Hội chứng cường giáp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày viết:
Hội chứng cường giáp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
Hội chứng cường giáp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
5/5 - (1 bình chọn)

Tuyến giáp là một tuyến đảm nhiệm rất nhiều chức năng quan trong trong cơ thể. Vậy nếu bị cường giáp thì sẽ gây ra hậu quả thế nào, cách điều trị ra sao. Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này xin mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của Nhà thuốc online ITP Pharma nhé.

Hội chứng cường giáp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
Hội chứng cường giáp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị

1, Cường giáp là gì?

Cường giáp được định nghĩa là tình trạng tăng hoạt động chức năng quá mức của tuyến giáp dẫn tới sản xuất quá nhiều các loại hormon tuyến giáp (T3, T4). Khi các loại hormon này nhiều hơn mức bình thường sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng lên các cơ quan khác trong cơ thể như hệ tim mạch, mắt, thần kinh, tiêu hóa,…

Cường giáp không phải là một bệnh, đây là một hội chứng nói chung của tất cả các bệnh lý có tăng hormon tuyến giáp.

2, Nguyên nhân dẫn tới hội chứng cường giáp là gì?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng cường giáp và có một số trường hợp không xác định được rõ nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số nguyên nhân gây hội chứng cường giáp hay gặp hơn cả:

  • Bệnh Basedow: Đây là một bệnh lý hay gặp và dẫn tới cường giáp nhiều nhất. Basedow thực chất cũng là biểu hiện tình trạng tăng các loại hormon tuyến giáp. Đây là một bệnh lý tự miễn. Khi bị Basedow, trong cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra một lượng kháng thể kích thích tuyến giáp tăng sản xuất các loại hormon chức năng tại tuyến dẫn đến cường giáp.
  • Bệnh viêm tuyến giáp: Viêm tuyến giáp là bệnh có xuất hiện tổn thương viêm tại tuyến giáp do cơ thể bị nhiễm một số loại virus hoặc vi khuẩn, do các yếu tố miễn dịch trong cơ thể hoặc do dùng các loại thuốc gây ảnh hưởng tới tuyến giáp. Viêm tuyến giáp không phải một bệnh phổ biến, nhiều người không biết về bệnh này do đó bệnh thường bị bỏ qua. Chỉ đến khi bệnh viêm tuyến giáp diễn biến kéo dài mà không được điều trị dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, mọi người mới chú ý tới.
  • Do bệnh nhân sử dụng nhiều hormon như ở những người dùng thuốc giảm cân, những người sau khi cắt hoàn toàn tuyến giáp phải dùng hormon thay thế suốt đời. Điều này làm cho cơ thể hoạt động tăng hấp thu quá mức hormon giáp gây nên tình trạng cường giáp.
  • Bướu cổ hoặc u tuyến giáp: Người ta thấy ở những bệnh nhân bị bướu cổ và u tuyến giáp, lượng hormon tuyến giáp sẽ tăng nhanh một cách bất thường, tình trạng này kéo dài sẽ dẫn tới hội chứng cường giáp.
  • Chế độ ăn thừa iod: Yếu tố này gặp ở những người có chế độ ăn quá mặn. Iod có chức năng kết hợp với các hormon tuyến giáp. Do đó nếu lượng iod quá nhiều sẽ đòi hỏi tuyến giáp phải sản sinh nhiều hormone hơn, từ đó dẫn tới tình trạng cường giáp. Chính vì nguyên nhân này mà trong cách phòng tránh bệnh tuyến giáp, chế độ ăn giảm muối luôn được yêu cầu đầu tiên.
Nguyên nhân dẫn tới cường giáp là gì?
Nguyên nhân dẫn tới cường giáp là gì?

3, Sinh lý bệnh cường giáp

Bình thường tuyến giáp sản sinh ra hai loại hormon là T3 (triiodothyronine) và T4 (Thyroxine). Hai hormon này sẽ hoạt động riêng rẽ đảm bảo duy trì chức năng tuyến giáp một cách ổn định.

Trong hội chứng cường giáp, nồng độ của hormon T3 trong huyết thanh của bệnh nhân thường có xu hướng tăng lên nhiều hơn so với hormon T4. Nguyên nhân của tình trạng này có thể là do sự tăng tiết của hormon T3 cũng như có sự chuyển đổi T4 thành T3 trong các vùng tế bào mô ở khu vực ngoại vi. Ở một số bệnh nhân bị nhiễm độc T3 sẽ chỉ có dấu hiệu tăng T3 mà hormon T4 vẫn bình thường. Tình trạng nhiễm độc hormon T3 có thể xảy ra trong nhiều loại rối loạn gây nên hội chứng cường giáp như bệnh Basedow, bướu đa nhân tuyến giáp đơn thuần và nhân độc tuyến giáp tự trị chức năng. Nếu có tình trạng nhiễm độc T3 mà bệnh nhân không được điều trị thì cũng sẽ dẫn tới những bất thường về xét nghiệm, khi đó sẽ là biểu hiện cận lâm sàng điển hình của tình trạng cường giáp. Viêm tuyến giáp thường có một giai đoạn đầu biểu hiện cường giáp, sau đó lâu dần sẽ dẫn tới suy giáp.

4, Triệu chứng lâm sàng của hội chứng cường giáp là gì?

Trên lâm sàng người ta thường nhận thấy cường giáp có những biểu hiện đặc trưng như sau:

  • Biểu hiện trên hệ tim mạch: Hồi hộp đánh trống ngực, bệnh nhân cảm giác tim đập nhanh, khó thở chẹn ở ngực, có mạch đập trong lồng ngực (dấu hiệu mạch kích động), có thể cảm thấy đau tức ngực, khó thở. Ở những bệnh nhân cường giáp nhịp tim thường nhanh trên 100 chu kỳ/ phút ngay cả khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi. Khi gắng sức thì nhịp tim có thể tăng cao hơn nữa. Huyết áp của bệnh nhân cũng có xu hướng tăng nhưng chủ yếu là tăng huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu). Trong nhiều trường hợp, nhất là những người cao tuổi đã bị cường giáp kéo dài thì có thể gặp phải những rối loạn nhịp tim như xuất hiện ngoại tâm thu hay nhịp tim loạn hoàn toàn. Hậu quả cuối cùng có thể dẫn tới suy tim.
  • Sợ nóng: do mức chuyển hóa cơ bản của cơ thể cao, nhiều khi bệnh nhân cảm thấy bốc hỏa, thân nhiệt của những bệnh nhân bị cường giáp cũng cao hơn so với những người bình thường. Vì thế mà bệnh nhân cường giáp rất nhạy cảm với thời tiết hay yếu tố có tính nóng, không chịu được những nơi có nhiệt độ cao hay thời tiết nóng nực, có xu hướng thích đồ mát lạnh.
  • Biểu hiện trên hệ tiêu hóa: Bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng tiêu chảy kéo dài do nhu động ruột tăng hoạt động và co bóp mạnh hơn, đôi khi có thể gặp phân nát. Nhiều bệnh nhân có thể bị đau bụng, buồn nôn hay nôn.
  • Run tay: Triệu chứng run tay là một dấu hiệu hay gặp và khiến bệnh nhân không thể tự kiểm soát những hành động nhỏ, Tay bệnh nhân thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ. Bệnh nhân càng tập trung thì tình trạng run tay càng mạnh hơn.
  • Bướu cổ: vùng cổ, nơi chứa tuyến giáp có kích thước to hơn bình thường, nguyên nhân chính là do tuyến giáp bị phì đại để tăng thực hiện chức năng. Đây thường là các bướu lan tỏa lành tính, không đau. Nhiều trường hợp đặc trưng như trong bệnh basedow sẽ thấy có bướu mạch, có thể nghe thấy tiếng thổi tâm thu tại bướu.
  • Biểu hiện ở mắt: bệnh nhân cường giáp có thể giảm thị lực, hay gặp tình trạng mỏi mắt, cộm mắt, mắt lồi dần và thậm chí bệnh nhân có thể phù nề vùng mắt và quanh mắt.
  • Sụt cân: người bệnh cường giáp thường bị sụt cân nhiều từ vài cân cho tới vài chục cân, dù chế độ ăn vẫn như bình thường thậm chí bệnh nhân còn ăn nhiều hơn.
  • Đổ mồ hôi trộm: những bệnh nhân cường giáp thường bị ra mồ hôi nhiều, đặc biệt là ở vùng ngực và lòng bàn tay, bàn chân. Mồ hôi ra nhiều kể cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi và xu hướng nhiều hơn về đem khi bệnh nhân ngủ.
  • Thay đổi tính tình: những bệnh nhân cường giáp thường dễ bị kích thích, dễ cáu gắt, lo lắng, xúc động. Những yếu tố nhỏ cũng dễ làm bệnh nhân bị ảnh hưởng tâm lý.
  • Rối loạn giấc ngủ: người bệnh cường giáp hay bị khó ngủ, giấc ngủ ngắn hơn bình thường cho dù bệnh nhân mệt mỏi nhiều.
  • Yếu mệt: bệnh nhân mệt mỏi, giảm khả năng tập trung và làm các công việc gắng sức, người bệnh không muốn vận động nhiều.
Triệu chứng lâm sàng của hội chứng cường giáp
Triệu chứng lâm sàng của hội chứng cường giáp

5, Biến chứng của cường giáp

Hội chứng cường giáp khi được chẩn đoán và xử lý sớm sẽ ít gây ảnh hưởng tới người bệnh. Tuy nhiên nhiều khi người ta phát hiện khi các triệu chứng cường giáp đã rầm rộ hay một số bệnh nhân chủ quan không muốn điều trị thì sẽ có thể gặp một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Cơn nhiễm độc giáp cấp: Đây được coi là một tình trạng biến chứng nội khoa rất nặng, cần phải can thiệp cấp cứu ngay, nguy cơ tử vong cũng khá cao. Tình trạng này thường gặp ở những trường hợp những bệnh nhân sau phẫu thuật vùng tuyến giáp nhưng chức năng chưa phục hồi ổn định. Cũng có thể gặp sau các đợt điều trị bệnh tuyến giáp bằng iod phóng xạ liều cao hay ở những bệnh nhân nữ bị cường giáp đang tiến hành quy trình sinh thường, chấn thương, nhiễm trùng nhiễm độc nặng,… Khi bị nhiễm độc giáp cấp, bệnh nhân thường sốt rất cao dẫn tới tình trạng mất nước nặng, rối loạn ý thức, nhịp tim tăng rất nhanh có thể loạn nhịp, huyết áp tụt thấp, buồn nôn, nôn. Nặng hơn, bệnh nhân có thể bị phù phổi cấp. Ở những bệnh nhân nhiễm độc giáp cấp, các hormon tuyến giáp tăng rất cao và có xu hướng ngày càng tăng cao hơn.
  • Biến chứng trên hệ tim mạch: Bệnh nhân có biểu hiện loạn nhịp nhanh như rung nhĩ, cuồng nhĩ nhưng ít khi gặp phải tình trạng rung thất. Nặng hơn bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng suy tim, có thể suy tim 1 bên ở giai đoạn đầu hoặc suy tim toàn bộ ở giai đoạn sau.
  • Biến chứng gây lồi mắt ác tính: Những bệnh nhân cường giáp quá nặng có thể bị lồi mắt rất nhanh, thậm chí nhãn cầu có thể bị đẩy hẳn ra bên ngoài gây tổn thương trực tiếp và dẫn tới mù mắt. Một số trường hợp gây tổn thương giác mạc rồi sau đó cũng gián tiếp gây giảm thị lực hoặc mù mắt.
  • Suy kiệt toàn thân: Ở những bệnh nhân già yếu rất dễ gặp biến chứng này. Toàn trạng bệnh nhân giảm sút rất nhanh.

6, Chẩn đoán hội chứng cường giáp như thế nào?

Việc chẩn đoán hội chứng này không quá khó khăn. Người ta chẩn đoán dựa trên các tiền sử bệnh lý trước đó, biểu hiện bệnh, khám lâm sàng và làm các xét nghiệm thường quy theo dõi chức năng tuyến giáp. Xét nghiệm đo nồng độ hormone TSH trong huyết thanh là một xét nghiệm hỗ trợ việc chẩn đoán tốt nhất do nồng độ hormon này giảm nhiều ở những bệnh nhân bị cường giáp (trừ các trường hợp bệnh nhân bị u tuyến yên tuyến yên hoặc có sự đề kháng tuyến yên với sự ức chế thông thường của hormon tuyến giáp).

Bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng như đã kể ở phần trên, người ta còn dựa vào một số kết quả cận lâm sàng sau để chẩn đoán xác định hội chứng cường giáp:

  • Nồng độ các hormon T3, T4, FT3, FT4 tăng cao
  • Nồng độ hormon TSH giảm
  • Đo độ tập trung iod phóng xạ thấy độ tập trung cao.

Chỉ cần những xét nghiệm trên kết hợp với triệu chứng của bệnh nhân là đã có thể chẩn đoán hội chứng cường giáp. Tuy nhiên ngày nay người ta còn có một số công nghệ hiện đại hơn như xạ hình tuyến giáp, siêu âm, chụp mạch,… cũng sẽ giúp bổ trợ cho việc chẩn đoán trong nhiều trường hợp khó hay bệnh nhân không điển hình.

Cách chẩn đoán hội chứng cường giáp
Cách chẩn đoán hội chứng cường giáp

7, Điều trị hội chứng cường giáp như thế nào?

Mục tiêu trong việc điều trị hội chứng cường giáp là phải đưa người bệnh về tình trạng bình giáp (trạng thái bình thường về chức năng của tuyến giáp) và duy trì tình trạng này trong một khoảng thời gian phù hợp, đồng thời kết hợp các phương pháp điều trị dự phòng và điều trị biến chứng cho bệnh nhân nếu có. Hiện nay có ba phương pháp điều trị cường giáp cơ bản là: điều trị nội khoa, phẫu thuật cắt tuyến giáp hoặc điều trị bằng các yếu tố phóng xạ.

7.1. Điều trị nội khoa

Người ta thường ưu tiên sử dụng các loại thuốc kháng giáp trạng tổng hợp. Gồm 2 nhóm chính như sau:

Phân nhóm thuốc kháng giáp thiouracil: bao gồm PTU (propyl thiouracil), MTU ( methyl thiouracin), BTU (benzyl thiouracil)

  • PTU: dạng viên hàng lượng 50mg: liều tấn công dùng 200- 400mg. Liều duy trì dùng 50-100mg.
  • BTU: dạng viên hàm lượng 25mg. Liều tấn công 100- 200g, liều duy trì 50- 100g.

Phân nhóm imidazol: gồm các thuốc như Methimazole 5mg, carbimazole 5mg.

Liều lượng và cách dùng:

Giai đoạn tấn công: điều trị trong khoảng 6 – 8 tuần.

  • Methimazole: 15 – 30mg/ngày, chia 2 lần;
  • Carbimazole 30- 45mg.

Giai đoạn điều trị duy trì: kéo dài khoảng 18 – 24 tháng.

Ở giai đoạn này, liều thuốc giảm dần mỗi 1 – 2 tháng dựa vào sự cải thiện của các triệu chứng.

  • Methimazole mỗi lần giảm 5 – 10mg; liều duy trì 5 – 10mg/ngày.
  • Carbimazole liều duy trì 5 – 10mg/ngày.

Mục tiêu sau mỗi đợt điều trị là phải đưa bệnh nhân về được trạng thái bình giáp, các triệu chứng lâm sàng giảm, xét nghiệm các hormon tuyến giáp giảm và nồng độ TSH trở về giá trị ban đầu. Tuy nhiên cần chú ý theo dõi một số tác dụng phụ của thuốc có thể làm cho bệnh nhân bị ngứa, buồn nôn, giảm bạch cầu,… Nếu tình trạng nhẹ thì không cần thiết phải dùng thuốc, nhưng nếu bệnh nhân phản ứng quá mạnh thì phải ngừng thuốc và chuyển sang phương pháp điều trị khác.

Ngoài ra trong điều trị ngoại khoa người ta còn có thể sử dụng thêm các loại iod vô cơ, thuốc chẹn beta giao cảm haowjc các thuốc an thần tùy từng trường hợp đẻ điều trị triệu chứng cho bệnh nhân.

Điều trị bằng iod phóng xạ:

Phương pháp này ưu tiên sử dụng cho các bệnh nhân tuổi cao, điều trị nội khoa không hiệu quả, thể trạng không cho phép phẫu thuật, tái phát sau khi điều trị nội khoa,… Nhưng cũng nên chú ý rằng phương pháp này ít được áp dụng với những người trẻ dưới 30 tuổi, những người đang mang thai hoặc cho con bú, những bệnh nhân bị biến chứng ở mắt nặng.

Phương pháp điều trị bằng iod phóng xạ sẽ mang lại kết quả sau 1- 3 tháng điều trị, giúp tuyến giáp nhỏ lại và làm giảm các loại hormon tuyến giáp.

Tuy nhiên có nhiều người mẫn cảm với iod phóng xạ sẽ không sử dụng được phương pháp này vì sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó khi thực hiện điều trị bằng iod phóng xạ cần theo dõi bệnh nhân cực kỳ sát sao, nhất là trong những ngày đầu.

7.2. Điều trị ngoại khoa: Phương pháp phẫu thuật

Điều trị ngoại khoa hội chứng cường giáp
Điều trị ngoại khoa hội chứng cường giáp

Phương pháp này thường dùng cho những bệnh nhân có tuyến giáp tăng kích thước quá mức, những bệnh nhân muốn điều trị nhanh để sớm có thai hay những người bị cường giáp nhiều biến chứng, chống chỉ định cho những bệnh nhân có rối loạn về tim mạch, hô hấp, những người không đảm bảo đủ thể trạng để phẫu thuật.

Trước khi điều trị phẫu thuật thì nên điều trị nội khoa để tình trạng cường giáp được ổn định hơn. Thời gian điều trị nội khoa trước phẫu thuật thường từ 2 đến 3 tháng.

Phẫu thuật có thể cắt tuyến giáp một phần hoặc cắt toàn bộ tuyến giáp tùy từng trường hợp. Nếu cắt toàn bộ tuyến giáp thì sau đó bệnh nhân phải dùng hormone bổ trợ suốt đời. Khi phẫu thuật bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số biến chứng như tổn thương dây thần kinh quặt ngược, suy giáp,…

8, Cách phòng chống hội chứng cường giáp

Để phòng tránh gặp phải tình trạng này chúng ta có thể thực hiện một số cách như:

  • Chế độ ăn hợp lý: Trong phòng ngừa hội chứng cường giáp, các loại thực phẩm giàu chất oxy hóa luôn được ưu tiên lựa chọn như:

Hoa quả: Các loại quả mọng nước như dâu tây, cà chua, cam, quýt, dưa hấu…

Rau xanh: các loại rau họ nhà cải như bắp cải, cải chíp, bông cải xanh,… có tác dụng cân bằng ổn định chức năng tuyến giáp, giảm các hoạt động quá mức của tuyến giáp phòng ngừa cường giáp.

Việc cung cấp thiếu hoặc thừa iốt đều có nguy cơ gây ra các bệnh lý về tuyến giáp. Do đó các bạn cần phải đảm bảo các bữa ăn hàng ngày cung cấp đủ lượng iod mà cơ thể cần. Đặc biệt những người có nguy cơ hoặc dấu hiệu bị cường giáp thì nên giảm lượng iốt trong khẩu phần ăn mỗi ngày,

  • Những người có tiền sử các bệnh lý tuyến giáp như viêm tuyến giáp, u tuyến giáp,… nên điều trị sớm và tái khám định kỳ để kiểm soát lượng hormon tuyến giáp không để tái phát tình trạng cường giáp.
  • Những người đã điều trị cường giáp cũng nên tái khám và làm lại xét nghiệm 3- 6 tháng/ lần để phòng nguy cơ tái phát bệnh.
  • Tăng cường luyện tập thể dục thể thao: việc luyện tập đều đặn sẽ giúp cho sức đề kháng của cơ thể tăng lên. Tránh được các nguy cơ bệnh tật nói chung và bệnh tuyến giáp nói riêng.

Trên đây là một số thông tin về hội chứng cường giáp và cách điều trị, phòng bệnh. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có cái nhìn tổng quan và chính xác hơn về hội hứuc cường giáp. Xin cảm ơn.

Xem thêm:

Tim thai yếu có sao không, Có ảnh hưởng đến thai nhi không?

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn