ra ít huyết âm đạo
- Thay đổi tính tình
- Táo bón, mót tiểu nhiều,…
- Ngoài ra khi nghi ngờ có thai, chị em nên thử thai để khẳng định lại mình có mang thai hay không. Nếu có, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và khẳng định chắc chắn có thai. Các bác sĩ có thể kiểm tra cho các bạn qua siêu âm, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu,…
2.2. Khám thai định kỳ
Khi đã chắc chắn có thai bình thường, các bạn nên duy trì khám thai định kỳ mỗi tháng một lần. Nếu không có điều kiện thì các bạn cũng nên khám ít nhất 3 tháng 1 lần. Việc khám thai có vai trò rất quan trọng, nó sẽ giúp các bạn nắm được tình hình sức khỏe của cả mẹ và thai, đồng thời phát hiện sớm những bất thường về thai, phần phụ của thai hay về tình trạng sức khỏe của mẹ. Nếu có vấn đề bất thườngcó thể can thiệp và xử trí kịp thời.
Các bác sĩ khám thai qua siêu âm là chủ yếu. Thông thường, người ta có thể phát hiện túi thai từ tuần thứ 3 của thai kỳ qua siêu âm và phát hiện được tim thai khi thai nhi được 7 tuần tuổi. Những lần khám thai sau đó, bà bầu thường sẽ được khám thường quy qua siêu âm và mắc monitoring sản khoa. Qua đó có thể đánh giá được tình trạng của thai nhi, nước ối và dây rau xem có nguy cơ gì cần chú ý không. Một số trường hợp nếu nghi ngờ mẹ có nguy cơ hay bệnh lý gì thì có thêm làm thêm một số xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu,…
Bên cạnh việc khám thai định kỳ, các bác sĩ có thể tư vấn cho các bạn làm các xét nghiệm sàng lọc trước sinh như NIPT, double test, triple test, chọc và xét nghiệm nước ối,… Những sàng lọc trước sinh sẽ giúp chẩn đoán trước nhiều bệnh lý mà trẻ sơ sinh có thể gặp phải sau khi sinh, từ đó có những cách xử trí sớm.
Theo lời khuyên của các bác sĩ, các bạn cũng nên khám thai mỗi tuần một lần trong tháng cuối của thai kỳ. Do đây là giai đoạn nhạy cảm, bà bầu có thể chuyển dạ bất cứ lúc nào trong vòng 38- 41 tuần thai nên cần kiểm soát tốt tránh gặp phải các tai biến sản khoa hay ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của thai nhi.
2.3. Tiêm vắc xin uốn ván cho bà bầu
Vắc xin uốn ván là một loại vắc xin rất cần thiết và nên tiêm cho bất kỳ bà bầu nào. Trong những năm gần đây, nhờ có vắc xin uốn ván mà nước ta đã đẩy lùi đáng kể tình trạng uốn ván rốn sơ sinh cũng như bệnh uốn ván cho bà bầu sinh thường có cắt khâu tầng sinh môn.
Tùy thuộc vào chị em mang thai con so hay con rạ, mang thai lần sau cách lần đầu bao lâu mà người ta có những chỉ định tiêm vắc xin uốn ván khác nhau như sau:
- Nếu mang thai lần đầu cần tiêm 2 mũi uốn ván. Mũi thứ nhất thường được tiêm vào tháng thứ 5 của thai kỳ, mũi thức 2 cách mũi đầu ít nhất 1 tháng và trước ngày dự kiến sinh ít nhất một tháng.
- Nếu mang thai con rạ mà lần mang thai sau cách lần mang thai trước trên 5 năm thì bà bầu nên tiêm lại 2 mũi uốn ván như mang thai lần đầu.
- Nếu mang thai con rạ mà lần mang thai sau cách lần mang thai trước dưới 5 năm thì bà bầu chỉ cần tiêm bổ sung thêm một mũi uốn ván vào tháng thứ 5 của thai kỳ.
- Nếu bà bầu đã từng tiêm vắc xin có uốn ván trong các mũi tiêm chủng khi còn nhỏ thì khi mang thai chỉ cần tiêm bổ sung thêm một mũi uốn ván vào tháng thứ 5 của thai kỳ.
2.4. Thiết lập chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bà bầu
Chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của bà bầu mà còn gián tiếp liên quan tới sự phát triển của thai nhi trong tử cung. Một số chất dinh dưỡng quan trọng có trong thành phần của thức ăn, đồ uống sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển và hoàn thiện các cơ quan của thai nhi. Trong chế độ ăn của phụ nữ mang thai cần lưu ý một số điểm như:
- Đảm bảo đủ dinh dưỡng: Khi mang thai bà bầu cần một nguồn năng lượng cao hơn bình thường, do đó chế độ ăn cũng yêu cầu nhiều dinh dưỡng hơn. Các bà bầu phải ăn uống đảm bảo ít nhất 3 bữa chính là bữa sáng, bữa chiều, bữa tối. Ngoài ra cũng có thể ăn thêm các bữa phụ nếu thấy đói. Đặc biệt với những chị em bị nghén nhiều sẽ nôn nhiều, có thể ăn bổ sung bất cứ lúc nào có thể để đảm bảo đủ dinh dưỡng. Các bà bầu có thể lựa chọn các loại thực phẩm mà mình yêu thích để bổ sung vào các bữa ăn, hoặc lựa chọn thêm các loại hạt khô, ngũ cốc để làm đồ ăn vặt cũng rất tốt.
- Lựa chọn loại sữa bầu thích hợp: Giống như các loại thức ăn khác, sữa bầu cũng là một loại đồ cung cấp dinh dưỡng không thể thiếu cho bà bầu. Hiện nay có rất nhiều loại sữa bầu khác nhau mà chị em có thể lựa chọn. Mỗi giai đoạn mang thai thường sẽ có những loại sữa bầu phù hợp với mức năng lượng cũng như các vi chất cần thiết cần cung cấp cho sự phát triển của thai nhi cũng như cung cấp cho mẹ. Trong nhiều trường hợp, bà bầu thiếu một số chất cần thiết như sắt, kẽm, canxi, acid folic,… thì sữa bầu chính là nguồn cung cấp cho lượng thiếu hụt đó. Sữa bầu có thể được uống vào buổi sáng, sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Ngoài ra bất cứ lúc nào bà bầu thấy đói mà chưa có gì để ăn cũng có thể uống sữa bầu thay thế.
- Bổ sung đủ chất xơ: Chất xơ có nhiều trong các loại rau, củ, quả tươi và các loại hạt ngũ cốc. Chất xơ giúp cho quá trình tiêu hóa của bà bầu được tốt hơn, tránh được tình trạng táo bón trong khi mang thai. Ngoài ra, ăn nhiều rau xanh trước mỗi bữa ăn cũng giúp bà bầu kiểm soát tốt lượng đường huyết trong cơ thể, tránh tăng đường máu thai kỳ.
- Bổ sung đủ sắt: Sắt là một yếu tố giúp tăng tổng hợp các tế bào máu trong cơ thể. Khi mang thai phần lớn chị em đều gặp phải vấn đề thiếu máu, nguyên nhân chủ yếu là do thiếu sắt. Sắt được bổ sung dễ dàng qua các loại thực phẩm đặc biệt là các loại thịt có màu đỏ, hoặc bà bầu cũng có thể sử dụng các viên uống bổ sung sắt cũng không hề ảnh hưởng xấu đến thai kỳ đâu nhé,
- Loại bỏ các loại thực phẩm không tốt như các loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ ôi thiu, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,…
2.5. Chế độ luyện tập và hoạt động hợp lý
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập cũng mang lại nhiều hiệu quả tốt đối với thai kỳ. Các bà bầu có thể tham khảo một số hoạt động như:
- Đi bộ hằng ngày: Việc đi bộ sẽ giúp cho sức khỏe tốt hơn, cải thiện tình trạng đau mỏi xương khớp, giúp quá trình tiêu hóa dễ dàng hơn. Khi đi bộ bà bầu cũng sẽ giải tỏa được những căng thẳng gặp phải hằng ngày. Do đó mỗi ngày bà bầu nên dành ra 15-30 phút để đi bộ nhé.
- Yoga: Yoga là một bộ môn tập luyện khá phù hợp với chị em vì tính nhẹ nhàng của nó. Có rất nhiều bài tập phù hợp cho bà bầu. Trong yoga, bà bầu cũng có thể tập thở, tập các động tác hỗ trợ cho việc sinh đẻ dễ dàng hơn.
- Tham gia các lớp thai giáo: Với xã hội hiện đại ngày nay, người ta luôn chú ý phát triển cho trẻ từ khi còn trong bụng mẹ, thai giáo là một trong những phương pháp hữu hiệu mang lại hiệu quả đó. Có nhiều lớp thai giáo được mở ra, hướng dẫn các mẹ bầu các giáo dục con ngay khi mang thai qua việc trò chuyện, đọc sách, nghe nhạc với con ở trong bụng. Ngoài ra các mẹ bầu cũng có thể trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ với nhau trong những buổi tham gia lớp học thai giáo. Người ta thấy rằng những đứa trẻ được sinh ra mà được thực hiện thai giáo tốt khi mang thai sẽ năng động, hoạt bát và thông minh hơn.
2.6. Chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho cuộc đẻ
Khi mang thai, nhất là trong tháng cuối thai kỳ các mẹ bầu thường lo lắng nhiều hơn, sợ những nguy cơ có thể xảy ra đối với cuộc đẻ của mình. Đây có thể là lý do mà hiện nay nhiều mẹ lựa chọn phương pháp mổ lấy thai thay vì cố gắng sinh con tự nhiên. Tuy nhiên nếu có thể, các mẹ hãy cố gắng sinh thường để con được khỏe mạnh, phát triển tốt hơn và quá trình hồi phụ thời kỳ hậu sản của các mẹ cũng sẽ nhanh hơn. Việc sinh đẻ không quá khó khăn và nguy hiểm, các mẹ sẽ có các bác sĩ theo dõi kỹ và hỗ trợ các mẹ khi sinh, do đó hãy yên tâm và tự tin vào bản thân mình. Chuẩn bị một tinh thần thoải mái cũng sẽ giúp cho cuộc đẻ được thuận lợi hơn đấy.
2.7. Chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cần thiết cho trẻ sơ sinh
Bên cạnh những lưu ý và nhắc nhở cho người mẹ thì việc chuẩn bị đồ cho con cũng là một việc không thể bỏ sót. Nên chuẩn bị đầy đủ tã, quần áo, các loại sữa tắm an toàn cho trẻ sơ sinh, giường cho trẻ,… để khi con sinh ra các bố mẹ không bị lúng túng khi thiếu đồ dùng nhé. Việc cùng nhau chuẩn bị đồ cho thiên thần nhỏ cũng sẽ giúp nâng cao tình yêu thương của cha mẹ cho con, cải thiện tinh thần cho các mẹ bầu nữa đấy.
3, Những thay đổi của cơ thể mẹ trong quá trình mang thai
- Thay đổi các hormon trong cơ thể:
Khi bắt đầu mang thai, cơ thể người mẹ bắt đầu có những sự biến đổi về nồng độ các loại hormon để đáp ứng với việc mang thai. Đầu tiên phải kể đến là tình trạng tăng hormon HCG trong những tuần đầu thai kỳ. HCG phần lớn do hoàng thể tiết ra và tăng cao, đạt đỉnh vào khoảng tuần thứ 10 của thai kỳ, sau đó hormon HCG sẽ giảm từ từ cho tới khi sinh con. Chính sự xuất hiện và tăng dần của hoeemon HCG đã gây ra tình trạng nghén ở phụ nữ mang thai.
Hormon Estrogen cũng bắt đầu tăng dần trong thai kỳ và đạt nồng độ cao nhất vào những tháng cuối, nhưng không giống như HCG, Estrogen sẽ giảm nhanh trước khi chuyển dạ. Progesterone cũng thay đổi tương tự như estrogen, tăng dần và đạt đỉnh trong 3 tháng cuối sau đó giảm dần cho tới khi chuyển dạ. Sự thay đổi của 2 loại hormon sinh dục nữ Estrogen và Progesteron sẽ làm cho chị em cảm thấy mệt mỏi, thay đổi tính tình, rối loạn tiêu hóa,…
- Thay đổi về ngoại hình: Khi mang thai, đi kèm với sự phát triển lớn dần của thai nhi trong tử cung chính là sự lớn dần của bụng bà bầu. Nhất là trong giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ thai nhi phát triển rất nhanh, bụng bà bầu theo đó to nhanh, dễ dẫn tới hiện tượng rạn da bụng khi mang thai. Đồng thời, trọng lượng cơ thể tăng dần dồn ép lên 2 chân cũng có thể gây ra tình trạng phù 2 chi dưới, rạn da 2 chi dưới. Ngoài ra, sự thay đổi hormon cũng có thể dẫn tới tình trạng mụn cho chị em khi mang thai.
- Thay đổi tính tình của bà bầu: Khi mang thai, mỗi bà bầu luôn phải chịu nhiều áp lực và lo lắng. Cùng với đó còn có sự khó chịu do cơ thể biến đổi quá nhanh. Những vấn đề đó gây ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của bà bầu. Trong thai kỳ, bà bầu thường dễ bị kích thích, xúc động hơn, dễ cáu gắt với mọi người xung quanh. Nhiều trường hợp do quá áp lực mà bà bầu có thể bị trầm cảm hay suy nhược tâm thần.
4, Các biến chứng của thai kỳ
Biến chứng của thai kỳ không được nhiều người biết đến. Tuy nhiên để có thêm hiểu biết về việc mang thai, các bạn hãy ghi nhớ những biến chứng có thể gặp phải khi mang thai như:
- Đái tháo đường thai kỳ kéo dài đến sau khi sinh
- Tiền sản giật và sản giật
- Dọa sảy thai, sảy thai hay đẻ non, thai chết lưu, thai ngừng phát triển trong buồng tử cung. Những trường hợp này nếu không được xử trí kịp thời sẽ có nguy cơ gây tắc mạch ối nguy hiểm đến tính mạng của người mẹ.
- Thai ngoài tử cung
- Trong cuộc đẻ có thể gặp phải: rách phức tạp âm hộ, âm đạo, tầng sinh môn, vỡ khung chậu, băng huyết, thai suy, thai ngạt,…
- Thời kỳ hậu sản có thể bị nhiễm khuẩn hậu sản
5, Những lời khuyên của chuyên gia đối với chị em về việc mang thai
- Chỉ nên mang thai khi cả hai vợ chồng đã sẵn sàng và nguồn kinh tế của gia đình cho phép.
- Nên thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ để đảm bảo thai kỳ an toàn nhất.
- Mang thai là một việc rất tuyệt vời, nhưng để đảm bảo sức khỏe của người phụ nữ, đừng nên sinh quá nhiều con nếu đã đầy đủ con mà mẹ đã lớn tuổi. Nếu muốn sinh thêm con, hay trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được tư vấn và có kế hoạch phù hợp nhất.
Trên đây là những thông tin về hành trình mang thai cho các chị em tham khảo, hy vọng bài viết này sẽ thực sự hữu ích với chị em. Làm mẹ là một sứ mệnh tuyệt vời, vì vậy hãy tự tin, đừng lo sợ. Chúc các bạn luôn có một thai kỳ khỏe mạnh.
Xem thêm:
Bà bầu dọa sinh non nên ăn gì, kiêng gì? Một số lưu ý trong chế độ ăn
[Chia sẻ] 4 cách tính chọn tháng thụ thai sinh con trai xác suất cao