Thực trạng sử dụng kháng sinh dự phòng tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An

Ngày viết:
Thực trạng sử dụng kháng sinh dự phòng tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An
Thực trạng sử dụng kháng sinh dự phòng tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An
5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết Thực trạng sử dụng kháng sinh dự phòng tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An tải pdf Tại đây.

Tác giả Phan Thị Thanh Hà, Nguyễn Thị Kim Oanh, Lê Thị Thanh Thúy, Nguyễn Viết Tiến – Bệnh viện Phụ sản Thiện An.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Nhiễm khuẩn vết mổ (NKVM) là một trong những loại nhiễm khuẩn bệnh viện phổ biến nhất, trở thành gánh nặng lớn đối với hệ thống y tế và người bệnh, do làm tăng nguy cơ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện và tăng chi phí điều trị, đặc biệt tại những nước đang phát triển [6].

Tuy nhiên, các nghiên cứu thực hiện gần đây cho thấy việc thực hành sử dụng KSDP còn nhiều hạn chế như lựa chọn kháng sinh chưa hợp lý, thời gian sử dụng kháng sinh sau phẫu thuật quá dài, thời điểm đưa liều dự phòng chưa phù hợp…[8]. Điều đó dẫn đến nhiều hậu quả như gia tăng vi khuẩn kháng thuốc, tăng chi phí chăm sóc, điều trị cho người bệnh và bệnh viện.

Tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An đã ban hành hướng dẫn sử dụng kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật sản phụ khoa đối với loại phẫu thuật sạch, sạch – nhiễm, dựa trên hướng dẫn cập nhật của ASHP (2013) [7], Bộ Y tế (2015) [1], WHO (2018) [9], Dược thư quốc gia (2018) [2]. Việc thực hiện bước đầu cho thấy tác động trong việc đảm bảo hiệu quả dự phòng nhiễm khuẩn vết mổ cũng như giảm thiểu chi phí điều trị, giảm nguy cơ đề kháng kháng sinh, giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ và độc tính.

Để tiếp tục đánh giá hiệu quả dài hạn của chương trình kháng sinh dự phòng, nghiên cứu “Thực trạng sử dụng kháng sinh dự phòng tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An” được thực hiện với mục tiêu: đánh giá mức độ phù hợp trong sử dụng kháng sinh dự phòng trên người bệnh phẫu thuật tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An.

=> Đọc thêm bài viết: Biểu đồ tim thai loại II trong chuyển dạ: kết cục thai kỳ và mô hình dự đoán trẻ ngạt.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Bệnh án của người bệnh phẫu thuật tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An có ngày phẫu thuật từ ngày 01/5/2021 đến ngày 30/11/2021.

  • Tiêu chuẩn lựa chọn: Người bệnh được thực hiện phẫu thuật thuộc loại sạch, sạch – nhiễm.
  • Tiêu chuẩn loại trừ:
    • Bệnh án của người bệnh không tiếp cận được.
    • Người bệnh phẫu thuật được chuyển sang bệnh viện khác ở bất kỳ thời điểm nào.

Phương pháp nghiên cứu

  • Thiết kế nghiên cứu:
    • Mô tả cắt ngang, không can thiệp thông qua hồi cứu dữ liệu bệnh án có phẫu thuật của người bệnh.
    • Cỡ mẫu nghiên cứu: mẫu thuận tiện.
  • Phương pháp thu thập số liệu: Thông tin về người bệnh và thông tin về sử dụng kháng sinh được thu thập từ bệnh án của người bệnh đạt tiêu chuẩn và điền vào phiếu thu thập thông tin bệnh án (Phụ lục 1).
  • Các nội dung nghiên cứu:
    • Đặc điểm người bệnh trước phẫu thuật: Tuổi, BMI, điểm ASA, lý do chỉ định phẫu thuật, tiền sử sản khoa, điểm NNIS. Tình trạng nhiễm khuẩn trước phẫu thuật.
    • Đặc điểm phẫu thuật: Phân loại phẫu thuật: theo loại vết mổ, có 4 loại phẫu thuật là sạch; sạch – nhiễm; nhiễm; bẩn. Hình thức phẫu thuật: là phẫu thuật nội soi và phẫu thuật mở. Thời gian phẫu thuật: thời gian phẫu thuật trung bình.
    • Đặc điểm người bệnh sau phẫu thuật: Thời gian nằm viện sau phẫu thuật: trung bình thời gian nằm viện sau phẫu thuật. Đặc điểm NKVM sau phẫu thuật: tỷ lệ % người bệnh sau phẫu thuật có các biểu hiện NKVM. Tình trạng người bệnh ra viện: tỷ lệ % người bệnh đạt hiệu quả điều trị theo các nhóm: đỡ – khỏi, chuyển tuyến và nặng – tử vong.
    • Đánh giá việc sử dụng kháng sinh dự phòng: Đánh giá mức độ phù hợp của việc sử dụng KSDP theo từng tiêu chí và phù hợp chung khi tất cả các tiêu chí đều phù hợp. Có 6 tiêu chí đánh giá, dựa vào hướng dẫn sử dụng kSdP của ASHP (2013), Bộ Y tế (2015) và Dược thư quốc gia (2018).
      • Chỉ định sử dụng KSDP cho tất cả NB có phẫu thuật sạch, sạch – nhiễm.
      • Lựa chọn KSDP Ampicilin/Sulbactam (biệt dược Unasyn), Cefazolin (Zoliicef), Cefuroxim (Zinacef), Clindamycin.
      • Thời điểm đưa liều KSDP trước khi rạch da: trong vòng 60 phút trước khi rạch da.
      • Liều dùng: Ampicilin/Sulbactam: 3 g; Cefazolin: 2 g; Cefuroxim: 1,5 g, Clindamycin: 600 mg. Bổ sung liều KSDP trong phẫu thuật: dùng liều lặp lại Ampicilin/Sulbactam lúc 2 giờ với phẫu thuật kéo dài trên 2 giờ; Cefuroxim và cefazolin lúc 4 giờ với phẫu thuật kéo dài trên 4 giờ hoặc khi mất > 1.500 ml máu.
      • Đường dùng kháng sinh: truyền tĩnh mạch.
      • Thời gian dùng kháng sinh: sử dụng một liều dự phòng là đủ, hoặc bổ sung liều khi cần thiết theo quy định ở trên.
    • Xử lý số liệu: Số liệu xử lý bằng phần mềm SPSS 20 và phần mềm Microsoft Excel 2010. Các biến số liên tục sẽ được biểu diễn dưới dạng trung bình ± SD (độ lệch chuẩn) nếu có phân phối chuẩn hoặc dưới dạng trung vị và khoảng tứ phân vị nếu không có phân phối chuẩn. Các biến số định danh và phân hạng được biểu diễn dưới dạng tỷ lệ phần trăm.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đặc điểm người bệnh trước phẫu thuật

Trong thời gian nghiên cứu có 163 người bệnh (NB) thỏa mãn tiêu chuẩn nghiên cứu với các đặc điểm được mô tả trong Bảng 1.

Bảng 1. Đặc điểm của người bệnh

Đặc điểm (N=163) Số lượng (n) Tỷ lệ (%)
Tuổi trung bình (thấp nhất, cao nhất) 35,2 (11 – 62)
– BMI trung vị (tứ phân vị) 16,7 (15,6 – 18,1)
– BMI: thấp nhất, cao nhất 12,3 – 29,4
Điểm ASA
1: NB khỏe mạnh 58 35,6
2: NB có bệnh toàn thân nhẹ 105 64,4
3: NB có bệnh toàn thân nặng nhưng vẫn hoạt động bình thường 0 0
4: NB có bệnh toàn thân nặng, đe doạ tính mạng 0 0
5: NB trong tình trạng bệnh nặng, có nguy cơ tử vong cao cho dù được phẫu thuật 0 0
Tình trạng nhiễm khuẩn trước phẫu thuật 1 0,6
Chỉ số NNIS đánh giá nguy cơ NKVM
0 163 100
1, 2, 3 0 0
Tiền sử sản khoa
Chưa sinh con lần nào 76 46,6
Sinh 1 con 36 22,1
Sinh 2 con 42 25,8
Sinh từ 3 con trở lên 9 5,5
Lý do chỉ định phẫu thuật
Buồng trứng đa nang 1 0,6
Chuyển dạ đẻ non/vết mổ đẻ cũ 1 0,6
Dị dạng TC 1 0,6
Dính BTC 19 11,7
Giãn tắc vòi TC 19 11,7
Lạc nội mạc TC 10 6,1
Polyp BTC 20 12,3
Quá sản niêm mạc TC 6 3,7
Thai ngoài TC 15 9,2
Tử cung đôi 7 4,3
Tụ dịch vết mổ 22 13,5
U buồng trứng 5 3,1
U xơ cơ TC 31 19,0
Ung thư biểu mô vảy TC 1 0,6
Ung thư cổ TC 1 0,6
Viêm dính tiểu khung 4 2,5

Nhận xét: tuổi trung bình của người bệnh là 35,2, 100% có điểm nguy cơ NKVM thấp (NNIS = 0), người bệnh khỏe mạnh hoặc có bệnh toàn thân nhẹ, lý do chỉ định phẫu thuật đa dạng.

Đặc điểm phẫu thuật của mẫu nghiên cứu

Kết quả khảo sát các đặc điểm phẫu thuật của mẫu nghiên cứu được trình bày trong Bảng 2.

Bảng 2. Đặc điểm phẫu thuật

Đặc điểm
Phân loại phẫu thuật, n (%) Sạch 28 (17,2)
Sạch – nhiễm 135 (82,8)
Nhiễm, bẩn 0
Hình thức phẫu thuật, n (%) Phẫu thuật mở 14 (8,6)
Phẫu thuật nội soi 149 (91,4)
Loại phẫu thuật theo TT 50/2014 của BYT, n (%) Loại đặc biệt 6 (3,7)
Loại I 152 (93,3)
Loại II 5 (3,0)
Loại III 0
Thời gian phẫu thuật (phút), trung vị (tứ phân vị) (thấp nhất: 10 phút, cao nhất: 210 phút) 54 (32 – 85)
Thời gian phẫu thuật > 2 giờ, n (%) 5 (3,1)
Mất máu > 1.500 ml 0

Nhận xét: Phẫu thuật chủ yếu thuộc loại sạch nhiễm với tỷ lệ 82,8% và hình thức nội soi chiếm đa số với 91,4%. Theo phân loại của Bộ Y tế thì phẫu thuật loại loại I nhiều nhất, chiếm 93,3%. Thời gian phẫu thuật có trung vị là 54 phút, không có trường hợp mất máu > 1.500 ml.

Đặc điểm người bệnh sau phẫu thuật

Bảng 3. Đặc điểm người bệnh sau phẫu thuật

Chỉ tiêu
Thời gian nằm viện sau mổ (ngày), trung vị (tứ phân vị) (thấp nhất: 1 ngày, cao nhất: 11 ngày) 4 (3 – 4)
Không nhiễm khuẩn vết mổ 163 (100%)
Ra viện với tình trạng đỡ-khỏi 163 (100%)
Chuyển tuyến 0
Nặng – tử vong 0

Nhận xét: 100% người bệnh không bị NKVM và ra viện với tình trạng đỡ-khỏi, thời gian nằm viện có trung vị là 4 ngày, không có trường hợp phải chuyển tuyến hay tử vong.

Đánh giá mức độ phù hợp của việc sử dụng KSDP

Kết quả đánh giá mức độ phù hợp việc sử dụng KSDP theo từng tiêu chí và đánh giá tuân thủ chung có trong Hình 1.

Biểu đồ 1. Phù hợp trong sử dụng kháng sinh dự phòng
Biểu đồ 1. Phù hợp trong sử dụng kháng sinh dự phòng

BÀN LUẬN

Đánh giá mức độ phù hợp trong sử dụng KSDP tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An: Bệnh viện Phụ sản Thiện An là bệnh viện mới thành lập từ đầu năm 2020 và được đầu tư xây dựng với cơ sở vật chất khang trang, máy móc trang thiết bị hiện đại. Bệnh viện đã xây dựng hướng dẫn sử dụng kháng sinh, trong đó có kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật phù hợp với các hướng dẫn của ASHP và Bộ Y tế. Ngoài ra, Bệnh viện luôn chú trọng thực hiện áp dụng đồng bộ các quy trình phẫu thuật, kiểm soát nhiễm khuẩn theo đúng quy định, đảm bảo phòng chống nhiễm khuẩn và an toàn cho NB. Vi vậy, từ tháng 8/2020 Bệnh viện đã thực hiện sử dụng KSDP cho NB có chỉ định phẫu thuật hoặc thủ thuật sản, phụ khoa. Trong thời gian nghiên cứu, NB có tuổi trung bình 35,2 (± 7,7), 100% có điểm ASA < 2, NNIS = 0 và thời gian PT có trung vị và 54 phút, hình thức PT nội soi chiếm đa số với tỷ lệ 91,4%, nên nguy cơ NKVM không cao. Do vậy, mặc dù loại PT sạch nhiễm là chủ yếu với tỷ lệ 82,8%, nhưng chỉ dùng duy nhất 1 liều KSDP Bên cạnh đó, sự tuân thủ cao quy định sử dụng KSDP của cán bộ y tế trong Bệnh viện đã cho kết quả tỷ lệ phù hợp về chỉ định, thời điểm dùng, đường dùng và thời gian dùng KSDP đạt 100%; liều dùng phù hợp đạt 99,4%, thấp nhất là lựa chọn KSDP phù hợp, đạt 71,2%. Tỷ lệ phù hợp chung là 71,2%. Không có người bệnh nào bị nhiễm khuẩn vết mổ. Kết quả sử dụng KSDP phù hợp chung cũng tương đồng so với nghiên cứu tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 77,2%, tuy nhiên tỷ lệ NKVM ở đây là 3,25% [4], Khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện Bạch Mai 85,2%, tỷ lệ NKVM 1,7% [3], tại Bệnh viện Vinmec Times city tỷ lệ tuân thủ chung là 60,5% [5]. Kết quả này phản ánh việc chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị hiện đại, cùng với công tác phòng chống nhiễm khuẩn luôn được thực hiện nghiêm ngặt tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An, nên yếu tố môi trường trong phòng mổ được đảm bảo. Do vệ sinh tay ngoại khoa, chuẩn bị người bệnh trước mổ, thiết kế buồng phẫu thuật, điều kiện khu phẫu thuật, dụng cụ y tế đều thực hiện tốt và nhân viên y tế tham gia phẫu thuật tuân thủ nguyên tắc vô khuẩn. Hình thức PT nội soi là chủ yếu (91,4%) và thời gian phẫu thuật tương đối ngắn (trung vị 54 phút), cũng là yếu tố quan trọng giúp giảm nguy cơ NKVM và NB nhanh phục hồi. Ngoài ra, việc ban hành hướng dẫn sử dụng KSDP phù hợp của bệnh viện và sự tuân thủ cao của cán bộ y tế cũng góp phần quan trọng trong phòng chống NKVM, giảm thiểu chi phí điều trị, giảm nguy cơ đề kháng kháng sinh, giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ và độc tính của thuốc.

=> Tham khảo thêm: Tuổi mãn kinh trung bình và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ mãn kinh đến khám tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng.

KẾT LUẬN

Tỷ lệ sử dụng KSDP phù hợp chung đạt ở mức cao 71,2%. Không có người bệnh nào bị nhiễm khuẩn vết mổ.

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn