Hiện nay, thai ngoài tử cung là một trong số những bệnh lý sản khoa hay gặp ở chị em phụ nữ gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vậy thai ngoài tử cung là gì, bệnh do đâu mà ra, có nguy hiểm gì không, điều trị như thế nào,… chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc online ITP Pharma nhé.
1, Đại cương về thai ngoài tử cung
1.1. Định nghĩa
Thai ngoài tử cung là một trường hợp mà trứng sau khi đã được thụ tinh làm tổ và phát triển ở những vị trí bên ngoài buồng tử cung. Trong trường hợp này, thai có nguy cơ vỡ và chảy máu, gây nhiều nguy hiểm cho người phụ nữ. Đây là một trong những tình trạng bất thường hay gặp trong chuyên ngành sản phụ khoa.
1.2. Dịch tễ học
Nhiều nghiên cứu cho thấy, thai ngoài tử cung chiếm tỷ lệ khoảng 1 đến 2 % các trường hợp thai nghén. Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, thai ngoài tử cung được xếp vào nhóm nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ. Hiện nay với nhiều kỹ thuật hiện đại cũng như kiến thức sản khoa ngày càng được nâng cao thì việc chẩn đoán bệnh được thực hiện chính xác và sớm hơn. Từ đó sẽ có những cách xử trí kịp thời, không gây nhiều biến chứng cho sản phụ cũng như góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong trong sản khoa.
Thai ngoài tử cung thường có liên quan tới một số yếu tố nguy cơ hoặc bệnh lý sản phụ khoa khác như các bệnh truyền nhiễm lây qua quan hệ tình dục, viêm nhiễm đường sinh dục, tiền sử phá bỏ thai nhiều lần, mẹ cao tuổi, sử dụng các dụng cụ tránh thai,… Vì vậy, nếu chị em có các bệnh lý nguy cơ, hãy điều trị ổn định trước khi có ý định mang thai để tránh tình trạng thai ngoài tử cung nhé.
1.3. Phân loại thai ngoài tử cung
Người ta thường chia thai ngoài tử cung ra thành các loại dựa vào vị trí làm tổ của thai tại các vị trí bất thường. Các loại đó là:
- Thai nằm tại vòi tử cung: Loại này chiếm đa số các trường hợp, khoảng 95 đến 98%. Tại vòi tử cung, người ta chia thành 4 đoạn là: đoạn bóng, đoạn eo, đoạn kẽ, đoạn loa. Trong đó gặp nhiều nhất là thai ngoài tử cung đoạn bóng, hiếm gặp nhất là thai tại đoạn kẽ vòi tử cung.
- Thai nằm tại buồng trứng: Chiếm tỉ lệ khoảng từ 0,7 cho đến 1% các trường hợp.
- Thai nằm tại ống cổ tử cung: Thai đã qua vòi tử cung xuống đến tử cung nhưng lại xuống đến tận cổ tử cung. Đây là vị trí hẹp và không thể đảm bảo cho thai to lớn hơn. Trường hợp này chiếm khoảng 0,5 cho đến 1%
- Thai nằm trong ổ bụng: Trường hợp này hiếm gặp nhưng đã có báo cáo về trường hợp gặp phải.
- Thai nằm tại vết mổ cũ: Hiện nay do tỷ lệ phẫu thuật mổ lấy thai ngày càng nhiều nên người ta thấy xuất hiện thêm trường hợp thai ngoài tử cung vị tri vết sẹo mổ cũ. Những trường hợp này thai làm tổ ngay tại các khe, kẽ xơ của vết mổ nên dễ bị bong ra gây chảy máu.
2, Nguyên nhân gây nên thai ngoài tử cung là gì?
Các nguyên nhân gây nên hiện tượng thai ngoài tử cung chính là những yếu tố gây ngăn cản, làm gián đoạn và làm chậm quá trình di chuyển của trứng từ buồng trứng vào đến buồng tử cung. Điều này sẽ làm cho trứng đã thụ tinh làm tổ tại một vị trí bất kỳ trên đường đi, có thể ở ngay buồng trứng, các đoạn vòi tử cung, góc sừng tử cung, thậm chí ở ngoài ổ bụng hoặc ngay tại vết mổ đẻ cũ. Một số khác thai đã vào đến buồng tử cung nhưng lại di chuyển xuống vị trí quá thấp hoặc dính vào vết mổ cũ,… Các yếu tố nguyên nhân đó có thể là:
Nguyên nhân làm biến dạng vòi trứng, giảm nhu động vòi trứng như:
- Viêm nhiễm, phù nề và tổn thương niêm mạc, nhung mao vòi tử cung: Đây là một yếu tố hay gặp nhất dẫn đến tình trạng thai ngoài tử cung.
- Sự xuất hiện của một số khối u ở vị trí bên trong ổ bụng hay trong vùng tử cung đè ép lên vòi tử cung, làm hẹp đường kính vòi tử cung, cản trở đường đi của trứng đã thụ tinh.
- Dị dạng vòi tử cung do bẩm sinh hoặc do mắc phải (thường là do những lần thai ngoài tử cung trước đó hay chấn thương mà phải khâu phục hồi vòi tử cung, để lại sẹo vùng đó gây hẹp). Một số khác có thể là trường hợp vòi tử cung bị rối loạn dẫn tới việc co thắt một cách bất bình thường.
- Xơ dính ảnh hưởng tới vòi tử cung sau các cuộc phẫu thuật vùng bụng hoặc do tình trạng nội mạc tử cung bị lạc ra ngoài (lạc nội mạc tử cung).
Do thuốc: Việc sử dụng quá nhiều các loại thuốc tránh thai, đặc biệt là những loại một thành phần chứa progestin sẽ làm tăng nguy cơ gây nên thai ngoài tử cung.
Trong các trường hợp điều trị hỗ trợ sinh sản: Các kỹ thuật gây kích thích cho trứng rụng bằng các loại thuốc kích trứng như Gonadotropin hay những lần làm thụ tinh trong ống nghiệm cũng có thể gây ảnh hưởng nhiều tới việc di chuyển của trứng sau này.
Những trường hợp tiền vô sinh cũng có nguy cơ thai ngoài tử cung sau đó.
3, Giải phẫu bệnh và sinh lý bệnh của thai ngoài tử cung
Tại tử cung và vòi tử cung:
Vòi tử cung là một vị trí không thể đảm bảo cho thai làm tổ và phát triển như trong lòng tử cung. Niêm mạc của vòi tử cung rất ít khi bị thay đổi nên khó có thể thích nghi và bảo vệ được túi thai không giống như niêm mạc tử cung có khả năng thay đổi tùy thuộc vào thai kỳ để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Ngoài ra, lớp cơ vùng vòi tử cung cũng vô cùng mỏng manh nên khi túi thai phát triển lớn dần rất dễ dẫn tới nguy cơ bị rách lớp cơ này gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thai ngoài tử cung cũng được coi là một trường hợp có thai, do đó tử cung cũng sẽ phát triển song song tương tự như những trường hợp mang thai bình thường. Sự thay đổi các hormon trong cơ thể sẽ làm cho tử cung dần to ra, mềm hơn bình thường, niêm mạc bên trong tử cung dần dần biến đổi thành một lớp chuyên dụng khi mang thai đó là lớp mạng sản mạc.
Thai tiến triển nhanh trong vòi tử cung:
Tại vòi tử cung nơi trứng đã thụ tinh làm tổ, các gai rau hình thành sẽ bắt đầu ăn sâu vào lớp cơ mỏng manh của vòi tử cung. Kèm theo là túi thai to dần sẽ làm cho vòi tử cung căng to ra dẫn tới vỡ rác vòi tử cung. Khi bị rách hay vỡ như vậy sẽ gây tổn thương đến các mạch máu xung quanh gây nên hiện tượng chảy máu, máu có xu hướng chảy nhiều vào ổ bụng. Tùy các trường hợp khác nhau sẽ diễn biến chảy máu theo xu hướng khác nhau. Máu có thể chảy ồ ạt làm cho ổ bụng đầy máu, một số trường hợp thì máu lại chảy từ từ, rỉ rả, chảy xuống những vị trí thấp và ứ đọng ở đó gây nên khối máu tụ.
Diễn ra hiện tượng sảy thai: Ở các vị trí bất thường, thai không được bảo vệ tốt như ở lớp niêm mạc trong lòng tử cung nên rất dễ bị sảy thai. Sảy thai có thể thoái hóa dần hoặc gây biến chứng chảy máu. Trong các trường hợp túi thai nhỏ, khi sảy thai có thể gây chảy máu ít chỉ ứ đọng trong lòng vòi tử cung, túi thai thoái hóa dần cũng không gây rách vỡ vòi tử cung. Trong một số trường hợp khác thai lại phát triển hay thoái hóa, chảy máu một cách từ từ làm cho cơ thể có xu hướng bọc lại bảo vệ bằng các quai ruột, mạc treo,… tạo nên các khối máu tụ lâu ngày. Nếu túi thai có kích thước lớn thì sẽ dễ vỡ gây chảy máu nhiều vào ổ bụng.
4, Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của thai ngoài tử cung
Để thuận lợi cho việc chẩn đoán và xử trí, người ta chia thai ngoài tử cung ra thành các thể với triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của từng thể như sau:
Thai ngoài tử cung thể chưa vỡ:
- Dấu hiệu tắt kinh hay chậm kinh: Bệnh nhân có thể thấy kỳ kinh đến muộn, rối loạn kinh nguyệt. Kèm theo có thể có các dấu hiệu nghén, buồn nôn, căng tức ngực.
- Đau bụng: Thường xuất hiện đau âm ỉ vùng bụng dưới, đau tăng hơn về một bên có túi thai.
- Ra huyết âm đạo: Đây là một trong những dấu hiệu đặc trưng của thai ngoài tử cung. Có thể ra huyết âm đạo từng ít một, máu màu nâu đen, không đông và có thể lẫn với một số màng hay chất nhầy.
- Khi khám qua mỏ vịt thấy cổ tử cung có màu hơi tím, mềm hơn bình thường, lỗ tử cung vẫn đóng kín và thấy có huyết đen chảy ra từ bên trong lòng tử cung.
- Tử cung sẽ có kích thước lớn hơn bình thường nhưng nếu tính được tuổi thai thì kích thước của tử cung không tương xứng với tuổi thai, thường bé hơn kích thước theo tuổi thai bình thường.
- Siêu âm: Qua siêu âm không phát hiện được hình ảnh túi thai trong buồng tử cung. Thay vào đó có thể thấy có khối hoặc túi thai nằm ở các vị trí bên ngoài tử cung. Ngoài ra qua siêu âm cũng có thể phát hiện thấy có dịch ở túi cùng douglas hoặc trong ổ bụng. Để chắc chắn hơn thì nên kết hợp cả siêu âm qua thành bụng và siêu âm qua đầu dò âm đạo.
- Nồng độ HCG: Các xét nghiệm định tính HCG sẽ có tác dụng gợi ý tới có thai hay không. Nhưng xét nghiệm định tính không có độ chính xác quá cao nên trong những trường hợp kết quả định tính cho rằng không có thai thì cũng không thể bỏ qua trường hợp thai ngoài tử cung được. Để chắc chắn có thai nên làm xét nghiệm định lượng beta HCG. Trong thai ngoài tử cung vẫn có sự tăng beta HCG nhưng lượng tăng thấp hơn so với trường hợp mang thai bình thường.
- Soi ổ bụng: đây là một phương pháp giúp chẩn đoán chính xác bệnh cũng như qua đó có thể xử trí luôn được tình trạng thai ngoài tử cung.
Thai ngoài tử cung thể tràn ngập máu trong ổ bụng:
- Bệnh nhân có thể choáng do bị mất quá nhiều máu và chảy ồ ạt vào bên trong ổ bụng. Kèm theo choáng bệnh nhân có thể vật vã, hoảng hốt, lạnh hết chân tay, da trắng xanh, mạch nhanh, huyết áp bắt đầu hạ nhanh,…
- Bệnh nhân cũng có các dấu hiệu chậm kinh, tắt kinh hoặc thậm chí là rối loạn kinh nguyệt.
- Ra huyết âm đạo màu đen nhưng chỉ ra từng chút một.
- Đau bụng vùng bụng dưới một cách đột ngột. Đau dữ dội làm cho bệnh nhân có thể bị ngất đi vì đau.
- Khi khám sẽ thấy bụng căng chướng nhiều, đầy hơi, ấn vào bệnh nhân có phản ứng đau.
- Khám qua âm đạo thấy vùng túi cùng douglas của bệnh nhân căng chứa đầy dịch máu, khi ấn tay vào sẽ làm bệnh nhân rất đau đến mức phải kêu lên.
- Khi thăm khám ước chừng tử cung qua thành bụng bệnh nhân khó chịu, khi ấn vào cảm giác như tử cung ngập trong nước.
- Dùng kim nhỏ để chọc dò vào túi cùng douglas thì hút ra được nhiều dịch máu đen loãng, để ngoài không thấy có hiện tượng đông lại.
Thai ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang:
- Trong thể bệnh này, ngoài hiện tượng chảy máu, bệnh nhân còn có thể bị tan máu, nhưng 2 tình trạng này thường diễn ra từ từ, kéo dài. Vì vậy là trên lâm sàng thường có biểu hiện thiếu máu mức độ nhẹ hoặc vừa như da xanh nhợt hoặc vàng, cơ thể mệt mỏi, thể trạng suy sụp, ít khi bệnh nhân bị choáng.
- Chậm kinh hay tắt kinh cũng là một triệu chứng không thể thiếu.
- Đau bụng âm ỉ vùng hạ vị: Trong thể huyết tụ thành nang, bệnh nhân thường đau bụng nhẹ nhàng, thỉnh thoảng có cơn đau trội lên rồi sau đó lại dịu đi nhanh chóng nên bệnh nhân dễ bị bỏ sót. Có thể có kèm theo các triệu chứng táo bón hoặc tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần.
- Ra huyết âm đạo kéo dài, ra máu rỉ rả ít một màu nâu đen.
- Khi bác sĩ lâm sàng thăm khám qua thành bụng sẽ xác định thấy tử cung hơi to hơn bình thường. Kiểm tra toàn bộ ổ bụng có thể phát hiện thấy bên cạnh tử cung có một khối cứng, chắc và khó di động. Khi bác sĩ ấn vào khối đó thì bệnh nhân rất đau. Khối bất thường có thể nằm bên cạnh, nhau mặt trước hay mặt sau tử cung. Khi khối dính vào tử cung sẽ làm cho tử cung lớn và khó xác định hơn.
- Siêu âm: Siêu âm thấy tử cung có kích thước to hơn bình thường. Tại vị trí nào đó quanh tử cung có thể xuất hiện một khối âm vang hỗn hợp, dính hoặc nằm dính với tổ chức xung quanh nên không xác định được rõ ràng vị trí.
- Định lượng hay định tính HCG: Trường hợp này do thai đã đến và đang thoái triển nên khi làm các xét nghiệm định tính hoặc định lượng HCG thì có thể cho kết quả âm tính. Vì vậy mà các bác sĩ thường sẽ phải kết hợp nhiều phương pháp hỗ trợ chẩn đoán để tránh bỏ sót bệnh.
- Nếu có điều kiện người ta sẽ dùng kim chọc dò qua đường túi cùng douglas để vào khối u đó. Khi đó có thể hút được máu đen và lẫn cả máu cục.
Thai ngoài tử cung thể trong ổ bụng:
- Đây là một trường hợp hiếm gặp hơn cả, việc chẩn đoán cũng khó khăn hơn rất nhiều do dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác trong ổ bụng.
- Bệnh nhân có cảm giác đau bụng nhiều. Nếu thai còn sống thì khi thai di động sẽ làm bệnh nhân đau trội lên.
- Ra huyết đen âm đạo nhưng rất ít.
- Bệnh nhân có thể buồn nôn, nôn, bí trung đại tiện nhiều ngày liên tục.
- Khám có thể phát hiện thấy thai cử động ngay dưới tay, ngay trong lòng ổ bụng nhưng không phát hiện được cơn co tử cung.
- Khám qua đường âm đạo thấy kích thước tử cung không có sự thay đổi nhiều, túi thai lại ở vị trí bên ngoài tử cung, phát triển không tương xứng với sự phát triển của tử cung. Nếu thai to có thể khám được ngôi thai thì đa số các trường hợp đều có ngôi thai bất thường.
- Siêu âm: Qua siêu âm phát hiện thấy túi thai hoàn toàn nằm bên ngoài tử cung. Khối thai có thể nằm ở nhiều vị trí khác nhau trong ổ bụng, xen kẽ có các quai ruột, mạc treo,… tập trung lại bao bọc tạo thành một khối hỗn hợp khó xác định. Túi thai thường nhỏ và thai nhỏ hơn nhiều so với tuổi thai.
- Nếu cần thiết thì cho chụp phim x quang thấy các quai ruột nằm đè lên phần túi thai. Hoặc phim nghiêm thì thấy thai nằm ngang so với cột sống của mẹ.
5, Thai ngoài tử cung cần phân biệt với bệnh lý nào?
Thai ngoài tử cung là một bệnh phổ biến, tuy nhiên cũng rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hay tình trạng sinh lý khác do các triệu chứng tương tự nhiều bệnh. Chúng ta cần phân biệt thai ngoài tử cung với một số trường hợp sau:
- Sảy thai: Cần phân biệt những trường hợp sảy thai khi thai còn trong khoảng 2 đến 6 tuần với thai ngoài tử cung. Trong sảy thai, bệnh nhân cũng có dấu hiệu chậm kinh, ra huyết âm đạo, đau bụng vùng bụng dưới. Ngoài ra còn có thêm các triệu chứng khác như ra nhiều chất nhầy và dịch âm đạo kèm với máu, co thắt vùng bụng dưới nhiều. Khi siêu âm sẽ thấy túi thai trong buồng tử cung hoặc nhiều trường hợp túi thai tự sảy ra ngoài theo đường âm đạo thì tử cung rỗng, kích thước to hơn bình thường và xung quanh không phát hiện thấy khối bất thường, không phát hiện có dịch trong ổ bụng.
- Chửa trứng: Đây là tình trạng mang thai giả, bản chất là sự hình thành các nang nước trong tử cung, hoặc có cả phôi thai kèm theo rất nhiều nang nước trong lòng tử cung. Bệnh nhân cũng có các triệu chứng như tắt hay chậm kinh, đau bụng,… Trong chửa trứng, bụng của bệnh nhân to rất nhanh do các nang trong tử cung phát triển mạnh, dấu hiệu rong huyết cũng xảy ra với đa số các trường hợp chửa trứng. Tuy bụng to nhanh nhưng lại không phát hiện thấy dấu hiệu thai máy. Trong chửa trứng, khi siêu âm sẽ phát hiện rõ ràng, không phát hiện hình ảnh túi thai mà còn thấy hình ảnh nhiều âm vang hỗn hợp tạo nên hình ảnh lỗ rỗ như ruột bánh mì. Khi xét nghiệm định lượng HCG thấy nồng độ HCG tăng rất cao, cao hơn bình thường hàng nghìn lần.
- Viêm phần phụ: Viêm phần phụ cũng có thể gây nên các triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng hạ vị, ra huyết âm đạo. Tuy nhiên trong viêm nhiễm, bệnh nhân ít khi bị chậm kinh hay rối loạn kinh nguyệt, kèm theo đau bệnh nhân còn có cảm giác ngứa rát khó chịu vùng âm hộ âm đạo. Khi khám trong qua mỏ vịt thấy máu chảy ra từ âm đạo chứ không phải chảy ra từ trong lòng tử cung. Khi siêu âm không phát hiện thấy túi thai ở vị trí bất thường. Lấy dịch âm đạo xét nghiệm hay nuôi cấy thì phát hiện ra loại vi khuẩn gây bệnh.
- Vỡ nang Degraff: Nang Degraff là một loại nang ở buồng trứng không thực hiện chức năng sinh sản. Nang này khi vỡ sẽ gây chảy máu nhiều và dễ nhầm lẫn với thể thai ngoài tử cung máu chảy trong ổ bụng. Tuy nhiên chỉ cần qua siêu âm cũng có thể phân biệt được chúng với nhau.
- Viêm ruột thừa: Do ruột thừa nằm ở vị trí hố chậu phải nên khi bị viêm có thể nhầm lẫn với thai ngoài tử cung vì túi thai nằm bên phải. Những bệnh nhân viêm ruột thừa không có dấu hiệu chậm kinh, không ra huyết âm đạo. Khi siêu âm thay vì thấy túi thai nằm ở vị trí bất thường thì sẽ thấy ruột thừa có kích thước lớn hơn bình thường. Trong viêm ruột thừa xét nghiệm máu thấy rõ tình trạng nhiễm trùng (bạch cầu tăng và tế bào đa nhân trung tính tăng cao).
- Khối u buồng trứng xoắn: Trong trường hợp này bệnh nhân thường đau dữ dội hơn thai ngoài tử cung rất nhiều, không có chậm kinh hay rối loạn kinh nguyệt, không có chảy máu qua âm đạo. Khi siêu âm không thấy hình ảnh thai ngoài tử cung.
- Cơn đau do sỏi niệu quản: Khi bị sỏi niệu quản bệnh nhân thường có những triệu chứng đường tiết niệu như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, tiểu ra máu hoặc thậm chí có cả mủ kèm theo. Bệnh nhân không có chậm kinh và không ra huyết âm đạo, đau kèm theo triệu chứng sốt vừa hoặc sốt cao. Khi siêu âm có thể thấy có hình ảnh cản quang của sỏi. Chụp phim x quang cũng có thể dễ dàng phát hiện thấy sỏi cản quang trên đường đi của niệu quản. Tuy nhiên nếu chưa xác định được là bệnh nhân có đang mang thai bình thường hay không thì không nên chụp phim x quang vì có thể gây ảnh hưởng tới thai nhi.
- Khối u lạc nội mạc tử cung: Bệnh này thường phân biệt với chửa ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang. Tuy nhiên khai thác tiền sử bệnh nhân không có chậm kinh hay làm các xét nghiệm định lượng HCG thấy bệnh nhân không có dấu hiệu mang thai thì cũng có thể phân biệt được 2 bệnh này.
- Khối u trong đường tiêu hóa: Cần phân biệt với trường hợp thai ngoài tử cung nằm trong ổ bụng. Lúc này khi siêu âm hay chụp phim cần đánh giá kỹ càng để tránh bỏ sót các tổn thương.
6, Thai ngoài tử cung có nguy hiểm không? Sau khi điều trị thai ngoài tử cung có sinh con được nữa không?
Cần phụ thuộc vào thời gian phát hiện bệnh hay thể bệnh để tiên lượng bệnh nhân một cách chính xác nhất.
- Trong các trường hợp chẩn đoán xác định thai ngoài tử cung giai đoạn sớm, túi thai chưa vỡ thì sẽ ít gây chảy máu hơn, xử trí sớm thì bệnh nhân sẽ hồi phục rất tốt, không gây biến chứng hay ảnh hưởng nhiều tới chức năng sinh sản sau này.
- Nếu thai ngoài tử cung phát hiện muộn và không được xử trí kịp thời thì có thể dẫn đến tử vong cho mẹ do mất máu quá nhiều. Tỷ lệ tử vong khoảng từ 1 cho đến 1,5%
- Sau khi điều trị thai ngoài tử cung thì có khoảng 30% các trường hợp có thể dễ dàng có thai và sinh con bình thường sau đó.
- Bên cạnh đó thì cũng có khoảng 10% trường hợp bệnh nhân bị thai ngoài tử cung tái diễn. Các trường hợp đó thường là những người điều trị muộn để lại nhiều biến chứng lên các cơ quan sinh sản.
7, Điều trị thai ngoài tử cung như thế nào?
Thai ngoài tử cung được xếp là một trong những trường hợp cấp cứu trong sản khoa. Đa số trường hợp được chẩn đoán sớm và chuyển điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật sớm và có thể xử lý tốt tình trạng bệnh.
Với các trường hợp chưa xảy ra biến chứng chảy máu tràn ngập trong ổ bụng:
Có thể tùy vào đánh giá từng trường hợp mà chỉ định điều trị nội khoa hay phẫu thuật, hoặc thậm chí phải kết hợp cả hai.
- Điều trị nội khoa: Áp dụng cho những bệnh nhân thai ngoài tử cung nhưng túi thai chưa vỡ, lượng dịch trong ổ bụng ít, chỉ khoảng dưới 100ml, khối thai nhỏ (đường kính túi thai bé hơn 5mm), siêu ấm chưa phát hiện thấy tim thai chứng tỏ thai nhỏ,… Điều trị thai ngoài tử cung bằng cách sử dụng methotrexat. Đây là một loại thuốc có tác dụng chống tăng sinh tế bào. Thông thường bác sĩ thường tiêm bắp cho bệnh nhân methotrexat với liều lượng 50mh/m2 da.
- Điều trị phẫu thuật: Hầu hết các trường hợp thai ngoài tử cung đơn giản, sớm và chưa có nhiều biến chứng thì người ta đều có chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân. Hiện nay cơ bản nhất vẫn là phẫu thuật nội soi qua thành bụng. Đối với những đối tượng còn trẻ, có nhu cầu sinh sản sau này và tổn thương vòi tử cung nhẹ có khả năng hồi phục thì sẽ được điều trị theo hướng bảo tồn tối đa chức năng vòi tử cung cho bệnh nhân. Khi phẫu thuật các kỹ thuật viên sẽ cắt rạch nhẹ nhàng vòi tử cung để qua đó có thể hút máu tụ và lấy túi thai đưa ra ngoài, rồi sau đó khâu phục hồi vòi tử cung cho bệnh nhân. Còn đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có đủ con, không còn mục đích sinh sản sau này hay những trường hợp tổn thương phức tạp thì phải phẫu thuật điều trị tận gốc. Thông thường sẽ phải cắt bỏ vòi tử cung bên tổn thương, cắt vòi tử cung kết hợp giữ lại buồng trứng, lau rửa sạch sẽ ổ bụng, thậm chí có thể triệt sản cho bệnh nhân để tránh gặp phải tình trạng thai ngoài tử cung tái phát.
Với thai ngoài tử cung tràn ngập máu trong ổ bụng:
Việc đầu tiên và cấp bách nhất chính là phải hồi sức chống choáng cho bệnh nhân. Nếu cần thiết thì truyền máu hoặc dịch để đảm bảo khối lượng tuần hoàn rồi sau đó nhanh chóng sắp xếp cho bệnh nhân mổ cấp cứu.
Với thai ngoài tử cung thể huyết tụ thành nang:
Thể bệnh này có nguy cơ gây biến chứng là túi thai vỡ chảy máu vào ổ bụng và nhiễm khuẩn. Do đó cũng rất cần được phát hiện sớm để được điều trị kịp thời.
Tại các cơ sở chuyên khoa, bệnh nhân thường được điều trị nội khoa khoảng 1- 3 ngày cho ổn định rồi tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Với thể thai nằm trong ổ bụng:
Trong trường hợp thai đã chết thì tiến hành phẫu thuật ngay để lấy túi thai ra ngoài do nếu thai thoái hóa lâu ngày sẽ sản xuất ra nhiều độc tố dẫn tới rối loạn đông máu nguy hiểm cho người mẹ.
Nếu thai còn sống và còn nhỏ (thai thường dưới 28 tuần tuổi) thì nên mổ để lấy thai ra ngay trước khi thai gây ra biến chứng cho mẹ. Nếu thai sống mà đã trên 28 tuần thì có thể xem xét và theo dõi để thai tiếp tục sống và phát triển cho đến khi đủ tháng thì mổ lấy thai. Tuy nhiên những trường hợp đó phải được đảm bảo theo dõi kỹ càng. Khi mổ lấy thai trong ổ bụng thì chú ý không nên bóc tách quá nhiều rau thai khi rau đang bám chắc vào các quai ruột hay cơ quan khác trong ổ bụng vì sẽ có nguy cơ gây chảy máu. Nếu rau bám không quá nhiều có thể để nguyên rau để nó tự thoái hóa sau này, nếu cần thiết có thể dùng methotrexat hỗ trợ cho bệnh nhân.
8, Bệnh thai ngoài tử cung có phòng tránh được không?
Để phòng tránh triệt để thì rất khó nhưng để giảm thiểu nguy cơ gặp phải thai ngoài tử cung thì có một số biện pháp như:
- Giữ vệ sinh thật tốt vùng âm hộ, âm đạo, các cơ quan sinh dục: Có thể dùng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ nhẹ nhàng để đảm bảo vùng sinh dục luôn được sạch sẽ, khô thoáng. Không để bị viêm nhiễm, nhất là trong những ngày đèn đỏ, sau khi quan hệ tình dục hay sau sinh đẻ thì chị em lại càng phải quan tâm hơn đến vấn đề vệ sinh. Nếu đối tượng nào bị viêm nhiễm phụ khoa thì nên đi khám để được điều trị sớm, tránh để bệnh kéo dài dai dẳng sẽ có thể gây ảnh hưởng lên các cơ quan khác, nhất là viêm nhiễm vùng vòi trứng sẽ dễ dẫn tới thai ngoài tử cung.
- Nếu có các khối u trong cơ thể gây ảnh hưởng và chèn ép đến vùng tiểu khung thì chị em cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ và điều trị loại bỏ những khối u đó sớm.
- Quan hệ tình dục an toàn, dùng các biện pháp tránh thai khi không có nhu cầu có con để tránh việc có thai cũng như tránh lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.
- Phụ nữ ai cũng nên đi khám phụ khoa định kỳ ít nhất 3 tháng một lần cho dù không có biểu hiện bất thường gì vì đôi khi có những bệnh lý sẽ chỉ diễn biến âm thầm khó phát hiện và khi phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn.
- Nếu sử dụng các phương pháp điều trị vô sinh như kích trứng, thụ tinh nhân tạo,… thì nên đi khám thường xuyên để được theo dõi sát và xử lý những bất thường sớm nếu có.
- Đối với những người đã từng bị thai ngoài tử cung thì sau đó, bất cứ khi nào nghi ngờ mình có dấu hiệu mang thai nên đến ngay cơ sở y tế để khám sớm, kiểm tra xem thai đã làm tổ bình thường chưa. Tránh tình trạng thai ngoài tử cung tái phát mà không biết và không xử trí sớm.
9, Một số câu hỏi liên quan
9.1. Thai ngoài tử cung có di chuyển được vào tử cung hay không?
Câu trả lời là có. Trong một số trường hợp thai vẫn có thể di chuyển vào tử cung nhưng lại làm tổ ở các vị trí bất thường như tại các vết mổ đẻ cũ hay tại lỗ cổ tử cung. Tại các vị trí này thai cũng sẽ không thể phát triển bình thường được.
9.2. Dùng que thử thai có phát hiện được thai ngoài tử cung hay không?
Que thử thai chỉ là một phương pháp hỗ trợ xem bạn bạn có thai hay hay không, không thể xác định được thai nằm ở trong hay ngoài tử cung. Do đó bạn cần phải kết hợp với siêu âm thì mới chẩn đoán xác định được.
9.3. Có thể nhận biết thai ngoài tử cung sau mấy tuần?
Việc phát hiện và chẩn đoán sớm thai ngoài tử cung cũng giống như thai kỳ bình thường. Khoảng từ tuần thứ 4 sau khi thụ thai mà có các dấu hiệu nghi ngờ, khi đi khám bạn sẽ có thể phát hiện ra tình trạng thai ngoài tử cung.
9.4. Thai ngoài tử cung có giữ được không?
Hầu như các trường hợp thai ngoài tử cung đều không thể giữ được vì sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con. Trong hy hữu rất ít trường hợp, nếu thai nằm trong ổ bụng mà đã phát triển lớn người ta mới xem xét đến việc có nên giữ thai hay không mà thôi.
Bài viết trên đây vừa cung cấp cho các bạn những thông tin cần thiết về bệnh thai ngoài tử cung. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ hiểu rõ hơn và đúng hơn về bệnh này và từ đó có các cách phòng tránh bệnh phù hợp.
Xem thêm:
Chuẩn bị cho hành trình mang thai, quá trình mang thai như thế nào?