XOÁ HÌNH XĂM BẰNG LASER: CƠ CHẾ VÀ QUY TRÌNH XOÁ HÌNH XĂM

Ngày viết:
Xoá xăm bằng laser
Xoá xăm bằng laser
5/5 - (1 bình chọn)

Bài viết XOÁ HÌNH XĂM BẰNG LASER: CƠ CHẾ VÀ QUY TRÌNH XOÁ HÌNH XĂM – Tham khảo từ bài viết của Bs. Trương Tấn Minh Vũ

– Xăm hình lên cơ thể xuất hiện từ thời cổ đại vì nhiều lý do như văn hóa, tôn giáo và trang trí. Từ tattoo hay tattow có nguồn gốc từ “tatau”, một từ của vùng Polynesia được nhắc đến lần đầu tiên vào thế kỷ 18.

– Xăm hình đang là trào lưu trong giới trẻ hiện nay như là một hình thức làm đẹp, thể hiện bản thân. Hình xăm nghiệp dư một màu đang được thay thế bằng hình xăm chuyên nghiệp phức tạp, nhiều màu. Tuy nhiên nhiều người trong số này sẽ muốn xóa hình xăm vào một thời điểm nào đó như bị kỳ thị, giảm tự tin, thay đổi nghề nghiệp hoặc người yêu…

– Laser là phương pháp tiêu chuẩn trong xóa hình xăm hiện nay, thay thế các phương pháp cũ như mài mòn da, lột da bằng hóa chất, liệu pháp áp lạnh và phẫu thuật cắt bỏ.

PHÂN LOẠI HÌNH XĂM

– Xăm hình được thực hiện bằng cách đưa các hạt mực xăm có kích thước từ 20 đến 400 nm vào lớp trung bì. Nhiều thành phần khác nhau được sử dụng làm mực xăm gồm carbon, thuốc nhuộm azo và nonazo, các kim loại như cadmium, thủy ngân, sắt, coban, titan, kẽm, v.v.

– Các hạt mực được đặt ở độ sâu khoảng 1,2–2 mm dưới bề mặt da. Khi quá trình viêm sau xăm giảm, các hạt mực nằm trong đại thực bào và nguyên bào sợi và ở giữa các mô sẹo.

  • Hình xăm nghiệp dư: mực làm từ carbon, chủ yếu có màu đen, mật độ thấp và nằm nông, được đưa thủ công vào da bằng kim.
  • Hình xăm chuyên nghiệp: mực được làm từ thuốc nhuộm azo trộn với kim loại nặng để có nhiều màu sắc, được tạo ra bằng cách sử dụng máy xăm có kim để đưa mực vào da.
  • Hình xăm thẩm mỹ (còn được gọi là trang điểm vĩnh viễn ở môi, lông mày): mực có màu tươi, được làm từ oxit sắt, titan dioxide, oxit kẽm và/hoặc sự kết hợp của các chất trên. Những hình xăm này có xu hướng tối màu khi tiếp xúc với laser.
  • Hình xăm chấn thương: xảy ra do tai nạn, do các hạt nhựa đường hoặc đất cát dính vào da qua vết thương, chấn thương do bút chì hoặc pháo hoa cũng có thể dẫn đến hình xăm chấn thương với màu xanh lam/đen.
  • Hình xăm y tế: được tạo ra vì mục đích y khoa, thường bằng mực đen gốc carbon.

Sự khác biệt giữa các loại này rất quan trọng vì hình xăm chuyên nghiệp thường cần nhiều lần xóa hơn và có thể không xóa sạch hoàn toàn.

CƠ CHẾ XOÁ XĂM CỦA LASER Q-SWITCHED

– Laser Q-switched tạo ra các xung laser có thời gian xung nano giây với năng lượng cao, tạo ra các tương tác laser- mô khi được bắn vào hình xăm.

– Hình xăm gồm rất nhiều hạt mực xăm có sắc tố lớn lơ lửng trong da, các hạt mực xăm sẽ hấp thụ có chọn lọc năng lượng laser vì bước sóng và thời gian giãn nhiệt phù hợp. Sau khi hấp thu năng lượng laser, nhiệt độ bề mặt của các hạt mực có thể tăng nhanh lên hàng nghìn độ và dạng năng lượng này chuyển thành sóng xung kích. Sóng xung kích sau đó lan truyền tới mô lân cận khiến các cấu trúc giòn (mực hình xăm) bị vỡ và làm tổn thương cấu trúc tế bào và vỡ màng tế bào. Sự nóng lên nhanh chóng của hạt mực làm nước trong tế bào chất chuyển thành hơi nước, tạo thành không bào trong tế bào chất. Do sự tạo thành hơi nước trong da làm thay đổi về đặc tính tán xạ ánh sáng của da, biểu hiện lâm sàng là hiện tượng làm trắng hoặc frosting. Một âm thanh có thể nghe được trong quá trình thực hiện do hiệu ứng quang âm.

– Các mảnh vỡ hạt mực xăm được dọn sạch bới các đại thực bào bị đào thải qua hệ bạch huyết, một phần có thể được loại bỏ qua biểu bì.

– Laser phải có thời gian xung phù hợp với thời gian giãn nhiệt (TRT) của mục tiêu để được hấp thu có chọn lọc. TRT ước tính của lớp biểu bì là 1–10 ms và của các hạt mực xăm là 0,1–10 ns, một số ước tính mới hơn trong khoảng 10–100 ps. Kích thước của các hạt mực xăm là khoảng 10–100 nm và thường được đặt ở độ sâu 1,1–2,9 mm dưới da.

– Lựa chọn bước sóng laser để xoá xăm tuỳ thuộc vào loại mực xăm và loại hình xăm cần xoá. Sử dụng phù hợp các thông số của laser như spotsize, thời gian xung, mật độ năng lượng là quan trọng để xoá hình xăm hiệu quả.

– Loại mực được sử dụng (hữu cơ, vô cơ, kim loại nặng, v.v.), lượng mực đưa vào và độ sâu của mực cũng ảnh hưởng đến kết quả.

– Lựa chọn bước sóng laser trong xóa hình xăm:

  • Laser Q-switched Nd:YAG 1.064 nm— mực xăm màu xanh đen- đen
  • Laser Q-switched Nd:YAG 532 nm—mực xăm màu đỏ, cam
  • Laser Q-switched 755 nm— mực xăm xanh lá cây
  • Laser Q-switched 694 nm— mực xăm màu tím, xanh lá cây, xanh da trời

QUY TRÌNH XÓA HÌNH XĂM BẰNG LASER

1/ Lựa chọn và tư vấn khách hàng

Thu thập bệnh sử tổng quát, tình trạng bệnh lý hiện tại và các loại thuốc đang sử dụng, dị ứng, phẫu thuật trước đây, xu hướng chảy máu và quá trình lành vết thương; tư vấn kỹ cho khách hàng và có sự đồng ý bằng văn bản trước khi bắt đầu trị liệu.

2/ Chống chỉ định xoá xăm

Xác định chống chỉ định laser trên khách hàng cụ thể, chống chỉ định có thể là tương đối hoặc tuyệt đối.

* Chống chỉ định tuyệt đối: có các bệnh da trầm trọng hơn do ánh sáng và bệnh lý nội khoa như bệnh lupus ban đỏ hệ thống; vị trí điều trị đang có các bệnh nhiễm trùng da như herpes môi, nhiễm trùng tụ cầu; bệnh bạch biến và bệnh vẩy nến không ổn định có nguy cơ gây Koebner hóa vùng điều trị; u hạt hình xăm.

* Chống chỉ định tương đối: xu hướng sẹo lồi và sẹo lồi; bệnh nhân đang dùng isotretinoin; tiền sử bệnh herpes simplex làm tăng nguy cơ tái phát; bệnh nhân không hợp tác hoặc có những kỳ vọng không thực tế; mang thai hoặc cho con bú; rối loạn dị dạng cơ thể; đang dùng huốc nhạy cảm với ánh sáng như tetracycline, thiazide; có u hắc tố ác tính hoặc nghi ngờ có u hắc tố ác tính ở vùng điều trị.

3/ Chuẩn bị trước điều trị

* Tránh nắng: melanin biểu bì được tạo ra nhiều khi tiếp xúc với tia UVcó thể cản trở việc điều trị bằng laser và làm tăng nguy cơ để lại sẹo, giảm sắc tố hoặc tăng sắc tố. Nên kiểm tra để đảm bảo rằng bệnh nhân đang không bị rám nắng, so sánh màu sắc của vùng chuẩn bị điều trị với vùng da không bị phơi nắng. Nếu có rám nắng, chờ cho đến khi tình trạng rám nắng ở vùng điều trị mờ đi.

* Retinoid uống: một số tài liệu khuyến cáo những bệnh nhân đang điều trị bằng retinoid đường uống không nên điều trị bằng laser các tổn thương sắc tố và hình xăm trong 6–12 tháng sau khi ngừng thuốc vì có nguy cơ hình thành sẹo lồi cao hơn. Tuy bằng chứng còn thiếu nhưng cũng nên thận trọng khi điều trị cho bệnh nhân có sử dụng isotretinoin gần đây.

* Bảo vệ mắt: tia laser QS có thể gây tổn thương võng mạc vĩnh viễn và mất thị lực, cần sử dụng tấm che mắt bảo vệ bằng tia laser khi điều trị các tổn thương quanh ổ mắt. Khi điều trị mí mắt, phải có một tấm che giác mạc bằng kim loại ở trên.

* Test patch: bắn thử nghiệm một vùng nhỏ trước khi điều trị toàn bộ hình xăm để xác định các thông số điều trị cho từng cá nhân, khi chưa thể đánh giá chính xác phản ứng với điều trị.

* Gây tê: gây tê tại chỗ hình xăm với băng kín 1 giờ trước khi thực hiện thủ thuật.

* Lựa chọn thông số laser: lựa chọn các thông số laser phù hợp là quan trọng trong khi thực hiện điều trị.

– Mật độ năng lượng: luôn bắt đầu với mật độ năng lượng thấp nhất có đáp ứng rõ, tăng dần mật độ năng lượng lên nếu đáp ứng dưới mức tối ưu, khi xuất hiện nhiều mảnh vụn biểu bì thì nên giảm mật độ năng lượng.

– Spot size: spotsize lớn hơn cho phép tia laser thâm nhập sâu hơn, lựa chọn spotsize tuỳ vào thiết bị laser được sử dụng, loại và kích thước của hình xăm cũng như bước sóng.

– Điểm kết thúc lâm sàng: endpoint phù hợp là cần thiết để đảm bảo hiệu quả tối ưu, với laser QS là làm trắng hình xăm ngay lập tức, mật độ năng lượng độ cao hơn có thể gây chảy máu điểm và bóng nước.

– Tần số: chọn tần số cao hơn 5–10 Hz khi xử lý trên diện rộng. Đối với các tổn thương nhỏ, rời rạc, tần số thấp hơn 2–3 Hz giúp kiểm soát tốt hơn.

4/ Thực hiện điều trị

– Sử dụng laser với tay cầm được giữ vuông góc với hình xăm và toàn bộ khu vực được chiếu tia với sự chồng lắp tối thiểu (dưới 10%). Khi chiếu tia làm trắng hình xăm ngay lập tức. Toàn bộ hình xăm được chiếu tia một lần. Có thể nghe thấy âm thanh sau mỗi lần bắn tia laser khi các hạt mực phát nổ. Vùng điều trị được làm mát bằng túi nước đá hoặc làm mát bằng thổi lạnh ngay trước và sau các xung laser để tránh tích tụ nhiệt và ngăn ngừa tổn thương mô bên cạnh.

5/ Số lần điều trị

– Một hình xăm có thể cần 2–20 lần bắn để làm sạch thành công, hình xăm chuyên nghiệp cần nhiều đợt điều trị hơn, hình xăm nghiệp dư ít dày đặc và thường được tạo thành từ mực gốc cacbon có đáp ứng tốt hơn với điều trị bằng laser QS, hình xăm chấn thương nông hơn với ít sắc tố hơn và có thể sạch sau một hoặc hai lần điều trị, hình xăm thuốc súng và pháo hoa cần được chăm sóc nhiều hơn trong khi điều trị vì vật liệu dính trong da có khả năng bắt lửa và để lại sẹo sau khi điều trị.

6/ Khoảng thời gian giữa các lần điều trị

– Các lần điều trị nên được thực hiện cách nhau ít nhất 6-8 tuần. Sự làm sạch hình xăm xảy ra liên tục do sự loại bỏ hạt sắc tố bởi đại thực bào và hệ bạch huyết trong giữa các lần điều trị.

7/ Ước tính số lần điều trị

– Thường rất khó để xác định số lần cần thực hiện để xóa hình xăm, đặc biệt là các hình xăm chuyên nghiệp. Một số yếu tố dùng để ước tính số lần cần điều trị gồm: loại da Fitzpatrick, vị trí, màu sắc, lượng mực sử dụng, sẹo và tổn thương mô, số lớp mực xăm.

CÁC KỸ THUẬT MỚI TRONG XÓA HÌNH XĂM BẰNG LASER

– Phác đồ xóa hình xăm cũ có những hạn chế như tổng thời gian điều trị dài (khoảng cách 6–8 tuần giữa các lần điều trị), khả năng lưu mực dù đã điều trị nhiều lần (có thể là do lựa chọn bước sóng sai hoặc không hiệu quả đối với các hình xăm nhiều màu, kỹ thuật kém, khoảng cách giữa các phiên không đủ, v.v.), bóng mờ (bóng hoặc đường viền của hình xăm còn sót lại) và các biến chứng như tăng sắc tố và giảm sắc tố, bóng nước và sẹo.

– Các phương pháp mới được phát triển để khắc phục những hạn chế này bằng cách sửa đổi kỹ thuật hoặc kết hợp nhiều tia laser để đạt được kết quả tối ưu và giảm thiểu tác dụng phụ.

– Các kỹ thuật xóa hình xăm mới bằng laser:

  • Kỹ thuật R20
  • Kỹ thuật R0
  • Kết hợp fractional laser với laser Q-switched

1/ Phương pháp R20

– Xóa hình xăm trong một buổi điều trị với 4 đợt bắn laser được thực hiện lặp lại với khoảng thời gian 20 phút giữa các đợt, nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp R20 hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp điều trị bằng laser một lần thông thường.

– Sau khi bắn laser lần đầu, vùng điều trị được làm trắng ngay lập tức do sự hình thành hơi nước nội bào. Sau 20 phút chờ sau lần bắn đầu tiên, các bóng khí sẽ bị loại bỏ do được hấp thụ và thực hiện lần bắn laser tiếp theo. Cách này cho phép phá huỷ thêm các hạt mực xăm bằng xung laser. Ở các lần bắn sau có thể giữ mức năng lượng như ở lần bắn đầu tiên hoặc giảm 10–20%.

– Tuỳ theo đáp ứng, có thể thực hiện lần điều trị R20 tiếp theo sau 6–8 tuần. Hạn chế của phương pháp R20 là thời gian điều trị lâu, khách hàng cũng có cảm giác đau hơn trong những lần laser sau đó.

2/ Phương pháp R0

Thực hiện bắn laser lặp lại như trong kỹ thuật R20 mà không cần chờ đợi bằng cách bôi perfluorodecalin (PFD ngay sau khi bắn laser. Hợp chất này hòa tan các bóng khí được hình thành khi tiếp xúc với tia laser lần đầu, do đó giảm sự tán xạ, điều này cho phép thực hiện lượt tiếp theo ngay lập tức mà không phải chờ 20 phút như trong kỹ thuật R20.

3/ Kết hợp laser

– Kết hợp laser Q-switched với laser phân đoạn bóc tách hoặc không bóc tách có thể mang lại hiệu quả làm sạch nhanh hơn chỉ sử dụng laser Q-switched, số lần điều trị ít hơn và giảm tác dụng phụ.

– Sử dụng laser phân đoạn bóc tách (laser fractional CO2, Er:YAG) và sau đó là laser Q-switched giúp làm tăng cường tốc độ loại bỏ sắc tố, ngăn ngừa bóng nước, rút ngắn quá trình phục hồi và giảm tình trạng giảm sắc tố do điều trị. Trong kỹ thuật này, laser phân đoạn bóc tách tạo ra các lỗ nhỏ trên da, bảo vệ da khỏi bị tổn thương bằng cách cho phép thoát khí qua các lỗ nhỏ này và làm giảm áp suất bên trong do điều trị bằng laser Q-switched gây ra.

– Một nghiên cứu phát hiện ra rằng sau điều trị bằng laser Q-switched, sử dụng laser tái tạo bề mặt phân đoạn không bóc tách giúp làm tăng độ sạch của hình xăm và giảm tình trạng giảm sắc tố do điều trị.

4/ Laser pico giây

Laser Q-switched hiện tại có thời lượng xung tính bằng nano giây (10-9 giây), khi thời gian xung ngắn hơn nữa, năng lượng cực đại của chùm tia laser sẽ trở nên rất cao. Laser pico giây có thời gian xung là 10-12 giây, dẫn đến mực xăm được làm nóng nhanh hơn và phân mảnh mịn hơn. Việc đào thải qua bạch huyết của các hạt mịn hơn dễ dàng hơn dẫn đến việc xóa hình xăm nhanh hơn. Laser pico giây có độ dài xung trong khoảng 450–750 ps được giới thiệu thương mại vào đầu năm 2013.

5/ Dùng phiến kính kết hợp với laser

Một kỹ thuật đơn giản để giảm đau và giảm tổn thương biểu bì trong quá trình xóa hình xăm bằng laser là dùng một phiến kính đè lên vùng điều trị. Áp lực được dùng để đẩy máu khỏi mao mạch, sau đó xung laser được truyền qua phiến kính, kỹ thuật này ít đau hơn và ít tổn thương biểu bì hơn.

BIẾN CHỨNG VÀ KIỂM SOÁT

– Các biến chứng thường gặp hơn ở những loại da sẫm màu hơn, có thể nhẹ và thoáng qua hoặc nặng và dai dẳng.

– Nguy cơ biến chứng tăng lên khi điều trị mạnh hơn, chuẩn bị kém, điều trị nhiều lần, chọn thiết bị laser không phù hợp và ở những bệnh nhân không thực tế.

– Một số biến chứng như: dị ứng với thuốc gây tê tại chỗ; bỏng nhiệt, đau, chấm xuất huyết, ban xuất huyết, hình thành mụn nước; tăng sắc tố sau viêm, tình trạng này giảm theo thời gian, giảm sắc tố sau viêm có thể tồn tại trong vài tuần đến vài tháng và có thể khó điều trị, thay đổi kết cấu da và để lại sẹo…

– Phản ứng dị ứng cục bộ có thể xảy ra ở hình xăm, với hầu hết mọi loại mực màu và có thể dẫn đến nổi mề đay và phản ứng u hạt. Mực đỏ chứa thủy ngân là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra phản ứng dị ứng khi xăm. Các phản ứng khác được báo cáo bao gồm phản ứng lichen hoá và dị ứng ánh sáng. Cadmium trong mực màu vàng được biết là gây ra phản ứng dị ứng với ánh sáng. Sau khi điều trị bằng laser QS, các hạt mực có thể di động nhiều hơn và gây ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Phản ứng dị ứng toàn thân cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân này. Bệnh nhân có phản ứng dị ứng dai dẳng với hình xăm có thể được điều trị bằng phương pháp cắt bỏ bằng laser CO2 hoặc Er:YAG. Phản ứng phản vệ cực kỳ hiếm gặp nhưng cần lưu ý.

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG KẾT QUẢ XOÁ XĂM

Có nhiều yếu tố khác nhau quyết định kết quả, có thể chia chúng thành ba nhóm: nhóm các yếu tố phụ thuộc vào laser như bước sóng, thời gian xung, mật độ năng lượng, spotsize…; nhóm các yếu tố phụ thuộc vào hình xăm như màu sắc, loại mực xăm, kích thước và độ sâu của hình xăm; và nhóm các yếu tố phụ thuộc vào vật chủ gồm loại da, các bệnh lý nền và các phản ứng miễn dịch sau khi xăm và xoá xăm.

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn