Chậm kinh là gì? Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày viết:
Hiện tượng chậm kinh là gì?
Hiện tượng chậm kinh là gì?
5/5 - (1 bình chọn)

Chậm kinh là một tình trạng rất hay gặp ở chị em phụ nữ. Đây thường là một hiện tượng sinh lý do những biến đổi trong cơ thể gây nên nhưng đôi khi chậm kinh lại là một dấu hiệu bất thường nào đó. Để hiểu rõ hơn cũng như phân biệt 2 dấu hiệu này, mời các chị em cùng tham khảo bài viết dưới đây của Nhà thuốc online ITP Pharma nhé.

1, Chậm kinh là gì?

Chậm kinh là một hiện tượng rất hay gặp ở nữ giới. Đây là tình trạng kinh nguyệt đến chậm hơn so với các kỳ kinh bình thường trước đó. Ở đa số phụ nữ, mỗi chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài từ 4 đến 7 ngày và thường diễn ra cách nhau khoảng 28 đến 32 ngày. Khi đã quá ngày hành kinh theo chu kỳ bình thường từ 5 ngày mà người phụ nữ vẫn chưa có kinh nguyệt thì gọi là hiện tượng chậm kinh.

2, Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chậm kinh là gì?

Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới tình trạng chậm kinh ở nữ giới. Đó có thể là các nguyên nhân sinh lý hoặc cũng có thể là những nguyên nhân bệnh lý. Dưới đây là một số nguyên nhân hay gặp hiện nay dẫn tới hiện tượng chậm kinh:

  • Chậm kinh do chị em quá căng thẳng, stress:

Stress kích thích thần kinh làm cho cơ thể chúng ta tiết ra các loại hormone đặc hiệu để tác động vào vùng dưới đồi. Điều này sẽ làm rối loạn quá trình tiết estrogen mỗi tháng, dẫn tới rối loạn kinh nguyệt (do estrogen là một loại hormon sinh dục nữ góp phần vào việc hành kinh hàng tháng). Trong những trường hợp này, muốn giải quyết được tình trạng chậm kinh thì đầu tiên, người phụ nữ phải giải tỏa được tâm lý của mình, không để tình trạng stress kéo dài.

  • Chậm kinh do các tác dụng phụ của thuốc:

Một số loại thuốc hiện nay có tác dụng phụ là làm rối loạn nội tiết tố nữ, từ độ dẫn tới hiện tượng chậm kinh. Các loại thuốc đó có thể là thuốc tránh thai đường uống, liệu pháp điều trị thay thế hormone, thuốc điều trị cường hoặc suy tuyến giáp, depakine trong điều trị bệnh động kinh. Hoặc một số thuốc như thuốc chống trầm cảm, hóa chất trong điều trị ung thư, aspirin và ibuprofen,… cũng có khả năng làm chậm kinh nguyệt.

  • Chậm kinh do mang thai:

Mang thai được coi là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới tình trạng chậm kinh ở nữ giới. Nếu chị em có xảy ra quan hệ tình dục mà không sử dụng bất kỳ biện pháp phòng tránh thai nào và sau đó có chậm kinh nguyệt khoảng hơn 7 ngày thì có thể nghi ngờ rằng mình đã có thai. Đối với những trường hợp có thai thì có thể kèm theo một số triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau tức vùng bụng dưới, ngứa hay căng tức vùng ngực. Để kiểm tra xem mình có thật sự có thai hay không, chị em có thể sử dụng các loại que thử thai để thử. Sau đó chính xác hơn có thể đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm máu.

Mang thai là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây chậm kinh
Mang thai là một trong số những nguyên nhân phổ biến nhất gây chậm kinh
  • Chậm kinh ở những người bị tăng hoặc giảm cân đột ngột, vận động quá sức:

Dinh dưỡng và chế độ ăn cũng là một yếu tố có liên quan nhiều tới chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ. Ở những chị em đang gặp phải tình trạng tăng hoặc giảm cân một cách đột ngột trong thời gian ngắn do chế độ ăn quá nhiều, hoặc các trường hợp ăn kiêng sẽ có những sự thay đổi trong quá trình sản xuất và bài tiết các hormon trong cơ thể. Điều này có thể dẫn tới tình trạng chậm kinh. Những trường hợp chậm kinh do nguyên nhân này chỉ cần kiểm soát, ổn định cân nặng của cơ thể thì kinh nguyệt sẽ dần dần trở lại bình thường.

  • Chậm kinh ở những người phụ nữ đang cho con bú:

Ở những người đang cho con bú, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều hormon prolactin. Prolactin là một loại hormon chính trong quá trình kích thích sản xuất sữa mẹ. Nhưng bên cạnh tác dụng chính đó, Prolactin lại có thêm tác dụng khác là ức chế các loại hormone sinh dục dẫn đến tình trạng chu kỳ kinh không đều hoặc không có kinh nguyệt trong khi đang nuôi con bằng sữa mẹ (bú vô kinh).

  • Chậm kinh do tuổi:

Tuổi tác cũng là một yếu tố ảnh hưởng nhiều tới chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Hiện tượng chậm kinh nói riêng hay rối loạn kinh nguyệt nói chung thường gặp ở nữ giới trong độ tuổi có sự biến động lớn như tuổi dậy thì (từ 10 đến 18 tuổi) và độ tuổi tiền mãn kinh (từ 45 đến 55 tuổi). Nguyên nhân là do khi ở những độ tuổi này, các nội tiết tố trong cơ thể biến động nhiều, không ổn định.

  • Chậm kinh do bệnh tuyến giáp:

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết trong cơ thể có chức năng giúp kiểm soát các loại hormone, điều chỉnh quá trình trao đổi chất và hoạt động của nhiều cơ quan khác trong cơ thể, trong đó có cả chu kỳ kinh nguyệt. Khi tuyến giáp phải hoạt động quá mức (bệnh cường giáp) hoặc hoạt động kém (bệnh suy giáp) cũng có thể là một lý do gây ra tình trạng chậm kinh.

  • Chậm kinh do u tuyến yên:

Tuyến yên là một tuyến quan trọng trong cơ thể có nhiệm vụ điều hòa sự cân bằng một số loại hormon trong cơ thể, giúp điều chỉnh các chức năng quan trọng như quá trình tăng trưởng, kiểm soát huyết áp và sinh sản. U tuyến yên sẽ làm tăng tiết hormone prolactin khiến cho bệnh nhân bị mất kinh nguyệt, chậm kinh, rối loạn kinh nguyệt, thậm chí có thể dẫn tới vô sinh.

  • Chậm kinh do hội chứng buồng trứng đa nang:

Buồng trứng đa nang là hiện tượng các nang trứng trong buồng trứng của nữ giới bị nang nước hóa, dẫn tới làm giảm chức năng buồng trứng, giảm tỷ lệ rụng trứng. Hội chứng buồng trứng đa nang còn khiến cơ thể phụ nữ tiết nhiều androgen (là một loại nội tiết tố nam giới), ức chế làm cho trứng không rụng hoặc rụng không đều, dẫn đến chậm kinh hoặc mất kinh.

3, Hiện tượng chậm kinh có nguy hiểm không?

Trong những trường hợp bị chậm kinh nhưng chỉ trong một thời gian ngắn và không có những triệu chứng bất thường kèm theo về sức khỏe thì chị em không cần quá không cần quá lo lắng. Đó thường chỉ là những hiện tượng sinh lý của cơ thể xảy ra khi chế độ ăn uống và luyện tập chưa được khoa học. Khi đó các chị em nên ăn uống, vận động, nghỉ ngơi một cách lành mạnh và hợp lý, thay đổi trạng thái, môi trường sống và làm việc thoải mái hơn. Dần dần, nội tiết trong cơ thể sẽ được ổn định lại và chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ đều đặn hơn. Các chị em cũng được khuyến khích khám phụ khoa định kỳ nhiều hơn vừa để phát hiện sớm bệnh liên quan nếu có và vừa giúp chị em yên tâm hơn về cơ thể của mình.

Bên cạnh những trường hợp chậm kinh sinh lý không đáng lo thì trong một số trường hợp khác, chậm kinh có thể là một triệu chứng của các bệnh lý nguy hiểm như khối u lành hay ác tính, suy giảm chức năng các tuyến, ung thư,… Vì vậy, nếu chị em gặp phải hiện tượng chậm kinh trong một khoảng thời gian dài, hoặc có những triệu chứng gợi ý kèm theo như gầy sút cân, rụng tóc, người suy sụp,… thì tốt nhất chị em nên đến cơ sở y tế chuyên khoa sớm để kiểm tra xác định nguyên nhân chính xác. Từ đó có các cách xử lý kịp thời, tránh để lâu gây ảnh hưởng đến sức khỏe và khó khăn trgn việc điều trị sau này.

4, Bị chậm kinh nên điều trị như thế nào?

Khắc phục tình trạng chậm kinh như thế nào?
Khắc phục tình trạng chậm kinh như thế nào?

Nếu chậm kinh do mang thai thì chị em không cần thiết phải can thiệp bất cứ cách điều trị nào.

Nếu chậm kinh do các yếu tố khác thì chị em có thể dùng các phương thuốc thảo dược thiên nhiên an toàn có tác dụng bổ huyết để cải thiện tình trạng này. Chị em có thể tham khảo một số gợi ý sau đây:

  • Uống đủ nước mỗi ngày: Cung cấp đủ nước co cơ thể là rất cần thiết. Mỗi ngày cần cung cấp từ 1,5-2 lít nước. Bên cạnh việc bổ sung bằng nước lọc, chị em có thể sử dụng các loại khác như nước canh, nước ép trái cây tùy theo sở thích của mỗi người.
  • Sử dụng cao ích mẫu: Cao ích mẫu được xếp vào nhóm các thuốc điều kinh có tác dụng điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, làm cải thiện tình trạng chậm kinh.
  • Nghệ: Trong thành phần của củ nghệ có chứa Curcumin, đây là một chất có tác dụng ức chế tổng hợp Prostaglandin, làm giảm lưu lượng máu trong tử cung. Từ đó giúp điều hòa kinh nguyệt, cải thiện tình trạng chậm kinh. Chị em có thể uống trà mật ong, nước pha tinh bột nghệ cốt dừa, sinh tố tinh bột nghệ với loại hoa quả mà các bạn thích.
  • Sữa đậu nành: Thành phần dinh dưỡng của sữa đậu nành rất đa dạng gồm nhiều loại  vitamin như A, C, B6,… và các khoáng chất như canxi, photpho, magie, kali, natri, sắt. Ngoài ra sữa đậu nành còn chứa Estrogen thực vật, khi được đưa vào cơ thể sẽ làm tăng nội tiết tố nữ, cân bằng nồng độ tiết tố trong cơ thể, làm giảm tình trạng chậm kinh.
  • Các loại thuốc điều kinh: Các loại thuốc điều kinh cũng có thể được sử dụng để cải thiện tình trạng chậm kinh. Có thể lựa chọn một số loại thuốc điển hình như ích mẫu, hương phụ, khương hoạt, đương quy, ngưu tất,… khi muốn dùng các loại thuốc điều kinh này chị em nên tham khảo và dùng theo hướng dẫn của các bác sĩ y học cổ truyền nhé.

Bên cạnh những loại thảo dược thiên nhiên thì trong nhiều trường hợp cần thiết, chị em vẫn phải sử dụng các loại thuốc tây y hoặc can thiệp phẫu thuật điều trị. Một số trường hợp đó cần sử dụng như:

  • Những người bị thiếu hụt hormon sinh dục kéo dài: Các đối tượng này thường sẽ được bổ sung loại hormon bị thiếu đó.
  • Những bệnh nhân u tuyến yên: có thể phẫu thuật loại bỏ u tuyến yên.
  • Bệnh tuyến giáp: Điều trị triệt để bệnh tuyến giáp bằng nhiều cách như thuốc kháng giáp, cắt tuyến giáp một phần hoặc toàn bộ (đối với bệnh nhân cường giáp), hoặc hỗ trợ chức năng tuyến giáp đối với những bệnh nhân suy giáp.
  • Buồng trứng đa nang: Việc kiểm soát kinh nguyệt cho bệnh nhân bị buồng trứng đa nang không hề đơn giản. Người ta thường phải kết hợp cả các phương pháp đông y kết hợp với tây y để điều trị cho bệnh nhân. Đôi khi nhiều trường hợp khi bệnh nhân có nhu cầu sinh đẻ người ta mới bắt đầu can thiệp điều trị buồng trứng đa nang.
  • Các bệnh nhân ung thư: Đối với bệnh nhân ung thư giai đoạn nặng thì không cần thiết phải ưu tiên điều trị chậm kinh đầu tiên mà phải điều trị ung thư bảo tồn sự sống cho bệnh nhân. Sau đó nếu bệnh nhân có nhu cầu cải thiện tình trạng kinh nguyệt mới bắt đầu điều trị kết hợp. Đôi khi chậm kinh chính là tác dụng phụ của quá trình điều trị ung thư nên không thể tránh khỏi.

5, Làm sao để phân biệt dấu hiệu chậm kinh và mang thai?

5 dấu hiệu để phân biệt chậm kinh và mang thai
5 dấu hiệu để phân biệt chậm kinh và mang thai

Hai trường hợp này đôi khi làm chị em khá mơ hồ và hoang mang không thể phân biệt rõ ràng. Chúng ta nên tìm hiểu cách phân biệt việc mang thai và chậm kinh (trường hợp tiền kinh nguyệt) dựa vào một số triệu chứng đặc trưng sau đây:

Triệu chứng Chậm kinh (tiền kinh nguyệt) Có thai
Đau ngực Trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt, tức là sau khi trứng đã rụng, ngực thường sẽ hơi to hơn, căng tức và có thể gây đau cho chị em. Nhất là những chị em phụ nữ đang có con nhỏ thì các triệu chứng này lại càng nặng hơn. Dấu hiệu căng tức ngực có thể biểu hiện ở mức độ ít hoặc nhiều, thường đau nhất vào vài ngày trước chu kỳ. Trong hoặc sau chu kỳ do lượng progesterone giảm đi sẽ có thể làm cho chị em bị đau ngực nhiều hơn. Sau khi có kinh thì sẽ hết đau ngực. Trong giai đoạn trước khi mang thai hoặc trong giai đoạn sớm của thai kỳ, ngực của chị em có thể bị nhức, nhạy cảm và cũng có thể đau mỗi khi chạm vào. Khi mang thai kèm theo tức nặng ngực thì có thể thấy ngực sẽ dần trở nên đầy đặn hơn. Cảm giác căng tức ngực có thể kéo dài một tới hai tuần sau khi thụ thai. Sau đó do hormone progesterone tăng lên trong quá trình mang thai sẽ có thể làm tình trạng tức ngực kéo dài
Ra huyết âm đạo Chậm kinh chính là không xảy ra tình trạng ra huyết âm đạo. Khi có kinh nguyệt thì cũng chính là lúc kết thúc đợt chậm kinh của chị em. Một trong những dấu hiệu gợi ý rằng bạn đã mang thai chính là triệu chứng chảy một chút máu âm đạo. Trong những trường hợp đó, máu chảy ra thường có màu hơi đỏ hoặc màu nâu thẫm. Hiện tượng ra huyết âm đạo trong mang thai sẽ kéo dài khoảng vài ngày, ngắn hơn so với những ngày có kinh trong chu kỳ hàng tháng trước đó và lượng huyết chảy ra cũng ít hơn nhiều.
Buồn nôn Chậm kinh thường không có triệu chứng này. Ốm nghén là dấu hiệu nổi bật và rõ ràng nhất cho thấy bạn đã có thai. Khi ốm nghén, những cơn buồn nôn có thể xuất hiện vào tuần thứ ba hay thứ 4 khi có thai. Buồn nôn có thể kèm theo nôn hoặc không. Triệu chứng này thường hay gặp nhiều hơn vào buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy. Tuy nhiên, không phải ai mang thai cũng bị ốm nghén. Có những người không gặp phải dấu hiệu nghén trong suốt cả thai kỳ.
Cảm giác thèm ăn hay chán ăn Khi sắp có kinh nguyệt, chị em có thể nhận thấy thói quen ăn uống của mình sẽ có phần thay đổi. Có thể có xu hướng thèm ăn các loại đồ ngọt hoặc mặn. Đôi khi còn có thể thấy đói cồn cào. Nhưng những cơn đói hoặc thèm ăn đó chỉ kéo dài một vài ngày (khoảng 2, 3 ngày trước hành kinh), không giống với khi bạn mang thai. Khi mang thai khẩu vị của chị em bị thay đổi rất nhiều. Ngoài dấu hiệu thèm ăn một số món ăn nào đó, ngược lại có thể bạn sẽ hoàn toàn không thích một số thức ăn hoặc buồn nôn khi ngửi thấy một số mùi vị, kể cả những món trước đây từng thích ăn. Đây cũng được coi là một triệu chứng của ốm nghén kèm với buồn nôn. Ở nhiều chị em, cảm giác thèm ăn hay chán ăn có thể kéo dài suốt 9 tháng mang thai. Một số trường hợp khác còn có nhiều người mang thai có sở thích ăn những loại đồ ăn không có tác dụng như ăn đá lạnh,….
Chuột rút Ở những người bị chậm kinh rất ít khi gặp phải triệu chứng này. Nếu có thì cũng chỉ nhẹ nhàng và xuất hiện ít trước ngày có kinh nguyệt sau đó hết hẳn. Khi mang thai, chị em có thể gặp phải triệu chứng chuột rút ngay khi mới bắt đầu có thai kỳ. Tình trạng chuột rút khi mang thai sẽ có xu hướng gặp nhiều hơn vào những tháng sau của thai kỳ, kéo dài hơn so với trường hợp chậm kinh rất nhiều.

Ngoài các triệu chứng điển hình hay gặp trên thì khi có dấu hiệu chậm kinh, để xác định sơ qua mình có mang thai hay không chị em có thể dùng que thử thai để thử. Que thử thai là một phương pháp rất dễ sử dụng và đem lại kết quả nhanh chóng. Tuy độ nhạy và độ đặc hiệu không quá cao nhưng trong nhiều trường hợp phương pháp này sẽ giúp chị em  đánh giá sơ qua được về tình trạng của mình, nghi ngờ có mang thai hay không. Nếu que thử thai hiện 2 vạch thì có thể khả năng cao chậm kinh xảy ra do đang có thai, còn nếu không thì có thể nghĩ tới những trường hợp chậm kinh do nguyên nhân khác.

Dùng que thử thai để kiểm tra chậm kinh có phải do mang thai hay không
Dùng que thử thai để kiểm tra chậm kinh có phải do mang thai hay không

Để chắc chắn tuyệt đối và phân biệt chính xác 2 trường hợp tiền kinh nguyệt và có thai thì chị em nên đến các cơ sở y tế để khám và làm các xét nghiệm xác định xem có thai hay không.

Vậy là chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về tình trạng chậm kinh xảy ra ở nhiều chị em phụ nữ hiện nay. Hy vọng qua bài viết này sẽ cung cấp đến chị em nhiều thông tin bổ ích và giúp chị em dễ dàng nắm bắt được tình hình của mình. Xin cảm ơn!

Xem thêm:

Chuẩn bị cho hành trình mang thai, quá trình mang thai như thế nào?

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn