Tá dược độn là gì? Vai trò của tá dược độn

Ngày viết:
Tá dược độn là gì?
Tá dược độn là gì?
3/5 - (1 bình chọn)

Itppharma.com – Một công thức thuốc hoàn chỉnh ngoài dược chất còn cần tới sự có mặt của nhiều loại tá dược khác nhau, với mục đích cải thiện độ ổn định, cải thiện sinh khả dụng, giúp viên có tính thẩm mỹ hơn. Các tá dược không có tác dụng dược lý nhưng là thành phần không thể thiếu của một sản phẩm. Trong đó, tá dược phổ biến nhất trong công thức thuốc viên chính là tá dược độn.

1, Tá dược độn là gì?

Tá dược là những chất không có tác dụng dược lý, không có tác dụng điều trị bệnh, được kết hợp với những dược chất chính để tạo nên một công thức hoàn chỉnh.

Tá dược độn là loại tá dược được sử dụng với mục đích đảm bảo khối lượng bột trong một viên thuốc, tăng kích thước viên để phù hợp với thiết bị dập viên.

Tá dược độn là gì?
Tá dược độn là gì?

2, Vai trò của tá dược độn

Tá dược độn là thành phần không thể thiếu khi bào chế viên thuốc, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành viên. Một số vai trò của tá dược độn như:

  • Đảm bảo khối lượng viên.
  • Cải thiện độ trơn chảy của cốm bột.
  • Cải thiện khả năng chịu nén của dược chất.
  • Cải thiện sự hòa tan của dược chất.
  • Pha loãng các dược chất có hoạt tính mạnh hoặc có độc tính cao, dễ gây nguy hiểm đối với người sử dụng.

Để đảm bảo tá dược độn phát huy được những vai trò như trên, khi chọn tá dược độn cho sản phẩm cần lưu ý và quan tâm đến khả năng chịu nén, độ trơn chảy, độ tan, độ rã, khả năng hút ẩm của tá dược. Đặc biệt xem xét vấn đề giữa tá dược và hoạt chất chính có xảy ra sự tương tác làm ảnh hưởng đến độ ổn định và tác dụng của sản phẩm hay không.

3, Phân loại tá dược độn

Phân loại tá dược độn theo độ tan:

  • Tá dược độn tan trong nước
  • Tá dược độn không tan trong nước

Phân loại tá dược độn theo nguồn gốc:

  • Tá dược độn nhóm hữu cơ
  • Tá dược độn nhóm vô cơ
  • Tá dược độn đa chức năng

4, Ảnh hưởng của tá dược độn đến sinh khả dụng thuốc rắn

Tá dược độn là thành phần không thể thiếu trong viên nhưng cần được nghiên cứu và sử dụng với một tỷ lệ phù hợp. Nếu sử dụng với một lượng lớn tá dược độn cho phép thì sẽ làm ảnh hưởng đến sinh khả dụng thuốc rắn:

  • Ảnh hưởng đến khả năng giải phóng của dược chất
  • Ảnh hưởng đến khả năng hòa tan của dược chất
  • Ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dược chất

Ví dụ như, sử dụng các tá dược độn tan trong nước (lactose, sorbitol…) trong chế phẩm chứa dược chất sơ nước giúp cải thiện tính thấm và khả năng hấp thu của dược chất.

Ảnh hưởng của tá dược độn đến sinh khả dụng thuốc rắn
Ảnh hưởng của tá dược độn đến sinh khả dụng thuốc rắn

Còn sử dụng các tá dược độn không tan trong nước (dicalci phosphate, dẫn chất cellulose) trong chế phẩm chứa dược chất dễ tan trong nước sẽ giúp kiểm soát quá trình giải phóng dược chất, kiểm soát độ hòa tan, giảm tốc độ hấp thu của dược chất.

Tuy nhiên, giữa tá dược độn và dược chất có thể xảy ra tương tác bất lợi, làm giảm sinh khả dụng của sản phẩm. Ví dụ như tinh bột và dicalci phosphate làm tăng nguy cơ oxy hóa dược chất, dẫn chất cellulose hấp phụ dược chất làm giảm lượng hoạt chất đưa vào cơ thể.

5, Một số tá dược độn phổ biến thường dùng

5.1, Nhóm tá dược độn tan trong nước

5.1.1, Lactose

Lactose là tá dược độn phổ biến thường dùng trong thuốc bột, viên nang cứng, viên nén  và pellet. Tá dược này thường được sử dụng dưới ba dạng chủ yếu:

  • Lactose monohydrat: có độ trơn chảy tốt, dễ tạo hạt, hạt tạo ra dễ sấy khô, ít làm ảnh hưởng tới khả năng giải phóng của dược chất chính, dễ kiếm, rẻ tiền. Tuy nhiên, sử dụng lactose monohydrat có độ rã kém, tăng độ cứng của viên sau bảo quản.
  • Lactose khan dễ kiếm, rẻ tiền, thường sử dụng cho viên nén dập thẳng. Tuy nhiên, lactose khan có độ trơn chảy kém và độ hút ẩm cao, khó bảo quản.
  • Lactose phun sấy có khả năng chịu nén tốt, khả năng trơn chảy tốt, thường được sử dụng cho viên dập thẳng. Tuy nhiên, lactose phun sấy có giá thành cao hơn lactose monohydrat và lactose khan.
  • Một số các loại tá dược khác cùng nhóm Lactose như Microcellac, Ludipress.

Một số ưu điểm của tá dược Lactose:

  • Lactose dễ tan trong nước, ít hút ẩm
  • Vị ngọt dễ chịu, có thể được sử dụng làm chất điều vị
  • Tính khử mạnh.
Nhóm tá dược độn tan trong nước
Nhóm tá dược độn tan trong nước

5.1.2, Glucose

Đặc điểm của tá dược độn glucose:

  • Khả năng trơn chảy kém
  • Dễ hút ẩm
  • Có tính khử, xảy ra phản ứng đổi màu với các dược chất nhóm amin
  • Làm tăng độ cứng viên

5.1.3, Saccharose

Đặc điểm của tá dược độn saccharose

  • Cải thiện độ bền cơ học cho viên
  • Giảm độ rã
  • Hút ẩm mạnh, vì vậy dễ gây dính chày trong quá trình dập viên
  • Chất điều vị, tạo vị ngọt cho viên
  • Thường được sử dụng làm tá dược cho viên nhai, viên ngậm

5.1.4, Mannitol và sorbitol

Giống như tá dược succharose, mannitol và sorbitol có vị ngọt mát, thường được sử dụng cho viên ngậm và viên nhai để điều vị. Mannitol và sorbitol ít hút ẩm, giá thành cao, có thể sử dụng trong phương pháp dập thẳng.

5.2, Nhóm tá dược độn không tan trong nước

5.2.1, Dẫn chất cellulose

Một số tá dược độn điển hình thuộc nhóm dẫn chất cellulose như cellulose vi tinh thể, cellulose ether như MC, CMC, HPMC.

Cellulose vi tinh thể: hiện nay sử dụng phổ biến loại tá dược Avicel, được sử dụng trong phương pháp dập thẳng. Một số ưu điểm của tá dược Avicel so với các loại tá dược khác như:

  • Khả năng trơn chảy tốt
  • Khả năng chịu nén tốt
  • Cải thiện độ rã cho viên
  • Cải thiện độ bền cơ học của viên
  • Dễ tạo hạt ướt, hạt tạo thành dễ sấy khô
  • Ít mài mòn
  • Khả năng phân phối đồng đều cao trong khối bột
  • Hỗ trợ giảm lực nén khi dập viên trong sản xuất

Tuy nhiên, Avicel cũng có một số các nhược điểm như dễ hút ẩm, kém bền với một số dược chất (kháng sinh, vitamin, aspirin), nếu sử dụng lượng lớn làm giảm độ tan và giảm khả năng giải phóng của dược chất.

  • Cellulose ether: có nguy cơ cao làm ảnh hưởng đến khả năng giải phóng của các dược chất nếu sử dụng tỷ lệ không phù hợp.
Cellulose vi tinh thể
Cellulose vi tinh thể

5.2.2, Tinh bột

Tinh bột là một trong những tá dược độn hay được sử dụng hiện nay do tính an toàn cao và dễ kiếm, rẻ tiền. Tuy nhiên, tinh bột có một số nhược điểm như độ hút ẩm cao, độ trơn chảy kém, khả năng chịu nén kém, dễ vón cục, do đó làm tăng nguy cơ làm hỏng thuốc, thuốc dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm mốc.

Để khắc phục các nhược điểm trên, các chuyên gia đã nghiên cứu ra tinh bột biến tính (là dạng thủy phân một phần của phân tử tinh bột) có độ trơn chảy và khả năng chịu nén tốt hơn tinh bột thường. Một số loại tinh bột biến tính dùng phổ biến hiện nay như Lycatab và Starch 1500.

5.2.3, Các muối calci

Một số muối của calci thường được sử dụng làm tá dược độn do có nhiều tính chất phù hợp và có nhiều ưu điểm so với các loại tá dược khác như khả năng trơn chảy tốt (thích hợp sử dụng cho viên sản xuất theo phương pháp dập thẳng), ít bị hút ẩm, giá thành rẻ, độ bền cơ học cao. Tuy nhiên, khi phối hợp muối calci với các dược chất cần chú ý một số điểm sau:

  • Kết hợp với các dược chất có độ hòa tan kém có thể làm giảm sinh khả dụng của thuốc do làm giảm độ rã của viên; tránh sử dụng muối calci với tỷ lệ cao trong công thức bào chế viên.
  • Kết hợp với các dược chất kém bền trong môi trường kiềm làm giảm sinh khả dụng của sản phẩm do một số muối calci có tính kiềm nhẹ như calci carbonat hay dicalci phosphate.

Qua bài viết, độc giả sẽ có cái nhìn khái quát và tổng thể hơn về tá dược độn cũng như vai trò của chúng trong việc bào chế thuốc viên. Tá dược độn có vai trò vô cùng quan trọng, là một thành phần không thể thiếu khi bào chế dạng cốm, bột.

Xem thêm:

Carbatol 200mg – Phối hợp điều trị và kiểm soát các cơn co giật

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn