[Chia sẻ] Một số kiến thức về sinh mổ mà bà bầu cần biết

Ngày viết:
Một số điều cần biết về sinh mổ và thực đơn cho người sinh mổ
Một số điều cần biết về sinh mổ và thực đơn cho người sinh mổ
5/5 - (1 bình chọn)

Sinh mổ là một phương pháp sinh phổ biến hiện nay. Ngày càng có nhiều bà bầu lựa chọn sinh mổ thay vì phương pháp sinh thường như trước kia. Vậy để bà bầu yên tâm hơn khi thực hiện, Nhà thuốc online ITP Pharma xin chia sẻ một số điều cần biết về sinh mổ, mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.

1, Sinh mổ là gì? Nguyên nhân bà bầu phải sinh mổ

Sinh mổ hay còn gọi là mổ lấy thai, là một phương pháp phẫu thuật để đưa thai nhi ra ngoài không qua đường âm đạo mà qua đường vết cắt ở bụng và tử cung của sản phụ.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau làm cho các chị em không thể sinh thường qua đường âm đạo và bắt buộc phải mổ lấy thai. Dưới đây là một số nguyên nhân hay gặp phải chỉ định sinh mổ:

  • Quá trình chuyển dạ diễn ra không thuận lợi, khi đó cổ tử cung của người phụ nữ không mở đủ để đảm bảo cho em bé di chuyển xuống âm đạo ra ngoài.
  • Dây rốn của thai khi còn ở trong buồng tử cung có thể bị chèn ép gây ảnh hưởng đến việc đảm bảo nuôi dưỡng thai nhi, hoặc trong trường hợp nhịp tim của thai nhi quá nhanh hay quá chậm, có nguy cơ suy thai nên không thể đẻ qua đường âm đạo được. Trong các trường hợp đó nếu bà bầu vẫn sinh thường sẽ dễ gây nên tình trạng ngạt ở trẻ sơ sinh.
  • Trường hợp bà bầu mang đa thai như trong sinh đôi hay sinh ba. Khi này các thai dễ bị bất thường về ngôi thai, hoặc vị trí của thai không phù hợp để đẻ đường dưới, cần phải thực hiện sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và thai.
  • Thai kỳ có một số vấn đề bất thường về nhau thai như rau bong non, máu tụ sau rau, rau tiền đạo trung tâm hoàn hay rau tiền đạo bán trung tâm, suy bánh rau,…
  • Thai to, trọng lượng của thai quá lớn làm cho thai khó lọt qua khung chậu hẹp hoặc bình thường của người mẹ, những trường hợp đó sẽ khiến cho bà bầu không thể sinh thường được.
  • Trường hợp bất thường về ngôi thai, ngôi khó hay ngôi không đẻ đường dưới được: Có thể là bà bầu mang thai ngôi ngược, ngôi ngang, ngôi mặt cằm cùng,…
  • Bà bầu mắc các bệnh về nhiễm trùng, nhiễm virus hay các bệnh gây suy giảm miễn dịch ở người hoặc nhiễm virus herpes
  • Bà bầu mắc phải các bệnh lý mạn tính trước hoặc trong khi mang thai như: các bệnh lý hệ tim mạch, hô hấp, suy gan, xơ gan, basedow, hoặc huyết áp cao, tiền sản giật,…
  • Có một nguyên nhân rất hay gặp hiện nay đó là nhu cầu sinh mổ của các bà bầu. Có thể do tâm lý sợ đẻ đường dưới hoặc để bảo tồn những can thiệp làm đẹp đường âm đạo.

2, Ưu, nhược điểm của phương pháp sinh mổ

Ưu điểm của sinh mổ:

  • Ưu điểm nổi trội của việc sinh mổ là có thể đảm bảo an toàn cho mẹ và con trong những trường hợp không thể sinh được đường âm đạo được.

Nhược điểm của sinh mổ:

Bên cạnh ưu điểm như trên thì sinh mổ cũng có thể có những nhược điểm như:

  • Bà mẹ có thể gặp phải một số tai biến trong quá trình gây mê, gây tê như sốc phản vệ, tụt huyết áp, hay các tai biến quá trình phẫu thuật gây ra như tụ máu tại vết mổ, nhiễm trùng vết mổ, thủng hoặc dính ruột, viêm dính bàng quang,…
  • Khi sinh mổ các sản phụ sẽ có nguy cơ bị mất máu nhiều hơn so với những người sinh thường, do đó làm tăng nguy cơ băng huyết và mất máu sau sinh.
  • Các đường sẹo mổ trên thân hay eo tử cung sẽ làm ảnh hưởng đến những lần mang thai sau đó của người phụ nữ, sẽ khiến nguy cơ gặp phải tai biến khi mang thai và chuyển dạ ở lần sau cao hơn.
  • Thời gian hồi phục sau các cuộc sinh mổ sẽ kéo dài hơn so với sinh thường, việc chăm sóc vết mổ cũng sẽ phức tạp và nhiều nguy cơ hơn.
  • Sau khi sinh mổ sẽ có thể để lại đường sẹo xấu vùng bụng dưới và các chị em có thể bị ngứa hoặc đau mỗi khi thời tiết thay đổi.
  • Ở các sản phụ sau sinh mổ, quá trình tiết sữa non sau sinh cũng sẽ chậm và ít hơn so với sản phụ sinh thường.

3, Những điều cần biết trước khi sinh mổ

Những điều cần biết trước khi sinh mổ
Những điều cần biết trước khi sinh mổ

Trước khi sinh mổ, các bạn nên chú ý một số vấn đề dưới đây:

Hãy chắc chắn là bạn cần phải mổ. Nếu có thể hãy cố gắng đẻ đường dưới:

  • Đẻ thường qua đường âm đạo sẽ đơn giản, ít tai biến và sau sinh các bà mẹ cũng sẽ hồi phục nhanh hơn. Do đó nếu có thể hãy cố gắng sinh con bằng đường dưới nhé.
  • Trong các trường hợp bắt buộc phải sinh mổ thì hãy thực hiện theo lời dặn của các bác sĩ chuyên khoa.

Trang bị kiến thức đầy đủ về việc sinh nở:

Việc sinh đẻ trên thực tế sẽ có thể không giống như những gì trong sách báo mô tả hoặc những gì mà các bạn được biết trong lớp học tiền sản khi mang thai. Mỗi người là một trường hợp khác nhau. Do đó hãy kết hợp cả việc tìm hiểu những kiến thức chung và ghi nhớ cả những thông tin mà bác sĩ thông báo cho các bạn mỗi lần đi khám thai nhé. Trước khi sinh mổ, các bạn nên dành thời gian tìm hiểu về các tai biến có thể xảy ra trong quá trình sinh mổ và sau sinh mổ. Từ đó, các bạn sẽ linh hoạt hơn trong việc ứng phó với các tình huống nếu không may gặp phải. Các mẹ bầu nên trau dồi kiến thức nền tảng về sinh sản cho mình, những thông tin cơ bản giúp sinh nở và hồi phục hiệu quả hơn.

Thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp trước khi sinh mổ:

Chế độ dinh dưỡng luôn là một vấn đề được lưu ý trong khi mang thai, trước khi sinh và cả sau khi sinh con. Nó ảnh hưởng nhiều tới việc thành công trong sinh đẻ cũng như hồi phục sau sinh. Do đó, trước khi sinh mổ, bà bầu hãy cố gắng tăng cường việc cung cấp năng lượng cho cơ thể qua chế độ ăn hợp lý nhé. Hãy chia thành nhiều bữa ăn, ăn các loại thực phẩm nhiều dinh dưỡng. Các bạn có thể cố gắng ăn nhiều hơn trong những ngày sắp sinh mổ vì trước khi sinh và sau sinh 1 thời gian ngắn các bạn sẽ không được ăn uống.

Bên cạnh đó, các bạn cũng nên tránh những loại thức ăn có chứa nhiều chất béo và các loại thực phẩm khó tiêu vì khi dạ dày quá đầy sẽ có nguy cơ làm cho các bạn bị nôn mửa nhiều hơn đấy.

Đảm bảo vệ sinh cho cơ thể:

Một trong số những việc quan trọng và vô cùng cần thiết mà bà bầu cần chuẩn bị trước khi sinh mổ đó chính là việc vệ sinh cơ thể thật sạch sẽ. Các bạn hãy tắm gội sạch sẽ, vệ sinh và cắt tỉa móng tay, móng chân, làm sạch núm vú, vệ sinh vùng kín và thụt rửa hậu môn đúng cách dưới sự chỉ dẫn của các bác sĩ. Sau khi mổ lấy thai, những ngày đầu các bạn thường sẽ chưa thể tắm rửa để vệ sinh cơ thể, do đó nếu trước khi sinh các bạn không vệ sinh sạch sẽ thì sau sinh sẽ lại càng khó chịu hơn rất nhiều. Không thể đảm bảo vệ sinh cũng rất dễ dẫn tới tình trạng nhiễm trùng hậu sản.

Chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng các đồ dùng cần thiết cho mẹ và bé trước khi nhập viện:

Việc chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng cá nhân cần thiết trước khi sinh cũng là một minh chứng rằng các bạn đã sẵn sàng cho việc sinh mổ của mình. Việc chuẩn bị này sẽ giúp cho các bạn không gặp rắc rối cũng như bất tiện sau khi đã nhập viện.

Các bạn lưu ý cần phải mang đầy đủ giấy tờ và hồ sơ cần thiết để phục vụ cho việc làm thủ tục nhập viện được diễn ra thuận lợi. Đồng thời việc chuẩn bị những vật dụng, tư trang cho cả bố mẹ và con phải được chuẩn bị thật chu đáo, đầy đủ. Trước đó các đồ dùng như quần áo của em bé cũng cần phải được giặt giũ sạch sẽ, vật dụng như tã lót, mũ, chậu, khăn,… cũng cần được chuẩn bị đầy đủ.

Để tránh gặp phải trường hợp đồ đạc quá lỉnh kỉnh nhưng lại không có đủ các vật cần thiết, tốt nhất các bạn cần phải cân nhắc thật kỹ xem nên mang món nào, bỏ món nào để túi đồ thật nhẹ nhàng trước khi vào viện nhé. Để không phải bị động, trước khi sinh mổ, các bạn nên chuẩn bị những nhóm đồ dùng cũng như nguồn tài chính và phương tiện đi lại từ trước ngày dự sinh khi cần là có thể sử dụng ngay không phải chờ đợi quá lâu.

Chuẩn bị tâm lý thật tốt trước khi sinh:

Hầu hết các bà bầu luôn có tâm lý sợ hãi và lo lắng trước khi sinh nở, đặc biệt là những người sinh con lần đầu. Nhưng thay vì lo lắng quá mức sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình sinh, các bạn hãy cố gắng giữ bình tĩnh và lạc quan. Nếu như bị lo lắng quá mức, các bạn hãy thử tập đếm những cơn co thắt tử cung nếu có và hít thở sâu mỗi khi cảm thấy đau bụng. Các cơn co thắt tử cung xuất hiện có thể là dấu hiệu của chuyển dạ, khi đó các bác sĩ cũng có thể chỉ định cho bà bầu đi mổ lấy thai luôn.

Lời khuyên của bác sĩ cho mẹ bầu sắp sinh mổ là hãy tập trung sự chú ý của bạn vào các việc khác như nghĩ đến con đáng yêu, hay việc nấu nướng hay vui chơi… bất cứ những gì có thể khiến cho các bạn cảm thấy thư giãn. Đừng quá kích động vì như vậy sẽ làm cho cuộc mổ của bạn có nhiều nguy cơ hơn như làm tăng huyết áp, chảy máu khó cầm,…

Các bạn hãy luôn bình tĩnh và nhớ rằng bạn không phải là người duy nhất sinh con trên thế giới này, việc sinh đẻ không có gì khó khăn cả, ai cũng sẽ làm được, hãy luôn tin tưởng vào bản năng làm mẹ của mình. Khi cảm thấy quá lo lắng, hãy cố gắng hít thở thật sâu và nghe theo những lời khuyên của đội ngũ bác sĩ hỗ trợ. Hãy trao đổi những lo lắng của mình với các bác sĩ trước khi sinh để họ hiểu và giúp đỡ các bạn nhé.

4, Một số điều cần lưu ý sau khi sinh mổ

Một số điều cần lưu ý sau khi sinh mổ
Một số điều cần lưu ý sau khi sinh mổ

Cũng giống như trước khi sinh mổ, sau khi sinh mổ các bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Không nên cho sản phụ ăn trong 6 tiếng đầu sau mổ:

Trước khi được đưa vào phòng mổ, thông thường chị em sẽ được các bác sĩ yêu cầu thụt tháo hậu môn trực tràng để đảm bảo các quai ruột được sạch sẽ giúp cuộc mổ thuận lợi hơn. Nếu là mổ có chuẩn bị thì các bà bầu cũng thường được khuyên nên nhịn ăn vài giờ trước khi tiến hành mổ lấy thai. Vì vậy đa số các bà bầu sẽ có cảm giác đói sau khi sinh mổ.

Tuy nhiên, để thuận lợi cho các bác sĩ theo dõi sau đẻ, chị em đừng vội vàng mà ăn uống quá no nhé. Sau các ca mổ lấy thai, các quai ruột sẽ bị động chạm nhiều, dạ dày bị ức chế, do đó làm cho quá trình hoạt động của ruột bị giảm đi khá nhiều. Khi đó, nếu các bạn ăn quá nhiều sẽ khiến cho quá trình tiêu hóa thức ăn gặp phải khó khăn, thức ăn bị tích tụ lâu sẽ có nguy cơ làm cho chị em bị táo bón. Đồng thời, lượng không khí trong lòng ruột cũng tăng lên khiến bụng bị đầy hơi, chướng to, không có lợi cho việc hồi phục sức khỏe sau sinh mổ.

Chính vì vậy, sau phẫu thuật trong 6 giờ thì các bạn không nên ăn gì, hãy đợi đến khi ruột đã dần dần khôi phục chức năng mới nên ăn uống. Khi bắt đầu ăn cũng nên ăn đồ ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng trước, cho đến khi trung tiện được thì mới nên ăn cơm và các loại thức ăn bình thường.

Ngày thứ 2 sau sinh mổ, hãy bắt đầu tập vận động nhẹ nhàng:

Sau khi sinh mổ thì nghỉ ngơi ở giường là một điều rất cần thiết nhưng các bạn cũng chỉ nên ngủ một thời lượng vừa phải. Nếu ngủ lâu quá sẽ gây ảnh hưởng không còn tốt do khi đó lượng nước ối còn lại sẽ bị tích tụ ở các vị trí thấp tử cung không thoát ra được qua đường âm đạo.

Sau khi phẫu thuật, tốt nhất các bạn cần thực hiện các hoạt động chân tay nhẹ nhàng để khôi phục lại cảm giác. Đến ngày thứ 2 sau mổ thì các bạn nên cố gắng tập trở và xoay người, tập ngồi dậy nhẹ nhàng để khởi động lại nhu động của ruột, dạ dày, điều tiết khí sớm. Việc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp dự phòng tình trạng dính ruột và đảm bảo lưu thông dòng máu trong cơ thể, tránh tắc mạch.

Bên cạnh đó, các bạn cũng nên cho trẻ bú sữa sớm để kích thích tử cung co bóp, giúp tống lượng sản dịch còn lại ra ngoài.

Không nên nằm ngửa quá nhiều sau sinh mổ:

Bình thường, nằm ngửa thường sẽ giúp cho chị em có cảm giác dễ chịu hơn nằm nghiêng. Tuy nhiên, sau khi mổ lấy thai, tác dụng của các loại thuốc mê sẽ giảm dần và không còn nữa, vết mổ sẽ bắt đầu bị đau nhiều hơn, khi các bạn nằm ngửa trên giường sẽ khiến các bạn cảm thấy đau đớn hơn do tử cung co thắt nhiều hơn. Do đó, các bạn nên chuyển sang tư thế nằm nghiêng và kê gối mềm sau lưng để lưng để giảm tối đa việc di động của cơ thể, giúp các bạn bớt đau và cũng giúp vết mổ nhanh lành hơn.

Đừng để cơ thể bị nhiễm lạnh trong tháng đầu sau sinh mổ:

Sau khi sinh con, thận khí của chị em thường bị suy nhược nên dễ dẫn tới tình trạng nhiễm lạnh. Vì vậy, các bạn không nên đụng tới nước lạnh quá sớm, thay vì tắm nước lạnh thì hãy dùng nước ấm, không nên giặt quần áo hoặc uống nhiều nước đá lạnh. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều người có quan điểm kiêng khem tắm rửa sau sinh mổ, điều này hoàn toàn sai lầm và dễ dẫn tới tình trạng nhiễm khuẩn cho cả mẹ và con. Hãy vẫn duy trì vệ sinh cơ thể thật tốt bằng nước ấm nhé.

Thông thường, sau khi sinh mổ khoảng 3 đến 4 ngày là chị em có thể tắm bằng nước ấm được rồi, đừng nên để cơ thể không được vệ sinh đến một tháng.

Cách tắm như thế nào cũng là một vấn đề mà chị em phải hết sức chú ý. Các chị em nên tắm nhanh chứ không nên ngâm người lâu trong nước. Tắm nhanh có thể hiểu là thời gian tắm không nên kéo dài quá lâu, tắm khoảng từ 5 đến 10 phút là vừa phù hợp cho các bạn. Sau khi tắm xong, các bạn phải lau khô cơ thể nhanh tránh nước đọng trên cơ thể gây nhiễm lạnh. Cả khi gội đầu cũng như vậy, các bạn không nên kiêng gội đầu đến một tháng, nhưng phải gội nhanh và lau đầu cho nhanh khô sau đó, tốt nhất là hãy dùng máy sấy để sấy cho nhanh khô tóc.

Không nên quan hệ tình dục quá sớm trong thời kỳ hậu sản:

Trong khi quan hệ tình dục, nếu không được kiểm soát hay thực hiện đúng cách, hai vợ chồng có thể sẽ có những hành động quá khích gây đau đớn cho sản phụ và khiến cho vết mổ bị đau, chảy máu và lâu liền. Các bạn đẻ mổ nên tránh quan hệ trong khoảng 6 đến 8 tuần để cơ thể hồi phục tốt hơn nhé. Bên cạnh đó, các bạn cũng nên tránh các xúc động mạnh gây ảnh hưởng đến tinh thần vì đôi khi tinh thần căng thẳng có thể gây tổn hại đến sức khoẻ của sản phụ sau mổ, gây thiếu sữa và dễ dẫn đến bệnh trầm cảm sau sinh.

Không nên vận động quá nặng trong 3 tháng đầu sau mổ:

Các bạn cần đặc biệt chú ý rằng sinh mổ là một cuộc phẫu thuật quan trọng đối với cả mẹ và em bé. Vết mổ đẻ cũng cần được chăm sóc và giữ gìn một cách kỹ lưỡng và cẩn thận. Người phụ nữ sau khi sinh mổ nên hạn chế của hoạt động quá nặng và không nên làm các động tác với hay rướn người quá cao, bê vác đồ nặng. Các bạn có thể nhờ tới sự giúp đỡ của người thân trong gia đình để giúp các công việc nhà cửa, trông con nhỏ để có thời gian nghỉ ngơi và điều dưỡng cơ thể nhiều hơn.

5, Thực đơn cho người sinh mổ

5.1. Nguyên tắc lên thực đơn cho những chị em sinh mổ

Cách lên thực đơn chăm sóc bà bầu sau sinh mổ như thế nào?
Cách lên thực đơn chăm sóc bà bầu sau sinh mổ như thế nào?

Chị em sinh mổ nên được quan tâm và có những thực đơn phù hợp. Việc lên thực đơn và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng vừa giúp chị em có sức khỏe tốt để đối mặt với cuộc mổ, vừa hỗ trợ cho việc hồi phục sau mổ. Dưới đây là một số nguyên tắc lên thực đơn cho các chị em sinh mổ mà chúng ta cần lưu ý:

  • Lựa chọn các loại thực phẩm đa dạng bao gồm đường, đạm, chất béo, vitamin và các loại khoáng chất. Đảm bảo đủ các loại dưỡng chất này không chỉ giúp cung cấp đủ dinh dưỡng mà chính từ sự phong phú đó cũng sẽ giúp cho các bạn nhiều lựa chọn hơn. Từ đó có thể thay đổi các món ăn thường xuyên, giúp ngon miệng hơn và tránh cảm giác chán ăn.
  • Thực đơn nên được bổ sung thêm các loại thực phẩm giúp ích cho quá trình tạo và tiết sữa của bà bầu.
  • Chế độ ăn cho các bạn sinh mổ phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Không nên ăn các loại thực phẩm sống vì đó có thể là nguồn chứa sán hoặc không đảm bảo vệ sinh.
  • Thời gian đầu sau khi sinh mổ, hệ tiêu hóa của sản phụ còn khá nhạy cảm và chưa hoàn toàn thực hiện tốt chức năng tiêu hóa thức ăn. Do đó các bạn cũng cần tránh các loại đồ ăn có chứa quá nhiều dầu mỡ hoặc các loại thực phẩm dễ dẫn tới tình trạng đầy hơi.
  • Không nên cho sản phụ ăn quá no. Khi dạ dày quá đầy sẽ tạo áp lực lên vết mổ vừa làm vết mổ lâu lành, vừa là gánh nặng cho hệ tiêu hóa.
  • Cần tránh các loại thức ăn có tính lạnh như cua, ốc, rau đay,… vì chúng dễ gây nên tình trạng chảy máu và làm cho vết mổ lâu lành hơn.
  • Không nên sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê… vì chúng không tốt cho việc hồi phục của mẹ và có thể gián tiếp gây ảnh hưởng đến em bé.
  • Một số loại thực phẩm như rau muống, thịt gà, lòng trắng trứng, đồ nếp,… là những thứ mà các bạn cần tránh nếu muốn vết sẹo mổ của mình liền đẹp. Những loại thực phẩm này sẽ làm tăng quá trình tạo mủ viêm và gây ra sẹo lồi, sẹo xấu.
  • Nếu như các bạn sau sinh mổ có thêm một số bệnh lý khác như bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp hay các bệnh lý về gan thận…thì nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tư vấn chi tiết. Từ đó bạn sẽ có những lời khuyên về chế độ ăn hợp lý hơn đối với từng trường hợp.

5.2. Một số loại hoa quả mà các bạn sinh mổ nên bổ sung

Bà bầu sau sinh mổ cần bổ sung nhiều hoa quả có chứa vitamin C
Bà bầu sau sinh mổ cần bổ sung nhiều hoa quả có chứa vitamin C

Hoa quả là một nguồn cung cấp vitamin và vi chất quan trọng mà các bạn nên lựa chọn. Hoa qua vừa đa dạng, dễ dàng lựa chọn mà cũng giúp các bạn có cảm giác ngon miệng hơn. Các bạn có thể lựa chọn các loại hoa quả như:

  • Loại hoa quả giàu vitamin C: Vitamin C vừa có tác dụng tăng sức đề kháng của cơ thể vừa giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng nên rất tốt cho bạn sinh mổ. Hãy bổ sung các loại hoa quả giàu vitamin C như: ổi, cam, dưa hấu, đu đủ, dâu tây, xoài, cà chua, việt quất,…
  • Loại hoa quả chứa nhiều sắt: Sau sinh mổ sẽ gây mất khá nhiều máu nên các bạn cũng cần bổ sung nhiều sắt để hỗ trợ quá trình tạo máu của cơ thể. Sắt thường có nhiều trong các hoa quả như: sung, đào, mơ, nho khô, dâu, táo,…
  • Loại hoa quả giúp mẹ có nhiều sữa: Có nhiều loại hoa quả giúp kích thích quá trình tạo sữa như: đu đủ xanh, chuối tiêu, mãng cầu, vú sữa,…

5.3. Một số gợi ý lên thực đơn cho các bạn sinh mổ tham khảo

Thực đơn 1: Thịt thăn kho với nghệ và tôm, cơm trắng, xương hầm với đu đủ xanh, sau bữa ăn tráng miệng với 2 quả chuối.

Thực đơn 2: 1 quả trứng gà luộc, canh thịt băm nấu với bí ngô, cơm trắng, ruốc thịt lợn thăn.

Thực đơn 3: Thịt bò xào mướp hoặc bầu, thịt kho, rau ngót nấu thịt băm và cơm trắng.

Thực đơn 4: Tôm rang mắm, 1 quả trứng gà ta luộc, cơm trắng và canh cua nấu rau đay.

Thực đơn 5: Cơm trắng, canh bầu nấu thịt băm, gà rang muối, tôm đồng rang, dứa ngọt.

Thực đơn 6: Mướp đắng nhồi thịt hấp cách thủy, đu đủ xanh hầm chân giò lợn, cơm trắng, thịt kho

Thực đơn 7: Thịt thăn rang, canh rau ngót nấu thịt nạc băm, rau bí xào thịt bò, cơm trắng, thanh long đỏ.

Thực đơn 8: Thịt nạc lợn luộc, canh mồng tơi nấu tép, trứng gà luộc và cơm trắng.

Thực đơn 9: Chả lá lốt, bí luộc, trứng gà luộc, ruốc tép và cơm trắng.

Thực đơn 10: Trứng gà xào với mướp đắng, chả lá lốt, bí luộc, cơm trắng hoặc cháo thịt băm.

Vậy là chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về những điều cần lưu ý cho những người sinh mổ và các thực đơn cho người sinh mổ. Hy vọng qua bài viết này các chị em sẽ yên tâm và vững tin hơn về việc sinh mổ của mình. Đừng lo lắng, hãy tự tin và vượt cạn thành công nhé.

Xem thêm:

Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? Cách phòng tránh cho bà bầu

Chuẩn bị cho hành trình mang thai, quá trình mang thai như thế nào?

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn