Thuốc tốt cho cả nhà

Amoxicillin

Amoxicillin là một trong những loại kháng sinh được dùng phổ biến để điều trị các bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn. Vậy loại kháng sinh này có đặc điểm gì, sử dụng như thế nào cho hiệu quả? Bài viết dưới đây nhà thuốc ITPPHARMA sẽ giải đáp cho bạn tất cả những thắc mắc về Amoxicillin để bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về loại kháng sinh này.

1, Thông tin hoạt chất Amoxicillin

1.1, Lịch sử ra đời

Amoxicillin là một loại kháng sinh có nguồn gốc từ penicillin được các nhà khoa học tại phòng thí nghiệm Beecham phát hiện ra vào năm 1972. Cũng trong năm đó, Amoxicillin có mặt trên thị trường dược phẩm thế giới với nhiều nhãn hiệu và dạng bào chế khác nhau. Đến nay, loại kháng sinh này vẫn được sử dụng cho nhiều trường hợp điều trị liên quan đến nhiễm khuẩn.

Phổ kháng khuẩn hẹp của Penicillin thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu để tìm kiếm các dẫn xuất của penicillin có phổ tác dụng trên nhiều chủng vi khuẩn hơn. Bước tiến đáng ghi nhận đầu tiên là sự ra đời của ampicillin với phổ tác dụng được mở rộng ra trên nhiều vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Những bước phát triển khoa học tiếp theo đã dẫn đến sự phát triển của Amoxicillin với thời gian tác dụng dài hơn. Sự khác biệt chính giữa Ampicillin và Amoxicillin là Amoxicillin tan nhiều hơn trong lipid, do đó hoạt tính kháng khuẩn nhanh và mạnh hơn.

1.2, Cấu trúc hóa học

Amoxicillin là một kháng sinh bán tổng hợp tương tự ampicillin, có bản chất là

Amino-penicillin. Amoxicillin được tạo ra bằng cách gắn thêm vào penicillin một nhóm amino với mục đích chống lại những vi khuẩn kháng penicillin.

Amoxicillin được gọi với tên khoa học là (2S, 5R, 6R)-6-[(R)-2-amino-2-( p-hydroxyphenyl) acetamide]-3,3-dimethyl-7-oxo-4-thia-1-azabicyclo [3.2.0] heptan-2-cacboxylic axit trihydrat. Công thức phân tử tổng quát của Amoxicillin là C16H 19N 3O 5S. 3 H2O, với khối lượng phân tử là 419,45.

Cấu trúc hóa học của Amoxicillin
Cấu trúc hóa học của Amoxicillin

2, Dược lực học hoạt chất Amoxicillin

2.1, Phổ tác dụng

Cũng giống như Penicillin, Amoxicillin có tác dụng trên hầu hết các vi khuẩn loài Streptococcus. Ngoài ra, so với Penicillin, phổ tác dụng của Amoxicillin còn mở rộng ra nhiều loại vi khuẩn gram dương và một số chủng gram âm. Một số vi khuẩn có thể kể đến như: Listeria monocytogenes, chi Enterococcus, Haemophilus influenzae, một số vi khuẩn Escherichia coli, Clostridium, chi Salmonella, chi Shigella, chi Actinomyces, chi Corynebacterium, …

2.2, Cơ chế tác dụng

Amoxicillin là kháng sinh thuộc nhóm kháng khuẩn Beta-lactam. Nhóm thuốc này hoạt tiêu diệt vi khuẩn bằng cách liên kết với các protein đặc hiệu trên vi khuẩn, ức chế quá trình transpeptidation – quá trình liên kết ngang trong quy trình tổng hợp màng tế bào, từ đó hoạt hóa các enzyme tự phân của màng tế bào vi khuẩn, ly giải thành tế nào, kết quả là tế bào vi khuẩn bị tiêu hủy.

2.3, Cơ chế đề kháng

Các cơ chế đề kháng chính của vi khuẩn đối với amoxicillin là:

  • Làm bất hoạt thuốc bằng các beta-lactamase của vi khuẩn.
  • Thay đổi PBP, làm giảm ái lực của chất kháng khuẩn đối với mục tiêu.
  • Ngoài ra, tính thấm của vi khuẩn có thể trực tiếp gây ra hoặc góp phần vào sự đề kháng của vi khuẩn đối với thuốc, đặc biệt là vi khuẩn Gram âm.

3, Dược động học hoạt chất Amoxicillin

Dược động học hoạt chất Amoxicillin
Dược động học hoạt chất Amoxicillin

3.1, Hấp thu

Amoxicillin phân ly hoàn toàn trong nước ở pH sinh lý. Thuốc được hấp thu nhanh qua đường uống, với sinh khả dụng khoảng 70%. Amoxicillin bền vững trong môi trường acid dịch vị. Nghiên cứu đã chỉ ra sự hấp thu Amoxicillin không bị ảnh hưởng nhiều bởi thức ăn (thực tế chỉ làm giảm một phần tốc độ hấp thu, không làm thay đổi tổng lượng thuốc được hấp thu). So sánh với ampicillin, Amoxicillin hấp thu nhanh và nhiều hơn qua đường tiêu hóa, khoảng từ 74%-92% liều đơn theo đường uống. Khi sử dụng cùng một liều lượng giống ampicillin, Amoxicillin đạt nồng độ đỉnh trong máu cao hơn từ 2-2,5 lần. Amoxicillin dùng đường uống hay đường tiêm đều có nồng độ thuốc như nhau trong huyết tương. Nồng độ thuốc tối đa trong máu và diện tích dưới đường cong nồng độ- thời gian (AUC) tăng tuyến tính với mức tăng liều dùng. Một ví dụ khi sử dụng liều uống 250 mg hoặc 500 mg Amoxicillin, nồng độ Amoxicillin trong máu đạt đỉnh sau 1-2 giờ, cụ thể đạt khoảng 3,5 – 5 microgam/ ml (với liều 250 mg) hoặc 5,5 – 11 microgam/ml (với liều 500 mg).

3.2, Phân bố

Amoxicillin có khả năng phân bố nhanh vào hầu hết các mô và dịch trong cơ thể, trừ mô và dịch não tủy. Tuy nhiên, trong trường hợp viêm màng não thì Amoxicillin lại khuếch tán vào dễ dàng.Amoxicillin liên kết với protein huyết tương với tỷ lệ từ 17-20%. Các nghiên cứu về nồng độ kháng sinh ghi nhận nồng độ điều trị của Amoxicillin được tìm thấy trong dịch kẽ. Thuốc có thể đi qua hàng rào nhau thai và có một lượng nhỏ được phân bố trong sữa mẹ. Vì đặc điểm này nên cần thận trọng khi sử thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú.

3.3, Chuyển hóa

Amoxicillin được chuyển hóa một phần (từ 10 đến 25%) thành acid penicilloic không có hoạt tính tiêu diệt vi khuẩn. Thời gian bán thải của thuốc là 61,3 phút.

3.4, Thải trừ

Hầu hết Amoxicillin được bài tiết dưới dạng không đổi qua nước tiểu. Khoảng 43-80% liều uống Amoxicillin được thải nguyên dạng qua nước tiểu trong vòng từ 6-8 giờ, 5-10% liều dùng sẽ phân bố vào dịch mật và được thải trừ qua phân. Sau khi uống liều 250 mg, Amoxicillin đạt nồng độ 300 microgam/ ml trong nước tiểu. Ở người lớn có chức năng thận bình thường, hệ số thanh thải Amoxicillin huyết thanh là 283 ml/ phút. Probenecid sẽ làm kéo dài thời gian thải trừ Amoxicillin qua thận. Amoxicillin cũng bị loại bỏ khi thẩm phân máu. Trong trường hợp vừa dùng thuốc, trung bình có 30-40% liều uống/ liều tiêm được loại bỏ sau 4-6 giờ thẩm phân.

4, Chỉ định

Amoxicillin được xếp vào nhóm những loại kháng sinh phổ biến nhất cho mục đích chăm sóc sức khỏe ban đầu. FDA đã phê duyệt cho Amoxicillin để đưa vào điều trị các bệnh nhiễm trùng thường gặp, bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường sinh dục do
  • Nhiễm trùng tai mũi họng.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới.
  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori.
  • Viêm họng, viêm amidan.
  • Nhiễm trùng da và cấu trúc da.

Ngoài ra Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (IDSA) khuyến nghị sử dụng Amoxicillin làm phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh viêm cấp tính mũi-xoang do virus và phục vụ điều trị bệnh viêm phổi mắc phải trong cộng đồng. Để đạt được mục đích điều trị trong trường hợp này, Amoxicillin thường được sử dụng cùng với chất kháng khuẩn macrolid. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến cáo sử dụng Amoxicillin với mục đích dự phòng sau phơi nhiễm bệnh than.

Ngoài ra nó cũng có các công dụng khác như điều trị viêm quầng, bệnh Lyme (với trường hợp có chống chỉ định doxycycline), dự phòng viêm nội tâm mạc do nhiễm trùng, dự phòng cho bệnh nhân có khớp giả phải trải qua các thủ thuật nha khoa. Amoxicillin kết hợp với metronidazol được chỉ định cho bệnh viêm nha chu và viêm họng do liên cầu nhóm A.

5, Hướng dẫn sử dụng thuốc

Cách dùng: Có thể dùng viên nang Amoxicillin, viên nhai và hỗn dịch uống, không phụ thuộc vào bữa ăn. Viên nén Amoxicillin nên nhai trước khi nuốt.

Liều dùng:

Amoxicillin được chỉ định liều dùng phù hợp với từng đối tượng và tình trạng nhiễm trùng. Liều dùng này cũng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Cụ thể, liều dùng tham khảo cho đa số trường hợp nhiễm trùng là:

  • Người lớn: 500-875 mg mỗi 12 giờ hoặc 250-500 mg mỗi 8 giờ.
  • Trẻ em trên 3 tháng tuổi: 25-45 mg/ kg ngày chia làm nhiều lần sau mỗi 12 giờ hoặc 20-40 mg/ kg ngày chia làm nhiều lần sau mỗi 8 giờ.

Riêng trường hợp bệnh lậu/ nhiễm trùng hậu môn, sinh dục và niệu đạo cấp tính không có biến chứng, liều dùng được khuyến cáo là:

  • Người lớn: Liều uống duy nhất 3 gam.
  • Trẻ em trước dậy thì: 50mg/ kg Amoxicillin kết hợp 25 mg/ kg probenecid liều duy nhất. Lưu ý: probenecid chống chỉ định với trẻ em dưới 2 tuổi.

Đối với mục đích loại bỏ H.pylori để giảm nguy cơ loét dạ dày tá tràng, có 2 phương án sử dụng thuốc đặc biệt (xét trên đối tượng người trưởng thành):

  • Liệu pháp ba lần: Liều kết hợp 1 gam Amoxicillin, 500 mg clarithromycin, 30mg lansoprazole, dùng 2 lần mỗi ngày (cách 12 giờ) trong 14 ngày.
  • Liệu pháp kép: Liều dùng kết hợp 1 gam Amoxicillin và 30mg lansoprazole, mỗi ngày uống 3 lần (cách 8 giờ) trong vòng 14 ngày.

Liều dùng trong các trường hợp nhiễm trùng do các vi sinh vật ít nhạy cảm hơn nên tuân theo khuyến cáo tương tự trường hợp nhiễm trùng nặng.

Liều lượng cho trẻ em áp dụng với những đối tượng dưới 40 kg, đối với trẻ nặng trên 40kg nên dùng theo liều khuyến cáo của người lớn.

Riêng với trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi: do chức năng thận chưa hoàn thiện, quá trình thải trừ thuốc bị hạn chế, nên liều khuyến cáo là 30mg/ kg/ ngày chia cách nhau 12 giờ.

Hướng dẫn sử dụng Amoxicillin
Hướng dẫn sử dụng Amoxicillin

6, Tình trạng kháng thuốc của hoạt chất Amoxicillin ở Việt Nam và thế giới

Amoxicillin được Hiệp hội Hô hấp Châu Âu khuyến cáo là liệu pháp đầu tiên để điều trị hô hấp mắc phải tại cộng đồng (CA-LRTI). Do đó, đây là loại kháng sinh được kê đơn phổ biến nhất trong các mục đích chăm sóc sức khỏe ban đầu tại Châu Âu, chiếm trung bình 40% tổng lượng kháng sinh ngoại trú được sử dụng tại các nước châu Âu. Tuy nhiên, bất chấp điều này, Streptococcus pneumoniae – vi khuẩn gây CA-LRTI phổ biến nhất có khả năng đề kháng chọn lọc với Amoxicillin. Với cơ chế tác dụng là tác động đến sự tổng hợp thành tế bào vi khuẩn giống như các β-lactam khác, các thay đổi ở nhiễm sắc thể trong enzyme tổng hợp thành tế bào, các protein liên kết với penicillin (PBP) của vi khuẩn sẽ dẫn đến sự kháng thuốc. Những thay đổi như vậy ở PBP xảy ra do quá trình đột biến liên tục gây ra những mức độ kháng thuốc khác nhau, từ giảm tính nhạy cảm thông qua kháng mức độ thấp, thường được gọi là trung gian hoặc không mẫn cảm, đến kháng thuốc hoàn toàn trên lâm sàng.

7, Lưu ý khi sử dụng

Chỉ nên dùng Amoxicillin dưới sự chỉ định và theo liều khuyến cáo của bác sĩ. Tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị để đảm bảo thuốc phát huy đúng tác dụng, tránh những tác dụng phụ không mong muốn.

Bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận nói chung không cần giảm liều trừ khi tình trạng suy giảm rất nghiêm trọng. Khi mức lọc cầu thận < 30 ml/ phút, không nên dùng viên nén 875 mg. Bệnh nhân có mức lọc cầu thận từ 10 đến 30 ml/ phút nên tiêm 250-500 mg mỗi 12 giờ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng. Tương tự, với mức lọc cầu thận dưới 10 ml/ phút thì liều nên giảm chỉ còn 250-500 mg mỗi 24 giờ. Hiện chưa có khuyến cáo về liều dùng cho bệnh nhi suy giảm chức năng thận.

Khi sử dụng Amoxicillin cần lưu ý khả năng bội nhiễm với các tác nhân gây bệnh nấm hoặc vi khuẩn. Nếu xảy ra bội nhiễm, nên ngừng sử dụng Amoxicillin và tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách xử trí thích hợp.

8, Ảnh hưởng của Amoxicillin trên đối tượng đặc biệt

Ảnh hưởng đến thai kỳ đối với các bà mẹ đang mang bầu:Các nghiên cứu về khả năng sinh sản đã được thực hiện trên chuột với liều dùng Amoxicillin gấp 10 lần khi dùng cho người nhưng không thấy bằng chứng nào về việc giảm khả năng sinh sản hoặc gây hại cho thai. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm soát trên phụ nữ mang thai. Vì các nghiên cứu về sinh sản trên động vật không phải lúc nào cũng dự đoán được phản ứng của con người, nên chỉ sử dụng Amoxicillin trong thời kỳ mang thai khi thật sự cần thiết.

Các bà mẹ cho con bú: Penicillin đã được chứng minh là có bài tiết qua sữa mẹ. Sử dụng Amoxicillin trên người mẹ đang cho con bú có thể dẫn đến mẫn cảm ở trẻ sơ sinh. Do đó cần thận trọng khi sử dụng Amoxicillin cho đối tượng này.

Sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ: Do chức năng thận chưa được hoàn thiện nên việc thải trừ Amoxicillin ở bệnh nhi dưới 3 tháng tuổi có thể bị trì hoãn gây ra những tác dụng phụ kéo dài. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ cẩn thận.

Sử dụng lão khoa: Các phân tích lâm sàng không xác định được sự khác biệt trong phản ứng giữa bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân trẻ tuổi, nhưng không thể loại trừ trường hợp một số người lớn tuổi có độ nhạy cảm cao hơn.

Với người có bệnh thận: Amoxicillin được bài tiết đáng kể qua thận nên nguy cơ phản ứng độc đối với loại thuốc này có thể lớn hơn ở những bệnh nhân suy giảm chức năng thận. Cẩn thận trong lựa chọn liều lượng điều trị và theo dõi chức năng thận rất hữu ích để tránh những kết quả không mong muốn.

Ảnh hưởng đến người lái xe và sử dụng máy móc: Chưa có nghiên cứu cụ về ảnh hưởng của Amoxicillin đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Tuy nhiên, các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra (phản ứng dị ứng, chóng mặt, co giật) có thể ảnh hưởng đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc.

Ảnh hưởng của Amoxicillin trên phụ nữ có thai
Ảnh hưởng của Amoxicillin trên phụ nữ có thai

9, Tác dụng phụ

Trên hệ tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, lưỡi có lông đen, viêm đại tràng xuất huyết/ giả mạc. Các triệu chứng của viêm đại tràng màng giả có thể khởi phát trong hoặc sau khi điều trị bằng Amoxicillin.

Phản ứng quá mẫn: sốc phản vệ. Các phản ứng quá mẫn có thể gặp bao gồm quá mẫn typ I, II, III  và cả typ IV. Trong đó, nguy hiểm nhất là các trường hợp quá mẫn typ I và typ IV. Các phản ứng có thể gây ra phát ban dát đỏ, hội chứng Stevens-Johnson, viêm da tróc vảy, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mụn mủ ngoại ban cấp tính, viêm mạch quá mẫn, mày đay.

Trên gan: Trên lâm sàng đã gặp trường hợp tăng vừa phải AST (SGOT) và/ hoặc ALT (SGPT). Rối loạn chức năng gan bao gồm các biểu hiện: vàng da, ứ mật, viêm gan ly giải tế bào cấp tính.

Trên thận: Đái ra tinh thể.

Tác động lên thần kinh: Co giật. Triệu chứng này có thể gặp ở bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận, những người dùng thuốc liều cao hoặc có tiền sử động kinh, các rối loạn màng não.

Hệ thống huyết và bạch huyết: Thiếu máu.

Một tác dụng phụ quan trọng cần lưu ý là gây bội nhiễm trong nhiễm nấm hoặc viêm đại tràng do Clostridioides difficile.

10, Nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng

Nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng Amoxicillin
Nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng Amoxicillin

Nghiên cứu về tiêu diệt H.Pylori để giảm nguy cơ tái phát viêm loét tá tràng: Các nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên được thực hiện ở Hoa Kỳ trên bệnh nhân bị nhiễm H.pylori và bệnh loét tá tràng để đánh giá hiệu quả của lansoprazole kết hợp với viên nén Amoxicillin và viên nén clarithromycin (liệu pháp bộ ba 14 ngày) hoặc chỉ sử dụng lansoprazole kết hợp viên nang Amoxicillin (liệu pháp kép 14 ngày). Phác đồ cụ thể là:

Liệu pháp 3 thuốc: Amoxicillin 1 gam x 2 lần/ ngày. Clarithromycin 500 mg x 2 lần/ ngày. Lansoprazol 30 mg x 2 lần/ ngày.

Liệu pháp kép: Amoxicillin 1 gam, dùng 3 lần mỗi ngày. Lansoprazole 30 mg, dùng 3 lần mỗi ngày.

Các phương pháp điều trị đều được áp dụng trong 14 ngày. H.pylori được xác định là bị diệt trừ khi có 2 xét nghiệm âm tính vào 4 đến 6 tuần sau khi kết thúc điều trị. Nghiên cứu cho thấy liệu pháp bộ ba hiệu quả hơn các liệu pháp kép. Việc loại bỏ H.pylori đã được chứng minh là giảm nguy cơ tái phát viêm loét tá tràng.

Một nghiên cứu về hai bệnh nhân suy gan cấp tính (ALF) đe dọa tính mạng dự đoán do biến chứng khi sử dụng Amoxicillin và Amoxicillin + clavulanate đã được thực hiện. Bệnh nhân thứ nhất là một người đàn ông da trắng 59 tuổi bị ALF sau 34 ngày sau khi sử dụng Amoxicillin + clavulanate. Mặc dù được chăm sóc tích cực, người này đã tử vong sau 10 ngày nhập viện. Bệnh nhân còn lại là một phụ nữ da trắng 42 tuổi phát hiện ALF 21 ngày sau khi uống Amoxicillin. Người này được ghép gan thành công sau 19 ngày điều trị trong bệnh viện. Trong cả 2 trường hợp trên, các nguyên nhân khác dẫn đến ALF đã được loại trừ, các biểu hiện bệnh lý phù hợp với giả thiết viêm gan do thuốc. Trong 14 trường hợp có biểu hiện ALF hoặc tử vong trước đó do nguyên nhân sử dụng Amoxicillin + clavulanate có tuổi trung bình là 62. Trong số đó, nam giới chiếm tỷ lệ lớn hơn (57%). Suy gan cấp là một tác dụng phụ hiếm gặp trên gan do độc tính của Amoxicillin/ Amoxicillin + clavulanate, không có đặc điểm lâm sàng rõ rệt. Những trường hợp gặp phải biến chứng này có khả năng phục hồi kém nên cần sớm chuyển những bệnh nhân bị nhiễm độc gan nặng do thuốc đến trung tâm cấy ghép càng sớm càng tốt.

Một số nghiên cứu lâm sàng về Amoxicillin đã được thực hiện để phân tích việc sử dụng thuốc cho đối tượng từ 65 tuổi trở lên có phản ứng khác với người trẻ hơn hay không? Nghiên cứu được thực hiện trên 1811 đối tượng sử dụng Amoxicillin, với tỷ lệ 85% dưới 60 tuổi, 15% trên 60 tuổi và 7% trên 71 tuổi. Kết quả nghiên cứu không xác định được sự khác biệt trong phản ứng với thuốc với bệnh nhân cao tuổi và bệnh nhân trẻ tuổi. Tuy nhiên, trên lâm sàng, không thể loại trừ trường hợp một số người cao tuổi có phản ứng nhạy cảm hơn với Amoxicillin.

11, Chống chỉ định

Chống chỉ định Amoxicillin với những đối tượng đã có phản ứng phản vệ, các phản ứng trên da nghiêm trọng khi sử dụng Amoxicillin hoặc bất kỳ kháng sinh thuộc nhóm beta-lactam nào khác.

Trước khi sử dụng Amoxicillin, hãy thông báo cho bác sĩ nếu từng gặp tình trạng dị ứng với các cephalosporin. Tương tự với các bệnh nhân có tiền sử hen suyễn, bệnh gan hoặc thận, rối loạn chảy máu hoặc đông máu, tăng bạch cầu đơn nhân hoặc bất kỳ loại dị ứng nào.

12, Tương tác thuốc

Probenecid làm giảm bài tiết Amoxicillin ở ống thận nên sử dụng Amoxicillin cùng với Probenecid làm tăng nồng độ và kéo dài thời gian Amoxicillin tồn tại trong máu.

Chloramphenicol. macrolid, sulfonamid và tetracycline có thể gây cản trở đối với tác dụng diệt khuẩn của Amoxicillin. Loại tương tác này đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm, tuy nhiên chưa ghi nhận ý nghĩa trên lâm sàng.

Sử dụng đồng thời allopurinol trong khi điều trị với amoxicillin có thể làm tăng khả năng xuất hiện các phản ứng trên da.

Tương tự các loại kháng sinh khác, Amoxicillin có ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột dẫn đến giảm tái hấp thu estrogen, do đó làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai kết hợp estrogen/ progesterone dạng uống.

13, Xử lý quá liều, quên liều

Đối với trường hợp quên liều, nên uống thuốc trở lại càng sớm càng tốt. Nhưng nếu gần đến thời gian sử dụng liều tiếp theo, nên bỏ qua liều đã quên. Không dùng hai liều cùng một lúc.

Trong trường hợp quá liều, nên ngưng thuốc để điều trị triệu chứng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ theo yêu cầu. Nếu tình trạng quá liều mới xảy ra và không có chống chỉ định, có thể gây nôn hoặc sử dụng một số phương pháp khác để nhanh chóng loại bỏ thuốc khỏi dạ dày. Nên uống đủ nước để bài niệu, giảm nguy cơ kết tinh Amoxicillin. Amoxicillin có thể bị loại bỏ khỏi tuần hoàn bằng phương pháp thẩm tách máu.

14, Một số thuốc chứa hoạt chất Amoxicillin trên thị trường

Amoxicillin là một loại kháng sinh phổ biến, nên có thể tìm thấy dễ dàng trong nhiều loại thuốc trên thị trường. Dưới đây là một số thuốc nổi bật có thể kể đến:

  • Amoxicillin Domesco 500mg hộp 100 viên. Nhà sản xuất: Domesco Việt Nam. Giá tham khảo: 95.000 VNĐ/hộp.
  • Amoksiklav Quicktabs 1000mg: Hàm lượng: Amoxicillin 875mg + Acid clavulanic 125mg. Hộp 7 vỉ x 2 viên nén. Xuất xứ: Slovenia. Nhà sản xuất Lek Pharmaceuticals. Giá tham khảo: 210.000 VNĐ/ hộp.
  • Augmentin 625mg: Hàm lượng: Amoxicillin 500mg + Acid clavulanic 125mg. Hộp 2 vỉ x 7 viên nén. Xuất xứ: Anh. Nhà sản xuất SmithKline Beecham Pharmaceuticals. Giá tham khảo: 176.000 VNĐ/ hộp.
  • Amoxicillin 250mg – DP TW2. Hộp 10 vỉ x 10 viên nang cứng. Nhà sản xuất: Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương 2.
  • Augmentin 250mg/ 31.25 mg. Hộp 12 gói, dùng cho trẻ em. Hàm lượng Amoxicillin 250mg + Acid clavulanic 31.25mg. Xuất xứ: Pháp. Nhà sản xuất Glaxo Smith Kline. Giá tham khảo: 135.000 VNĐ/ hộp.
  • Bột pha hỗn dịch kháng sinh Klavunamox 400mg/ 57mg chai 70ml. Hàm lượng: 400mg Amoxicillin + 57mg acid clavulanic. Xuất xứ: Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà sản xuất: Atabay Kimya. Giá tham khảo: 196.000/ chai.
Một số thuốc chứa hoạt chất Amoxicillin trên thị trường
Một số thuốc chứa hoạt chất Amoxicillin trên thị trường

15, Tài liệu tham khảo

  1. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482250/
  2. https://link.springer.com/article/10.1007%2Fs10620-005-2938-5
  3. https://pediatrics.aappublications.org/content/77/6/795.short
  4. https://dailymed.nlm.nih.gov/dailymed/drugInfo.cfm?setid=649d285c-8fcb-48dd-aa5e-2f34128102f5
  5. http://www.animalresearch.info/en/drug-development/drug-prescriptions/Amoxicillin
  6. https://academic.oup.com/jac/article/71/11/3258/2462025
  7. https://www.medicines.org.uk/emc/product/11433/smpc

Trên đây là bài viết chia sẻ những thông tin khoa học cần biết và Amoxicillin. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức bổ ích về loại kháng sinh này để cân nhắc sử dụng hiệu quả hơn.

Hiển thị tất cả 12 kết quả

Tin mới