Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? Cách phòng tránh cho bà bầu

Ngày viết:
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? Cách phòng tránh cho bà bầu
Tiểu đường thai kỳ có nguy hiểm không? Cách phòng tránh cho bà bầu
5/5 - (1 bình chọn)

Theo một số nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam, có khoảng 2% đến 10% phụ nữ mang thai bị tiểu đường thai kỳ. Căn bệnh này có thể đem lại nhiều biến chứng nguy hiểm không chỉ với các bà mẹ mà với cả thai nhi trong thời gian mang bầu. Vì vậy bài viết dưới đây của Nhà thuốc online ITP Pharma sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về tiểu đường thai kỳ và cách chăm sóc, dự phòng cho bà bầu để có thể phòng tránh, tầm soát được bệnh trong quá trình mang thai.

1, Tiểu đường thai kỳ là gì?

Đái tháo đường thai kỳ, hay còn gọi với cái tên khác là tiểu đường thai kỳ được định nghĩa là tình trạng rối loạn dung nạp glucose và/hoặc tăng nồng độ đường huyết trong máu khởi phát hoặc được phát hiện lần đầu trong quá trình mang thai. Định nghĩa này bao gồm cả những người bị tiểu đường từ trước đó nhưng được phát hiện bệnh khi đang mang thai.

Tiểu đường thai kỳ là một bệnh lý thường không có quá nhiều triệu chứng, do đó bệnh hay được phát hiện qua những lần khám thai định kỳ hơn là bệnh nhân tự đi khám khi nghi ngờ bị tiểu đường. Bình thường, chỉ số glucose trong máu của sản phụ ổn định ở mức như sau:

  • Khi đói: Ở mức ≤ 92 mg/ dl (tương đương  5.1 mmol glucose/l)
  • Sau ăn 1 giờ: ≤ 180 mg/dl (tương đương 10mmol/l)
  • Sau ăn 2 giờ: ≤ 153 mg/dl (tương đương 8.5 mmol/l)

Khi nhận định thấy chỉ số glucose trong máu cao hơn mức bình thường như trên, các bác sĩ sẽ tiếp tục làm nghiệm pháp dung nạp glucose 75g – 2 giờ và dựa vào đó để đưa ra chẩn đoán bà bầu có bị tiểu đường thai kỳ hay không.

2, Nguyên nhân của tiểu đường thai kỳ? Những ai có nguy cơ cao bị mắc bệnh?

Insulin là một loại hormon trong cơ thể được bài tiết bởi tuyến tụy. Nó có nhiệm vụ chủ yếu là tham gia vào quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể, giúp cơ thể tăng hấp thu glucose và chuyển hóa glucose dư thừa thành glycogen và dự trữ tại gan. Nhờ các hoạt động đó mà Insulin có thể giữ cho lượng glucose trong máu luôn được ở ngưỡng cho phép. Nếu vì một lý do nào đó mà cơ thể không sản xuất được Insulin hoặc lượng hormon Insulin sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể sẽ làm chậm quá trình chuyển hóa glucose và làm cho lượng đường trong máu tăng cao.

Ở phụ nữ mang bầu, nhau thai sẽ tạo ra hormon khiến glucose tăng tích tụ trong máu, vì vậy lượng Insulin cần dùng sẽ tăng cao hơn so với khi không mang thai. Bên cạnh đó, khi mang thai cũng làm thay đổi nồng độ các loại nội tiết tố trong cơ thể, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc bài tiết Insulin của tuyến tụy. Mặt khác, nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng của mẹ bầu tăng cao nên cũng bổ sung nhiều hơn và tăng nạp lượng đường vào cơ thể. Bình thường tuyến tụy vẫn có thể sản xuất đủ lượng Insulin để đáp ứng được tình trạng này. Nhưng ở một số người, cơ thể không sản xuất đủ lượng Insulin cần thiết nên làm lượng đường trong máu tăng gây nên tiểu đường thai kỳ.

Ngoài ra, mẹ bầu sẽ dễ bị tiểu đường thai kỳ hơn nếu có những yếu tố nguy cơ dưới đây:

  • Có lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường, nhưng không ở mức để chẩn đoán bệnh (hay còn gọi là tiền đái tháo đường), triệu chứng không có nên ít khi phát hiện được.
  • Thừa cân, béo phì khi mang thai, tăng cân nhiều khi mang thai (đối với những bà bầu tăng > 20kg).
  • Có tiền sử tiểu đường thai kỳ trong lần mang thai trước.
  • Tiền sử huyết áp cao, bệnh tim mạch.
  • Tiền sử sinh con có cân nặng trên 4kg những lần trước.
  • Tuổi cao, sản phụ trên 35 tuổi là yếu tố nguy cơ cao.
  • Có tiền sử sản khoa bất thường: sảy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân, sinh non, say thai,…
  • Bị hội chứng buồng trứng đa nang chưa điều trị ổn định.
  • Trong gia đình có người bị đái tháo đường (cha mẹ, anh chị em ruột).
  • Người Châu Á có tỷ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ cao.

3, Tiểu đường thai kỳ biểu hiện như thế nào?

Tiểu đường thai kỳ biểu hiện như thế nào?
Tiểu đường thai kỳ biểu hiện như thế nào?

Tiểu đường thai kỳ rất dễ gây ra biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và con nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy việc theo dõi và phát hiện sớm biểu hiện của bệnh là rất cần thiết. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của tiểu đường thai kỳ mà các mẹ bầu nên chú ý phát hiện:

  • Thường xuyên cảm thấy đói bụng và ăn nhiều hơn bình thường.
  • Thường xuyên khát nước, hay uống nước nhiều hơn.
  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày, lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường.
  • Ăn nhiều nhưng lại có biểu hiện sụt cân, mệt mỏi, cảm giác kiệt sức.
  • Những vết thương bị trầy xước trên cơ thể có biểu hiện lâu lành, hay gặp tình trạng viêm nhiễm vùng kín.

Những triệu chứng của đái tháo đường thai kỳ thường khó để tự phát hiện do dễ nhầm với nghén bầu. Vì vậy các mẹ bầu cần chú ý theo dõi sức khỏe của mình và đi khám khi thấy bất thường.

4, Tiểu đường thai kỳ nguy hiểm như thế nào với mẹ và bé?

4.1. Ảnh hưởng tới mẹ

Tiểu đường thai kỳ mang lại nhiều biến chứng và làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa cho mẹ bầu so với những sản phụ khác. Có thể kể đến một số biến chứng như:

  • Tăng huyết áp: Những người bị tiểu đường thai kỳ rất dễ bị tăng huyết áp. Trong thai kỳ, khi huyết áp tăng cao có thể dẫn đến những biến chứng như sản giật, tiền sản giật, tai biến mạch máu não ở mẹ; chậm phát triển của thai nhi, sinh non và chết lưu ở con. Cần theo dõi huyết áp, cân nặng, xét nghiệm nước tiểu thường xuyên qua mỗi lần khám thai cho các thai phụ bị tiểu đường.
  • Sinh non: Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ sinh non so với các mẹ bầu khác do các nguyên nhân như tăng huyết áp, tiền sản giật, glucose không được kiểm soát. Ngoài ra tiểu đường thai kỳ còn có thể dẫn đến tình trạng đa ối. Khi dịch ối nhiều cũng khiến sản phụ có nguy cơ cao sinh non.
  • Sảy thai, lưu thai: Tiểu đường thai kỳ có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sảy thai nhiều lần. Vì vậy các mẹ bầu có tiền sử sảy, lưu thai nhiều lần không rõ nguyên nhân nên được lưu ý kiểm tra glucose huyết để tầm soát trước khi mang thai lần sau.
  • Tăng nguy cơ bị đái tháo đường typ 2 sau sinh: Các sản phụ bị đái tháo đường thai kỳ có thể bị đái tháo đường typ 2 với tỷ lệ 30% đến 60% trong vòng 5 đến 10 năm.
  • Ngoài ra, tiểu đường thai kỳ còn dễ dẫn đến nhiễm khuẩn niệu nếu không được kiểm soát tốt đường huyết và làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường trong lần mang thai sau. Tiểu đường thai kỳ cũng làm mẹ bầu dễ bị béo phì, tăng cân hơn nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý.

4.2. Ảnh hưởng tới với bé

Mẹ bị tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng tới bé như thế nào?
Mẹ bị tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng tới bé như thế nào?

Bên cạnh những ảnh hưởng tới mẹ, ảnh hưởng tới thai nhi cũng rất cần được chú ý và quan tâm. Một số ảnh hưởng của bệnh tiểu đường thai kỳ lên thai nhi có thể là:

  • Thai to: Trong thời kỳ mang thai, khi mẹ bị tăng đường huyết thì thai nhi cũng sẽ gặp phải tình trạng này. Khi ấy cơ thể trẻ cũng sẽ tiết Insulin để hấp thu và dự trữ đường trong cơ thể dưới dạng chất béo dẫn đến tình trạng thai nhi phát triển và tăng cân quá mức. Khi thai nhi quá to có thể làm trẻ bị gãy xương đòn hoặc kẹt vai lúc sinh. Khi đó sẽ cần can thiệp các thủ thuật để sinh hoặc mẹ sẽ phải mổ lấy thai vì thai quá to không sinh thường được.
  • Hạ đường huyết: Sau sinh, đường huyết của trẻ không còn bị ảnh hưởng bởi mẹ nhưng lượng Insulin trong cơ thể trẻ vẫn còn. Ngoài ra, khi mới sinh gan còn chưa thực sự bắt đầu hoạt động sẽ đáp ứng kém với glucagon (hormone giúp chuyển hóa glycogen dự trữ ở gan thành glucose khi cơ thể cần). Dưới tác động của Insulin và sự đáp ứng kém của gan sẽ dẫn đến tình trạng hạ đường huyết ở trẻ.
  • Ảnh hưởng đến quá trình phát các cơ quan của trẻ như gan, phổi.
  • Ngoài ra, còn làm tăng nguy cơ khiến trẻ bị bệnh đa hồng cầu, vàng da sơ sinh, suy hô hấp và có thể tử vong trong quá trình chu sinh.
  • Về lâu dài, tiểu đường thai kỳ ở mẹ còn làm gia tăng tần suất béo phì, mắc tiểu đường tuýp 2 sớm ở trẻ.

5, Làm thế nào biết mình có bị tiểu đường thai kỳ? Cách theo dõi chỉ số đường huyết?

Để muốn biết mình có bị tiểu đường thai kỳ hay không, các thai phụ cần theo dõi và xét nghiệm đường huyết mỗi lần đi khám thai định kỳ. Trong lần khám đầu tiên, khi phát hiện thấy đường máu của thai phụ có dấu hiệu cao, các bác sĩ sẽ hẹn thai phụ tái khám sau 3 ngày hoặc 1 tuần để thực hiện các xét nghiệm cụ thể giúp chẩn đoán chính xác bệnh. Phương pháp hay được sử dụng là nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống. Ngoài ra phương pháp này cũng sẽ được thực hiện vào khoảng tuần 24 đến 28 của thai kỳ. Với những thai phụ có nguy cơ cao hay xét nghiệm thấy chỉ số glucose bất thường thì có thể được thực hiện sớm hơn.

Có nhiều cách thực hiện và tiêu chuẩn khác nhau cho nghiệm pháp này nhưng hiện nay, nghiệm pháp dung nạp glucose 75 gam – 2 giờ đang được khuyến cáo sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và trên thế giới.

Các bước thực hiện được tiến hành như sau:

Thai phụ được lấy máu tĩnh mạch lúc đói (thường sẽ làm vào buổi sáng và yêu cầu nhịn ăn). Sau đó được cho uống cốc nước chứa 75g glucose. Tiến hành đo đường huyết sau 1 giờ và sau 2 giờ uống. Nếu có 1 trong 3 chỉ số cao hơn 5.1 mmol/l khi đói, 10 mmol/l sau 1 giờ và 8.5 mmol/l sau 2 giờ thì được chẩn đoán là đái tháo đường. Bà bầu sẽ được các bác sĩ tư vấn, dặn dò tùy vào tình trạng đường huyết của mình.

Đối với những thai phụ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ hoặc những người có yếu tố nguy cơ cao thì cần phải theo dõi đường huyết thường xuyên hơn. Bạn có thể sử dụng máy đo đường huyết tại nhà, để có thể tiện cho việc kiểm tra.

Nếu đường huyết chưa ổn định thì bà bầu cần kiểm tra khoảng 4 lần/ ngày. Thường sẽ kiểm tra trước bữa sáng, khi đói và sau ăn các bữa trưa và tối khoảng 2 tiếng. Hoặc có thể kiểm tra bất cứ khi nào nếu cảm thấy mệt hoặc có biểu hiện hạ đường huyết. Chỉ số an toàn khi đường huyết lúc đói thấp hơn 100 mg/dl, đường huyết sau ăn 2 giờ thấp hơn 120 mg/dl.

Khi cảm thấy chỉ số đường huyết của mình đã ổn định thì bà bầu có thể giảm dần tần suất kiểm tra hàng ngày. Lưu ý sau khi kiểm tra nên ghi nhớ hoặc ghi chép lại và mang theo khi đi khám bệnh.

Bên cạnh việc theo dõi đường huyết của mẹ thì việc theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng rất quan trọng. Các bác sĩ cần theo dõi sự phát triển và cân nặng của thai nhi, số lượng nước ối qua siêu âm để có thể tiên lượng được cuộc đẻ, cân nhắc sinh thường hay sinh mổ trong những trường hợp cần thiết.

Cách theo dõi đường huyết tại nhà cho bà bầu
Cách theo dõi đường huyết tại nhà cho bà bầu

6, Bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Cách chăm sóc mẹ bầu bị tiểu đường

Để đảm bảo tốt sức khỏe cho mẹ bầu cần theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên. Bạn cần tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, thực hiện theo dõi đều đặn hằng ngày như hướng dẫn ở trên. Trong trường hợp chỉ số đường huyết lên cao cần phải chú ý chế độ ăn gần đây, thay đổi chế độ ăn nếu cảm thấy cần thiết. Sau khi đã điều chỉnh lại chế độ ăn nhớ kiểm tra lại đường huyết. Nếu đường huyết quay về mức ổn định thì duy trì chế độ ăn đó, nếu không bà bầu nên đi khám bác sĩ để được tư vấn.

Bên cạnh đó, một chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng là rất cần thiết cho thai phụ vì sẽ giúp thai nhi hấp thu các chất và phát triển tốt. Mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ cũng cần được bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nhưng chúng ta nên bổ sung theo cách nào để có thể giữ được mức đường huyết an toàn cho mẹ và bé? Dưới đây là một số gợi ý cho các bạn:

Thay đổi số lượng bữa ăn trong ngày: Mẹ bầu nên chia thức ăn làm nhiều bữa ăn nhỏ, thay vì chỉ ăn chủ yếu vào 3 bữa chính. Mỗi lần ăn một lượng thức ăn vừa đủ sẽ giúp cho mẹ bầu no lâu và lượng đường trong cơ thể được duy trì ở mức ổn định hơn, không lo sợ tình trạng đường huyết tăng quá cao hay quá thấp khi đói hoặc dùng thuốc.

Thành phần dinh dưỡng trong bữa ăn phải được đảm bảo:

  • Mẹ bầu cần lưu ý đến lượng carbohydrate nạp vào trong cơ thể vì khi chuyển hóa các chất này sẽ tạo ra glucose, làm tăng đường huyết trong máu. Carbohydrate có chủ yếu trong tinh bột như cơm, xôi,… nên mẹ bầu cần giảm lượng cơm trong các bữa ăn. Hoặc có thể ăn khi cơm đã nguội để giảm bớt khả năng hấp thu đường. Ngoài ra mẹ bầu cũng có thể thay thế bằng các sản phẩm như: gạo lứt, gạo mầm, khoai, bánh mì nguyên hạt, ngô… Những sản phẩm này chứa ít tinh bột hơn nên bạn vẫn có thể ăn theo nhu cầu bản thân mà không sợ nạp vào cơ thể quá nhiều đường. Ngoài ra những thực phẩm này còn có nhiều chất xơ sẽ giúp bạn không bị táo bón. Mẹ bầu cũng cần hạn chế các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate mà ít giá trị dinh dưỡng như bánh kẹo ngọt và nước có ga, chè, các đồ ăn vặt.
  • Cần bổ sung đầy đủ protein cho cơ thể do protein là nguyên liệu cần thiết cho sự phát triển của trẻ và đảm bảo cung cấp năng lượng cho cơ thể để ổn định đường huyết. Các thực phẩm giàu protein như thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng,… Sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, cung cấp nhiều protein tuy nhiên sữa cũng chứa nhiều carbohydrate, nên cần chú ý khi uống. Hoặc mẹ bầu có thể lựa chọn những dòng sữa không đường, đã tách béo.
  • Bà bầu cũng đừng quên bổ sung chất béo cho cơ thể. Nên bổ sung các loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật như dầu thực vật, dầu olive, dầu lạc, bơ… Đây là những chất béo không bão hòa, giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm lượng cholesterol. Hạn chế các chất béo có nguồn gốc từ động vật.
  • Bổ sung rau củ quả, trái cây, ngũ cốc.. cho mẹ bầu, để cung cấp chất xơ cho cơ thể.
  • Bổ sung đầy đủ các vitamin và chất khoáng, đặc biệt là canxi và sắt. Nhu cầu canxi và sắt sẽ tăng cao trong suốt thai kỳ, vì vậy cần bổ sung các sản phẩm giàu can xin như hải sản, sữa, phomai.. các thực phẩm nhiều sắt như thịt đỏ, cá,… Hoặc bạn có thể bổ sung bằng các thực phẩm chức năng nếu cần thiết.
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày và tránh xa các chất kích thích như các loại nước ngọt, bia rượu, cà phê…

Ngoài một chế độ ăn hợp lý thì mẹ bầu cần kết hợp luyện tập thể dục để có một cơ thể khỏe mạnh:

  • Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày sẽ giúp cơ thể bạn khỏe mạnh, dẻo dai và đặc biệt sẽ giúp cơ thể kiểm soát tốt được lượng đường trong máu bằng cách đốt cháy cacbohyđrat để tạo calo, duy trì hoạt động.
  • Bạn nên duy trì vận động ở mức độ trung bình, duy trì nhịp thở và nhịp tim đều đặn. Các hoạt động có thể kể đến như đi bộ hằng ngày, leo cầu thang thay vì đi thang máy, làm việc nhà… Nếu có thể bạn có thể thử bơi lội khoảng 30 phút đến 1 tiếng mỗi ngày. Bơi lội sẽ giúp làm giảm sức nặng của thai, giúp mẹ bầu thư giãn và dễ sinh hơn.

Ngoài ra giữ cho mẹ bầu ở trạng thái tâm lý thoải mái, tránh gặp nhiều stress và áp lực cũng là một điều cần thiết. Người chồng và người thân nên thường xuyên tâm sự và chia sẻ cùng với bà bầu.

Bà bầu có thể tập những động tác đơn giản để kiểm soát lượng đường huyết trong cơ thể tốt hơn
Bà bầu có thể tập những động tác đơn giản để kiểm soát lượng đường huyết trong cơ thể tốt hơn

7, Dự phòng đái tháo đường thai kỳ như thế nào? Khi nào bà bầu cần đến gặp bác sĩ?

Để dự phòng tốt đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu cần khám thai thường xuyên và đúng lịch. Với những mẹ bầu có nguy cơ cao thì cần kiểm soát chế độ ăn từ những tháng đầu. Bình thường các bác sĩ sẽ thực hiện test tiểu đường với các bà bầu từ tuần 24 đến tuần 28 vì đây là thời gian bắt đầu có sự rối loạn dung nạp glucose trong thai kỳ. Tuy nhiên nếu mẹ bầu thấy xuất hiện các triệu chứng ăn nhiều, khát nhiều, đái nhiều, đói nhiều, đi kèm với mệt mỏi và sụt cân thì có thể đi khám sớm.

Quá trình quá thai rất quan trọng với mẹ và sự phát triển của bé. Vì vậy nếu thấy bất cứ điều gì bất thường, làm mẹ bầu không yên tâm, mẹ bầu đều có thể tìm đến bác sĩ. Để được thăm khám, tư vấn kịp thời. Tránh để những tình huống không mong muốn được xảy ra.

8, Một số câu hỏi thường gặp

8.1. Tiểu đường thai kỳ được điều trị như thế nào?

Đối với các mẹ bầu khi đã được chẩn đoán là tiểu đường thai kỳ thì sẽ được điều trị bằng cách hướng dẫn thay đổi chế độ ăn và sinh hoạt lành mạnh. Đồng thời các bạn sẽ được hướng dẫn theo dõi đường huyết hằng ngày. Ngoài ra các bác sĩ sẽ theo dõi sự phát triển của con và tình trạng sức khỏe của mẹ, để đảm bảo trẻ vẫn phát triển tốt và ổn định trong bụng mẹ.

Trong trường hợp thay đổi chế độ ăn kết hợp vận động nhẹ nhàng mà không kiểm soát được lượng đường huyết thì mẹ bầu sẽ được cân nhắc việc sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ. Thuốc thường được dùng là Insulin đường tiêm vì thuốc cho tác dụng nhanh và không gây ảnh hưởng tới phụ nữ đang mang thai.

8.2. Tiểu đường thai kỳ có khỏi không?

Tiểu đường thai kỳ sẽ hết sau khi sinh con. Nhưng có đến 30% đến 60% tỷ lệ các bà bầu tiến triển thành đái tháo đường typ2 trong vòng 5 đến 10 năm sau sinh. Vì vậy sau sinh, các mẹ bầu cần duy trì chế độ ăn và luyện tập hợp lý: Ăn giảm tinh bột, ăn nhiều rau xanh và protein, duy trì thói quen tập thể dục 30 phút mỗi ngày. Bạn cũng cần tiếp tục theo dõi sức khỏe định kỳ sau sinh theo lịch hẹn của bác sĩ để theo dõi lượng đường huyết và phát hiện sớm nếu có bất thường.

8.3. Tiểu đường thai kỳ có cho con bú được không?

Sữa mẹ rất tốt và cần thiết cho sự phát triển của trẻ nhỏ, đặc biệt là với những trẻ có mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Những trẻ có mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ tăng nguy cơ bị béo phì. Bú sữa mẹ không chỉ giúp trẻ được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng mà còn giảm nguy cơ béo phì khi trưởng thành. Khi trẻ được sinh ra thì tình trạng đường huyết của mẹ không còn ảnh hưởng đến trẻ. Vì vậy mẹ đừng lo sữa mẹ sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ.

8.4. Làm test tiểu đường từ tuần bao nhiêu?

Bà bầu được làm test tiểu đường từ tuần bao nhiêu?
Bà bầu được làm test tiểu đường từ tuần bao nhiêu?

Với những thai phụ không có yếu tố nguy cơ sẽ được hướng dẫn kiểm tra khi thai được 24 đến 28 tuần do tiểu đường thai kỳ thường bắt đầu xuất hiện vào 3 tháng cuối thai kỳ, khi thai nhi đã to và hoạt động của rau thai đã ổn định.

Với những thai phụ có yếu tố nguy cơ cao các bác sĩ có thể cho làm xét nghiệm từ cuối tháng thứ 3 của thai kỳ. Và khi trẻ được 24 đến 28 tuần tuổi, bà bầu sẽ được chỉ định xét nghiệm lại một lần nữa. Nếu các chỉ số ổn định trong giới hạn sẽ không cần thực hiện lại xét nghiệm.

8.5. Tiểu đường thai kỳ có sinh thường được không?

Tiểu đường thai kỳ không ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ định sinh thường hay sinh mổ. Nếu mẹ bầu đảm bảo được sức khỏe tốt, không có cản trở nào đường thoát của thai nhi, thai nhi phát triển tốt, thai không quá to (Thai < 4kg) thì vẫn có thể sinh thường. Trong trường hợp thai nhi to trên 4kg, tình trạng sức khỏe của mẹ hoặc con không ổn định thì sẽ được chỉ định mổ lấy thai.

Con của những mẹ bị tiểu đường thai kỳ thường có to và có cân nặng trên 4kg. Khi ấy nếu cố chấp sinh thường có thể khiến trẻ có thể bị kẹt vai, gãy xương đòn khi chui qua âm đạo và phải can thiệp các thủ thuật sản khoa để đưa trẻ ra ngoài. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này.

Trên đây là một số thông tin về tiểu đường thai kỳ. Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về đái tháo đường thai kỳ và mức độ nguy hiểm của bệnh, từ đó có được cách chăm sóc và dự phòng tốt nhất cho cả mẹ và bé.

Xem thêm:

Đau ngực khi mang thai là gì và kéo dài bao lâu? Một số cách giảm đau

Thai ngoài tử cung là gì, có nguy hiểm không? Dấu hiệu nhận biết

BÌNH LUẬN
Vui lòng nhập bình luận của bạn