Các giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh và một số lưu ý chăm sóc trẻ

Ngày viết:
Các giai đoạn phát triển của trẻ qua từng tháng
Các giai đoạn phát triển của trẻ qua từng tháng
5/5 - (1 bình chọn)

Tìm hiểu về các giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh là một trong những nhu cầu cơ bản của bố mẹ để tìm cách chăm sóc con hợp lý nhất.

Hiểu được tâm lý đó. Trong bài viết dưới đây, Nhà thuốc online ITP Pharma sẽ cung cấp cho các bậc phụ huynh những thông tin cần thiết về sự phát triển chung của trẻ nhỏ trong 1 năm đầu đời.

1. Trẻ sơ sinh phát triển như thế nào?

Trong một năm đầu đời, trẻ sơ sinh sẽ phát triển rất nhanh, có thể nhận thấy được sự thay đổi rõ rệt qua từng tháng. Lúc này, trẻ sẽ dần học cách quan sát, khám phá, tìm hiểu về mọi thứ lạ lẫm xung quanh và tạo ra những mối liên kết cảm xúc với mọi người, đặc biệt là bố mẹ và người thân. Thời gian này, chăm sóc trẻ cần nhất là sự kiên nhẫn để theo dõi và hỗ trợ trẻ hoàn thiện các kỹ năng đầu tiên.

Về chế độ sinh hoạt, trẻ nhỏ ở giai đoạn này thường có thói quen ngủ nhiều giấc ngắn trong ngày, và thời gian ngủ cũng nhiều, có thể lên tới 18 tiếng/ ngày trong những tuần đầu tiên. Quan trọng nhất là các mẹ nên đảm bảo giấc ngủ ban đêm cho con đủ 10 tiếng để tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của các bé.

Khoảng thời gian này, các chuyên gia đưa ra nhận định, sự phát triển của số đo vòng đầu và chiều cao quan trọng hơn cân nặng của trẻ. Vì thế các mẹ không nên quá lo lắng về cân nặng của con, chỉ số này sẽ tăng nhanh trong những năm tiếp theo.

Trẻ sơ sinh phát triển như thế nào?
Trẻ sơ sinh phát triển như thế nào?

2. Các giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu tiên

Lật – cột mốc phát triển đầu tiên của trẻ

Từ tháng thứ 4, hầu hết các bé sẽ bắt đầu biết lật người từ nằm ngửa sang sấp và ngược lại. Sau đó 1 đến 2 tháng, cơ bụng của bé đã đủ khỏe, từ đó bé có thể lật liên tục để di chuyển cơ thể.

Trườn, bò – đánh dấu sự thay đổi quan trọng trong hoạt động của bé

Trẻ nhỏ có thể tập cách nâng đầu lên và đỡ ngực bằng cánh tay từ tháng thứ 2, đây là cơ sở cho động tác trườn, bò. Bé tập trườn, bò từ tháng thứ 7 sau khi thành thạo động tác lật. Đến tháng thứ 9, bé sẽ hoàn thiện kỹ năng này, giúp cơ bắp khỏe hơn để chuẩn bị cho động tác đứng lên.

Ngồi – giai đoạn phát triển đáng khích lệ của trẻ

Cơ thể bé có thể ngồi nếu được hỗ trợ từ cuối tháng thứ 2. Đến 6 tháng tuổi, bé có thể tự ngồi mà không cần duy trì hỗ trợ. Sau 10 tháng, bé có thể tự chuyển từ nằm sang ngồi một cách thành thạo.

Đứng – sự thay đổi quan trọng trong giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh

Đây là cơ sở trước khi bé cố gắng thực hiện những bước đi đầu tiên. Chân bé có thể đủ chắc để đứng được khi có hỗ trợ từ tháng thứ 6. Sau 9 tháng, đa số các bé có thể tự vịn vào các chỗ cố định để tự đứng dậy.

Bắt đầu bước đi – bước phát triển vượt bậc của các bé

Từ tháng thứ 10, bé bắt đầu tập vịn vào đồ vật lần từng bước đi. Cuối tháng 11, bé sẽ cố gắng bước đi với sự hỗ trợ của người lớn. Đến khoảng 1 năm tuổi, trẻ sẽ bắt đầu tự bước những bước đầu tiên.

Tập nói giúp trẻ làm quen với thế giới xung quanh

Trong tháng thứ 2, bé bắt đầu phát ra những âm thanh đơn giản đầu tiên. Nếu người lớn kiên nhẫn nói chuyện với bé nhiều, đến tháng thứ 6, bé sẽ bắt đầu xâu chuỗi các nguyên âm và phụ âm với nhau. Đến 9 tháng tuổi, nhiều bé sẽ nói được những từ có nghĩa đầu tiên như “ba”, “mẹ” nhưng vẫn còn ngọng.

Mọc răng – cột mốc phát triển các bà mẹ cần chú ý

Hai chiếc răng cửa đầu tiên của trẻ sẽ mọc trong khoảng tháng thứ 6. Từ đó đến tháng thứ 9, trẻ sẽ mọc được 4 răng cửa ở giữa. Trong thời gian mọc răng, trẻ thường quấy khóc, khó chịu, vì vậy bố mẹ cần hiểu cho tâm lý của trẻ và có cách chăm sóc phù hợp.

2, Sự phát triển của trẻ sơ sinh theo từng tháng tuổi

1 tháng tuổi

Lần đầu nhận thức về thế giới nên thời gian này em bé rất nhạy cảm với mọi sự việc diễn ra xung quanh mình. Vì thế trẻ rất dễ bị giật mình bởi tiếng động lạ hoặc ánh sáng đột ngột trong lúc ngủ. Bố mẹ nên giữ cho trẻ một không gian yên tĩnh và kéo kín rèm. Em bé dưới 1 tháng tuổi dành hầu hết thời gian để ngủ khi không bú mẹ, khi ngủ đầu có xu hướng nghiêng sang một bên.

Lúc này bé cũng bắt đầu biết nhận thức các bộ phận trên cơ thể mình, chăm chú theo dõi mọi người, đặc biệt là người mẹ. Bé có phản xạ hướng mắt về phía có âm thanh hoặc cử động. Nhiệm vụ quan trọng nhất của bé trong thời gian này là ăn và ngủ nên cử động của trẻ còn hạn chế. Thời gian này bé có thể nắm chặt các ngón tay, xoay đầu sang 2 bên nhưng đầu vẫn chưa thể nâng lên hạ xuống.

Cho đến 3 tháng tuổi, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cần thiết và đầy đủ cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, nếu trường hợp bé không được ở cạnh mẹ hoặc người mẹ không đủ sữa, có thể dùng sữa công thức cho trẻ bú. Ngoài ra, các chuyên gia đã đưa ra lời khuyên không nên cho trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi uống bất kỳ thứ gì khác ngoài sữa, kể cả nước lọc. Bé 1 tháng tuổi mỗi lần sẽ uống khoảng 30ml sữa, nên cho bé bú mỗi 2-3 giờ một lần.

2 tháng tuổi

Qua 1 tháng, trẻ sẽ cứng cáp hơn rất nhiều so với lúc mới sinh nếu được chăm sóc đúng cách. Thời gian này não bé bắt đầu phát triển mạnh mẽ và thường xuyên có phản xạ với những tác động từ bên ngoài. Các bé đã biết cười khi thấy thích thú, bắt đầu phát ra những âm thanh đầu tiên và huơ chân tay liên tục.

Bé bắt đầu nhận thức rõ hơn về mọi thứ xung quanh nên bố mẹ có thể kích thích sự phát triển não bộ của bé bằng các đồ chơi nhiều âm thanh và màu sắc. Nên chú ý chọn những loại đồ chơi chất liệu an toàn cho trẻ nhỏ.

Tiếp tục duy trì dinh dưỡng cho trẻ bằng sữa mẹ mỗi 2-3 giờ một lần. Từ tháng thứ 2, trẻ có thể hấp thụ từ 60-120ml sữa mỗi lần được cho bú. Người mẹ cũng nên ăn uống khoa học để có đủ sữa cho con.

3 tháng tuổi

Đây là một mốc thời gian quan trọng khi hầu hết các bé bắt đầu tập lẫy. Tuy nhiên vẫn có những bé sẽ tiến đến giai đoạn này muộn hơn, điều này là hoàn toàn bình thường nên bố mẹ không cần quá lo lắng. Bố mẹ có thể hỗ trợ bé bằng cách cho con nằm sấp để 2 tay cứng cáp hơn. Thời gian này bé có thể biếng ăn khi bắt đầu tập lẫy nhưng đây là một giai đoạn sinh lý bình thường, bố mẹ cần kiên nhẫn với con và không nên ép trẻ ăn.

Các phản ứng của bé lúc này sẽ thuận theo quy luật nhiều hơn, bố mẹ có thể đoán trước được. Khả năng bày tỏ cảm xúc của bé cũng tốt hơn nên có thể để ý được lúc bé đói, lúc bé muốn ngủ hoặc muốn chơi. Bé bắt đầu nhận thức được mối liên kết với mọi người, bố mẹ hãy thường xuyên thể hiện tình cảm với bé bằng cách ôm hôn, vuốt ve.

Về chế độ dinh dưỡng, thời gian này sữa mẹ vẫn đáp ứng được nhu cầu của con, bé cũng còn quá nhỏ để cho ăn dặm. Vì vậy, các mẹ nên duy trì cho con bú với lượng sữa tương tự tháng thứ 2.

4 tháng tuổi

Ở tháng thứ 4, bé bắt đầu hình thành nên tính cách đặc trưng của mình, có thể nhận biết qua những hành động và cảm xúc lặp đi lặp lại của con. Bé bắt đầu chăm chú hóng chuyện và nói chuyện với người lớn theo từ điển riêng của bé. Khoảng thời gian này, bé sẽ tiếp thu tất cả những gì mà người lớn làm xung quanh mình, nên hành động của người lớn ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển tư duy cảm xúc của trẻ.

Trẻ sơ sinh 4 tháng tuổi bắt đầu biết lật. Nếu có không gian để tập luyện, bé nhà bạn sẽ sớm cứng cáp hơn. Bé cũng sẽ sử dụng cách lật liên tục để khám phá nhiều thứ mới trong tầm di chuyển của mình. Bố mẹ nên cho con tự chơi đùa ở những chỗ sàn nhà rộng và an toàn, có thể đặt thêm đồ chơi ở xung quanh để bé khám phá.

Từ tháng thứ 4 bố mẹ có thể cho bé ăn dặm bên cạnh sữa mẹ, dần thay đổi chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Nhưng tùy sự phát triển của từng bé mà bố mẹ nên bắt đầu cho con ăn dặm vào thời điểm thích hợp. Lúc này tiêu hóa bé còn yếu, chỉ nên cho bé ăn dặm 1 lần/ ngày. Một số gợi ý cho khẩu phần ăn dặm của bé: bột gà bí đỏ, bột cá rau dền, bột đậu hũ bí xanh, bột thịt gà khoai lang. Thức ăn cho bé phải đảm bảo độ nhuyễn để con có thể hấp thu hoàn toàn. Bố mẹ nên cho con ăn 1 món trong ít nhất 3 ngày rồi mới chuyển món.

5 tháng tuổi

Đến 5 tháng tuổi, trẻ sẽ biết cách thu hút sự chú ý của mọi người xung quanh bằng cách bi bô vài từ quen thuộc hoặc cười lớn, thậm chí là khóc ré lên. Bé bắt đầu phát triển khả năng nhận biết mọi vật rất nhanh ở thời gian này. Bố mẹ nên kết hợp giữa tạo không gian an toàn cho con tự khám phá và giao tiếp với con.

Ở tháng thứ 5, bé con đã có thể giữ thẳng lưng khi bố mẹ đỡ bé ngồi dậy. Bé sẽ thường cố gắng với lấy những vật ở gần tầm tay để khám phá. Lúc này bố mẹ hãy thử thách con một chút bằng cách đặt đồ vật xa hơn tầm với của trẻ.

Để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ, mẹ hãy duy trì cho bé bú hoặc uống sữa công thức từ 830-1330ml/ ngày. Trẻ càng lớn, số lần uống sữa trong ngày có thể giảm xuống bằng cách tăng dần lượng sữa mỗi cữ. Kết hợp với đó là tập cho con ăn dặm đa dạng các món hơn.

6 tháng tuổi

Giai đoạn này hầu hết các bé sẽ tập trung khám phá mọi thứ bằng miệng. Bé có thể vô tư mút các đầu ngón tay, ngón chân của mình hoặc bố mẹ. Bé cũng có thói quen đưa mọi thứ mới lạ vào miệng, nên bố mẹ cần rất chú ý.

Đây là một giai đoạn quan trọng khi chân bé đủ cứng cáp để đứng lên một chút nhờ sự trợ giúp của bố mẹ. Bố mẹ có thể dành thời gian để tập cho con giữ thăng bằng.

6 tháng tuổi cũng là thời gian bé bắt đầu mọc răng, nên bố mẹ hãy thường xuyên kiểm tra lợi bé để phát hiện sớm những bất thường. Thời gian này có thể bé dễ quấy khóc nên bố mẹ cũng cần kiên nhẫn với con.

Theo các chuyên gia, đây là thời gian thích hợp nhất để cho các bé ăn dặm. Tuy vậy, một số bé có thể ăn dặm từ tháng thứ 4. Các mẹ nên tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe để lựa chọn khẩu phần dinh dưỡng thích hợp cho con.

7 tháng tuổi

Đây được xem là thời kỳ chuyển tiếp khi bé đã bắt đầu cứng cáp và nhận thức tốt hơn rất nhiều. Thói quen sinh hoạt của bé trong thời gian này sẽ có thể bị đảo lộn do tính hiếu động và bướng bỉnh của bé. Các bé sẽ quấy khóc nhiều hơn khi không vừa ý, chán ăn hoặc khi muốn vòi vĩnh, bố mẹ cần kiên nhẫn, đồng thời học cách nói “không” với con.

Các kỹ năng vận động của bé sẽ dần thành thục hơn nhiều. Bé có thể tự ngồi chơi một mình hay đứng bám vào thành tường. Nhiều trường hợp bé chưa biết bò nhưng có thể dùng nhiều cách để tự di chuyển loanh quanh trong nhà. Bé lúc này sẽ không thích bị đặt vào cũi hay xe đẩy quá lâu mà muốn tự do khám phá.

Từ tháng thứ 7, các bé đã có thể ăn 2 bữa chính trong ngày bên cạnh bú sữa mẹ. Bố mẹ nên đa dạng khẩu phần ăn của bé và tập cho bé ăn rau xanh, các loại trái cây. Các rau củ luộc mềm có thể dùng cho bé tập nhai. Tránh cho trẻ ăn các thực phẩm dễ hóc như đậu phộng, nho, …

8 tháng tuổi

Các bé 8 tháng tuổi sẽ trở nên cực kỳ hiếu động và ham học hỏi, bé sẽ không chịu ngồi yên quá lâu, hầu như liên tục hoạt động. Thời gian này bố mẹ nên kích thích tính tò mò của bé bằng những câu chuyện kể và trò chơi sáng tạo. Bé đã biết phối hợp chân tay và bắt đầu tập bò. Bé cũng có thể vịn vào xung quanh để đứng lâu hơn.

Nhu cầu thể hiện mong muốn của bé rất lớn nhưng chưa thể nói chuyện nên bố mẹ cần rất để ý đến bé để hiểu con muốn gì. Bé thường ê a nói chuyện và có cách phát âm rất đặc biệt. Dần dần bé sẽ học được cách kết nối các từ có nghĩa. Bố mẹ nên nói chuyện với con nhiều để bé có cơ hội học “từ vựng” từ sớm.

Từ 8 tháng tuổi, do trong sữa mẹ không có lượng sắt đáp ứng đủ, và nguồn sắt dự trữ trong cơ thể bé khi ở trong bụng mẹ cũng không có nhiều nên bố mẹ nên bổ sung thịt băm vào khẩu phần ăn của bé. Thịt là nguồn cung cấp sắt dồi dào và cũng là nguồn dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.

9 tháng tuổi

Các bé 9 tháng tuổi đã đủ cứng cáp để di chuyển bằng mọi cách mà bé muốn. Bé có thể trườn, bò và cố gắng leo trèo khắp mọi nơi. Thời gian này bé cũng có thể tự lần theo vị trí bám đi những bước đầu tiên. Vì bé đã có khả năng di chuyển thành thạo nên bố mẹ cần chú ý đến các con và những vật nguy hiểm có thể nằm trong tầm với của bé. Trẻ sơ sinh thường rất tò mò với mọi thứ, không có khả năng phân biệt những thứ có hại.

Về khả năng giao tiếp, 9 tháng là khoảng thời gian đủ dài để bé có thể tập phát âm những từ đơn giản đầu tiên. Những từ bé nói được đầu tiên thường là “ba”, “mẹ”, “ạ”, … Đây là khoảng thời gian được nhiều bố mẹ mong chờ, hãy dành thời gian nói chuyện với bé nhiều hơn để theo dõi sự phát triển của con.

Từ 9 tháng tuổi, khẩu phần ăn của các bé có thể tăng lên 3 bữa trong ngày và có thể thêm các bữa phụ với đồ ăn nhẹ như sữa chua, trái cây, … Hãy để ý khẩu vị của trẻ để lựa chọn thực phẩm phù hợp, tuy nhiên cũng cần tập cho trẻ ăn uống đủ dinh dưỡng.

10 tháng tuổi

Đến giai đoạn này bé sẽ năng động hơn rất nhiều vì đã thành thục các cách di chuyển và sử dụng tay. Bé có thể tự đứng lên và tự bò đi khắp nơi. Bé dễ dàng có được thứ mình muốn bằng cách phối hợp các hành động. Bố mẹ cần tìm cách cân bằng giữa nhiệm vụ bảo vệ con và cho con cơ hội để tự khám phá. Các chuyên gia khuyên rằng không nên ép con tập đi quá sớm tránh hạn chế khả năng bò của bé.

Bé bắt đầu giao tiếp nhiều hơn và hiểu được những câu nói đơn giản của người lớn. Trong nhà lúc này sẽ rất vui nhộn vì bé suốt ngày bi bô tập nói. Mọi người nên dành thời gian chơi đùa và giao tiếp với bé nhiều để phát triển kỹ năng xã hội của bé.

Trẻ 10 tháng tuổi có thể ăn được nhiều loại thực phẩm đa dạng từ ngũ cốc, rau, sữa chua, trái cây, phô mai, …. Tuy vậy, sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của trẻ. Đến giai đoạn này, trẻ bắt đầu biết tự bốc đồ ăn, bố mẹ đừng quá lo lắng việc thức ăn rơi vãi mà nên để cho con tự do phát triển các kỹ năng.

11 tháng tuổi

Đạt được mốc 11 tháng tuổi, bé sẽ nhận thức rõ hơn về các mối liên kết xã hội. Bé sẽ quấn quýt với những người chăm sóc bé và có phản ứng khá e dè với người lạ. Lúc này trẻ sẽ khám phá và học hỏi rất nhiều điều xung quanh. Bố mẹ nên dạy bé điều gì nên, điều gì là không nên, tuyệt đối không mềm lòng khi trẻ nhõng nhẽo.

Trẻ 11 tháng tuổi đã bắt đầu phát âm được nhiều từ hơn và cũng bắt đầu tập đi. Nhưng ở một số trường hợp, nếu bé chưa chịu đi thì bố mẹ cũng không nên thúc ép vì tốc độ phát triển ở mỗi bé là khác nhau. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng thời gian học cách di chuyển không liên quan đến sự phát triển não bộ của trẻ.

Bên cạnh duy trì bú sữa mẹ, trẻ lúc này cần được cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng như người lớn nên chế độ ăn của con nên dần đa dạng hơn. Bố mẹ có thể chọn nhiều thực phẩm khác nhau để khảo sát khẩu vị của bé, đồng thời cân bằng dinh dưỡng cho bữa ăn.

12 tháng tuổi

Đây là một cột mốc phát triển đặc biệt. Đến 1 tuổi, nhiều bé đã bắt đầu biết đi, khả năng sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của bé cũng thành thạo hơn nhiều. Bé lúc này rất thích giao tiếp và khám phá những điều mới. Bố mẹ là người bạn đồng hành lý tưởng nhất của con. Lúc này người thân cũng có thể giải mã những mong muốn của bé thông qua ngôn ngữ hình thể.

Trẻ 1 tuổi rất thông minh và tinh nghịch. Từ chỗ học hỏi mọi người xung quanh, bé sẽ biết cách để người lớn chấp nhận những yêu cầu của mình. Ở tuổi này trẻ cũng rất dễ bộc lộ cảm xúc thái quá, bố mẹ cần lựa lời dạy con đúng cách.

Trẻ 1 tuổi cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý. Khoảng thời gian này trẻ mới tập hoặc mới biết đi, nên chất béo là rất cần thiết để cung cấp lượng calo cần thiết cho mọi hoạt động. Vì vậy trong khẩu phần ăn bố mẹ không nên hạn chế chất béo.

Các giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu tiên
Các giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ sơ sinh trong những tháng đầu tiên

 

3. Các mẹo nhỏ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của trẻ sơ sinh trong 1 năm đầu đời

Sự phát triển của trẻ trong những năm đầu tiên ảnh hưởng rất nhiều bởi cách chăm sóc của bố mẹ. Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp bố mẹ có những ảnh hưởng tích cực lên quá trình phát triển của con:

  • Dành thời gian nói chuyện, chơi đùa cùng với bé: Thời gian đầu bé tiếp thu rất nhanh những kiến thức mới, bé có thể nhận biết tiếng nói của người lớn để tích lũy vốn từ vựng cho quá trình tập nói. Chơi đùa cùng bé cũng giúp con phát triển kỹ năng nhanh, lớn lên sẽ hoạt bát và hiếu động.
  • Đọc truyện cho bé nghe: Tốt nhất là lựa chọn những câu chuyện có tranh ảnh. Những câu chuyện nhân văn sẽ ảnh hưởng tích cực lên quá trình nhận thức và ý thức xã hội của trẻ. Các nhà khoa học cũng cho rằng các bé được nghe kể chuyện thường xuyên sẽ có não bộ phát triển tốt hơn.
  • Thường xuyên ôm ấp và vuốt ve bé: Những hành động đơn giản sẽ kết nối bé với mọi người xung quanh. Bé được ôm ấp có thể cảm nhận được tình yêu thương, rất tốt cho sự phát triển cảm xúc của bé sau này.
  • Massage cho bé hằng ngày: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng massage giúp trẻ sơ sinh giảm bớt căng thẳng, từ đó bé sẽ bớt quấy khóc hơn. Massage cũng được cho là ảnh hưởng tốt lên sư phát triển của não bộ.
  • Cho bé chơi đa dạng các trò chơi: các trò chơi khác nhau sẽ hỗ trợ những kỹ năng cần thiết cho trẻ. Bố mẹ có thể chơi với bé để tìm cách gắn kết với con. Hãy thay đổi trò chơi cho bé phù hợp với từng giai đoạn phát triển,
  • Khuyến khích trẻ giao tiếp với mọi người xung quanh: Trong thời gian nói chuyện với bé, bố mẹ nên khéo léo cổ vũ và lặp lại những âm thanh trẻ phát ra được, đồng thời có thể nói chuyện với bé bằng ngôn ngữ bình thường. Bé được cổ vũ sẽ sớm phát triển kỹ năng về ngôn ngữ.
  • Để con thoải mái chạy nhảy, khám phá: Từ lúc biết đứng rồi biết đi, trẻ rất hiếu động và tò mò. Thời gian này bố mẹ không nên vì lo lắng mà bắt trẻ ngồi yên. Thay vào đó hãy để cho con được tự do làm những gì con muốn trong khi bố mẹ kiên nhẫn trông chừng.
Các mẹo nhỏ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của trẻ sơ sinh
Các mẹo nhỏ hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của trẻ sơ sinh

4. Một số lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh thay đổi và phát triển rất nhanh, tuy nhiên lại đang ở một độ tuổi rất nhạy cảm. Vì vậy việc chăm sóc trẻ không hề dễ dàng. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng cho người lớn trong giai đoạn chăm sóc các bé sơ sinh:

  • Không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước hay bất kỳ chất gì khác ngoài sữa mẹ và sữa bột.
  • Trẻ sơ sinh cần được giữ ấm đầy đủ vì cơ thể bé rất nhạy cảm với môi trường.
  • Không rung lắc quá mạnh khi ru bé ngủ.
  • Không để bé nằm ngủ ở những chỗ có khe hở hay gần mép giường không có thanh chắn.
  • Lựa chọn những sản phẩm tắm rửa dịu nhẹ, không nên tắm cho trẻ quá kỹ hoặc quá lâu.
  • Thận trọng khi lựa chọn tã cho bé.
  • Quần áo của bé phải giặt bằng sản phẩm dành riêng cho trẻ sơ sinh.
  • Bố mẹ cần nhớ lịch tiêm phòng đầy đủ cho con.
  • Trẻ càng lớn càng hiếu động, bố mẹ cần để ý con để tránh những nguy hiểm cho bé.

Trên đây là một số thông tin bố mẹ cần biết về các giai đoạn phát triển của trẻ sơ sinh và cách chăm sóc bé phù hợp. Đây là một giai đoạn không dễ dàng, nhưng trách nhiệm làm bố mẹ rất thiêng liêng, hy vọng bé con của bạn sẽ phát triển toàn diện nhất.

Xem thêm một số bài viết khác:

MombyFly – Siro cải thiện chứng biếng ăn cho bé

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn