Bệnh quai bị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Ngày viết:
Bệnh quai bị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Bệnh quai bị là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
5/5 - (1 bình chọn)

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm có thể gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của con người. Để hiểu hơn về bệnh lý này, mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây của Nhà thuốc online ITP Pharma nhé.

1, Đại cương về bệnh quai bị

Quai bị được xếp vào nhóm là những bệnh lý truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây thành dịch lây lan trong cộng đồng. Bệnh gây nên tình trạng viêm tại tuyến nước bọt, bên cạnh đó có thể kèm theo viêm các tuyến sinh dục, viêm tuyến tụy, nặng hơn có thể lan rộng gây viêm màng não, viêm não và viêm các cơ quan bộ phận khác trong cơ thể.

Bệnh quai bị gặp nhiều ở những người độ tuổi thanh niên hay thiếu niên, thường tiến triển ổn định và coi như lành tính. Sau khi bị quai bị, người bệnh sẽ có miễn dịch bền vững. Vì vậy mà những người đã từng bị quai bị thì ít khi bị lại lần thứ 2.

Bệnh quai bị là một bệnh lý toàn cầu, có thể gặp ở nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, quai bị được xếp vào là một trong 10 căn bệnh truyền nhiễm hay gặp nhất ở nước ta trong những năm từ 1996 đến năm 2000. Tuy vậy, bệnh quai bị ít khi gây tử vong cho người bệnh.

2, Dịch tễ học bệnh quai bị

2.1. Mầm bệnh

Tác nhân gây nên bệnh quai bị là virus quai bị. Đây là một loại virus thuộc nhóm paramyxovirus, thường có hình tròn, đường kính của virus khoảng 120 đến 200 nm. Cấu tạo gen của virus là ARN với cấu trúc xoắn ở vùng trung tâm. Virus quai bị là một loại virus có vỏ bọc, lớp vỏ bọc này là lipid và glycoprotein.

Về mặt miễn dịch, virus quai bị có hai loại kháng nguyên chính là:

  • Kháng nguyên V: đây là một loại kháng nguyên vỏ. Kháng nguyên V là yếu tố chính  kích thích cơ thể thực hiện chức năng sản sinh kháng thể, có khả năng dẫn tới hiện tượng ngưng kết hồng cầu.
  • Kháng nguyên S: đây là một loại kháng nguyên hòa tan. Kháng nguyên S không có tác dụng gây bệnh và cũng không gây ra hiện tượng ngưng kết hồng cầu.

Virus quai bị có lớp vỏ bao phủ nên khả năng chịu đựng khá cao. Virus có khả năng tồn tại lâu ở môi trường ngoài cơ thể con người. Ở khoảng nhiệt độ từ 15 đến 20 độ thì virus quai bị có thể tồn tại từ 2 đến 3 tháng, ở nhiệt độ cao hơn là khoảng 37 độ virus sống được khoảng 7- 10 ngày. Ở nhiệt độ lạnh từ -25 đến -70 độ, virus có thể tồn tại được nhiều năm. Trong môi trường hóa chất Formol 0,1% hay cồn/ete, virus có thể tồn tại khoảng 5 phút. Đặc biệt virus chết nhanh khi bị chiếu bởi tia cực tím. Đây chính là nguyên do người ta ứng dụng tia cực tím để khử khuẩn virus quai bị.

Hình ảnh virus quai bị
Hình ảnh virus quai bị

2.2. Nguồn bệnh

Người được coi là nguồn bệnh, ổ chứa và nguồn lây truyền duy nhất của bệnh quai bị. Những bệnh nhân đang mắc bệnh quai bị cấp tính có khả năng đào thải mầm bệnh rồi lây lan cho những người xung quanh trong cộng đồng cao. Một khi bị nhiễm virus quai bị, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng chứ không có tình trạng những người lành mang virus quai bị.

2.3. Đường lây của bệnh

Bệnh quai bị có khả năng lây trực tiếp qua đường hô hấp, đặc biệt là trong những trường hợp giao tiếp trực tiếp với người đang bị quai bị.

Thời gian lây của bệnh có thể dao động từ 7 ngày trước cho tới 7 ngày sau khi bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện tình trạng viêm tại tuyến nước bọt mang tai.

2.4. Cơ thể cảm thụ của bệnh

Cơ thể cảm thụ chủ yếu của bệnh quai bị là những người độ tuổi thiếu niên (từ 7 đến 14 tuổi) hay thanh niên (từ 18 đến 20 tuổi). Tỷ lệ mắc bệnh ở giới nam cao hơn hẳn so với nữ giới. Những đối tượng trẻ nhỏ và người cao tuổi ít khi mắc bệnh quai bị. Sau khi mắc bệnh quai bị, cơ thể sẽ sản sinh miễn dịch bền vững và miễn dịch này tồn tại suốt đời.

2.5. Tính chất của vụ dịch

Bệnh quai bị thường có xu hướng phát triển lan rộng tạo thành các vụ dịch và các mùa lạnh như mùa đông, mùa xuân, dịch lây nhanh ở những khu vực đông dân cư, các khu ở đông người hay trường học,…

3, Cơ chế bệnh sinh và giải phẫu bệnh

3.1. Cơ chế bệnh sinh của bệnh quai bị

Virus quai bị sẽ bắt đầu xâm nhập vào cơ thể người lành qua đường hô hấp (qua giao tiếp, sinh hoạt,… cùng người bệnh). Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus bắt đầu phát triển tăng sinh ở niêm mạc vùng khoang miệng, vùng mũi hầu họng, các hạch lympho vùng ngoại vi rồi sau đó di chuyển vào mạch máu đi khắp cơ thể. Theo dòng máu virus có thể đến và xâm nhập vào các cơ quan bộ phận gây nên tình trạng viêm tại các cơ quan đó như: viêm tuyến nước bọt (hay gặp nhất), viêm tuyến sinh dục, tuyến tụy, viêm não, màng não,… Và cũng chính qua tuyến nước bọt, virus gây bệnh được đào thải ra bên ngoài và lây lan cho người lành khác.

Viêm tuyến nước bọt là tổn thương thường gặp nhất của bệnh quai bị
Viêm tuyến nước bọt là tổn thương thường gặp nhất của bệnh quai bị

3.2. Giải phẫu bệnh

  • Tại các tuyến nước bọt: Tổn thương do virus gây ra thường tập trung tại các mô kẽ tại tuyến, gây phù nề các mạch máu vùng đó, tổn thương mạch máu gây nên tình trạng xuất huyết nhẹ vùng quanh tuyến nước bọt.
  • Tại tuyến tụy: Virus có khả năng gây tổn thương và ảnh hưởng đến cả tuyến tụy nội tiết cũng như tuyến tụy ngoại tiết.
  • Tại tinh hoàn nam giới: Đây là biến chứng hay gặp của bệnh. Các tổn thương tại tinh hoàn chủ yếu là ở các tổ chức mô kẽ và biểu mô của tuyến. Từ đó dẫn tới tình trạng hoại tử các tế bào này, làm cho các tuyến dần bị teo lại gây nên những ảnh hướng về chức năng sinh dục sau này.
  • Tại thần kinh trung ương: Virus có thể xâm nhập và gây viêm màng não, kích thích thần kinh trung ương.

4, Các triệu chứng lâm sàng của bệnh quai bị

Tùy vào từng thể bệnh mà quai bị sẽ có những biểu hiện đặc trưng khác nhau.

4.1. Thể quai bị điển hình hay gặp nhất

Giai đoạn ủ bệnh: Giai đoạn này diễn ra khá dài, khoảng 16 đến 21 ngày. Ở giai đoạn ủ bệnh, hầu như bệnh nhân chưa có các dấu hiệu lâm sàng.

Giai đoạn khởi phát bệnh: Bệnh quai bị thường khởi phát một cách đột ngột mang tính chất cấp tính. Giai đoạn này có một số triệu chứng cơ bản như:

  • Bệnh nhân sốt cao, nhiệt độ có thể dao động khoảng từ 38 đến 40 độ
  • Kèm theo với triệu chứng sốt, bệnh nhân thấy đau mỏi khắp cơ thể, đặc biệt là vùng cơ khớp.
  • Đau nhiều vùng xung quanh ống tai ngoài, tình trạng đau này sẽ tăng lên nhiều khi bệnh nhân hoạt động xương hàm như động tác nhai, josi chuyện, ăn uống,…
  • Khi khám các bác sĩ thường phát hiện thấy có ba điểm đau nhất đặc trưng của bệnh quai bị là:
  • Điểm khớp thái dương hàm
  • Điểm vùng mỏm xương chũm
  • Điểm vùng hạch dưới hàm

Giai đoạn toàn phát: giai đoạn này các triệu chứng thường biểu hiện rầm rộ và rõ ràng như:

  • Viêm nhiễm vùng tuyến nước bọt mang tai. Thường sẽ viêm cả 2 tuyến 2 bên tai. Tình trạng này có thể diễn biến nhanh trong vài giờ hoặc kéo dài đến vài ngày.
  • Tuyến nước bọt mang tai bị sưng và căng to, sưng lan ra vùng xung quanh tạo nên một hình cục nổi gồ lên mất các rãnh hay nếp gấp vùng tai. Vì sưng quá to nên nhiều bệnh nhân bị biến dạng khuôn mặt với trạng thái cổ bị bành ra, mặt phình to và lệch.
  • Da vùng tuyến nước bọt mang tai bị viêm sẽ căng bóng nhưng không bị đỏ, không nóng, khi ấn vào thấy da sẽ đàn hồi trở lại trạng thái ban đầu.
  • Bên cạnh tuyến nước bọt mang tai, bệnh nhân cũng có thể bị viêm tuyến nước bọt dưới hàm, tuyến nước bọt dưới lưỡi. Nhiều trường hợp do tình trạng viêm các tuyến này quá nghiêm trọng nên sẽ lan rộng đến vùng xương ức gây phù nề thậm chí viêm tại vùng đó.
  • Ngoài ra bệnh nhân còn có thể có biển hiện các triệu chứng khác như: đau hàm nhiều, đau tăng khi hoạt động miệng, sưng bạch vùng góc hàm, sốt vừa haowjc sốt cao.

Giai đoạn hồi phục: Giai đoạn phục hồi xảy ra khi bệnh diễn biến khoảng 1 tuần. Các triệu chứng như sốt sẽ giảm dần, tình trạng sưng viêm các tuyến cũng đỡ làm tuyến xẹp dần xuống. Các triệu chứng bệnh của bệnh nhân dần giảm và sau cùng sẽ hết, bệnh nhân khỏi bệnh và để lại miễn dịch suốt đời.

Biểu hiện viêm tuyến nước bọt khi mắc bệnh quai bị
Biểu hiện viêm tuyến nước bọt khi mắc bệnh quai bị

4.2. Thể quai bị có biểu hiện ngoài tuyến nước bọt

Thể quai bị gây viêm tinh hoàn:

Thể bệnh này thường gặp ở những đối tượng độ tuổi dậy thì. Khi đó tình trạng viêm tinh hoàn sẽ thường đi kèm với viêm tuyến nước bọt mang tai, tuy nhiên cũng có trường hợp nó chỉ xuất hiện một mình không kèm theo viêm khu vực khác.

Đối với những trường hợp có viêm tuyến nước bọt mang tai thì sau khi bị sưng đau vùng mang tai khoảng 1 đến 2 tuần thì bệnh nhân bắt đầu bị sốt cao lại. Cùng với đó là biểu hiện tinh hoàn bị sưng to và rất đau. Khi đó da bìu bị căng to bóng, màu đỏ, khi sờ thấy rất chắc. Những trường hợp nặng hơn có thể thấy có viêm nhiễm tại thừng tinh, mào tinh và gây thành dịch tại màng tinh hoàn.

Bệnh tiến triển khoảng 3 đến 4 tuần thì tinh hoàn mới bắt đầu giảm sưng và giảm đau. Biến chứng teo tinh hoàn được xác định sau đó 2 tháng nếu có.

Thông thường người bệnh thường bị viêm 1 bên tinh hoàn. Những trường hợp viêm teo 2 bên sẽ dẫn tới nguy cơ vô sinh cho người bệnh.

Thể quai bị gây tổn thương thần kinh:

Thể này gây nên viêm màng não và gặp nhiều hơn ở những bệnh nhân nhỏ tuổi. Tình trạng viêm màng não thường xảy ra sau khi có biểu hiện viêm tuyến nước bọt khoảng 4 đến 10 ngày. Bệnh nhân đột ngột bị sốt cao kèm theo các triệu chứng đau đầu, nôn, buồn nôn, có thể có co giật ở trẻ.

Có thể gặp tình trạng viêm não nhưng ít hơn viêm màng não. Khi có viêm não thì thường cũng kèm theo cả tình trạng viêm màng não. Trong viêm não bệnh nhân cũng sốt cao đột ngột, đau đầu mê sảng thậm chí là hôn mê.

Thể bệnh này thường lành tính. Nếu được điều trị tốt thì bệnh sẽ thoái lui dần. Một số rất ít trường hợp nặng thì cũng có nguy cơ gây tử vong cho người bệnh.

Thể bệnh có viêm tụy cấp:

Thể bệnh này gặp ở người lớn. Sau khi bị viêm tuyến mang tai, bệnh nhân sẽ bắt đầu có biểu hiện sốt lại. Kèm theo đó là bệnh nhân có đau vùng thượng vị, nôn, chướng bụng, tiêu chảy. Tiến triển sau khoảng 1 đến 2 tuần thì bệnh sẽ tự khỏi.

5, Triệu chứng cận lâm sàng của bệnh

Đối với một bệnh nhân nghi ngờ hay có các biểu hiện của bệnh quai bị người ta sẽ có chỉ định làm các xét nghiệm sau:

Xét nghiệm vi sinh:

  • Người ta sẽ tiến hành phân lập virus quai bị ở trong máu hoặc dịch họng, dịch não tủy hay thậm chí là nước tiểu.
  • Có thể nuôi cấy tế bào ở các thử nghiệm trên phôi gà hay các tế bào Hela
  • Một số trường hợp cũng có thể tiêm truyền gây bệnh trên các đối tượng như chó, khỉ. Chuột,…

Xét nghiệm chẩn đoán huyết thanh:

  • Test ELISA được coi là phương pháp tối ưu nhất để giúp phát hiện các loại kháng thể đặc hiệu trong máu.
  • Xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang
  • Các phản ứng cố định bổ thể: Các phản ứng giúp đánh giá tình trạng đáp ứng kháng thể của cơ thể đối với các loại kháng nguyên của virus, từ đó giúp chẩn đoán bệnh quai bị cấp tính. Thông thường người ta sẽ tìm thấy kháng thể đối với kháng nguyên S trong giai đoạn sớm và cao dần trong tuần đầu khởi bệnh, giảm dần và mất hẳn sau 6 đến 12 tuần.

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu: Xét nghiệm sẽ phát hiện số lượng tế bào bạch cầu trong giới hạn bình thường hoặc chỉ giảm nhẹ, tỷ lệ các tế bào bạch cầu lympho tăng. Số lượng hồng cầu và tiểu cầu không có biến động nhiều.

Sinh hóa máu: thấy amylase máu cũng như trong nước tiểu tăng cao trong thể quai bị có kèm theo viêm tụy, viêm não, viêm màng não,… Trường hợp men lipase chỉ tăng trong các trường hợp viêm tụy.

Xét nghiệm dịch não tủy: Xét nghiệm sẽ thấy có những biến đổi nhưng không quá nghiêm trọng. Một thời gian sau khi bệnh ổn định thì các chỉ số dịch não tủy cũng sẽ ổn định trở lại.

6, Chẩn đoán bệnh quai bị như thế nào?

6.1. Chẩn đoán xác định

Chẩn đoán bệnh quai bị như thế nào?
Chẩn đoán bệnh quai bị như thế nào?
  • Lâm sàng: thấy bệnh nhân có các biểu hiện của viêm tuyến mang tai đặc trưng của bệnh, thường xuất hiện 2 bên, viêm đau nhưng không thấy bị hóa mủ. Da vùng tuyến sưng căng nhưng không nóng đỏ và vẫn giữ được tính đàn hồi.
  • Cận lâm sàng: dựa vào kết quả của các xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu, nồng độ men amylase trong máu, xét nghiệm phân lập virus và chẩn đoán huyết thanh.
  • Yếu tố dịch tế: bệnh nhân đang sinh sống tại những vùng đang lưu hành dịch quai bị và có tiếp xúc với người bệnh. Xu hướng mắc nhiều vào mùa đông xuân.

Áp dụng những chẩn đoán này trong cộng đồng như sau:

Đối với các cơ sở y tế cấp xã, huyện:

  • Chẩn đoán các biểu hiện lâm sàng của thể bệnh điển hình dựa vào khai thác bệnh nhân và điều tra yếu tố dịch tễ.
  • Các trường hợp không điển hình khác nên được hội chẩn hỏi ý kiến hoặc chuyển bệnh nhân lên các cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác hơn.

Đối với các phòng khám:

  • Chẩn đoán dựa vào lâm sàng và các yếu tố dịch tễ tương tự như ở tuyến y tế cơ sở.
  • Nếu có điều kiện thì có thể làm thêm các xét nghiệm không đặc hiệu của bệnh như tổng phân tích tế bào máu, amylase,…

Đối với các cơ sở y tế chuyên khoa, tuyến tỉnh hay trung ương:

Ngoài các dấu hiệu lâm sàng và dịch tễ cơ bản có thể chỉ định thực hiện các loại xét nghiệm đặc hiệu của bệnh quai bị như xét nghiệm phân lập virus, chẩn đoán huyết thanh,…

6.2. Chẩn đoán phân biệt bệnh quai bị

Bệnh quai bị tuy được coi là một bệnh điển hình nhưng cũng nên phân biệt tránh nhầm lẫn với một số bệnh lý khác như:

  • Viêm tuyến mang tai do vi khuẩn sinh mủ
  • Sỏi tại các tuyến nước bọt, đặc biệt là tuyến nước bọt mang tai
  • Viêm các hạch vùng góc hàm 2 bên
  • U tuyến nước bọt mang tai
  • Đau răng, mọc răng số 8, viêm ống tai,…
  • Phì đại, quá sản tuyến mang tai
  • Viêm tinh hoàn do tác nhân khác không phải là virus quai bị
  • Lao tinh hoàn
  • Ung thư tinh hoàn
  • Viêm não, màng não do não mô cầu, xoắn khuẩn,…

7, Các phương pháp điều trị bệnh quai bị

Cho đến nay, bệnh quai bị vẫn chưa có loại thuốc nào có tác dụng đặc trị triệt để bệnh. Vì vậy mà đối với những bệnh nhân bị quai bị, chủ yếu người ta sẽ tập trung để điều trị các triệu chứng mà bệnh nhân có.

Điều trị thể điển hình hay gặp:

  • Đảm bảo vệ sinh vùng miệng họng của bệnh nhân bằng cách súc miệng, súc họng thường xuyên
  • Dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt khi bệnh nhân có các triệu chứng đó. Có thể lựa chọn Paracetamol cho bệnh nhân.
  • Cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi nhiều, hạn chế vận động và di chuyển khi tuyến mang tai bị sưng nhiều.
  • Để tránh lây lan cho người khác, những bệnh nhân quai bị nên được cách ly ít nhất 2 tuần.

Điều trị thể quai bị có viêm tinh hoàn:

  • Dặn bệnh nhân mặc các loại quần lót chật để giữ chức năng nâng tinh hoàn cho bệnh nhân, nằm nghỉ ngơi nhiều, tránh vận động di chuyển nhiều khi còn viêm.
  • Giảm đau cho bệnh nhân bằng thuốc Paracetamol.
  • Chỉ định các loại thuốc chống viêm như Prednisolon trong khoảng 5 ngày cho tới khi tinh hoàn đỡ sưng.
  • Sau đó có thể cho bệnh nhân uống thêm viên bổ sung vitamin E trong vài tháng để tăng hiệu quả sản sinh tinh trùng.

8, Phòng bệnh quai bị như thế nào?

Phòng bệnh quai bị như thế nào?
Phòng bệnh quai bị như thế nào?
  • Cách ly bệnh nhân bị quai bị ít nhất 2 tuần. Khi tiếp xúc hoặc chăm nom bệnh nhân bị quai bị thì người nhà phải đeo khẩu trang để bảo vệ chính mình.
  • Nguồn chất thải mang mầm bệnh như đờm, dãi, máu,… nên được xử lý thật tốt. bệnh nhân ho, khạc đờm vào bô sau đó đổ chất thải đó vào nơi quy định, tránh làm lây lan, phát tán mầm bệnh ra môi trường bên ngoài.
  • Những người là người nhà chăm sóc trực tiếp cho những bệnh nhân đang điều trị bệnh quai bị cũng bên được kiểm tra, xét nghiệm sàng lọc xem có bị nhiễm virus không. Việc kiểm tra nên được thực hiện vào lúc bệnh nhân mới bắt đầu điều trị và lúc bệnh nhân khỏi và có quyết định cho ra viện.
  • Đối với những người đang sống trong vùng có dịch quai bị lưu hành thì nên hạn chế tiếp xúc với mọi người xung quanh, tránh tập trung nơi đông người, sử dụng khẩu trang hay các dụng cụ che chắn khi đi ra ngoài.
  • Trẻ em mẫu giáo đang đi học tại nhà trẻ mà có học sinh bị bệnh quai bị thì nên khử khuẩn môi trường các phòng học cũng như không gian xung quanh, vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Nếu tình hình dịch nghiêm trọng thì nên xem xét cho trẻ tạm nghỉ học để tránh lây lan.
  • Tiêm vắc xin chống quai bị: Vắc xin quai bị là một loại vắc xin sống giảm độc lực. Vắc xin có khả năng tạo miễn dịch tốt, an toàn và tạo miễn dịch lâu dài khoảng 15 năm. Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin chống quai bị theo nghiên cứu có thể lên đến 95%. Do đó nên tuyên truyền và triển khai tiêm vắc xin cho mọi đối tượng, đặc biệt là những người lứa tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên nên lưu ý không áp dụng tiêm vắc xin phòng quai bị cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng của trẻ.

9, Một số câu hỏi thường gặp

9.1. Bệnh quai bị có nguy hiểm không?

Bệnh quai bị không có nhiều nguy hiểm tới bệnh nhân. Bênh thường được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực, thoái lui nhanh và không gây nên biến chứng.

Tuy nhiên trong một số trường hợp nếu bệnh nhân không biết cách vệ sinh miệng họng tốt, tình trạng viêm nhiễm nặng hơn thì có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm tại vùng xung quanh đầu, mặt, cổ. Khi đó việc điều trị và phục hồi sẽ nan giải hơn rất nhiều.

Một số trường hợp có viêm màng tinh hoàn mà không được xử trí sớm và triệt để có thể gây nên tình trạng vô sinh ở nam giới sau này.

9.2. Bệnh quai bị nên ăn kiêng gì?

Trên thực tế thì chế độ ăn không có quá nhiều ảnh hưởng tới diễn biến bệnh của những bệnh nhân quai bị. Tuy nhiên vì đây là một tình trạng viêm nên nếu có thể, nên cho bệnh nhân tránh một số loại thực phẩm không tốt trong khi đang bị viêm như: thịt gà, trứng, đồ tanh nồng,…

9.3. Bị quai bị nên ăn gì?

Nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng trong chế độ ăn của những bệnh nhanh đang bị quai bị. Nguồn dinh dưỡng đó có thể lựa chọn từ bất cứ loại thực phẩm nào mà thuận lợi cho gia đình chuẩn bị, hoặc lựa chọn thức ăn theo nhu cầu của bệnh nhân để họ ăn uống ngon miệng hơn, nhanh hồi phục hơn.

9.4. Bệnh quai bị có lây không?

Câu trả lời là có, và hơn nữa bệnh này lân lan một cách rất dễ dàng từ người bệnh qua người lành qua đường hô hấp khi họ gian tiếp hay sinh hoạt cùng nhau. Do đó cần phòng tránh bằng cách cách ly người bệnh cũng như dùng các biện pháp bảo hộ khi tiếp xúc với bệnh nhân quai bị.

9.5. Bị bệnh quai bị một lần rồi có bị lại nữa không?

Quai bị là một bệnh có khả năng để lại miễn dịch bền vững suốt đời. Do đó hầu như trên 90% những người đã từng mắc quai bị trước đó thì sẽ không có nguy cơ bị bệnh thêm lần nào nữa. Tuy nhiên không có gì là đảm bảo tuyệt đối cả, trong số ít trường hợp vẫn có thể có người bị bệnh quai bị tái phát 2 lần. Nhưng những bệnh nhân này sau khi bị bệnh lần thứ 2 sẽ có miễn dịch mạnh hơn nữa nên ít khi mắc bệnh lần thứ 3. Theo nhiều nghiên cứu người ta không thấy có đối tượng nào mắc quai bị đến lần thứ 3.

9.6. Có nên điều trị bệnh quai bị bằng thuốc nam không

Điều trị đông y hay thuốc nam cũng là một cách điều trị có thể mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên hiện nay với sự phát triển của y học hiện đại, việc điều trị bệnh quai bị bằng thuốc lại đơn giản hơn và ít gây biến chứng. Do đó thay vì chần chừ có nên dùng thuốc nam hay không, các bạn nên điều trị sớm bằng tây y.

Trên đây là một số thông tin về bệnh quai bị. Tuy quai bị không quá nguy hiểm nhưng các bạn cũng không nên chủ quan khi mắc bệnh.

Xem thêm:

Sốt xuất huyết: Hình ảnh, nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Hội chứng cường giáp là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn