Bệnh trĩ ngoại là gì?
Bệnh trĩ ngoại xảy ra khi vị trí của búi trĩ ở dưới cơ thắt hậu môn, do các đám rối tĩnh mạch trĩ bị giãn quá mức gây đau đớn cho bệnh nhân, có thể gây tắc mạch trĩ. Trĩ ngoại phân biệt với trĩ nội dựa vào vị trí của búi trĩ, trĩ nội thì nằm trên cơ thắt hậu môn và ít gây biến chứng hơn trĩ ngoại. Trong các bệnh hậu môn trực tràng thì bệnh trĩ là bệnh thường gặp nhất, chiếm khoảng 25-40% dân số hay mắc cả ở nam và nữ.
Bệnh trĩ ngoại có mấy cấp độ?
Bệnh trĩ ngoại thường không phân độ cấp độ trĩ. Phân độ trĩ chỉ dùng cho trĩ nội.
Dựa vào từng trạng thái bệnh lý mà Bác sĩ sẽ có những đánh giá về tình trạng bệnh trĩ của bệnh nhân để đưa ra lời khuyên và biện pháp xử lý khác nhau cho bệnh nhân.
Với những người mới bị trĩ có các triệu chứng nhẹ sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị bằng các biện pháp nội khoa cùng với các biện pháp hỗ trợ điều trị như tập thể dục hay chế độ ăn uống hợp lý.
Với những bệnh nhân bị trĩ lâu ngày, mức độ tiến triển nặng thì có thể phải chỉ định bằng các phương pháp ngoại khoa hay phẫu thuật cắt trĩ.
Bệnh trĩ ngoại gây nên bởi nguyên nhân gì?
Chưa có nguyên nhân nào được cho là nguyên nhân chính xác gây ra bệnh, nhưng những yếu tố sau đây sẽ là yếu tố thuận lợi để gây ra bệnh trĩ ngoại:
- Tình trạng táo bón xảy ra trong thời gian dài: Khi bị táo bón người bệnh thường rặn nhiều hơn bình thường. Áp lực trong ống hậu môn tăng lên 10 lần khi rặn sẽ xuất hiện các búi trĩ nếu diễn ra lâu ngày. Búi trĩ sẽ tăng dần về kích thước và sa ra ngoài khi vượt quá giới hạn cho phép.
- Áp lực ổ bụng bị tăng lên: Những người hay làm công việc nặng và những người hay mắc các bệnh lý về đường hô hấp như ho nhiều, giãn phế quản hay viêm phế quản mạn dễ gây tình trạng tăng áp lực ổ bụng, gây giãn tĩnh mạch và tạo thành búi trĩ.
- Người bị bệnh tiêu chảy lâu ngày: Áp lực của ổ bụng sẽ tăng lên khi bệnh nhân đi đại tiện quá nhiều lần trong ngày hay rặn quá mức mỗi khi đi đại tiện, cũng sẽ làm cho áp lực ổ bụng tăng lên, dễ gây giãn tĩnh mạch trĩ.
- Người ít vận động: Người có thói quen ngồi quá nhiều hay đứng quá lâu trong nhiều ngày, gây tăng áp lực lên cột sống và hậu môn gây bệnh trĩ, táo bón…
- Khối u trực tràng hậu môn và vùng xung quanh: Khi khối u to lên sẽ tạo thành chướng ngại vật, làm cho các đám rối mạch trĩ căng phồng và giãn rộng lên tạo thành bệnh trĩ, do khối u chèn ép và cản trở tĩnh mạch hồi lưu như u vùng tiểu khung, mang thai..
- Chế độ ăn uống không khoa học: Ăn uống không khoa học, những người ăn ít rau xanh và ăn nhiều chất béo thường có tần suất mắc bệnh táo bón nhiều hơn người bình thường tạo yếu tố thuận lợi cho bệnh trĩ.
Dấu hiệu, triệu chứng của bệnh trĩ ngoại?
Các biểu hiện của bệnh mà bạn nên biết:
- Chảy máu: Đây là dấu hiệu đầu tiên và thường gặp nhất của bệnh. Mỗi người sẽ có đặc điểm khác nhau về số lần hoặc số lượng máu chảy. Có người thấy vài tia máu, vài giọt máu hoặc chỉ thấm giấy khi đi vệ sinh, thường xuất hiện sau khi đi táo bón.
- Sưng nề hậu môn: Sau khi búi trĩ sa ra ngoài hậu môn, có thể bị sưng to hoặc phù nề do mắc kẹt không co lên được khiến cho bệnh nhân thấy tức nặng ở hậu môn và có thể mót rặn.
- Đau: có thể do nứt hậu môn đi kèm với hiện tượng tắc mạch búi trĩ do các cục máu đông nhỏ gây ra. Bệnh nhân có thể bị viêm nhiễm, tăng tiết nhày và gây ngứa. Có thể đau âm ỉ liên tục hoặc đau dữ dội trong thời gian nhất định.
- Sau khi đi ngoài thấy có búi trĩ: Lúc đầu tiên búi trĩ xuất hiện nhưng có thể tự co lên được. Sau một khoảng thời gian, búi trĩ không tự thụt vào được do ngày càng tăng về kích thước, phải dùng tay nhét vào. Nếu không can thiệp thì búi trĩ có thể nằm ngoài thường xuyên và gây bất tiện khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt cũng như trong công việc.
- Thiếu máu: Mức độ và thời gian chảy máu ở mỗi người là khác nhau. Nếu bệnh nhân không điều trị kịp thời mà để hiện tượng chảy máu diễn ra trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu cấp hoặc mạn tính.
Các cách chữa bệnh trĩ ngoại hiện nay?
Trước khi có một quyết định can thiệp nào đó, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng và cần được đưa đến các chuyên khoa để được thăm khám kỹ. Các Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên và có chỉ định điều trị phù hợp cho từng người bệnh. Với bệnh trĩ, chỉ nên điều trị can thiệp khi bệnh đã ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Điều trị nội khoa tại nhà:
- Ngâm nước ấm là một phương pháp tốt để vệ sinh tại chỗ. Bệnh nhân nên ngâm nước ấm mỗi lần 15 phút và làm từ 2 tới 3 lần một ngày.
- Thuốc tại chỗ: Gồm các yếu tố chống viêm, trợ tĩnh mạch, thường ở dạng mỡ hoặc viên đạn, giúp bệnh nhân có cảm giác dễ chịu, giảm đau rát.
- Thuốc đường uống: thuốc có tác dụng chống viêm tại chỗ, chống tắc mạch và nhiễm khuẩn nhờ cơ chế tăng trương lực tĩnh mạch, bảo vệ mạch, dẫn xuất từ Flavonoid.
Xem thêm:
10 Thuốc điều trị Bệnh Trĩ Nội – Ngoại tốt nhất 2020 [Chuyên gia đánh giá]
Điều trị ngoại khoa:
- Bệnh trĩ có thể là trĩ bệnh hoặc là ảnh hưởng của bệnh khác gây ra. Vì vậy, trước khi can thiệp cần loại trừ những tổn thương thực thể khác ở vùng hậu môn trực tràng.
- Với trĩ nội: có nhiều biện pháp phẫu thuật khác nhau tùy thuộc vào từng mức độ của bệnh trĩ nội như: phẫu thuật Longo, thắt dây thun, phẫu thuật cắt trĩ, chích, đốt…
- Với trĩ ngoại: Khi búi trĩ gây ra những biến chứng như lở loét, nhiễm trùng nhiễm khuẩn hoặc tạo thành những cục máu đông, do hiện tượng tắc mạch thì mới có chỉ định can thiệp thủ thuật phù hợp. Một số thủ thuật xâm lấn được sử dụng:
- Tiêm xơ búi trĩ: Biện pháp này dùng để kích thích tăng sinh xơ hóa ở búi trĩ nhằm hạn chế biến chứng búi trĩ bị sa hoặc xuất huyết.
- Dùng vòng cao su để thắt búi trĩ: Nhằm cản trở dòng máu tới búi trĩ, gây thiếu máu tại chỗ và búi trĩ sẽ bị hoại tử sau khoảng 5 tới 7 ngày. Biện pháp này cần dùng tới ống nội soi để đưa vòng cao su vào cổ búi trĩ và thắt chặt lại.
- Áp lạnh: Dùng nitơ lỏng hóa băng búi trĩ gây hoại tử, sau khoảng 6 tới 8 tuần tới búi trĩ sẽ bị hoại tử nhiều hơn, dần xơ hóa và rụng hẳn.
Ngoài ra khi búi trĩ bị sa ra ngoài hoàn toàn và đã gây biến chứng thì các Bác sĩ sẽ chỉ định biện pháp phẫu thuật. Các kỹ thuật thường được áp dụng: Phẫu thuật cắt trĩ khâu kín, phẫu thuật Whitehead, phẫu thuật Milligan Morgan và phẫu thuật cắt trĩ dưới niêm mạc.
Những triệu chứng khó chịu có thể giảm bớt bằng những cách sau:
- Giữ vệ sinh hậu môn: là việc đơn giản nhưng có ý nghĩa rất lớn giúp giảm triệu chứng cho người bệnh. Sau mỗi lần đi vệ sinh, người bệnh cần vệ sinh sạch sẽ bằng nước ấm và xà phòng phù hợp, lau khô và mặc đồ thoáng mát giúp giảm ngứa và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn.
- Thay đổi tư thế khi đi vệ sinh: Tư thế được khuyến cáo là ngồi xổm sẽ giúp đẩy khối phân ra ngoài dễ dàng hơn.
Ngoài ra có thể dùng một vài vị thuốc dân gian giúp cải thiện triệu chứng của bệnh:
– Dùng lá rau diếp giúp kháng khuẩn chống viêm:
- Cách 1: Rau diếp có thể dùng để ăn sống thay rau, hoặc xay lấy nước ép uống.
- Cách 2: Ngâm nước muối pha loãng với khoảng 40 gram lá rau diếp, sau đó cho lá vào nước rồi đun sôi trong khoảng 15 phút. Dùng nước đó xông và rửa hậu môn khi nước bớt nóng.
– Dùng lá cây bỏng: có tác dụng tiêu độc, tiêu viêm và hoạt huyết.
- Cách 1: Lấy 6g rau sam + 6g lá bỏng rửa sạch, hằng ngày sắc lấy nước uống.
- Cách 2: Lấy 10g lá trắc bá + 10g cỏ nhọ nồi + 10g ngải cứu + 30g lá bỏng, hằng ngày sắc lấy nước uống.
Cách phòng ngừa bệnh trĩ.
Tăng chất xơ trong khẩu phần ăn: Chất xơ giúp kích thích tiêu hóa, tăng nhu động ruột nên cần duy trì cách điều độ trong chế độ ăn hàng ngày.
Vận động thể dục thể thao thường xuyên: Mỗi người mỗi ngày nên tập khoảng 20-30 phút giúp lưu thông khí huyết, giảm stress, tăng cường trao đổi chất và giúp cải thiện hệ tiêu hóa.
Tạo thói quen đi vệ sinh hàng ngày: Nguy cơ mắc bệnh trĩ sẽ tăng lên đáng kể ở những người có thói quen nhịn đi vệ sinh, tăng nguy cơ bị táo bón. Nó sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh trĩ xuất hiện. Nên tập thói quen đi vệ sinh vào một giờ trong ngày và tốt nhất là vào buổi sáng. Nên dành khoảng thời gian phù hợp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt nhất.
Cẩn trọng với biến chứng của bệnh trĩ ngoại.
Bệnh trĩ ngoại khi không được can thiệp kịp thời có thể gây ra những biến chứng, Thường gặp nhất là biến chứng khi đi đại tiện sẽ thấy hiện tượng chảy máu. Khi để càng lâu búi trĩ càng lớn dần do tĩnh mạch ngày càng bị giãn rộng. Cuối cùng sẽ xuất hiện búi trĩ thò ra ngoài gây đau nhức, ẩm ướt do tăng xuất tiết, khó chịu khi đi lại. Nếu không can thiệp kịp thời, búi trĩ có nguy cơ cao nhiễm trùng tại chỗ, lở loét và có thể gây nhiễm khuẩn huyết gây nguy cơ tử vong cho người bệnh. Vì vậy, việc thăm khám thường xuyên và có những can thiệp phù hợp là việc vô cùng cần thiết. Người nhà cần đưa người bệnh đi khám ngay khi phát hiện ra bệnh. Tránh để bệnh nặng hơn, gây đau đớn và mắc phải những biến chứng gây ảnh hướng tới chất lượng cuộc sống.
Bệnh trĩ ngoại có chữa được không? Có nguy hiểm không?
Bệnh trĩ nếu là trĩ bệnh thì không thể tự khỏi nếu không can thiệp vì nó là hiện tượng giãn các tĩnh mạch và ứ huyết kèm theo. Tuy nhiên, khi búi trĩ chưa phát sinh biến chứng, chưa gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của người bệnh thì các Bác sĩ sẽ không khuyến cáo không can thiệp y tế mà thay vào đó là thay đổi lối sống khỏe mạnh để hạn chế sự tiến triển của bệnh.
Ngoài việc thay đổi lối sống, người bệnh cần phải theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên vì búi trĩ có thể to dần lên, gây những biến chứng nguy hiểm như:
Thiếu máu mãn tính: Bệnh nhân có thể bị chảy máu tại búi trĩ khi đi đại tiện hoặc cọ ma sát với quần áo. Nếu tình trạng này kéo dài trong thời gian dài có thể gây thiếu máu mạn tính và nhiễm trùng kèm theo.
Trĩ nghẹt: mạch máu cung cấp cho búi trĩ bị cản trở do cơ thắt hậu môn co thắt mạnh, trĩ có thể nghẹt, dẫn đến hiện tượng phù nề, đau đớn và dẫn đến hoại tử mô.
Mọi thắc mắc xin liên hệ với ITP PHARMA qua tin nhắn hoặc hotline 08.5354.9696 để được giải đáp nhanh chóng.
bài viết rất hữu ích, cảm ơn bạn nha