Thuốc là một trong những biện pháp phụ nữ thường sử dụng để phòng ngừa mang thai, tuy nhiên nó mang lại khá nhiều tác dụng phụ. Bài viết này của ITP Pharma sẽ giúp bạn tìm hiểu các tác dụng phụ của thuốc tránh thai và một số cách làm giảm sự khó chịu khi dùng thuốc.
Các biện pháp phòng tránh thai
Hiện nay có khá nhiều biện pháp phòng ngừa mang thai ở phụ nữ. Một số phương pháp có thể kể đến như:
- Tính ngày an toàn theo chu kỳ kinh nguyệt: một chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới thường kéo dài khoảng 28 ngày, trong đó 1-7 ngày đầu là ngày kinh, từ ngày thứ 8 – 19 là ngày không an toàn, phụ nữ không nên quan hệ trong khoảng thời gian này vì đây là lúc noãn nang vỡ và xuất noãn nên tỉ lệ mang thai cao. Từ ngày 20 – 28 là khoảng thời gian an toàn, phụ nữ có thể quan hệ trong thời gian này. Tuy nhiên, biện pháp tính ngày trên chỉ có thể áp dụng ở những ai có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn hàng tháng, phương pháp này không thể áp dụng ở những bạn có kỳ kinh nguyệt không đều.
- Dùng bao cao su, xuất tinh ngoài âm đạo, thắt ống dẫn tinh,… là một số phương pháp nam giới có thể dùng để ngăn ngừa khả năng mang thai ở phụ nữ. Dùng bao cao su là biện pháp phổ biến nhất, vừa có tác dụng tránh thai, vừa phòng tránh lây nhiễm các bệnh qua đường tình dục như bệnh giang mai, HIV/AIDS, bệnh lậu,… Tuy nhiên vẫn có tỷ lệ nhỏ mang thai ngoài ý muốn khi dùng bao cao su do bao bị rách, chất lượng bao cao su không đảm bảo hay bao bị tuột trong khi quan hệ,..
- Sử dụng màng ngăn âm đạo, mũ tử cung,… là một số biện pháp cơ học dùng cho nữ giới để tránh thai. Ngoài ra, phụ nữ có thể dùng vòng tránh thai để ngăn cản quá trình gắn và làm tổ của trứng đã thụ tinh. Đây là phương pháp có hiệu quả tránh thai cao và không phiền phức hàng ngày, được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới.
- Biện pháp phổ biến phụ nữ hay dùng đó là uống thuốc tránh thai. Một số khảo sát cho thấy, tại Mỹ có khoảng 12,6% phụ nữ từ 15-49 tuổi dùng thuốc tránh thai; còn tại Việt Nam, có khoảng 10% phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ sử dụng thuốc tránh thai.
Dùng thuốc tránh thai để phòng ngừa mang thai là một phương pháp đơn giản, dễ sử dụng và có hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc sử dụng sai cách, không đều đặn hoặc quên uống có thể gây ra các tác dụng phụ, ngay cả việc sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài cũng có thể gây nên một số tác dụng không mong muốn mà người sử dụng cần lưu ý trước khi dung.
Khi nào cần sử dụng thuốc tránh thai
Thuốc tránh thai có bản chất là hormon, kết hợp hai thành phần là estrogen và progestin, trong đó thành phần chủ yếu là progestin. Thuốc tránh thai hoạt động bằng cách ức chế tuyến yên bài tiết FSH và LH, do đó ức chế hiện tượng phóng noãn. Đồng thời, viên thuốc kết hợp còn có tác dụng làm giảm và đặc dịch nhầy cổ tử cung và làm niêm mạc cổ tử cung thay đổi thành niêm mạc chế tiết giả. Ngoài tác dụng phòng ngừa mang thai, thuốc tránh thai còn có tác dụng điều trị kinh nguyệt không đều, đau hoặc ra nhiều, mụn trứng cá,…
Thuốc được đóng thành vỉ 28 viên, trong đó 21 viên có thành phần thuốc tránh thai với hàm lượng như nhau, 7 viên còn lại có thành phần chủ yếu là sắt và không có thuốc tránh thai. Thuốc phải được sử dụng liên tục hàng ngày, đều đặn nên đôi khi sẽ gây phiền phức cho người dùng và không phải trường hợp nào cũng dùng được thuốc tránh thai.
Thuốc tránh thai viên progestin liều thấp: có tác dụng làm giảm tiết dịch nhầy cổ tử cung, ngăn không cho tinh trùng di chuyển vào trong tử cung, đồng thời làm teo mỏng nội mạc tử cung, do đó ngăn cản quá trình làm tổ trong nội mạc tử cung.
Một số trường hợp phụ nữ không nên dùng thuốc tránh thai:
- Phụ nữ có bệnh tim mạch.
- Những người trên 40 tuổi không nên dùng thuốc.
- Phụ nữ mắc bệnh đau đầu mãn tính, đặc biệt đau nhức thái dương không nên dùng tránh làm tình trạng bệnh thêm nghiêm trọng.
- Phụ nữ đang cho con bú.
- Những người bị mắc viêm gan hoặc viêm thận, đái tháo đường, tăng huyết áp, tắc nghẽn mạch máu,…
Ngoài thuốc tránh thai hàng ngày, trên thị trường cũng có loại thuốc tránh thai khẩn cấp dùng trong các trường hợp ngoài ý muốn, quan hệ không có biện pháp bảo vệ, quan hệ không đồng tình. Thuốc có thành phần chủ yếu là ethyl estrogen liều cao 50μg/ngày. Uống một viên trong vòng 48 giờ sau khi quan hệ, sau 12 giờ uống tiếp một viên nữa. Thuốc phòng ngừa mang thai bằng cách gây phù nề mô đệm, làm cho các tuyến không có khả năng chế tiết, nhờ đó có thể ngăn cản quá trình làm tổ ở niêm mạc tử cung. Trên thị trường hiện cũng có nhiều loại thuốc tránh thai khẩn cấp như loại 1 viên, loại 2 viên hoặc loại dùng trong vòng 48 giờ, 72 giờ,…
Sử dụng thuốc tránh thai sẽ làm thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể trong một thời gian dài, gây ra nhiều tác dụng phụ khó chịu. Có thể chia một số tác dụng phụ của thuốc tránh thai thành tác dụng phụ ngắn hạn và tác dụng phụ dài hạn.
Tác dụng phụ thường gặp của thuốc tránh thai hàng ngày
Thuốc tránh thai có một số tác dụng phụ ngắn hạn thường gặp như:
- Buồn nôn: người phụ nữ thường cảm thấy buồn nôn đến 3 tháng sau khi bắt đầu sử dụng thuốc, đây cũng là tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc tránh thai. Cảm giác buồn nôn có thể tăng lên nếu dùng thuốc lúc đói hoặc uống vào sáng sớm. Cảm giác buồn nôn sẽ giảm sau 3 tháng uống thuốc.
- Đau ở ngực: ngực sưng lên, lớn hơn, mềm và đau khi bắt đầu dùng thuốc, có thể làm giảm sự căng tức ngực bằng cách mặc áo ngực mềm.
- Chứng đau nửa đầu: mức độ có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng ngay khi phụ nữ bắt đầu dùng thuốc. Cường độ cơn đau có thể khác nhau, nếu bạn cảm thấy đau đầu dai dẳng khi dùng thuốc, hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn kĩ hơn.
- Ra máu: hầu hết phụ nữ khi sử dụng thuốc tránh thai đều bị chảy máu hoặc ra máu giữa kỳ kinh nguyệt trong 3 tháng đầu tiên và tình trạng này sẽ tự giảm dần vài tháng sau đó.
- Tăng cân: nguyên nhân là do estrogen có tác dụng giữ muối và nước, gây lắng đọng mỡ ở dưới da, đặc biệt ở ngực, mông và đùi. Đây cũng là một tác dụng phụ khó tránh khỏi khi sử dụng thuốc tránh thai.
- Giảm ham muốn tình dục: do cơ chế tác dụng của thuốc tránh thai làm tiết dịch nhầy cổ tử cung ít và đặc nên gây khô, làm quá trình quan hệ diễn ra không thoải mái hoặc thậm chí gây đau đớn. Giảm ham muốn cũng có thể do các triệu chứng khác khi sử dụng thuốc như đau đầu, đau ở ngực,…
- Tâm trạng thất thường: các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, kiểm soát việc sinh sản bằng nội tiết tố có thể gây ảnh hưởng đến độ dày của một số vùng trên não bằng cách nâng cao mức chất lỏng của não, đặc biệt là các bộ phận chịu trách nhiệm về cảm xúc. Điều đó có thể dẫn đến thay đổi tâm trạng, nặng hơn là trầm cảm.
- Kích ứng âm đạo: sự thay đổi nồng độ nội tiết tố có thể gây tình trạng giảm chất nhầy trong âm đạo gây khô, ngứa ngáy và khó chịu vùng âm đạo.
- Thay đổi dịch tiết âm đạo: một số trường hợp sau khi sử dụng thuốc tránh thai đã có tình trạng dịch tiết âm đạo có mùi khó chịu, nếu gặp phải trường hợp trên, bạn nên liên hệ với bác sĩ để phòng tránh trường hợp nhiễm trùng.
- Hình thành cục máu đông: là tác dụng phụ không phổ biến của thuốc tránh thai nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng. Một số triệu chứng có thể thấy như: đau ngực, khó thở nếu có cục máu đông ở tim hoặc phổi, đau hoặc sưng ở chân nếu có cục máu đông ở chân,…
- Trễ kinh: thuốc tránh thai có thể khiến kinh nguyệt dừng lại hoặc không đều. Tình trạng này có thể diễn ra thường xuyên hơn nếu bạn thường bị stress, căng thẳng,..
- Thị lực: một số vấn đề về thị lực khi sử dụng thuốc có thể gặp như khô mắt, thay đổi hình dạng giác mạc do tích nước, sưng tấy, làm ảnh hưởng đến thị lực. Nếu thấy tình trạng này xảy ra, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ điều trị sớm.
Tác dụng phụ lâu dài khi dùng thuốc tránh thai
- Các vấn đề về tim mạch có thể gặp phải như: tăng nguy cơ đông máu, đau tim, đột quỵ,… Phụ nữ có tiền sử gia đình mắc các bệnh về tim mạch như huyết áp cao nếu muốn tránh thai cần liên hệ với bác sĩ để có phương pháp phù hợp nhất thay thế thuốc viên.
- Chứng huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT): là hiện tượng có cục máu đông trong lòng tĩnh mạch nằm sâu bên trong cơ thể, thường ở trong các tĩnh mạch sâu của cẳng chân. Một phần của cục máu đông có thể vỡ ra và di chuyển đến động mạch phổi hoặc tim, gây ra các tình trạng nguy hiểm như thuyên tắc phổi, đau tim,…
- Ung thư: sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian có thể làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung, ung thư vú,… có thể liên quan đến sự phát triển của các khối u lành tính ở gan và ung thư gan.
- Bệnh đái tháo đường: một số nghiên cứu đã cho thấy, việc sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài làm thay đổi nồng độ hormone estrogen có thể gây ra bệnh đái tháo đường ở phụ nữ không mắc bệnh đái tháo đường.
- Sỏi mật: các báo cáo đã cho thấy việc uống thuốc tránh thai có thể làm tăng kích thước và số lượng sỏi mật một cách nhanh chóng.
- Sự cạn kiệt chất dinh dưỡng: do cơ thể được cung cấp một lượng lớn hormone làm cho chất dinh dưỡng không được hấp thu đúng cách. Đồng thời, thuốc cũng ảnh hưởng đến quá trình đào thải chất thải ra khỏi cơ thể, dẫn đến tổn thương tế bào và lão hóa nhanh hơn. Có thể khắc phục tình trạng này bằng cách uống bổ sung vitamin E.
- Nhiễm trùng nấm men: tình trạng có thể gặp phải khi sử dụng thuốc tránh thai lâu ngày đó là nhiễm trùng nấm men vùng âm đạo. Một số triệu chứng thường thấy như: dịch có mùi hôi, ngứa ngáy, đau. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn cần liên hệ sớm với bác sĩ để được điều trị kịp thời.
Một số tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp
- Trên hệ tiêu hóa: buồn nôn, nôn, đau bụng, đầy hơi,… là những biểu hiện thường gặp ngay sau khi sử dụng thuốc.
- Căng ngực, đau ngực.
- Ra máu âm đạo ngoài kỳ kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt, rong kinh,…
- Chóng mặt, đau đầu, loạn thị,..
- Thay đổi tâm trạng, giảm ham muốn tình dục
Đa phần thuốc tránh thai khẩn cấp đều gây tác dụng không mong muốn và sẽ giảm dần sau vài ngày. Không có biện pháp nào khắc phục tác dụng phụ của thuốc tránh thai khẩn cấp hiệu quả mà chỉ có thể làm giảm nhẹ các triệu chứng đó. Sau khi uống, bạn nên nghỉ ngơi, nằm thoải mái để làm giảm sự khó chịu.
Không nên lạm dùng thuốc tránh thai khẩn cấp (không dùng quá 2 lần/tháng và 3 lần/năm) do thuốc gây hạn chế sự phát triển và rụng trứng, teo niêm mạc và có thể dẫn tới vô sinh.
Cách khắc phục tác dụng phụ của thuốc ngừa thai
Dùng thuốc tránh thai có thể gây ra một số tác dụng phụ ngắn hạn và dài hạn, một số tác dụng thể hiện ngay khi bắt đầu dùng. Các tác dụng không mong muốn này có thể được giảm bớt bằng cách thay đổi liều lượng estrogen trong thuốc hoặc chuyển sang dùng thuốc kết hợp. Hiện nay có rất nhiều thuốc tránh thai, mỗi loại lại có hormon và hàm lượng hormone khác nhau, do đó bạn cần có sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
Với những bạn có tiền sử bệnh bất kỳ cần được cân nhắc kỹ về việc sử dụng thuốc, có thể dùng các phương pháp tránh thai khác phù hợp với bạn để tránh làm nặng thêm bệnh.
Khi gặp một số tác dụng phụ như sưng đau ở chân, khó thở, đau ngực, đau đầu dữ dội, nhìn mờ khi dùng thuốc tránh thai, bạn cần liên hệ ngay lập tức với bác sĩ để được tư vấn điều trị kịp thời, tránh để lâu gây nguy hiểm đến cơ thể.
Lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai
Để hạn chế các tác dụng không mong muốn của thuốc tránh thai hoặc mang thai khi vẫn sử dụng thuốc, phụ nữ nên chú ý một số vấn đề sau:
- Nên uống vào một thời điểm cố định trong ngày để tránh quên, tốt nhất là vào buổi sáng, trong trường hợp quên thuốc có thể bù vào buổi chiều hoặc buổi tối cùng ngày.
- Nếu đang điều trị bệnh lý khác hoặc sử dụng một số thuốc khác, đặc biệt là một số thuốc như: thuốc kháng sinh, thuốc chống lao, thuốc chống tăng huyết áp, các thuốc chống trầm cảm loại 3,… cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng do có thể xảy ra tương tác thuốc, làm giảm hiệu quả tác dụng của thuốc tránh thai.
Xử trí khi quên uống thuốc:
- Nếu quên uống trong khoảng thời gian 12 giờ so với giờ uống thuốc hàng ngày, cần uống ngay viên thuốc đã quên, sau đó tiếp tục uống các viên khác theo đúng lịch cho đến hết vỉ thuốc. Trong khoảng thời gian này không nên quan hệ tình dục, nếu có thì nên dùng biện pháp bảo vệ như bao cao su cho đến khi dùng hết vỉ thuốc.
- Nếu quên uống 3 viên thì phải bỏ vỉ thuốc đó, tránh quan hệ tình dục hoặc dùng bao khi quan hệ, chờ đến khi kinh nguyệt xuất hiện trở lại và bắt đầu uống vỉ thuốc mới. Trường hợp này được xem như mới bắt đầu sử dụng thuốc.
Khi mới sử dụng thuốc tránh thai sẽ có một số tác dụng không mong muốn như: buồn nôn, nôn, đau đầu,… Các tác dụng phụ này không gây nguy hại và sẽ mất dần, nhưng nếu các triệu chứng đó gây khó chịu nhiều và không thuyên giảm, bạn nên đi khám để được thay loại thuốc hoặc có các biện pháp hỗ trợ khác.
Để hạn chế tình trạng quên thuốc, bạn cần uống mỗi ngày vào một giờ nhất định, để thuốc ở nơi tiếp xúc nhiều nhằm nhắc nhở việc uống thuốc, đồng thời có thể sử các biện pháp tránh thai không cần phải ghi nhớ mỗi ngày như cấy que tránh thai, đặt vòng tránh thai,…
Khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp cần dùng đủ số viên tùy loại thuốc và sử dụng theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Thuốc không có tác dụng làm sảy thai cũng như ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV/AIDS, giang mai,… Chỉ sử dụng thuốc trong trường hợp khẩn cấp, không lạm dụng thuốc tránh gây ra tác dụng không mong muốn.
Không sử dụng thuốc hết hạn, thuốc không đảm bảo chất lượng.
Uống thuốc tránh thai bao lâu thì có tác dụng?
Theo các bác sĩ sản khoa, thuốc tránh thai hàng ngày sẽ có tác dụng sau 7 ngày. Bạn bắt đầu uống thuốc vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt, trong thời gian hành kinh không nên quan hệ, hoặc dùng bao cao su khi quan hệ để tránh viêm nhiễm.
Dấu hiệu uống thuốc tránh thai khẩn cấp thành công?
Khi sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, phụ nữ cần biết một số dấu hiệu để xác định sử dụng thuốc thành công, tránh gây hoang mang, lo lắng hoặc lạm dụng thuốc gây ảnh hưởng xấu đến cơ thể.
Dấu hiệu để nhận biết uống thuốc tránh thai khẩn cấp thành công đó là vẫn xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt sau khi sử dụng thuốc, nếu hơn 4 tuần mà không có kinh nguyệt thì có khả năng bạn đã mang thai. Bạn có thể dùng que thử thai để kiểm tra hoặc đến cơ sở y tế, bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn, hỗ trợ.
Để thuốc tránh thai khẩn cấp có hiệu quả cao, bạn nên sử dụng thuốc sau khi quan hệ càng sớm càng tốt và uống đủ liều tùy loại thuốc.