Cân nặng thai nhi luôn là vấn đề mà bất kỳ ông bố, bà mẹ nào cũng quan tâm. Chính vì vậy, “Bảng cân nặng chuẩn của thai nhi” ra đời trở thành công cụ tuyệt vời hỗ trợ bố mẹ trong việc theo dõi và kiểm soát cân nặng của con qua các thời kỳ.
1, Cách đo cân nặng, chiều dài thai nhi qua các tuần
Bố mẹ có thể tham khảo một số cách đo cân nặng, chiều dài của thai nhi dưới đây để xác định được số đo của con mình trước khi đối chiếu với “Bảng cân nặng chuẩn của thai nhi”.
1.1. Đo cân nặng
Có 2 cách đo cân nặng của thai đang được áp dụng phổ biến hiện nay
Cách 1: Dựa vào chu kỳ vòng bụng của mẹ bầu
Đây là cách xác định cân nặng của bé mà các mẹ có thể thực hiện ngay tại nhà, tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này là mắc phải sai số khá lớn vì chu kỳ vòng bụng của mẹ còn phụ thuộc vào thể tích nước ối cũng như cơ địa của mẹ bầu. Chính vì thế cách xác định cân nặng này chỉ mang tính chất ước lượng
Cụ thể cân nặng của bé được xác định theo công thức:
Cân nặng thai nhi = [( Chu kì vòng bụng + Chiều cao tử cung) x 100] /4
Trong đó:
- Chu kỳ vòng bụng được đo tại vị trí phình to nhất của bụng mẹ ( đơn vị: cm)
- Chiều cao tử cung là khoảng cách được đo từ mu đến đáy tử cung ( đơn vị: cm)
Cách 2: Dựa vào kết quả siêu âm
Đây là cách xác định có tính chính xác cao bởi nó được thực hiện bằng hệ thống máy siêu âm tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên muốn thực hiện phương pháp này, mẹ bầu bắt buộc phải đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa có trang bị hệ thống máy siêu âm chất lượng cao để đảm bảo cho kết quả chuẩn xác nhất.
1.2. Đo chiều dài
Tùy vào từng thời kỳ khác nhau mà tư thế của thai nhi cũng có một số thay đổi nhất định, chính vì vậy chiều dài của thai nhi cũng từ đó được xác định bằng các cách khác nhau.
Cụ thể:
- Từ tuần thứ 8 đến tuần thứ 19: Tại thời kỳ này, chân bé bị uốn cong trong bào thai. Chính vì vậy chiều dài của bé được đo từ đầu tới mông, hay còn gọi là chiều dài đầu mông.
- Từ tuần thứ 20 đến tuần thứ 42: Đây là khoảng thời gian kích thước của bé tăng dần đều và chiều dài của bé được đo từ đỉnh đầu tới đầu ngón chân.
- Từ tuần thứ 32 bé sẽ hoàn thiện dần tất cả các đường nét trên cơ thể mình để chuẩn bị chào đời.
2, Bảng cân nặng chuẩn của thai nhi Việt Nam theo từng tuần
Sự phát triển của thai nhi trong khoảng thời gian 9 tháng 10 ngày nằm trong bụng mẹ luôn là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của bất kỳ ông bố, bà mẹ nào. Cân nặng của con trong giai đoạn này là một trong những yếu tố quan trọng để khẳng định con mình có đang phát triển bình thường hay không.
Dựa vào bảng cân nặng chuẩn này và cân nặng, chiều dài thực tế đo được, bố mẹ sẽ có thể so sánh và biết được con đang phát triển nhanh hay chậm so với tuổi thai. Và từ đó, các mẹ bầu có thể biết cách để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cũng như sinh hoạt, tập luyện của mình để đảm bảo con phát triển trong khoảng bình thường.
Dưới đây là bảng cân nặng chuẩn của thai nhi Việt Nam qua các tuần tuổi.
Tuổi thai (tuần) | Cân nặng trung bình (g) | Chiều dài trung bình (cm) |
8 | 1 | 1,6 |
9 | 2 | 2,3 |
10 | 4 | 3,1 |
11 | 7 | 4,1 |
12 | 14 | 5,4 |
13 | 23 | 7,4 |
14 | 43 | 8,7 |
15 | 70 | 10,1 |
16 | 100 | 11,6 |
17 | 140 | 13 |
18 | 190 | 14,2 |
19 | 240 | 15,3 |
20 | 300 | 25,6 |
21 | 360 | 26,7 |
22 | 430 | 27,8 |
23 | 501 | 28,9 |
24 | 600 | 30 |
25 | 660 | 34,6 |
26 | 760 | 35,6 |
27 | 875 | 36,6 |
28 | 1100 | 37,6 |
29 | 1240 | 38,6 |
30 | 1400 | 39,9 |
31 | 1570 | 41,1 |
32 | 1760 | 42,4 |
33 | 1950 | 43,7 |
34 | 2160 | 45 |
35 | 2380 | 46,2 |
36 | 2590 | 47,4 |
37 | 2800 | 48,6 |
38 | 3000 | 49,8 |
39 | 3190 | 50,7 |
40 | 3340 | 51,2 |
Sự phát triển của bé còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài cân nặng. Vì vậy các bố mẹ chớ lo lắng nhiều khi thấy cân nặng của con không nằm trong khoảng tiêu chuẩn. Cách tốt nhất là hãy thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế chất lượng để theo dõi sự phát triển toàn diện của con.
3, Các yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của thai nhi
Cân nặng của thai nhi khi còn ở trong bụng mẹ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó những yếu tố quan trọng nhất thường được nhắc đến đó là:
3.1. Yếu tố di truyền
Đây là một trong những yếu tố chủ quan quyết định đến cân nặng của thai nhi. Ở những chủng tộc, quốc gia khác nhau sẽ có sự khác nhau về cân nặng của bố và mẹ, chính vì thế theo di truyền thì yếu tố này cũng phần nào ảnh hưởng đến bé. Phần lớn khi bố mẹ có vóc dáng cao và đầy đặn thì cân nặng của con trong thời kỳ mang thai cũng sẽ lớn hơn so với con có bố mẹ vóc dáng thấp và nhẹ cân. Tuy nhiên điều này chỉ mang tính chất tương đối, vẫn có thể xảy ra một số trường hợp ngoại lệ.
3.2. Tuổi của mẹ khi mang thai
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, các bà mẹ mang thai khi còn ở độ tuổi vị thành niên sẽ dễ dẫn đến tình trạng con thiếu cân. Ngược lại, thai nhi sẽ có cân nặng lớn hơn so với tiêu chuẩn khi mẹ mang thai ở độ tuổi trên 35. Chính vì vậy từ 20-35 tuổi là độ tuổi tốt nhất để mang thai vì trong khoảng thời gian này sức khỏe cũng như sinh lý của người mẹ đang ở giai đoạn ổn định nhất. Mang thai vào khoảng thời gian này sẽ tránh được rất nhiều rủi ro cũng như biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra đối với cả mẹ và bé.
3.3. Sức khỏe của mẹ trong quá trình mang thai
Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự phát triển của bé. Đối với cân nặng cũng không ngoại lệ.
- Trẻ sẽ bị nhẹ cân hơn so với tiêu chuẩn bình thường trong trường hợp người mẹ gặp một trong các bệnh lý sau: huyết áp cao, bệnh tim, hen suyễn, bệnh thận ở mức độ vừa và nặng, lupus ban đỏ, thiếu máu. Hoặc trong giai đoạn mang bầu người mẹ nghén quá nhiều và thường xuyên phải chịu áp lực cũng có thể ảnh hưởng đến thai nhi khiến thai nhi nhẹ cân hơn bình thường.
- Trẻ sẽ có cân nặng lớn hơn so với tiêu chuẩn bình thường khi mẹ gặp phải bệnh lý tiểu đường, béo phì. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thể chất làm cho bé trở nên chậm chạp, thể chất không tốt như các bé khác.
Ngoài ra dinh dưỡng của mẹ cũng quyết định một phần không nhỏ cho sự phát triển về cân nặng của thai nhi. Khi mẹ không bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai sẽ làm cho thai nhi không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết, khiến cho bé dễ bị nhẹ cân hơn bình thường.
3.4. Số lượng thai mà mẹ bầu đang mang
Trong trường hợp mẹ bầu mang thai đôi, thai ba, hoặc có thể nhiều hơn thì cân nặng của mỗi bé sẽ nhẹ hơn so với tiêu chuẩn cân nặng bình thường của thai nhi.
3.5. Thứ tự sinh con
Thông thường, con thứ sẽ có cân nặng lớn hơn con đầu lòng trong trường hợp khoảng cách giữa 2 lần sinh không quá dài. Yếu tố này không ảnh hưởng đáng kể hoặc gần như không ảnh hưởng trong trường hợp khoảng cách giữa 2 lần sinh của mẹ là xa.
3.6. Giới tính của thai nhi
Trong cùng một chủng tộc, một quốc gia, và thai nhi được phát triển một cách bình thường thì cân nặng của bé trai luôn lớn hơn cân nặng của bé gái cùng tuần tuổi.
4, Thai nhi phát triển kém so với tuổi thai có ảnh hưởng gì không?
Thai nhi được cho là kém phát triển hơn so với tuổi thai khi chiều dài của bé ngắn hơn ít nhất là 3cm so với chiều dài tiêu chuẩn. Đây là dấu hiệu cho thấy mẹ bầu có thể gặp các bệnh lý gây suy nhược cơ thể, dẫn đến thai nhi có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Trẻ thiếu cân có thể dẫn đến chậm phát triển về trí thông minh biểu hiện ở việc giảm chỉ số thông minh, bên cạnh đó chỉ số vận động cũng sẽ không bằng các bé có cân nặng bình thường. Ngoài ra thai nhi bị nhẹ cân còn có thể dễ mắc phải một số bệnh lý như: hạ đường huyết, viêm phổi, đa hồng cầu.
Chính vì vậy khi phát hiện thai nhi phát triển kém hơn so với tuổi thai, bố mẹ cần kết hợp với các cơ sở y tế tiến hành một số xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc nhẹ cân của bé. Từ đó tìm ra giải pháp để khắc phục nguyên nhân, đưa cân nặng của bé trở về bình thường nếu có thể.
5, Thai nhi phát triển hơn so với tuổi thai có ảnh hưởng gì không?
Thai nhi được cho là phát triển hơn so với tuổi thai khi chiều dài của bé dài hơn ít nhất là 3 cm so với chiều dài tiêu chuẩn. Thai nhi nặng cân hơn bình thường khiến cho hoạt động của mẹ vào những tuần cuối thai kỳ trở nên khó khăn, mẹ thường trằn trọc, khó ngủ, đi lại nặng nề. Bên cạnh đó, quá trình chuyển dạ, sinh nở của mẹ sau này cũng gặp nhiều bất lợi như có thể gây tổn thương đến đường sinh dục của mẹ, hoặc trường hợp xấu hơn có thể làm vỡ tử cung. Ngoài ra, việc cân nặng vượt quá mức tiêu chuẩn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Bé sinh ra dễ gặp phải một số bệnh lý như: suy hô hấp, suy tim, hạ thân nhiệt, béo phì, bệnh về đường tiêu hóa, bệnh ung thư,…
Khi phát hiện thai nhi bị thừa cân, mẹ bầu nên biết cách cân đối lại chế độ dinh dưỡng của mình kết hợp với tập luyện những bài tập dành cho bà bầu để mẹ và bé đều tăng cân ở mức an toàn.
6, Những điều mẹ bầu cần lưu ý để cân nặng thai nhi đạt chuẩn
Bỏ qua các yếu tố khách quan thì để cân nặng của thai nhi đạt tiêu chuẩn, các ông bố, bà mẹ phải biết cách kiểm soát được các yếu tố chủ quan. Ở đây là sức khỏe tinh thần, chế độ dinh dưỡng của người mẹ. Những điều mẹ bầu cần lưu ý và cải thiện nhiều nhất có thể để cân nặng của con luôn đạt chuẩn trong suốt cả thai kỳ đó là:
6.1. Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, cân bằng
Chế độ ăn ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của mẹ và bé. Mẹ bầu cần xây dựng một chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm thịt cá, rau xanh, ngũ cốc, hoa quả tươi,… Trong chế độ ăn phải chú ý bổ sung thêm các nhóm vitamin và một số khoáng chất thiết yếu. Hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều đường và tinh bột như kẹo, bánh quy,… Thay vì ăn nhiều thì mẹ bầu nên ăn đủ để luôn đảm bảo rằng thai nhi được bổ sung tất cả các dưỡng chất cần thiết cho mọi quá trình phát triển. Ngoài ra, người mẹ phải thường xuyên bổ sung thêm sắt cho cơ thể, bởi ở giai đoạn này, cơ thể cần nhiều máu hơn để vận chuyển oxy đến tất cả các cơ quan của mẹ và bé từ đó nuôi dưỡng cả bà bầu và thai nhi.
Bên cạnh đó, người mẹ phải tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… vì chúng có ảnh hưởng rất tiêu cực tới sự phát triển của bé cả thể chất lẫn trí tuệ.
6.2. Uống đủ nước
Đối với người bình thường, nước đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển. Đối với bà bầu việc uống đủ nước còn quan trọng gấp đôi, bởi việc cơ thể mẹ không cung cấp đủ nước sẽ dễ dàng xảy ra các biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong quá trình mang thai.
6.3. Tập các bài thể dục dành cho thai phụ và nghỉ ngơi đầy đủ
Bên cạnh việc xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bà bầu phải kết hợp với việc tìm hiểu và thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức dành cho thai phụ. Việc tập luyện, vận động sẽ giúp cho máu dễ dàng lưu thông đồng thời giải phóng các năng lượng dư thừa bên trong cơ thể từ đó giúp mẹ bầu và bé có sức khỏe tốt hơn so với việc ngồi yên một chỗ. Ngoài ra việc tập thể dục trong thai kỳ sẽ giúp mẹ bầu tăng sức mạnh cơ bắp, tăng sức chịu đựng của cơ thể, tinh thần vui vẻ, hưng phấn. Điều này khiến cho quá trình sinh nở sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Bên cạnh việc tập luyện, mẹ bầu cũng cần có một chế độ nghỉ ngơi đầy đủ, không thức khuya hay làm những việc quá nặng nhọc dẫn đến rối loạn nhịp sinh học của mẹ, ảnh hưởng tiêu cực đến thai nhi.
6.4. Luôn suy nghĩ tích cực và giữ tinh thần bình tĩnh, thoải mái
Sức khỏe tinh thần của mẹ trong quá trình mang thai ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của bé. Nếu trong thời kỳ mang thai mẹ phải chịu nhiều áp lực, kích động, luôn có những suy nghĩ tiêu cực sẽ kìm hãm sự phát triển của thai nhi, khiến cho thai nhi phát triển chậm hơn so với bình thường, nguy hiểm hơn có thể gây động thai. Ngược lại khi tinh thần của người mẹ thoải mái, yêu đời, luôn suy nghĩ tích cực sẽ tác động tốt đến sự phát triển của thai nhi, giúp con phát triển tốt, toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
6.5. Kiểm soát cân nặng của mẹ bầu trong suốt thai kỳ
Theo nghiên cứu, cân nặng của mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến cân nặng và sự phát triển của thai nhi. Chính vì vậy mẹ bầu cần kiểm soát được cân nặng của bản thân, không để tăng cân quá cũng không được để thiếu cân trong. Mức tăng tiêu chuẩn, an toàn của một bà bầu bình thường là từ 10-12 kg trong suốt cả thai kỳ, có thể tăng từ 16-20 kg trong trường hợp mang đa thai.
Trong 3 tháng đầu, mức tăng cân nặng tiêu chuẩn của mẹ bầu là 1,5-2kg. Tuy nhiên vẫn cần đi khám thai kỳ thường xuyên để bác sĩ có thể cho biết được mức tăng cân tiêu chuẩn này của mẹ có đảm bảo cho thai nhi phát triển tốt nhất hay không. Nếu thai nhi vẫn thiếu cân thì mẹ cần phải tăng thêm khoảng 2kg nữa, nếu thai nhi thừa cân thì mẹ nên duy trì cân nặng hiện tại hoặc tăng không quá 1kg.
Giai đoạn thai 14 tuần tuổi đến 28 tuần tuổi, trung bình mỗi tuần mẹ bầu có thể tăng 0,5kg, nếu bác sĩ cảnh báo nguy cơ thừa cân thì chỉ nên tăng trung bình từ 0,2-0,3 kg/ tuần.
6.6. Đi khám thai định kỳ đầy đủ
Khám thai định kỳ là một trong những thủ tục cần được bố mẹ nghiêm túc thực hiện để có thể theo dõi được sức khỏe thai nhi qua các thời kỳ một cách tốt nhất. Khi đến các cơ sở y tế để khám định kỳ, bố mẹ có thể biết được mọi thông tin cũng như vấn đề sức khỏe hiện tại của con mình. Bên cạnh đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa ra một vài lời khuyên, lời tư vấn để mẹ bầu có thể cải thiện, thực hiện trong thời kỳ tiếp theo của thai kỳ để đảm bảo con được phát triển một cách bình thường nhất.
Trên đây là bảng cân nặng chuẩn của thai nhi theo từng tuần tuổi cùng với đó là các vấn đề xung quanh cân nặng của thai nhi trong suốt thai kỳ mà Nhà thuốc ITP Pharma muốn chia sẻ với độc giả. Hi vọng với những thông tin trên có thể giúp các mẹ bầu có thêm những hành trang vững chắc để có được một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn.
Xem thêm:
[Chia sẻ] 4 cách tính chọn tháng thụ thai sinh con trai xác suất cao
Bảng tiêu chuẩn này có đúng đối với con lai không?
Chào bạn, bảng cân nặng tiêu chuẩn trên sẽ mang lại sự đối chiếu chính xác nhất khi áp dụng đối với thai nhi có bố mẹ đều là người Việt Nam nha ạ.