Sốt xuất huyết: Hình ảnh, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày viết:
Bệnh sốt xuất huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Bệnh sốt xuất huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
5/5 - (1 bình chọn)

Sốt xuất huyết là một bệnh lý nguy hiểm có thể đe dọa đến sức khỏe của cộng đồng. Để các hiểu rõ hơn về bệnh này, mọi người cùng tham khảo bài viết dưới đây của Nhà thuốc online ITP Pharma nhé.

1, Bệnh sốt xuất huyết là gì?

Bệnh sốt xuất huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa
Bệnh sốt xuất huyết là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Sốt xuất huyết, hay còn có cái tên đầy đủ là sốt xuất huyết Dengue, là một bệnh truyền nhiễm cấp tính gây nên bởi một loại virus có tên là Dengue. Đây là một bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua con đường muỗi đốt. Trẻ em là những đối tượng dễ bị mắc sốt xuất huyết, có tỷ lệ mắc cao hơn cả người lớn.

Bệnh sốt xuất huyết đặc trưng bởi những biểu hiện trên cơ thể người bệnh như đau nhức mình mẩy, đau cơ và các khớp. Ở mức độ nhẹ, bệnh có thể chỉ gây nên tình trạng phát ban, sốt cao. Trường hợp nặng hơn,bệnh nhân có thể bị chảy máu, huyết áp tụt thấp đột ngột và người bệnh có nguy cơ tử vong một cách nhanh chóng.

2, Nguyên nhân gây bệnh

Tác nhân gây bệnh: Muỗi Aedes aegypti hay còn gọi là muỗi vằn được coi là véc tơ truyền bệnh chính của sốt xuất huyết. Muỗi Aedes aegypti là một loại muỗi vằn hoạt động chủ yếu vào ban ngày. Muỗi có hai giới đực và cái như chỉ có muỗi cái mới có khả năng đốt người và gây lây lan dịch bệnh. Khi muỗi cái Aedes đốt hút máu một bệnh nhân đã bị nhiễm virus Dengue trước đó, lượng virus này sẽ tồn tại 8-11 ngày trong cơ thể muỗi. Trong khoảng thời gian sau đó, muỗi sẽ có khả năng truyền bệnh cho mọi người. Ngoài ra, virus còn có khả năng tồn tại từ cơ thể muỗi này sang cơ thể muỗi khác.

3, Sinh lý bệnh

Sau khi bị muỗi đốt bệnh nhân có thể bị phát bệnh sốt xuất huyết sau 5- 13 ngày. Khi bị nhiễm virus Dengue, người bệnh thường không có biểu hiện rõ ràng. Một số trường hợp rõ ràng hơn nhưng biểu hiện thường nhẹ thường xuất hiện ở những người lần đầu nhiễm virus chưa có miễn dịch tự động trong cơ thể.

Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày sau khi tình trạng sốt đã ổn định (sốt là triệu chứng xuất hiện đầu tiên). Bên cạnh đó các phức hợp kháng nguyên-kháng thể lưu hành trong máu sẽ hoạt hóa hệ thống bổ thể và giải phóng các yếu tố có nguy cơ làm tăng tính thấm thành mạch.

Miễn dịch tăng cường bệnh: người ta thấy rằng những bệnh nhân lần đầu mắc bệnh sẽ có biểu hiện nhẹ nhàng và tiên lượng tốt hơn. Còn những đối tượng đã có tiền sử từng bị sốt xuất huyết sẽ có nguy cơ biểu hiện bệnh mức độ nặng, thậm chí có thể bị shock trong lần mắc bệnh tiếp theo.

Muỗi cái Aedes aegypti là vector truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue
Muỗi cái Aedes aegypti là vector truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue

4, Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

4.1. Triệu chứng lâm sàng

Hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc biểu hiện:

  • Bệnh nhân sốt cao một cách đột ngột, sốt kéo dài liên tục, sốt nóng, có thể kèm theo gai rét, tình trạng sốt của bệnh nhân có thể kéo dài từ 2 đến 7 ngày mới giảm dần.
  • Nhức đầu, choáng, mệt mỏi, đau vùng cơ và khớp, nhức hai hố mắt, cảm giác giật và mạch đập mạnh vùng thái dương.

Hội chứng xuất huyết:

  • Da biểu hiện xung huyết và phát ban trong những trường hợp nhẹ.
  • Trường hợp nặng hơn bệnh nhân có thể bị xuất huyết với các mức độ khác nhau tùy từng người như: xuất huyết ở da, niêm mạc, chảy máu chân răng, chảy máu mũi, các vết bầm xuất huyết lớn hoặc thậm chí bệnh nhân có thể bị xuất  huyết nội tạng.

Ngoài ra bệnh nhân có thể có các triệu chứng khác như đau tức vùng hạ sườn phải, gan to, ăn uống kém, buồn nôn, nôn, khó thở, shock,…

4.2. Triệu chứng cận lâm sàng

  • Xét nghiệm huyết học: Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi cần thực hiện hàng ngày hay cách ngày tùy kết quả để theo dõi tình trạng mất máu và đánh giá mức độ xuất huyết của bệnh nhân. Ngoài ra cũng cần làm xét nghiệm định nhóm máu để truyền máu cho bệnh nhân khi cần thiết.
  • Sinh hóa: Cần theo dõi sát các chỉ số men gan GOT, GPT, tình trạng điện giải, đường máu, xét nghiệm nước tiểu thường quy.
  • Xét nghiệm vi sinh: Trong 5 ngày đầu, bệnh nhân cần làm xét nghiệm NS1. Ngoài ra có thể làm thêm test Dengue (IgM,IgG), PCR Dengue.
  • Kiểm tra điện tâm đồ, siêu âm bụng tổng quát, chụp x- quang tim phổi để theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị.

Khi một bệnh nhân có biểu hiện đồng thời cả dấu hiệu giảm tiểu cầu và dấu hiệu cô đặc máu thì được phép chẩn đoán là mắc sốt xuất huyết dengue, Người ta thường phân mức độ bệnh theo tổ chức y tế thế giới WHO như sau:

  • Độ I: giảm tiểu cầu kèm theo tình trạng cô đặc máu nhưng bệnh nhân không có dấu hiệu chảy máu tự phát.
  • Độ II: giảm tiểu cầu và kèm theo tình trạng cô đặc máu, có dấu hiệu chảy máu tự phát.
  • Độ III: giảm tiểu cầu và kèm theo tình trạng cô đặc máu, huyết động bị rối loạn biểu hiện: mạch đập lăn tăn, huyết áp tụt và có thể bị kẹp, tay chân lạnh, rối loạn tri giác.
  • Độ IV: giảm tiểu cầu và cô đặc máu, có tình trạng shock biểu hiện: mạch yếu không bắt được, huyết áp không đo được.
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết
Triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết

5. Chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh người ta căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng và các yếu tố dịch tễ của bệnh nhân như sau:

Lâm sàng

Bệnh nhân có biểu hiện đầy đủ 2 hội chứng là:

  • Hội chứng nhiễm trùng nhiễm độc
  • Hội chứng xuất huyết

Cận lâm sàng:

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi thấy: những bệnh nhân sốt xuất huyết thường có dấu hiệu giảm bạch cầu. Giảm tiểu cầu xuống dưới 100.000/mm³. Tiểu cầu càng giảm nhiều thì nguy cơ xuất huyết càng cao, khi giá trị hematocrit của bệnh nhân tăng trên 20% so với giá trị bình thường thì chứng tỏ bệnh nhân đang có hiện tượng cô đặc máu. Cô đặc máu được coi là một tiêu chuẩn quan trọng để chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết. Nhiều trường hợp khi chỉ số Hematocrit của bệnh nhân tăng trên 45% thì có thể chẩn đoán..

Yếu tố dịch tễ: khai thác dịch tễ của bệnh nhân là một việc rất quan trọng. Những người sống tại vùng dịch hay từ đi qua vùng dịch và có các biểu hiện của bệnh thì có thể nâng cao giá trị chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết lên tỷ lệ chính xác cao hơn.

6. Điều trị bệnh sốt xuất huyết

Để thuận lợi cho việc kiểm soát và điều trị bệnh người ta thường tiến hành phân tầng bệnh nhân để xử trí như sau:

Tiêu chuẩn cho những bệnh nhân có thể điều trị tại nhà bao gồm:

  • Tất cả những bệnh nhân bị sốt xuất huyết toàn trạng ổn định và không cần thiết phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
  • Bệnh nhân xuất huyết độ I có thể bù dịch bằng đường uống mà chưa cần truyền dịch thay thế.
  • Bệnh nhân sốt xuất huyết độ II có khả năng bù dịch bằng đường uống và tình trạng xuất huyết, chảy máu nhẹ, không quá nghiêm trọng.

 Tiêu chuẩn cho những bệnh nhân cần nhập viện trong thời gian ngắn (12 đến 24 tiếng):

  • Tất cả những trường hợp sốt xuất huyết mà bệnh nhân nhất thiết phải bù dịch qua đường truyền tĩnh mạch.
  • Bệnh nhân sốt xuất huyết độ I và độ II nhưng không có khả năng bù dịch bằng đường uống.
  • Bệnh nhân sốt xuất huyết độ I hoặc độ II nhưng có kèm theo một số triệu chứng nguy hiểm khác như đau tức vùng thượng vị, hạ sườn phải hoặc những bệnh nhân thấy gan to nhanh.
  • Tất cả bệnh nhân bị sốt xuất huyết độ III.

Tiêu chuẩn cho những bệnh nhân cần nhập viện trong thời gian dài:

  • Tất cả bệnh nhân thuộc nhóm nhập viện trong thời gian ngắn đã tiến hành điều trị tại viện nhưng vẫn không đáp ứng sau khi đã bù dịch.
  • Bệnh nhân độ I hoặc độ II nhưng có thêm các yếu tố cơ địa dễ làm cho bệnh nặng hơn như  bệnh hen phế quản, dị ứng, tăng đường máu, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…
  • Bệnh nhân độ II hoặc độ III và có chảy máu quan trọng.
  • Tất cả bệnh nhân bị sốt xuất huyết độ IV.

Bệnh sốt xuất huyết đã có từ rất lâu trước đây nhưng cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này. Mục tiêu khi điều trị bệnh chủ yếu vẫn là điều trị các triệu chứng mà virus gây ra. Cụ thể một số cách điều trị triệu chứng như sau:

Bù dịch cho bệnh nhân:

  • Cho bệnh nhân uống Oresol hoặc cho uống các loại nước ép hoa quả, ăn cháo muối loãng
  • Khi cần thiết thì phải truyền dịch cho bệnh nhân theo hướng dẫn như sau:
  • Dịch truyền bao gồm: dung dịch Ringer lactat, dung dịch NaCl 0,9%. Căn cứ vào các kết quả xét nghiệm như hemoglobin, Hematocrit, điện giải(Na+/ K+)
  • Có thể truyền một số loại dung dịch cao phân tử  như dextran 40, 70, hydroxyethyl starch khi bệnh nhân có dấu hiệu shock mà  khi dùng các dung dịch như Ringer Lactate hay NaCl 0,9% không có đáp ứng.

Khi bù nước cho bệnh nhân qua đường tĩnh mạch các bạn phải lưu ý theo dõi và đề phòng tình trạng quá tải tuần hoàn cho bệnh nhân.

  • Truyền khối hồng cầu: Khi bệnh nhân bị xuất huyết nặng, chỉ số hematocrit giảm xuống thấp và nhanh.
  • Truyền khối tiểu cầu: Khi số lượng tiểu cầu của bệnh nhân giảm nhanh còn dưới 50G/L và tình trạng xuất huyết nặng vẫn đang xảy ra.
  • Truyền plasma tươi đông lạnh:  khi bệnh nhân có biểu hiện của tình trạng rối loạn đông máu và xuất huyết nặng.

Các triệu chứng khác:

  • Hạ sốt cho bệnh nhân bằng các biện pháp vật lý như nới lỏng quần áo, chườm mát. Hoặc sử dụng thuốc hạ nhiệt là paracetamol. Liều dùng cho người lớn từ 10 – 15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, đối với trẻ em thì không nên dùng quá quá 60mg/kg cân nặng/24h.
  • Hỗ trợ và nâng cao chức năng gan, thuốc an thần
  • Nếu bệnh nhân bị suy các tạng thì cần hỗ trợ tích cực tuần hoàn và hô hấp cho bệnh nhân qua máy móc tại khoa hồi sức tích cực.

Chỉ cho bệnh nhân xuất viện khi có đủ 2 yếu tố sau:

  • Hết sốt ít nhất 2 ngày, tinh thần tỉnh táo.  Các chỉ số mạch, huyết áp và nhịp thở bình thường
  • Số lượng tiểu cầu được hồi phục trên 50G/L

7. Phòng bệnh sốt xuất huyết như thế nào?

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Việc phòng bệnh có ý nghĩa rất quan trọng, phòng bệnh tốt không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của mỗi cá nhân mà còn góp phần bảo vệ cả cộng đồng.

Cách phòng bệnh đơn giản và mang lại hiệu quả tốt nhất hiện nay chính là diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng là một vector trong quá trình sinh sản của muỗi) và phòng chống muỗi đốt.

Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (loăng quăng) bằng cách:

  • Thả cá vào các vật chứa nước trong nhà hoặc các vật dụng có nguy cơ gây tích trữ, ứ đọng nước  như bể nước, giếng đào, chum, vại, lu, khạp… để cá ăn và diệt bọ gậy làm cho chúng không pháp triển thành muỗi được. Từ đó làm giảm lượng muỗi được sản sinh tại khu vực sinh sống.
  • Thu gom và tiêu hủy các loại vật dụng phế thải ở xung quanh nhà và khu vực sinh hoạt hằng ngày như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa, hốc cây…, dọn vệ sinh môi trường,… để làm giảm môi trường sống và sinh sản của muỗi.
  • Sau khi vệ sinh xong, lật úp và phơi khô các dụng cụ chứa nước như bát đũa, xoong, nồi, chậu,… khi không dùng đến.
  • Thay nước, thau rửa bể nước, chum, vại, lu, khạp hàng tuần hoặc 2 tuần/ lần, tránh để tình trạng nước bị lắng cặn nhiều hay để lá cây rơi vào phân hủy không hợp vệ sinh mà còn thu hút muỗi đến sinh sản.

Phòng chống muỗi đốt bằng cách:

  • Mặc các loại trang phục hay quần áo dài tay để giảm thiểu diện tích tiếp xúc của da với môi trường.
  • Ngủ trong mùng ngủ kể cả ban ngày. Việc ngủ màn sẽ giúp các bạn tránh được nguy cơ muỗi đốt khi ngủ. Ban ngày là thời gian muỗi hoạt động nhiều nên kể cả ngủ ban ngày các bạn cũng phải ngủ màn để tránh muỗi đốt nhé.
  • Dùng các sản phẩm như bình xịt diệt muỗi, hương đuổi muỗi, kem đuổi muỗi, vợt điện diệt muỗi… để tiêu diệt muỗi xung quanh.
  • Dùng các loại rèm che chuyên dụng, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.

Khi một vùng nào đó đã và đang xảy ra dịch thì cần tăng cường khẩn trương và kịp thời các biện pháp chống dịch, phun xịt thuốc diệt muỗi để làm giảm nhanh mật độ muỗi trong cộng đồng.

Trên đây là một số thông tin về bệnh sốt xuất huyết. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho các bạn. Xin cảm ơn các bạn đã quan tâm.

Xem thêm:

Hội chứng cường giáp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn