Tuổi mãn kinh trung bình và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ mãn kinh đến khám tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng

Ngày viết:
Tuổi mãn kinh trung bình và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ mãn kinh đến khám tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng
Tuổi mãn kinh trung bình và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ mãn kinh đến khám tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng
5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết Tuổi mãn kinh trung bình và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ mãn kinh đến khám tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng tải pdf Tại đây.

Tác giả Nguyễn Đình Phương Thảo (1), Mai Thị Hiền (1), Lư Thị Thu Huyền (2) – (1) Khoa Y, Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng; (2) Khoa Xét nghiệm Y học, Trường Đại học Kỹ thuật Y – Dược Đà Nẵng.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên của tiến trình lão hoá, đánh dấu sự chấm dứt chức năng hoạt động của buồng trứng. Đây là hiện tượng sinh lý tất yếu của người phụ nữ thường xảy ra ở độ tuổi 45 – 55 với một số biểu hiện như ngừng kinh nguyệt, không phóng noãn, giảm nồng độ các hormon sinh dục dẫn đến những thay đổi về đặc điểm sinh học cũng như tâm lý ở người phụ nữ [1].

Với tuổi thọ trung bình của phụ nữ ngày càng tăng tuổi thọ trung bình hiện nay là 80 tuổi và tuổi mãn kinh trung bình là 51 [2]. Những người hút thuốc lá, người có trình độ học vấn thấp, thất nghiệp, ly thân; ly dị, góa chồng, chế độ ăn ít rau, tiền sử bị bệnh tim thì liên quan đến mãn kinh sớm [3]. Ở Việt Nam, với quy mô dân số 96,2 triệu người vào năm 2019, trong đó dân số nữ vượt ngưỡng 48,3 triệu người và tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, tuổi thọ của nữ là 76,3 tuổi. Vì vậy, một tỷ lệ không nhỏ phụ nữ đã và đang vào mãn kinh cần được chăm sóc sức khỏe [4]. Tùy thuộc vào sự phát triển của từng quốc gia, phụ nữ ở độ tuổi 50 có thể sống thêm khoảng 25 năm nữa trong giai đoạn hậu mãn kinh để cống hiến thêm cho gia đình và xã hội [1].

Đã có nhiều nghiên cứu về mãn kinh nhưng vấn đề mãn kinh luôn luôn mới vì số lượng phụ nữ cao tuổi ngày càng tăng. Bên cạnh đó, những sinh hoạt thói quen của cá nhân, vùng miền nơi cư trú ảnh hưởng đến tuổi mãn kinh. Để góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho phụ nữ mãn kinh nhằm nâng cao chất lượng sống cho họ, chúng tôi tiến hành nghiên cứu “Tuổi mãn kinh trung bình và một số yếu tố liên quan ở phụ nữ mãn kinh đến khám tại Bệnh viện Phụ Sản – Nhi Đà Nẵng” nhằm mục tiêu: xác định tuổi mãn kinh trung bình ở phụ nữ mãn kinh đến khám tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng và tìm hiểu một số yếu tố liên quan đến tuổi mãn kinh trung bình ở đối tượng nghiên cứu trên.

=> Xem thêm thông tin: Thực trạng sử dụng kháng sinh dự phòng tại Bệnh viện Phụ sản Thiện An.

ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Đối tượng nghiên cứu

Những phụ nữ đã mãn kinh tự nhiên, được phỏng vấn và thăm khám tại khoa Khám Sản của Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng trong thời gian từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 3 năm 2023.

Tiêu chuẩn chọn đối tượng: những phụ nữ đã mãn kinh tự nhiên, không có kinh trở lại sau 1 năm, không sử dụng bất kỳ liệu pháp nội tiết nào và đồng ý tham gia nghiên cứu.

Tiêu chuẩn loại trừ: những phụ nữ mắc bệnh ác tính, tâm thần. Những phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung và hai phần phụ trước và sau mãn kinh. Những phụ nữ không có khả năng giao tiếp, không còn minh mẫn để có thể trả lời chính xác các câu hỏi được phỏng vấn. Những phụ nữ đang dùng liệu pháp nội tiết. Những phụ nữ từ chối tham gia vào nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu

Thiết kế nghiên cứu: nghiên cứu mô tả cắt ngang.
Cỡ mẫu: mẫu toàn bộ. Từ tháng 12 năm 2020 đến tháng 3 năm 2023 có tổng cộng 369 phụ nữ đã mãn kinh tự nhiên đủ tiêu chuẩn lựa chọn và loại trừ. Chúng tôi đã thực hiện phỏng vấn và thăm khám.
Phương pháp thu thập số liệu: nghiên cứu được tiến hành thông qua phiếu điều tra để phỏng vấn trực tiếp các đối tượng nghiên cứu.
Nội dung nghiên cứu: các đối tượng được phỏng vấn và thăm khám thu thập những thông tin cá nhân và tiền sử như: họ và tên, tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, trình độ học vấn, mức sống hiện tại, tình trạng hôn nhân và gia đình, thu thập những thông tin cá nhân về tiền sử kinh nguyệt: tuổi có kinh đầu tiên, tuổi hết kinh hoàn toàn. Thu thập những thông tin về tiền sử sản khoa: số lần có thai, số lần sinh, số con, BMI.
Xử lý và phân tích số liệu: số liệu được nhập, được tính toán xử lý qua phần mềm SPSS 22.0 và các thuật toán thống kê được sử dụng trong y học. Tính số trung bình độ lệch chuẩn với các biến liên tục: tuổi, tuổi mãn kinh. Tính tỷ lệ phần trăm với các biến định tính. Các biến liên tục được mô tả dưới dạng trị số trung bình cộng độ lệch chuẩn. Sự liên quan giữa các biến phụ thuộc và các biến độc lập được thực hiện bằng phép kiểm chi bình phương. Kiểm định sự khác biệt giữa các tần suất bằng test Chi bình phương nếu giá trị thu được > 5, phần mềm sẽ tự động hiệu chỉnh qua test Yates khi giá trị thu được 3 < n <5 và khi giá trị thu được n < 3 thì chương trình sẽ tự động hiệu chỉnh qua test Fishers exact.
Kiểm định sự khác biệt giữa các giá trị trung bình bằng phương pháp kiểm định ANOVA, và t test. Kết quả đạt được có ý nghĩa thống kê khi p < 0,05.

KẾT QUẢ

Tuổi mãn kinh trung bình ở phụ nữ mãn kinh đến khám tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng

Bảng 3.1. Phân bố mẫu nghiên cứu theo tuổi mãn kinh (n = 369)

Tuổi mãn kinh Số trường hợp Tỷ lệ %
Trung bình 49,95 ± 3,34
< 40 tuổi 01 0,3
40 – 55 359 97,3
> 55 9 2,4
Tổng cộng 369 100,0

Tuổi mãn kinh trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 49,95 ± 3,34. Tuổi mãn kinh lớn nhất là 58 tuổi, có 01 trường hợp mãn kinh dưới 40 tuổi chiếm tỷ lệ 0,3%. Mãn kinh ở độ tuổi 40 – 55 chiếm đa số (97,3%).

Bảng 3.2. Phân bố mẫu nghiên cứu theo số năm mãn kinh

Số năm mãn kinh Số trường hợp Tỷ lệ %
< 5 năm 111 32,0
5 – 10 năm 139 37,7
> 10 năm 112 30,4
Tổng cộng 369 100,0

Mãn kinh dưới 5 năm chiếm tỷ lệ 32%, mãn kinh từ 5 đến 10 năm chiếm tỷ lệ 37,7% và mãn kinh trên 10 năm chiếm tỷ lệ 30,4%.

Một số yếu tố liên quan đến tuổi mãn kinh trung bình ở đối tượng nghiên cứu trên

Bảng 3.3. Nghề nghiệp theo tuổi mãn kinh trung bình

Nghề nghiệp Số trường hợp Tỷ lệ % Tuổi mãn kinh trung bình p
Buôn bán 88 23,8 50,08 ± 3,34 0,009*
CNVC 18 4,9 49,72 ± 3,39
Làm nông 118 32,0 49,42 ± 3,19
Hưu trí 44 11,9 50,73 ± 3,49
Nội trợ 67 18,2 50,87 ± 2,88
Khác 34 9,2 48,74 ± 3,93
Tổng cộng 369 100,0 49,95 ± 3,34

Phụ nữ mãn kinh làm nghề nội trợ có tuổi mãn kinh trung bình cao nhất (50,87 ± 2,88) và phụ nữ mãn kinh làm nghề khác (bốc vác, giúp việc) có tuổi mãn kinh thấp nhất (48,74 ± 3,93). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Bảng 3.4. Tình trạng kinh tế theo tuổi mãn kinh trung bình

Tình trạng kinh tế Số trường hợp Tỷ lệ % Tuổi mãn kinh trung bình p
Hộ nghèo, cận nghèo 30 8,1 48,20 ± 3,85 0,003**
Hộ trung bình trở lên 339 91,9 50,10 ± 3,25
Tổng cộng 369 100,0 49,95 ± 3,34

Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa tuổi mãn kinh trung bình của hộ nghèo, cận nghèo với hộ có điều kiện kinh tế từ trung bình trở lên, tương ứng 48,20 ± 3,85 và 50,10 ± 3,25 (p < 0,05).

Bảng 3.5. BMI theo tuổi mãn kinh trung bình

BMI Số trường hợp Tỷ lệ % Tuổi mãn kinh trung bình p
Nhẹ cân (< 18,5) 17 4,6 49,00 ± 3,37 > 0,05*
Bình thường (18,5 – 22,9) 199 53,9 50,05 ± 3,29
Thừa cân (> 23) 153 41,5 49,92 ± 3,40
Tổng cộng 369 100,0 49,95 ± 3,34

Tuổi mãn kinh trung bình ở phụ nữ thuộc nhóm nhẹ cân là thấp nhất (49,00 ± 3,37), tiếp theo ở nhóm phụ nữ mãn kinh thừa cân (49,92 ± 3,40) và tuổi mãn kinh trung bình cao nhất ở nhóm phụ nữ có cân nặng bình thường (50,05 ± 3,29). Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

Bảng 3.6. Trình độ học vấn theo nhóm tuổi mãn kinh

Nhóm mãn kinh Mãn kinh < 55 tuổi Mãn kinh > 55 tuổi Tổng cộng p
n % n % n %
< THCS 248 69,3 3 27,3 251 68,0 0,006
> THPT 110 30,7 8 72,7 118 32,0
Tổng cộng 358 100,0 11 100,0 369 100,0

Phụ nữ mãn kinh có trình độ học vấn từ trung học cơ sở trở xuống có tuổi mãn kinh dưới 55 tuổi chiếm nhiều nhất (69,3%). Phụ nữ mãn kinh có trình độ học vấn từ trung học phổ thông trở lên có tuổi mãn kinh muộn trên 55 tuổi chiếm nhiều nhất (72,7%). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05.

Bảng 3.7. Số con theo tuổi mãn kinh

Số con Số trường hợp Tỷ lệ % Tuổi mãn kinh trung bình p
Không sinh con 6 1,6 48,17 ± 2,99 > 0,05*
1 – 2 con 140 37,9 49,89 ± 3,79
> 3 con 223 60,4 50,03 ± 3,03
Tổng cộng 369 100,0 49,95 ± 3,34

Phụ nữ sinh từ 3 con trở lên có tuổi mãn kinh trung bình (50,03 ± 3,03) muộn hơn phụ nữ mãn kinh không sinh con và sinh con trung bình (48,17 ± 2,99 và 49,89 ± 3,79). Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05.

BÀN LUẬN

Tuổi mãn kinh trung bình ở phụ nữ mãn kinh đến khám tại Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng

Tuổi mãn kinh

Tuổi mãn kinh trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi là 49,95 ± 3,34. Tuổi mãn kinh lớn nhất là 58 tuổi, tuổi mãn kinh nhỏ nhất là 40 tuổi. Mãn kinh ở độ tuổi 40 – 55 chiếm đa số 97,3%. Kết quả này cũng phù hợp với Nguyễn Đình Phương Thảo (Huế – 2017), tuổi mãn kinh trung bình trong nghiên cứu là 49,47 [5]. Tuổi mãn kinh trung bình trong nghiên cứu của chúng tôi nằm trong dao động tuổi mãn kinh trung bình ở các nước Châu Á từ 47 – 50 tuổi, tuổi mãn kinh ở Trung Quốc là 47,91 tuổi [6]. Tuy nhiên, tuổi mãn kinh trung bình của mẫu nghiên cứu thấp hơn so với các nước phát triển. Cụ thể, ở trung tâm Massachusetts – Mỹ; tuổi mãn kinh tự nhiên trung bình là 52,6 tuổi và ở Tây Ban Nha là 51,7 tuổi [7]. Vấn đề này có thể được giải thích rằng phụ nữ mãn kinh ở các nước phát triển sử dụng liệu pháp nội tiết bổ sung ở giai đoạn quanh mãn kinh nên đã kéo dài thời gian mãn kinh. Mặt khác, đời sống kinh tế ở các nước phát triển được nâng cao, vì vậy, phụ nữ được dinh dưỡng đầy đủ và chính vì vậy đã kéo dài thời gian mãn kinh.

Số năm mãn kinh

Phụ nữ mãn kinh dưới 5 năm chiếm tỷ lệ 32,0%, mãn kinh từ 5 đến 10 năm chiếm tỷ lệ 37,7% và mãn kinh trên 10 năm chiếm tỷ lệ 30,4%. Như vậy, mãn kinh dưới 10 năm chiếm tỷ lệ 69,7% trong nghiên cứu của chúng tôi. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Mãn kinh Quốc tế, cửa sổ thời gian tốt nhất để điều trị những triệu chứng rối loạn ở phụ nữ mãn kinh là thời gian mãn kinh dưới 10 năm vì điều trị sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn nguy cơ so với nhóm mãn kinh trên 10 năm. Mẫu nghiên cứu của chúng tôi với tỷ lệ phụ nữ mãn kinh từ 10 năm trở xuống chiếm 69,7% tổng số các đối tượng, do đó đã đảm bảo các yêu cầu bước đầu để khảo sát và là cơ sở để điều trị các rối loạn ở phụ nữ mãn kinh sau này [8].

Một số yếu tố liên quan đến tuổi mãn kinh trung bình

Nghề nghiệp theo tuổi mãn kinh trung bình

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận những phụ nữ mãn kinh thuộc nhóm nội trợ có tuổi mãn kinh trung bình cao nhất (50,87 ± 2,88). Phụ nữ mãn kinh làm nghề khác (bốc vác, giúp việc) có tuổi mãn kinh trung bình thấp nhất (48,74 ± 3,93). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Điều này có thể lý giải rằng phụ nữ thuộc nhóm nội trợ ít bị stress về công việc hơn các phụ nữthuộc các nhóm khác, stress là nguyên nhân dẫn đến tuổi mãn kinh sớm hơn.

Tình trạng kinh tế theo tuổi mãn kinh trung bình

Kết quả nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận rằng hộ nghèo và cận nghèo có tuổi mãn kinh trung bình thấp nhất (48,20 ± 3,85), hộ trung bình trở lên có tuổi mãn kinh trung bình cao nhất (50,10 ± 3,25). Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Điều này cũng phù hợp với nghiên cứu của Wang M và cộng sự (Trung Quốc – 2021) ghi nhận rằng những phụ nữ có tình trạng kinh tế xã hội cao hơn thì có tuổi mãn kinh muộn hơn [9]. Có thể lý giải rằng tình trạng kinh tế gia đình có liên quan đến khả năng dinh dưỡng của phụ nữ mãn kinh và đã ảnh hưởng đến tuổi mãn kinh, làm cho tuổi mãn kinh muộn hơn.

BMI theo tuổi mãn kinh trung bình

Nghiên cứu của chúng tôi ghi nhận rằng phụ nữ nhẹ cân có tuổi mãn kinh trung bình thấp nhất (49,00 ± 3,59), phụ nữ mãn kinh thuộc nhóm có cân nặng bình thường và nhóm thừa cân có tuổi mãn kinh trung bình cao hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Nghiên cứu của chúng tôi cũng tương tự nghiên cứu của Zhu D và cộng sự ghi nhận rằng phụ nữ nhẹ cân có nguy cơ mãn kinh sớm hơn (RRR 2,15, KTC 95% 1,50 – 3,06) trong khi phụ nữ thừa cân (1,52, 1,31 – 1,77) tăng nguy cơ mãn kinh muộn [10]. Nghiên cứu của Ebong I.A và cộng sự ở Mỹ ghi nhận rằng những phụ nữ thừa cân có tuổi mãn kinh trung bình muộn trên 55 tuổi so với những phụ nữ mãn kinh nhẹ cân [11].

Trình độ học vấn theo tuổi mãn kinh trung bình

Với kết quả ở bảng 3.6, trình độ học vấn có liên quan đến tuổi mãn kinh, sự khác nhau có ý nghĩa thống kê với p < 0,05. Điều này có thể lý giải rằng những đối tượng nghiên cứu có trình độ học vấn cao thường có tuổi mãn kinh muộn hơn những đối tượng nghiên cứu có trình độ học vấn thấp bởi lẽ những đối tượng nghiên cứu có trình độ học vấn cao có thể có nhiều hiểu biết về sức khỏe con người cũng như tình trạng mãn kinh, những hiểu biết này có thể giúp họ giữ gìn sức khỏe cũng như phòng tránh được những yếu tố gây mãn kinh sớm. Mặt khác, những người có trình độ học vấn cao thường có đời sống vật chất và tinh thần cao hơn những người có trình độ học vấn thấp. Những yếu tố này đã tác động góp phần làm tuổi mãn kinh muộn hơn.

Số con theo tuổi mãn kinh trung bình

Với kết quả ở bảng 3.7, phụ nữ không sinh con có tuổi mãn kinh trung bình thấp nhất và phụ nữ sinh từ 3 con trở lên có tuổi mãn kinh trung bình cao nhất. Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê với p > 0,05. Li Lin và cộng sự đã nghiên cứu những yếu tố liên quan đến tuổi mãn kinh tự nhiên và triệu chứng mãn kinh ở phụ nữ Trung Quốc ghi nhận rằng những phụ nữ chưa sinh lần nào có liên quan đến mãn kinh sớm [12]. Nghiên cứu của Sapre Shilpa và cộng sự ghi nhận rằng những người sinh nhiều con có liên quan đến tuổi mãn kinh muộn [3].

KẾT LUẬN

Tuổi mãn kinh trung bình trong nghiên cứu là: 49,95 ± 3,34 tuổi. Một số yếu tố liên quan đến tuổi mãn kinh là: nghề nghiệp, tình trạng kinh tế, trình độ học vấn (p < 0,05).

=> Tham khảo thêm: Biểu đồ tim thai loại II trong chuyển dạ: kết cục thai kỳ và mô hình dự đoán trẻ ngạt.

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn