Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là gì? Nguyên nhân, cách khắc phục cho mẹ

Ngày viết:
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là gì? Nguyên nhân, cách điều trị cho mẹ
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là gì? Nguyên nhân, cách điều trị cho mẹ
5/5 - (1 bình chọn)

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là một vấn đề mà rất nhiều mẹ bỉm sau sinh gặp phải. Nó khiến cho các chị em lo lắng, bất an và không biết đây có phải tình trạng bất thường không. Vậy tình trạng này được hiểu như thế nào? Bài viết hôm nay của Nhà thuốc online ITP Pharma sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này giúp các chị em yên tâm hơn trong quá trình chăm sóc cơ thể sau sinh.

1, Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là như thế nào?

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh là những biểu hiện bất thường về kinh nguyệt mà các chị em hay gặp phải sau khi sinh con và trong quá trình nuôi con một năm đầu. Tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh có thể bao gồm những bất thường như kinh nguyệt lâu có trở lại sau khi sinh, thay đổi về số ngày hành kinh, lượng máu kinh thất thường, khoảng cách giữa các chu kỳ kinh không đều…

2, Đặc điểm của chu kỳ kinh nguyệt sau sinh

Kinh nguyệt là biểu hiện của kết quả sau quá trình rụng trứng mà không được thụ tinh. Khi ấy cổ tử cung sẽ bong đi lớp niêm mạc cũ để thay thế bằng lớp niêm mạc mới, chuẩn bị cho chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Khi niêm mạc bong ra sẽ kéo theo các mạch máu vùng đó cũng tổn thương và bong theo. Kết quả của hiện tượng này là gây nên hiện tượng chảy máu trong thời gian hành kinh.

Các hoạt động của quá trình trên phụ thuộc vào một số loại hormon nội tiết trong cơ thể người phụ nữ như estrogen, progesteron. Khi chị em mang thai các hormon này thường sẽ bị rối loạn và ức chế nên chị em sẽ không có hiện tượng hành kinh trong suốt 9 tháng mang thai. Nhưng sau khi sinh khoảng 6 tuần (thời kỳ hậu sản), các hormon này sẽ dần ổn định trở lại và chị em có thể hành kinh lại như bình thường. Vì vậy, đến lúc này ở một số bà mẹ không cho con bú thì có thể đã bắt đầu hành kinh.

Tuy nhiên, đa số các trường hợp sau khi sinh đều sẽ cho con bú, và cơ thể mẹ khi đó sẽ tiết ra hormon prolactin kích thích tuyến vú. Hormon này có vai trò trong sản xuất sữa mẹ, nhưng nó cũng là nguyên nhân ngăn cản sự rụng trứng ở phụ nữ. Vì vậy ở những bà mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong những tháng đầu sau sinh, thì thời gian kinh nguyệt xuất hiện lại sẽ thay đổi và thường là lâu hơn. Các bạn có thể không có kinh trong vòng 6 tháng hoặc thậm chí là một năm. Kinh nguyệt sẽ xuất hiện trở lại khi bạn ngừng cho con bú và trẻ bắt đầu tập ăn dặm.

3, Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt sau sinh
Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Phụ nữ sau sinh sẽ cần một thời gian nhất định để các hormon trong cơ thể có thể ổn định trở lại. Do vậy dù đã có hành kinh, nhưng chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ phải sẽ cần một khoảng thời gian để trở lại đều đặn như thời con gái. Mốc thời gian cho sự rối loạn này thường được ước lượng là 2 năm kể từ lúc sinh. Sau 2 năm mà kinh nguyệt chưa trở lại bình thường thì đây không còn là tình trạng sinh lý của cơ thể nữa.

Dưới đây là một số bất thường mà các bạn có thể gặp trong chu kỳ kinh nguyệt:

Vòng tuần hoàn của chu kỳ kinh không đều:

Một chu kỳ kinh bình thường sẽ cách nhau từ 28 đến 32 ngày, và thời gian hành kinh từ 3 đến 7 ngày tùy mỗi người. Ở các mẹ bỉm, thời gian trên sẽ ít nhiều có sự thay đổi, có thể kéo dài hoặc rút ngắn số ngày hành kinh lại. Khoảng cách giữa hai chu kỳ kinh của các bạn có thể sẽ gần nhau hơn, hoặc thậm chí chỉ cách nhau khoảng 2 đến 3 tuần. Nhưng cũng sẽ có lúc quá thời gian 32 ngày mà “ bà dì “ của bạn vẫn chưa xuất hiện hay thời gian hành kinh của bạn ít hơn 3 ngày, hoặc nhiều hơn 7 ngày. Tình trạng chảy máu kéo dài trên 7 ngày trong thời gian hành kinh được coi là rong kinh. Tất cả các trường hợp trên nếu diễn biến lặp lại nhiều lần thì các bạn nên chú ý và đi khám kiểm tra sớm.

Máu kinh bất thường

Máu kinh có thể bất thường về số lượng hay tính chất. Các bạn có thể gặp tình trạng băng kinh, cường kinh, rong kinh,… Đây là những hiện tượng lượng máu kinh ra nhiều bất thường, số lượng thường trên 80ml/kỳ kinh, hoặc cũng có thể gặp tình trạng máu kinh ra ít, không đủ để thấm hết băng vệ sinh, hay gặp ở những bạn bị tắc kinh, bế kinh,…

Ngoài ra máu kinh còn có thể bất thường về màu sắc. Máu kinh có thể có màu đen, màu hồng hoặc nâu, có thể lỏng hoặc vón cục máu đông. Đôi khi trong một số trường hợp máu kinh cũng có mùi bất thường, mùi hôi thối, tanh nồng,…

Đau bụng dữ dội khi có kinh

Hiện tượng thống kinh cũng được xem là dấu hiệu của rối loạn chu kỳ kinh nguyệt sau sinh. Chị em có thể đau bụng dữ dội, có người đau đến mức ngất xỉu, da tái, tay chân lạnh… và đôi khi cần phải có các loại thuốc giảm đau hỗ trợ.

Đau đầu vú

Đau đầu vú, căng tức ngực là biểu hiện của rối loạn nội tiết tố trong cơ thể. Tình trạng này gặp ở hầu hết các chị em phụ nữ, không riêng gì phụ nữ sau sinh. Đi kèm với biểu hiện này còn có dấu hiệu đau đầu, đau lưng, mệt mỏi, bốc hỏa, thay đổi tính tình, dễ cáu gắt,…

Sau khi sinh mất kinh quá lâu

Thông thường với phụ nữ không nuôi con bằng sữa mẹ thì kinh nguyệt sẽ trở lại sau khoảng 2 đến 3 tháng. Còn với phụ nữ sinh thường và nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thì sẽ là 6 tháng đến 1 năm. Nếu sau 2 năm mà kinh nguyệt chưa trở lại thì có thể mẹ đang bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Khi đó tốt nhất chị em nên đến khám bác sĩ để kiểm tra tình trạng sản phụ khoa tổng quát của mình.

4, Nguyên nhân dẫn đến rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh không chỉ bị ảnh hưởng bởi lượng hormon trong cơ thể, mà còn phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân khác. Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình điều hòa kinh nguyệt sau sinh thường được biết đến như:

Hoạt động cho con bú

Như đã được nhắc đến ở trên, quá trình nuôi con bằng sữa mẹ sẽ làm cho cơ thể người mẹ tiết ra hormon Prolactin. Hormon này sẽ làm hoạt động của hệ trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng bị ảnh hưởng và ức chế. Từ đó sẽ dẫn đến sự ức chế quá trình trứng chín, làm chậm hành chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ cho con bú.

Khi trẻ không còn được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ, thì lượng hormone này sẽ có xu hướng dần dần giảm tác dụng và số lượng, do vậy các mẹ sẽ bắt đầu có kinh trở lại. Tuy nhiên do hormon vẫn còn nên vẫn ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của mẹ. Bạn sẽ gặp tình trạng tháng có, tháng không có khi kinh nguyệt quay trở lại.

Nếu nguyên nhân là do trẻ bú sữa,thì kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường khi trẻ cai sữa mẹ hoàn toàn, mẹ không cần phải quá lo lắng vì đây chỉ là một hiện tượng sinh lý bình thường của phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ.

Cho con bú là một nguyên nhân khiến mẹ bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh
Cho con bú là một nguyên nhân khiến mẹ bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Thay đổi nội tiết tố sau sinh

Từ khi bắt đầu mang thai đến khi sinh xong em bé, cơ thể người phụ nữ bắt đầu xuất hiện những thay đổi về nội tiết trong một thời gian dài. Do vậy sau sinh, cơ thể cũng cần một khoảng thời gian đủ dài để cân bằng lại các yếu tố nội tiết bên trong cơ thể. Đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh. Nguyên nhân này lý giải cho lý do vì sao những bà mẹ không cho con bú, không bị ảnh hưởng bởi hormone prolactin vẫn bị rối loạn về chu kỳ kinh.

Tâm lý căng thẳng sau sinh

Sau sinh các bà mẹ phải đối mặt với việc giờ giấc bị đảo lộn, phải chăm sóc con nhỏ, thức đêm, lo lắng vì con ốm,… Những điều này đều sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của mẹ, khiến mẹ dễ gặp phải tình trạng stress và căng thẳng. Khi ấy sẽ dẫn đến các hoạt động của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng trong đó bao gồm cả quá trình cân bằng hormon và điều hòa kinh nguyệt trong cơ thể. Các bà mẹ lúc này cần điều chỉnh lại tinh thần, san sẻ áp lực với người thân để giảm stress, căng thẳng.

Bệnh phụ khoa

Sau khi sinh, cơ thể người phụ nữ sẽ rất yếu, đây chính là cơ hội thuận lợi cho nhiều loại vi sinh vật phát triển tấn công và gây bệnh. Lúc này nếu chị em không vệ sinh và chăm sóc cẩn thận sẽ rất dễ dẫn đến các bệnh viêm nhiễm phụ khoa và gây ra một số hiện tượng như khí hư bất thường, ngứa ngày, kinh nguyệt hay dịch tiết có mùi hôi…

Có nhiều trường hợp phụ nữ sau sinh bị kinh nguyệt bất thường nguyên nhân do viêm nhiễm phụ khoa. Vì vậy trong trường hợp này, chị em cần tìm đến bác sĩ để được vệ sinh vùng kín, chăm sóc và tư vấn kịp thời.

Thay đổi cân nặng

Việc thay đổi cân nặng quá nhanh trong và sau quá trình mang thai cũng có thể gây ảnh hưởng đến lượng hormon trong cơ thể. Qua đó sẽ gián tiếp gây ra tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ sau sinh. Vì vậy các chị em cần phải kiểm soát cân nặng của mình một cách hợp lý, tránh để tăng cân quá nhiều trong quá trình mang thai. Vì sau đó bạn sẽ vội vã giảm cân hoặc bị stress về cân nặng, ảnh hưởng đến tâm lý, chậm quá trình điều hòa hormon trong cơ thể.

5, Cách cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh là tình trạng không tránh khỏi ở các mẹ bỉm vì đây là trạng thái sinh lý tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, bạn có thể thay đổi lối sống lành mạnh và có chế độ ăn hợp lý để tình trạng này nhanh ổn định hơn.

5.1. Chế độ ăn hợp lý

Một chế độ ăn hợp lý với đầy đủ thành phần dinh dưỡng sẽ giúp cơ thể của bạn nhanh hồi phục sau sinh và giúp bạn có nguồn sữa tốt để nuôi con.

  • Bạn có thể áp dụng chế độ ăn “eat clean” cho phụ nữ sau sinh, lựa chọn những loại thực phẩm sạch và nhiều chất dinh dưỡng, bổ sung các loại vitamin và chất khoáng cho cơ thể.
  • Nếu các bạn đang trong tình trạng thừa cân thì nên có sự tư vấn của bác sĩ để có chế độ ăn bổ sung hợp lý. Không nên tự ý cắt giảm khẩu phần ăn một cách không khoa học để ép cân. Cần điều chỉnh cân nặng một cách từ từ và khoa học để không ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe nói chung và quá trình điều hòa kinh nguyệt nói riêng.
  • Tuyệt đối không sử dụng thuốc tránh thai, vì thuốc tránh thai sẽ gây rối loạn đến chu kỳ kinh của bạn. Ngoài ra nếu các bạn lạm dụng thuốc tránh thai thì cũng sẽ gây ảnh hưởng đến con nếu đang nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, cà phê,..
  • Có thể bổ sung các yếu tố nội tiết bằng đường uống, nhưng cần có liều lượng và chỉ định đúng cách. Bạn cần tham khảo bác sĩ khi có ý định này, không nên tự ý sử dụng.

5.2. Vận động thể dục

Tập thể dục đều đặn giúp mẹ cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh
Tập thể dục đều đặn giúp mẹ cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh

Sau khi sinh, bạn nên dành chút thời gian mỗi ngày để luyện tập nhẹ nhàng, có thể từ 30 đến 45 phút để đi bộ hoặc tập yoga. Việc ra ngoài và hoạt động thể dục sẽ giúp cơ thể bạn dễ chịu và thoải mái hơn, giảm đượ stress căng thẳng, giúp điều hòa cân bằng lại các hoạt động trong cơ thể. Tập thể dục mỗi ngày chính là cách tốt nhất để chị em hồi phục sau sinh nở.

5.3. Giữ tâm lý luôn thoải mái

Tránh để bản thân rơi vào tình trạng căng thẳng và áp lực sau sinh vì khi đó sẽ gây ảnh hưởng tới rất nhiều mặt về sức khỏe của các bạn. Việc giữ tâm lý thoải mái, vui vẻ, trò chuyện với mọi người sẽ giúp các bạn tránh được bệnh trầm cảm sau sinh. Các bạn sẽ suy nghĩ tích cực và nhanh làm quen với cuộc sống có thêm thành viên mới. Khi đó cơ thể sẽ thoải mái và cân bằng lại nhanh chóng. Các bạn có thể tham gia các câu lạc bộ xã hội hay các nhóm mẹ bỉm để vừa có thể chia sẻ, giữ tinh thần thoải mái, vừa có được những kinh nghiệm nuôi con thật tốt.

6, Chu kỳ kinh nguyệt bất thường sau sinh có nguy hiểm không?

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh đa số đều là hiện tượng sinh lý tự nhiên của cơ thể. Nguyên nhân là do hormone nội tiết trong cơ thể chưa kịp điều chỉnh cân bằng lại sau khi sinh. Kinh nguyệt sẽ cân bằng trở lại khi hormon trong cơ thể ổn định, cơ thể không chịu tác động của hormon prolactin. Vì vậy trong trường hợp thông thường, rối loạn kinh nguyệt không phải là một tình trạng đáng lo ngại ở chị em sau sinh.

Tuy nhiên nếu sau 2 năm kể từ lúc sinh em bé mà kinh nguyệt của chị em vẫn chưa xuất hiện trở lại, hoặc tình trạng kinh nguyệt chưa thực sự ổn định thì có thể là dấu hiệu bất thường trong cơ thể. Vì rối loạn kinh nguyệt kéo dài có thể là một triệu chứng ban đầu của bệnh nào đó.

Nếu tình trạng rối loạn kinh nguyệt lại có đi kèm với triệu chứng ngứa ngáy vùng kín, ra khí hư nhiều, mùi khó chịu thì có thể bạn đang mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa. Bạn cần đến gặp bác sĩ sớm để được thăm khám và loại trừ những bệnh lý nội khoa liên quan đến tuyến giáp.

Ở một số trường hợp, rối loạn kinh nguyệt sau sinh chính là biểu hiện của các bệnh lý nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, ung thư nguyên bào nuôi, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung,…

7, Khi nào cần đến gặp bác sĩ khi có bất thường về chu kỳ kinh nguyệt sau sinh?

Có bất thường về chu kỳ sinh nguyệt sau khi sinh có nên đi khám không?
Có bất thường về chu kỳ sinh nguyệt sau khi sinh có nên đi khám không?

Nếu đơn giản chỉ là tình trạng rối loạn kinh nguyệt sau sinh đơn thuần thì các bạn không cần quá lo lắng vì sau đó một thời gian cơ thể sẽ tự cân bằng lại được. Tuy nhiên nếu sau 1 đến 2 năm sau khi sinh em bé mà kinh nguyệt của bạn chưa có dấu hiệu xuất hiện hay đã có kinh trở lại nhưng vẫn chưa ổn định và đi kèm các biểu hiện dưới đây, thì bạn cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn:

  • Phụ nữ không cho con bú hay không vắt sữa cho con mà sau sinh 3 tháng chưa thấy có kinh trở lại.
  • Phụ nữ đã cai sữa cho con mà sau 3 tháng kể từ ngày cai sữa vẫn chưa thấy có kinh nguyệt trở lại.
  • Kinh nguyệt xuất hiện nhưng không đều, tháng có những tháng khác lại mất. Thời gian giữa 2 chu kỳ kinh cách nhau quá xa, thậm chí lên đến 3, 4 tháng mà các bạn không có biểu hiện của mang bầu lần tiếp.
  • Thời gian hành kinh không đều, thường gặp tình trạng rong kinh, số lượng máu ra khi nhiều khi ít, máu vón cục, màu sắc bất thường, có mùi hôi.
  • Đau bụng kéo dài nhiều ngày khi hành kinh, đau dữ dội quằn quại không giảm, phải dùng thuốc giảm đau. Đây có thể là triệu chứng báo hiệu tình trạng rối loạn kinh nguyệt nguy hiểm sau sinh.
  • Vùng kín ngứa ngáy, khó chịu, ra nhiều khí hư, đặc biệt là sưng, rát, chảy máu bất thường sau khi quan hệ.
  • Tình trạng rối loạn kinh nguyệt kèm theo các dấu hiệu toàn thân bất thường như cơ thể giảm cân nhiều trong một khoảng thời gian ngắn, u hạch xuất hiện bất thường, đau vùng nào đó,…

8, Một số câu hỏi thường gặp

8.1. Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có ảnh hưởng đến sữa mẹ không?

Hoạt động bài tiết sữa của mẹ và chu kỳ kinh nguyệt có liên quan đến nhau bởi hormon prolactin. Hormon này tham gia quá trình sản xuất sữa ở mẹ và cũng làm ngăn cản quá trình rụng trứng. Vì đặc điểm trên nên nhiều người nghĩ rằng khi mẹ có kinh trở lại thì sữa mẹ không còn đủ dinh dưỡng để cung cấp cho trẻ. Đây là một quan điểm sai lầm. Trên thực tế cho thấy sau khi mẹ bỉm có kinh trở lại thì chất lượng dinh dưỡng trong sữa mẹ không thay đổi, vẫn có thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ.

Tuy nhiên khi mẹ bắt đầu có kinh mẹ sẽ cảm thấy trẻ bú không được no và có dấu hiệu không chịu ăn sữa. Nguyên nhân của tình trạng này là do trước vài ngày hành kinh, số lượng sữa mẹ tiết ra sẽ giảm và mùi vị của sữa sẽ có chút thay đổi. Điều này làm cho trẻ không đủ sữa để ăn và không chịu ăn do mùi vị sữa bị lạ. Tình trạng này sẽ hết sau vài ngày khi mẹ hành kinh, số lượng sữa sẽ nhiều lại, có khi là về nhiều hơn.

Để khắc phục tình trạng thiếu sữa trong những ngày đầu, mẹ có thể cho trẻ bú nhiều lần trong ngày và vắt sữa ra túi sẵn rồi bảo quản trong tủ lạnh khi trẻ đói thì cho trẻ ăn chủ động.

8.2. Sau sinh khoảng bao lâu thì kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường?

Sau sinh khoảng bao lâu thì kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường?
Sau sinh khoảng bao lâu thì kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường?

Theo như đa số các trường hợp sinh lý bình thường thì sau sinh khoảng 6 tuần (khi chị em hết thời kỳ hậu sản) cơ thể sẽ bắt đầu ổn định lại lượng hormon estrogen và progesteron. Vì vậy ở những người không nuôi con bằng sữa mẹ thì có thể có kinh trở lại chỉ sau 2 hoặc 3 tháng sau sinh. Điều này có nghĩa là họ có thể mang thai lần tiếp theo như bình thường.

Với những phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ thì thời gian kinh nguyệt trở lại này sẽ lâu hơn thường là 6 tháng sau sinh, khi mà trẻ bắt đầu tập ăn dặm, không còn bú sữa mẹ hoàn toàn. Kinh nguyệt có thể xuất hiện muộn hơn ở những người này, từ 6 tháng đến 1 năm, thậm chí có thể lên đến 2 năm. Nếu sau 2 năm kể từ khi sinh em bé mà kinh nguyệt chưa trở lại thì bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa.

8.3. Kinh nguyệt chưa trở lại thì có thể có thai được không?

Theo lý thuyết thì tỷ lệ thành công của phương pháp tránh thai bằng cách cho con bú đạt hiệu hiệu quả lên đến đến 98%. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp phòng tránh nên vẫn có trường hợp mang thai khi chưa có hành kinh trở lại. Khi đó cơ thể của bạn sẽ có những thay đổi như:

  • Số lượng và mùi vị của sữa thay đổi. Lượng sữa của bạn đang dồi dào bỗng chốc bị giảm đột ngột, không còn đủ sữa cho bé bú hằng ngày. Ngoài ra mùi vị của sữa cũng thay đổi. Bạn có thể phát hiện điều này qua biểu hiện của trẻ. Nếu con bạn đột nhiên bỏ bú, bú ít, hoặc vẫn bú nhưng thường xuyên gặp tình trạng tiêu chảy, thì có thể chất lượng sữa đã bị thay đổi. Hãy chú ý hơn đến việc nuôi con bằng sữa mẹ của các bạn.
  • Ngoài ra, các bạn còn có thể thường xuyên cảm thấy khát do cơ thể cần lượng lớn nước để sản xuất sữa và cho thai nhi phát triển. Bạn cảm thấy đau ngực hoặc mẫn cảm, người mệt mỏi, kiệt sức. Và đôi khi xuất hiện dấu hiệu đói thường xuyên, ốm nghén, thay đổi tính tình,…

Cần chú ý lắng nghe cơ thể bạn, khi có những bất thường kể trên có thể là dấu hiệu cho thấy bạn có thai lần tiếp. Với phụ nữ mới sinh và đang nuôi con nhỏ, các chuyên gia hầu như không khuyến khích mang thai những lần quá gần nhau. Như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể mẹ và sự phát triển của 2 bé.

8.4. Dấu hiệu sắp có kinh sau sinh là gì?

Lần có kinh trở lại đầu tiên sau sinh sẽ có một số thay đổi so với trước sinh mà chị em có thể cảm giác được. Những thay đổi này giống như là các dấu hiệu báo trước rằng “bà dì” lại sắp tới sau một thời gian dài bị mất. Có thể kể đến các triệu chứng như:

  • Đau bụng kinh nhiều hơn bình thường, đi kèm với đó là đau lưng, người mệt mỏi, khó chịu.
  • Số lượng máu kinh ra nhiều, có thể vón cục.

Do đó các chị em nên chú ý đến các triệu chứng này của cơ thể để chuẩn bị trước khi có kinh trở lại nhé.

8.5. Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có thể mang thai được không?

Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có thể mang thai được không?
Rối loạn kinh nguyệt sau sinh có thể mang thai được không?

Khi bạn có kinh trở lại đồng nghĩa với việc hormon prolactin không còn khả năng ngăn sự rụng trứng ở bạn. Vì thế dù kinh nguyệt chưa đều nhưng các bạn vẫn có tỷ lệ phần trăm nào đó có nguy cơ mang thai. Lúc này tốt nhất là các bạn nên sử dụng thêm các biện pháp tránh thai an toàn khác như đặt vòng, dùng bao cao su… để phòng mang thai quá sớm khi còn đang nuôi con nhỏ. Chú ý không nên sử dụng nhiều loại thuốc tránh thai, vì thuốc tránh thai không những sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình cân bằng hormone nội tiết trong cơ thể mà còn gây ảnh hưởng tới con nhỏ qua sữa mẹ.

Trên đây là một số thông tin về tình trạng rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ sau sinh. Hy vọng bài viết sẽ mang đến cho bạn những thông tin bổ sung đầy đủ giúp các bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này. Cảm ơn các bạn đã theo dõi và tham khảo.

Xem thêm:

Bà đẻ nên ăn gì sau sinh để mát sữa? Một số lưu ý

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn