Biểu hiện sốc nhiễm trùng ở thanh thiếu niên mắc COVID-19

Ngày viết:
Biểu hiện sốc nhiễm trùng ở thanh thiếu niên mắc COVID-19
Biểu hiện sốc nhiễm trùng ở thanh thiếu niên mắc COVID-19
Đánh giá post

Bài viết Biểu hiện sốc nhiễm trùng ở thanh thiếu niên mắc COVID-19 được dịch bởi Bác sĩ Đặng Thanh Tuấn từ bài viết gốc: Septic shock presentation in adolescents with COVID-19

Tìm hiểu về biểu hiện sốc nhiễm trùng ở những thanh thiếu niên mắc COVID-19

COVID-19 — đặc biệt đối với các trường hợp nghiêm trọng của bệnh như bệnh nhân có biểu hiện rối loạn chức năng cơ quan hoặc cần hỗ trợ cơ quan, hoặc cả hai — đã được chứng minh là hiếm khi ảnh hưởng đến trẻ em (0–18 tuổi).[1-3] Chúng tôi đã tìm kiếm tài liệu cho thấy một số ít báo cáo về bệnh nặng ở trẻ em với COVID-19, với trẻ em dưới 1 tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất; tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại về việc mô tả hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em có liên quan tạm thời với COVID-19.[4-6]

Đến ngày 30 tháng 4, 1199 xét nghiệm PCR (tất cả các loại mẫu, bao gồm cả phết hầu họng và mũi họng) đối với hội chứng hô hấp cấp tính nặng coronavirus 2 (SARS-CoV-2) đã được thực hiện ở trẻ em tại Geneva, Thụy Sĩ và 57 trẻ đã cho kết quả dương tính. Chúng tôi mô tả các đặc điểm lâm sàng của ba thanh thiếu niên (10– 12 tuổi) bị sốc nhiễm trùng, được xác định là nhiễm trùng nặng dẫn đến rối loạn chức năng tim mạch,[7] hai trong số đó có các dấu hiệu của viêm phúc mạc và hội chứng rối loạn chức năng đa cơ quan (MODS), và đáp ứng đủ định nghĩa cho hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em có liên quan tạm thời với COVID-19.[5,8] Tất cả đều được xác nhận nhiễm SARS-CoV-2.

Bệnh nhân đầu tiên là một nam thiếu niên 12 tuổi người gốc Tây Ban Nha bị béo phì và hen suyễn nhẹ. Bệnh nhân nhập viện với 1 ngày bị sốt, chảy nước mắt, ho, khó thở và đau đầu. Khám cho thấy bệnh nhân có biểu hiện ốm nhẹ nhưng không dấu nhiễm độc, còn cười và nói, sốt đến 39°C, thở nhanh với nhịp thở 34, nhịp tim nhanh đến 150 nhịp/phút (bpm), huyết áp bình thường là 109/52 và độ bão hòa oxy là 97% trong không khí trong phòng. Khám phổi cho thấy giảm thông khí hai đáy nhẹ mà không thở khò khè, tỷ lệ hít vào: thở ra tăng nhẹ mà không co lõm ngực, và không đáp ứng với thử nghiệm salbutamol. Phần còn lại của thăm khám cho kết quả bình thường. Trong thời gian bệnh nhân ở khoa cấp cứu, nhịp tim nhanh của bệnh nhân trở nên tồi tệ hơn đến 170 bpm và bệnh nhân có dấu hiệu sốc còn bù với lạnh đầu chi, thời gian nạp đầy mao mạch kéo dài trong 6 giây và nồng độ lactate tăng cao (4,1 mmol/L). Bệnh nhân đã được truyền dung dịch tinh thể (tổng cộng 60 mL/kg) với một đáp ứng thích hợp. Các xét nghiệm không cho thấy dấu hiệu viêm tăng cao nhưng lại cho thấy giảm bạch cầu. Chụp X-quang phổi không có gì đáng chú ý. PCR phết mũi họng SARS-CoV-2 dương tính. Trong 8 giờ sau đó, các dấu hiệu sinh tồn và sự tưới máu của bệnh nhân bình thường hóa và tình trạng của bệnh nhân được cải thiện. Cấy máu vô trùng. Chẩn đoán cuối cùng là sốc nhiễm trùng còn bù do COVID-19. Bệnh nhân trở về nhà nhưng đến khoa cấp cứu vào ngày thứ 3 với phát ban dát sẩn ngứa không đặc hiệu trên thân và cánh tay, không có triệu chứng toàn thân, được cho là do virus, có thể liên quan đến COVID-19. Bệnh nhân trở về nhà; điện thoại cho gia đình cho thấy không có biến chứng nào khác và BN không cần chăm sóc y tế thêm.

Bệnh nhân thứ hai là một nam 10 tuổi khỏe mạnh thuộc chủng tộc hỗn hợp (châu Á và da trắng) bị béo phì. Bệnh nhân nhập viện với 5 ngày sốt đến 40°C, ho, chảy nước mắt, nôn mửa và đau bụng. Khám thực thể cho thấy một bệnh nhân bị ốm nhưng không có biểu hiện nhiễm độc, còn nói chuyện nhưng lo lắng nhẹ, không dấu mất nước, nhịp tim nhanh đến 120 bpm, hạ huyết áp 85/50 mmHg, thở nhanh 36 và độ bão hòa oxy 89–95 % trên không khí trong phòng. Bệnh nhân bị giảm thông khí 2 đáy phổi và phế âm bình thường và không co lõm ngực. Bụng của bệnh nhân đề kháng lan tỏa, và phản ứng dội dương tính. Sốc hạ huyết áp được xử trí bằng truyền dung dịch tinh thể (tổng cộng 60 mL/kg), kháng sinh phổ rộng và hỗ trợ thuốc tăng co bóp với đáp ứng đầy đủ. Nồng độ lactate (4,0 mmol/L) và các dấu hiệu viêm tăng cao cùng với giảm bạch cầu lympho, và xét nghiệm chức năng gan cho thấy transaminase tăng nhẹ với bilirubin liên hợp tăng rõ rệt. Chức năng thận cho thấy suy thận cấp trước thượng thận. Hình ảnh CT cho thấy đông đặc thùy trên bên phải với tràn dịch màng phổi hai bên và viêm hồi – đại tràng với các dấu hiệu của viêm đoạn cuối hồi tràng và viêm ruột thừa phản ứng. Bệnh nhân được bắt đầu điều trị bằng hydroxychloroquine và azithro- mycin và phải thở máy không xâm nhập trong 5 ngày. Không cần can thiệp phẫu thuật. Cấy máu và nước tiểu vô trùng. PCR mũi họng tìm SARS- CoV-2, mycoplasma và chlamydia cho kết quả âm tính. Các xét nghiệm virus khác bao gồm viêm gan A, viêm gan B và viêm gan E, cytomegalo- virus, virus Epstein-Barr, HIV và adenovirus không cho thấy dấu hiệu của nhiễm trùng cấp tính. Nhiễm SARS-CoV-2 đã được xác nhận về mặt huyết thanh học. Chẩn đoán cuối cùng là sốc nhiễm trùng hạ huyết áp MODS liên quan đến COVID-19. Bệnh nhân đã được ra viện.

Bệnh nhân thứ ba là một nam thiếu niên da đen 10 tuổi khỏe mạnh trước đây bị béo phì, có biểu hiện sốc hạ huyết áp sau 7 ngày sốt, nôn mửa và đau bụng dữ dội. Khám cho thấy bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc, tỉnh táo và định hướng, thở nhanh với nhịp thở là 39, nhịp tim nhanh đến 117 bpm, hạ huyết áp tâm thu xuống 85 mmHg mặc dù đã bolus thể tích dung dịch tinh thể (20 mL/kg) trong quá trình chăm sóc trước khi nhập viện, và với độ bão hòa 98% trong không khí trong phòng. Kiểm tra phổi thì tốt nhưng bụng thì đau, có đề kháng. Nồng độ lactate của bệnh nhân tăng nhẹ (2,8 mmol/L). Hồi sức thể tích (tổng cộng 50 mL/kg dung dịch tinh thể), xử lý nhiễm trùng, điều trị kháng sinh phổ rộng, và hỗ trợ vận mạch được bắt đầu. X quang phổi ban đầu không có gì đáng chú ý. Kết quả xét nghiệm cho thấy dấu hiệu viêm tăng rõ rệt kèm theo giảm bạch cầu và bằng chứng của MODS, với suy thận cấp và ứ mật. Chụp CT cho thấy đông đặc lan tỏa hai bên, chủ yếu ở phía sau của thùy trên và thùy dưới (hình) và viêm hạch mạc treo mà không có bằng chứng về bệnh lý cần phẫu thuật. Các xét nghiệm virus khác bao gồm viêm gan A, viêm gan B và viêm gan E, cytome- galovirus, virus Epstein-Barr, HIV, adenovirus, rotavirus và virus đường hô hấp toàn diện bằng PCR cho thấy không có dấu hiệu của nhiễm trùng cấp tính. Nhiễm SARS-CoV-2 đã được xác nhận về mặt huyết thanh học. Tình trạng hô hấp của bệnh nhân ngày càng xấu đi mặc dù được thở máy không xâm nhập và được đặt nội khí quản. Bệnh nhân được bắt đầu điều trị bằng hydroxy- chloroquine và azithromycin, vì nghi ngờ có cơn bão cytokine, đã bắt đầu điều trị bằng anakinra. Chức năng thận suy giảm, do tổn thương thận trước và thận, và bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo. Siêu âm tim vào ngày thứ 8 của nhập viện cho thấy phình động mạch vành trước bên trái và động mạch vành phải, với điểm số Z lần lượt là 4,53 và 3,30. Bệnh nhân sau đó đã được chuyển ra khỏi phòng chăm sóc đặc biệt, nhưng vẫn nằm viện.

Hình 1. Hình ảnh CT phổi của bệnh nhân thứ 3 cho thấy đông đặc hai bên lan tỏa chủ yếu nằm ở phần sau của thùy trên và thùy dưới
Hình 1. Hình ảnh CT phổi của bệnh nhân thứ 3 cho thấy đông đặc hai bên lan tỏa chủ yếu nằm ở phần sau của thùy trên và thùy dưới

Mặc dù bệnh nhi mắc COVID-19 được báo cáo chủ yếu chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ hoặc trung bình, COVID-19 và MODS nguy kịch có thể xảy ra ở trẻ em. Những đứa trẻ như vậy có thể đến gặp bác sĩ chăm sóc ban đầu hoặc khoa cấp cứu, tương tự như những bệnh nhân được mô tả trước đây, không giống như người lớn,[2] có triệu chứng hô hấp nghèo nàn nhưng trong tình trạng sốc nhiễm trùng hoặc với các dấu hiệu bụng rõ rệt giống như viêm phúc mạc.

Một báo cáo được công bố gần đây5 đã cảnh báo cộng đồng y khoa về hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em có liên quan tạm thời với COVID-19, được định nghĩa là sốt, viêm và bằng chứng về rối loạn chức năng một cơ quan hoặc nhiều cơ quan, sau khi loại trừ các nguyên nhân vi khuẩn khác, với xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính hoặc âm tính. Hội chứng này có các đặc điểm chung với các tình trạng viêm nhiễm ở trẻ em khác bao gồm bệnh Kawasaki, hội chứng sốc nhiễm độc do tụ cầu và liên cầu, nhiễm trùng huyết do vi khuẩn và hội chứng kích hoạt đại thực bào, và cũng có thể biểu hiện với các triệu chứng bất thường ở bụng với nhiều dấu hiệu viêm. Bệnh nhân thứ hai và thứ ba đáp ứng định nghĩa cho hội chứng viêm đa cơ quan trẻ em liên quan tạm thời với COVID-19. Bệnh nhân đầu tiên, mặc dù có biểu hiện sốc còn bù theo quy định của hướng dẫn quốc tế, [7] bệnh nhân không đạt tiêu chuẩn cho hội chứng; bệnh nhân này có thể đã mắc nhiễm vi-rút COVID-19 cấp tính, nghiêm trọng nhưng, không giống như bệnh nhân thứ hai và thứ ba, các triệu chứng không trở nên tồi tệ hơn thấy từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 của bệnh.[9-12] Mặc dù thực tế là 35–50% trẻ em trong tình trạng nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng không tìm thấy sinh vật lây nhiễm,[13,14] chúng tôi tin rằng thời gian nhập viện của bệnh nhân và xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 của họ cho thấy rõ ràng mối quan hệ nhân quả.

Tất cả ba bệnh nhân được báo cáo ở đây đều có chỉ số khối cơ thể lớn hơn phân vị thứ 97 theo độ tuổi, điều này làm dấy lên nghi vấn béo phì như một yếu tố nguy cơ gây bệnh nặng, như được báo cáo trong các nghiên cứu dành cho người lớn.[15] Ngoài ra, liệu sự nổi lên của các triệu chứng bụng và tỷ lệ ứ mật hơn là tổn thương gan được giải thích là do sự biểu hiện cao hơn của thụ thể men chuyển 2 trên tế bào biểu mô đường tiêu hóa và trên tế bào ống mật chứ không phải trên tế bào gan vẫn chưa được xác nhận.[16-20] Những bệnh nhân này như một lời nhắc nhở cho các bác sĩ lâm sàng nhận thức về bệnh nặng và hội chứng viêm đa cơ quan ở trẻ em mới được mô tả có liên quan tạm thời với COVID-19, khi họ đánh giá bệnh nhân nhi.

Tôi là Bác sĩ Mai Thanh Huyền, tốt nghiệp hệ chính quy đại học Y Hà Nội. Tôi có kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu kiến thức lâm sàng, chăm sóc giảm nhẹ và giáo dục y tế. Ngoài công việc tại bệnh viện, tôi cũng là tác giả tại Health Education Assets Library (Heal Central). Tôi luôn muốn đem những kiến thức y học, sức khỏe tới gần hơn với người bệnh.
BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn