[Chia sẻ] 6+ Cách hạ sốt cho trẻ an toàn và hiệu quả tại nhà

Ngày viết:
Làm thế nào để hạ sốt cho trẻ an toàn và hiệu quả nhất
Làm thế nào để hạ sốt cho trẻ an toàn và hiệu quả nhất
5/5 - (1 bình chọn)

Ở trẻ em, sốt là một trong những triệu chứng thường gặp do nhiều bệnh lý khác nhau gây ra. Trong suốt thời kỳ thơ ấu, trẻ có thể bị sốt rất nhiều lần. Vậy những cách hạ sốt cho trẻ như nào là an toàn và hiệu quả nhất, xin mời bạn đọc cùng tham khảo trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc online ITP Pharma nhé.

1, Cách đo nhiệt độ giúp phát hiện sốt ở trẻ?

Cha mẹ cần đặc biệt lưu ý, khi thấy trẻ nhỏ có các biểu hiện bất thường như mệt mỏi nhiều, ăn kém, ít chơi, quấy khóc, chân, tay trẻ lạnh nhưng trán nóng,… thì cần phải đo và kiểm tra nhiệt độ cho trẻ ngay. Một số trẻ (đặc biệt trẻ có tiền sử co giật do sốt cao trước đó) có thể bị co giật tái diễn khi nhiệt độ cơ thể mới chỉ 38 độ C. Vì thế cần phải đo nhiệt độ cho trẻ một cách chính xác qua nhiều lần đo để chẩn đoán và có các phương pháp xử trí kịp thời.

Bên cạnh đó, việc đo nhiệt độ cũng cần thiết để giúp theo dõi khả năng đáp ứng của trẻ đối với các loại thuốc điều trị đang sử dụng, bao gồm cả các loại thuốc hạ sốt, từ đó sẽ có các cách xử lý phù hợp hơn.

Hiện nay đang có rất nhiều phương pháp để hỗ trợ cho việc đo thân nhiệt cho trẻ. Người ta thường áp dụng đo nhiệt độ ở trực tràng, đây là vị trí và phương pháp đo thân nhiệt chính xác nhất. Tuy nhiên, cha mẹ cũng có thể do nhiệt độ ở miệng cho trẻ trên 4 tuổi, đo nhiệt độ ở tai cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Đo thân nhiệt ở nách thường ít chính xác hơn nhưng nó là phương pháp phổ biến nhất vì vị trí đó dễ cố định, dễ giữ và dễ quan sát, thuận tiện đặc biệt là đối với những trẻ dưới 3 tháng tuổi.

Cha mẹ nên sử dụng các loại nhiệt kế điện tử thay cho nhiệt kế thủy ngân vì nhiệt kế điện tử phổ biến và an toàn hơn. Thủy ngân rất độc, nếu chẳng may nhiệt kế thuỷ ngân bị vỡ sẽ dễ gây nhiều nguy hiểm tiềm tàng cho trẻ nhỏ. Dưới đây là các phương pháp đo thân nhiệt cho trẻ em hay dùng hiện nay:

  • Đo thân nhiệt ở nách: Lau khô nách của trẻ trước khi đo, giữ nhiệt kế ở nách trẻ, ép sát khuỷu tay vào ngực và cố định tư thế đó trong khoảng 4 cho đến 5 phút. Sau đó lấy nhiệt kế ra và kiểm tra xem trẻ bao nhiêu độ.
  • Đo thân nhiệt ở miệng: Rửa nhiệt kế bằng nước lạnh và xà bông rồi rửa sạch lại với nước. Đặt đầu nhiệt kế vào khu vực dưới lưỡi của trẻ, bảo trẻ giữ nhiệt kế bằng môi, giữ môi kín bao xung quanh nhiệt kế. Với nhiệt kế thủy ngân trẻ cần giữ trong khoảng 3 phút và với nhiệt kế điện tử trẻ chỉ cần giữ ít thời gian hơn, chỉ khoảng dưới 1 phút. Phương pháp này không nên thực hiện khi trẻ đã ăn hoặc uống đồ nóng trong vòng 30 phút vì có thể ảnh hưởng tới kết quả đo.
  • Đo thân nhiệt ở tai: Cách đo thân nhiệt ở tai được thực hiện như sau: Kéo tai ngoài của trẻ trước khi đặt nhiệt kế vào. Sau đó giữ đầu dò nhiệt kế trong tai trong vòng 2 giây. Phương pháp này không áp dụng cho các đối tượng là trẻ em dưới 6 tháng tuổi. Nếu trẻ vừa ở ngoài trời lạnh vào thì các bạn cũng cần đợi tối thiểu 15 phút sau đó rồi mới thực hiện đo nhiệt độ. Ống tai và và các bệnh lý ở tai sẽ không gây ảnh hưởng tới kết quả hiển thị nhiệt độ cơ thể trẻ khi đo ở tai.
  • Đo thân nhiệt ở trực tràng: Phương pháp này hay được áp dụng đo cho trẻ sơ sinh. Cho trẻ nhỏ nằm úp sấp trong lòng người lớn. Thoa một chút chất bôi trơn (ví dụ như mỡ vaseline) vào phần cuối nhiệt kế. Nhẹ nhàng đặt nhiệt kế vào hậu môn của trẻ cho tới khi phần đầu bạc của nhiệt kế không còn thấy nữa (khoảng 0,6 – 1,3cm bên trong hậu môn). Sau đó giữ nguyên nhiệt kế trong hậu môn trẻ, đợi khoảng 2 đến 3 phút đối với nhiệt kế thủy ngân và 1 phút đối với nhiệt kế điện tử. Sau đó rút ra và đọc kết quả xem trẻ có sốt hay không.

2, Trẻ em thường có biểu hiện gì khi sốt?

Trẻ có thể biểu hiện sốt rõ ràng hoặc không rõ ràng tuỳ vào từng trường hợp. Với trẻ càng nhỏ, các biểu hiện của sốt càng khó nhận ra. Tuy nhiên, tùy vào từng nguyên nhân cụ thể gây nên tình trạng sốt, cha mẹ có thể thấy trẻ có các dấu hiệu kèm theo như sau:

  •  Trẻ đột nhiên trở nên kích thích hoặc li bì bất thường
  •  Ăn kém hơn hoặc trẻ bỏ ăn, bỏ bú, khóc khi đưa núm vú đến miệng trẻ
  •  Quấy khóc nhiều, không chịu ngủ, hay nhõng nhẽo
  • Toàn thân ấm hoặc nóng hơn bình thường, có thể có những cơn rét run kèm theo
  •  Nhịp thở nhanh, nông
  • Vã mồ hôi, lòng bàn chân, lòng bàn tay lạnh hơn bình thường.
  • Một số trẻ khi sốt cao có thể dẫn đến tình trạng co giật, khi đó nhiệt độ thường đo được trên 39 độ C. tuy nhiên ở những lần sốt tiếp theo thì trẻ có thể có biểu hiện co giật khi nhiệt độ thấp hơn, có thể chỉ 37,5 độ cũng có thể làm trẻ gặp phải tình trạng co giật..
Một số cách đo thân nhiệt khi trẻ bị sốt
Một số cách đo thân nhiệt khi trẻ bị sốt

3, Một số cách hạ sốt cho trẻ an toàn và hiệu quả

Khi trẻ bị sốt, các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng và vội vàng. Dưới đây là một số phương pháp xử trí khi trẻ bị sốt:

3.1. Bổ sung nước cho trẻ khi bị sốt

Khi trẻ bị sốt, việc bổ sung nước cho trẻ để tránh tình trạng mất nước là vô cùng quan trọng dù không rõ nguyên nhân gây sốt.

Cho trẻ uống nhiều nước: Khi trẻ bị sốt cao hoặc sốt kéo dài khả năng trẻ bị mất nước  là rất lớn, đặc biệt là đối với những trẻ sốt có kèm theo triệu chứng nôn nhiều hoặc bỏ bú. Vì vậy, việc bổ sung nước là vô cùng cần thiết,đôi khi các mẹ có thể cho trẻ bổ sung nước oresol.

Đối với các đối tượng là trẻ sơ sinh và trẻ đang bú sữa mẹ, hãy cho trẻ bú nhiều hơn và thường xuyên hơn. Nếu bà mẹ không đủ sữa cho trẻ, nên cho trẻ uống thêm nước sôi để nguội hoặc nước oresol để tránh mất nước là tốt nhất.

Đối với những trẻ đã thực hiện chế độ ăn dặm, các mẹ hãy cố gắng khuyến khích con nạp thêm nhiều chất lỏng như thông qua các loại nước ép trái cây, nước cháo muối, nước muối đường, nước dừa,…

Ngoài ra, các mẹ cũng có thể cho trẻ uống thêm các chế phẩm có tác dụng bù nước và điện giải bằng đường uống như oresol, hydrite. Nếu trẻ có biểu hiện mí mắt sưng nề thì cần cho trẻ ngừng uống hoặc vẫn uống nhưng với lượng ít hơn. Nếu trẻ có biểu hiện nôn, hãy để trẻ dừng uống khoảng 10 phút rồi sau đó tiếp tục cho trẻ uống với tốc độ chậm hơn.

Trẻ đang bị sốt thường có kèm theo tình trạng mệt mỏi, chán ăn. Do đó, các bậc cha mẹ không nên ép trẻ ăn quá nhiều mà thay vào đó có thể dỗ cho trẻ uống thêm sữa hoặc các loại nước ép trái cây để thay thế. Những trẻ lớn hơn có thể ăn cháo, súp hoặc những món ăn có dạng lỏng. Các món ăn này đồng thời vừa cung cấp dinh dưỡng cho trẻ, vừa bổ sung dịch cho cơ thể tránh mất nước.

Giúp trẻ hạ sốt bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hoặc uống oresol
Giúp trẻ hạ sốt bằng cách cho trẻ uống nhiều nước hoặc uống oresol

3.2. Giúp trẻ hạ sốt bằng cách cho trẻ mặc những loại quần áo rộng rãi, thoáng mát 

Khi trẻ bị sốt, thân nhiệt sẽ bị tăng cao. Vì vậy, không nên mặc quá nhiều quần áo, tã lót cho trẻ. Ba mẹ có thể sử dụng một chiếc khăn mỏng để quấn cổ cho trẻ nếu sợ trẻ bị nhiễm lạnh. Không nên sử dụng các loại quần áo quá dày, nhiều lớp hay thậm chí dùng chăn bông trùm kín mít cho trẻ có thể khiến cho thân nhiệt của trẻ tăng cao hơn. Nên cho trẻ mặc những loại quần áo thật thoải mái, thoáng mát sẽ giúp cơ thể trẻ dễ dàng thoát bớt nhiệt, hạ sốt một cách nhanh chóng.

Trường hợp trẻ bị sốt nhẹ và vẫn sinh hoạt, vui chơi, ăn uống như mọi ngày, bố mẹ chỉ cần cho trẻ mặc quần áo rộng rãi để cơ thể tỏa bớt nhiệt, giúp trẻ hạ sốt nhanh chóng mà không cần sử dụng đến thuốc hạ sốt.

3.3. Lau người bằng nước ấm khi trẻ bị sốt

Lau người cho trẻ bằng nước ấm khi bị sốt được các bác sĩ khuyến khích thực hiện nhưng ít phổ biến rộng rãi. Đây là một trong những cách hạ sốt hiệu quả cho trẻ lại rất an toàn, có thể thực hiện tại nhà. Việc lau người không chỉ giúp làm giảm bớt nhiệt độ trên cơ thể mà còn giúp bé cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Nước ấm bốc hơi sẽ giúp làm giãn các mạch máu và từ đó giúp làm tăng quá trình thải nhiệt của cơ thể một cách hiệu quả.

Trước hết cha mẹ cần chuẩn bị một chậu nước ấm (thường nhiệt độ nước cao hơn nhiệt độ cơ thể trẻ từ 1-2 độ C). Sau đó lấy các khăn nhỏ nhúng nước, vắt nhẹ rồi lần lượt đặt vào trán, 2 bên nách, 2 bên háng trẻ, để một lúc sẽ hạ nhiệt. Tiếp tục lấy khăn khác nhúng nước và lau khắp người cho bé nhiều lần. Khi khăn hoặc nước nguội thì cần cho thêm nước ấm để tránh để nhiệt độ nước quá lạnh gây ra tình trạng co mạch, làm giảm việc thoát nhiệt ra bên ngoài hoặc khi nước quá nóng càng làm tăng thân nhiệt cho trẻ. Tiếp tục lau cho trẻ trong khoảng 15-20 phút cho đến khi thân nhiệt giảm xuống mức 37°C thì ngừng lau.

Lau người bằng nước ấm sẽ giúp trẻ hạ sốt một cách an toàn
Lau người bằng nước ấm sẽ giúp trẻ hạ sốt một cách an toàn

3.4. Chữa sốt cho trẻ bằng cách bổ sung nhiều vitamin C

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, vitamin C có thể tác động đến khả năng hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể, làm tăng sức đề kháng giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Bổ sung vitamin C cho trẻ thông qua khẩu phần ăn uống hàng ngày với các món ăn và thức uống từ trái cây giàu vitamin C như bưởi, cam, quýt… sẽ giúp bé hạ sốt nhanh chóng. Ngoài ra đối với những trẻ lớn thì có thể cho trẻ bổ sung vitamin C qua việc uống các viên sủi vitamin C.

3.5. Bổ sung canxi giúp trẻ hạ sốt nhanh

Một số chuyên gia cho rằng canxi có tác dụng hỗ trợ thúc đẩy quá trình khỏi bệnh được diễn ra nhanh hơn. Khoáng chất này được hấp thu tốt nhất từ thức ăn hoặc có thể bổ sung bằng các loại thuốc uống chuyên dụng.

Cha mẹ hãy bổ sung canxi cho trẻ qua khẩu phần ăn hằng ngày bằng việc bổ sung các món ăn có nguyên liệu từ cá, tôm, cua, rau có màu xanh đậm, yến mạch… để trẻ mau khỏi bệnh.

4, Dùng thuốc hạ sốt an toàn cho trẻ

Hiện nay có rất nhiều cha mẹ thiếu hiểu biết về việc điều trị hạ sốt cho trẻ nên đã lạm dụng các loại thuốc hạ sốt. Chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt từ 38.5 độ C trở lên nếu trẻ không có tiền sử bị co giật trước đó. Còn những trẻ có tiền sử co giật tái phát nhiều lần, việc sử dụng thuốc hạ sốt sẽ phải tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng trẻ. Những trẻ bị co giật nhiều lần có thể dùng thuốc hạ sốt ngay cả khi nhiệt độ cơ thể mới chỉ đến 38 độ C.

Paracetamol dạng gói hay siro là loại thuốc hạ sốt dễ sử dụng, hạ sốt nhanh, thường có tác dụng sau 30 phút và hiệu quả kéo dài từ 4 – 6 giờ. Mỗi lần trẻ sốt cho uống đúng liều là 10 – 15 mg/kg thể trọng/lần, lặp lại sau 4 giờ nếu trẻ vẫn còn sốt. Bạn nên cho trẻ dùng 4 – 6 lần/ngày, tổng liều tối đa không quá 60 mg/kg thể trọng/ngày.

Cần chú ý đối với những trẻ bị bệnh lý gan, thận việc dùng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ. Liều lượng thuốc cần được tính dựa trên cân nặng của trẻ, thay vì tuổi tác.

Chú ý trẻ dưới 2 tháng tuổi phải có sự chỉ định của bác sĩ mới được dùng paracetamol.

5, Một số mẹo dân gian giúp hạ sốt cho trẻ an toàn

Từ lâu các phương pháp dân gian đã được rất nhiều bà mẹ lựa chọn để hạ sốt cho trẻ. Người ta hay dùng các phương pháp như:

5.1. Bài thuốc dân gian hạ sốt cho trẻ bằng cây nhọ nồi

Kinh nghiệm dân gian chữa sốt cho trẻ bằng cây nhọ nồi
Kinh nghiệm dân gian chữa sốt cho trẻ bằng cây nhọ nồi

Khi tìm kiếm cỏ nhọ nồi để sử dụng cho trẻ, các bạn nên tránh lựa chọn những cây mọc bên đường bị dính nhiều bụi bẩn, cây vùng ven bờ ruộng, bờ sông hay những cây ở những nơi đổ ra của các chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt. Do những cây nhọ nồi đó có thể bị ảnh hưởng và chứa các chất độc hại từ môi trường xung quanh, không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó các bạn nên tìm những cây nhọ nồi mọc ở quanh vườn hoặc ở những nơi sạch sẽ. Một số cách để sử dụng nhọ nồi để hạ sốt:

  • Cỏ nhọ nồi sau khi hái về thì lọc bỏ phần hoa và rễ cây. Tách riêng lá nhọ nồi rửa sạch, sau đó cho vào cối sạch để giã hoặc sử dụng máy xay để xay nát lá.
  • Lọc hỗn hợp vừa giã hoặc xay thật kỹ qua ray hoặc vải lọc rồi lấy nước lọc đó cho trẻ uống, nếu trẻ thấy khó uống thì các mẹ cũng có thể thêm vào một chút đường cho trẻ dễ uống hơn. Nên cho trẻ uống khoảng 50ml nước lọc lá nhọ nồi mỗi lần. Uống chia làm 2 cho đến 3 lần nhỏ mỗi ngày.
  • Bã của hỗn hợp lá nhọ nồi mới xay có thể bọc vào một chiếc khăn sạch rồi chườm lên vùng trán cho trẻ.
  • Ở những trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, các mẹ có thể đun sôi dung dịch nước ép rồi để nguội rồi sau đó mới cho trẻ uống để tránh gây kích thích đường ruột của trẻ.
  • Sau khi cho trẻ uống nước ép lá cỏ nhọ nồi, các mẹ cũng nên kiểm tra và đo lại nhiệt độ cho trẻ sau 15 phút, nếu vẫn bị sốt và nhiệt độ trên 38 độ thì mới xem xét và cân nhắc cho con uống thuốc hạ sốt theo liều lượng và sự chỉ dẫn của bác sĩ.

5.2. Bài thuốc dân gian hạ sốt cho trẻ bằng rau diếp cá

  • Các bạn cần chuẩn bị trước một ít rau diếp cá to, sạch, tươi. Sau đó thì hãy rửa sạch cẩn thận từng lá một rồi tiến hành giã hoặc xay thật nhuyễn.
  • Nên sử dụng thêm nước vo gạo, lọc khoảng 1 bát con nước vo gạo đặc. Sau đó hãy cho nước vo gạo vừa lọc vào cùng với rau diếp cá đã giã nhuyễn vào nồi rồi đun sôi nhỏ lửa hoặc quay trong lò vi sóng.
  • Tiến hành đun trong vòng 15 đến 20 phút cho đến khi rau diếp cá mềm và nát rồi nhấc ra khỏi bếp, che chắn cẩn thận và để nguội sau đó tiến hành lọc lấy nước bằng ray hoặc vải lọc rồi cho trẻ uống dần.
  • Lá diếp cá vốn dĩ có vị tanh nhưng sau khi đun sôi thì vị tanh đó sẽ được loại bỏ, nên trẻ rất dễ uống. Nếu muốn thì các mẹ vẫn có thể cho thêm đường vào để hỗ trợ làm cho trẻ cảm thấy dễ uống hơn. Khi bị sốt hãy cho trẻ uống nước nấu rau diếp cá từ 2 cho đến 3 lần thì các bạn sẽ thấy trẻ đỡ sốt hẳn.
  • Rau diếp cá còn được coi là một vị thuốc có tính kháng sinh tự nhiên, vậy nên các mẹ hãy cho con uống chúng sau bữa ăn khoảng 1h để đảm bảo hiệu quả mang lại là tối đa.
  • Cũng như cỏ nhọ nồi, lá rau diếp cá sau khi nấu thì các bạn vẫn có thể dùng để chườm lên trán cho trẻ. Hãy bọc lá vào một chiếc khăn để chườm tích cực cho trẻ nhé.
Bài thuốc dân gian hạ sốt cho trẻ bằng rau diếp cá
Bài thuốc dân gian hạ sốt cho trẻ bằng rau diếp cá

6, Cách xử lý khi trẻ bị co giật do sốt?

Co giật do sốt là tình trạng co giật xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi và nhiệt độ cơ thể từ 38°C trở lên. Hầu hết tình trạng co giật xảy ra ở trẻ trong độ tuổi từ 12 – 18 tháng.

Trẻ bị co giật do sốt sẽ có triệu chứng sốt cao, tăng nhiệt độ đột ngột, giật toàn thân, cứng người, trợn mắt, tay chân giật liên hồi và sau 1 – 2 phút thì sẽ tự hết co giật. Sau cơn giật, trẻ mệt mỏi nhưng tỉnh táo, không có dấu hiệu thần kinh khu trú.

Khi thấy trẻ có cơn co giật, cha mẹ nên giữ bình tĩnh và thực hiện một số hướng dẫn sau để giảm thiểu rủi ro và tai nạn cho trẻ:

  • Loại bỏ tất cả các vật cứng, sắc nhọn xung quanh để tránh gây tổn thương trẻ. Đặt trẻ nơi thoáng mát, không mặc áo quần kín, không trùm chăn giúp trẻ thoáng mát, dễ thở hơn.
  •  Đặt trẻ nằm ở vị trí an toàn, không nên đặt trẻ ở nơi nguy hiểm dễ ngã  như trên mặt bàn, trên ghế,… Không cho tay hay bất cứ vật cứng nào vào miệng trẻ, không giữ chặt trẻ bởi có thể khiến trẻ bị tổn thương.
  • Đặt trẻ nghiêng người sang 1 bên để đờm dãi, chất nôn chảy ra ngoài tránh tình trạng sặc vào đường thở gây suy hô hấp.
  • Không đổ bất cứ nước uống, thuốc vào miệng trẻ khi đang lên cơn co giật vì trẻ sẽ dễ hít sặc vào đường thở.
  • Sau cơn co giật, cha mẹ nên kiểm tra đường thở, tinh thần, khả năng phản xạ, nghe, nói,… để chắc chắn trẻ đã tỉnh táo.

Cơn co giật có thể ngắn hoặc kéo dài đến hơn 15 phút (trường hợp này gọi là co giật do sốt thể phức hợp). Chính vì vậy, bạn cần đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế gần nhất để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời cho trẻ.

7, Trẻ em bị sốt có nguy hiểm không?

Hiện tượng sốt đơn thuần chỉ là một phản ứng tự nhiên của cơ thể được sản sinh ra nhằm mục đích chống lại các tác nhân gây tổn thương đến cơ thể hay còn gọi là tác nhân ngoại hay nội sinh gây sốt.

Sốt đóng vai trò quan trọng trong việc chống lại các khả năng nhiễm trùng của cơ thể. Sốt có thể làm cho cơ thể trẻ trở nên mệt mỏi, khó chịu nhưng không nhất thiết phải điều trị sốt ở những trẻ có tiền sử khỏe mạnh.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp hạ sốt có thể làm cho tình trạng bệnh đang có kéo dài thêm. Tuy nhiên, sốt có thể làm tăng quá trình chuyển hóa và tăng hoạt động của hệ thống hô hấp và tuần hoàn của cơ thể. Do đó, sốt gây tiêu hao nhiều năng lượng, tăng mất nước của cơ thể đặc biệt những trẻ bị các bệnh lý về hô hấp, tuần hoàn thì các tình trạng này lại càng nặng nề hơn.

Tình trạng trẻ sốt không rõ nguyên nhân rất hay gặp và sẽ dẫn đến việc chăm sóc, điều trị cho trẻ cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Một số bà mẹ hay chủ quan và luôn nghĩ rằng trẻ sốt chỉ là bình thường. Khi đó các mẹ có thể đã sử dụng thuốc hạ sốt không đúng loại, không đúng liều lượng rồi dẫn đến hậu quả là làm cho tình hình bệnh của trẻ ngày càng nặng hơn và có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm do sử dụng quá liều thuốc hạ sốt.

Một số gia đình có tâm lý chủ quan khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt do sốt rất thường gặp ở trẻ nhỏ và một số trẻ vẫn vui chơi, ăn uống bình thường. Vì vậy,  nhiều khi những dấu hiệu bệnh lý nặng ở trẻ có thể bị bỏ qua đặc biệt là các bệnh lý về hệ thống thần kinh, các bệnh lý đó có thể để lại các biến chứng và di chứng nặng nề cho trẻ về sau.

8, Khi nào cần đưa trẻ bị sốt đi khám bác sĩ ngay?

Khi nào cần đưa trẻ bị sốt đi khám bác sĩ ngay?
Khi nào cần đưa trẻ bị sốt đi khám bác sĩ ngay?

Với nhiều trẻ nhỏ, sốt nếu không được xử lý kịp thời có thể gây nên tình trạng co giật. Co giật do sốt thường gặp ở trẻ từ 6 tháng cho đến 5 tuổi và có thể tái phát ở những lần sốt tiếp theo với mức nhiệt độ thấp hơn lần đầu. Ba mẹ cần chú ý quan sát những dấu hiệu bệnh nặng kèm theo sốt để có thể đưa trẻ đi khám kịp thời, tránh để lại các biến chứng nghiêm trọng. Do đó, trẻ bị sốt cần được đưa đi đến bác sĩ để thăm khám ngay nếu:

  • Trẻ dưới 2 tháng tuổi có sốt
  • Trẻ có dấu hiệu li bì, khó đánh thức, ngủ gà
  • Trẻ sốt trên 40 độ C hoặc sốt dưới 38,5 độ C nhưng kéo dài vài ngày do bất kỳ nguyên nhân nào
  • Trẻ xuất hiện thay đổi tri giác
  • Trẻ thở nhanh, sâu, thở khó khăn, phải gắng sức và co kéo các cơ hô hấp khi thở.
  • Đã dùng một số loại thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ nhưng triệu chứng sốt vẫn không có chiều hướng thuyên giảm hoặc sốt có xu hướng ngày càng tăng cao lên.
  • Trẻ bị co giật khi sốt.
  • Đau đầu liên tục hoặc trẻ nôn tất cả mọi thứ, nôn vọt, không ăn uống được.
  • Có xuất hiện bất kỳ hiện tượng phát ban trên da nào.
  • Trẻ khóc nhiều không cách nào dỗ được hoặc trẻ khóc khi cử động hay khi ba mẹ chạm người, khi bị kích thích
  • Trẻ bị khó thở và không thấy đỡ kể cả sau khi đã làm sạch và thông mũi cho trẻ
  • Trẻ có tiền sử mắc các bệnh lý mãn tính khác, đang điều trị thuốc kéo dài thường xuyên và liên tục.

Trên đây là một số thông tin cách hạ sốt ở trẻ nhỏ và một số vấn về quan trọng cha mẹ cần lưu ý khi con bị sốt. Hy vọng những thông tin này sẽ thực sự hữu ích cho các ba mẹ trong việc phát hiện và xử trí đúng cách khi trẻ bị sốt. Xin cảm ơn các bạn đã quan tâm!

Xem thêm:

TOP 10 Bài tập tăng chiều cao tuổi dậy thì tốt nhất cho cả nam và nữ

[Review Webtretho] 10 loại vitamin tổng hợp cho bé tốt nhất hiện nay

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn